Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
2.2. KHÁI NIỆM, CÁC YẾU TỐ CẤU THÀNH VÀ VAI TRÒ CỦA CƠ CHẾ PHÁP LÝ GIÁM SÁT THỰC HIỆN CÁC QUY ĐỊNH CỦA HIẾN PHÁP VỀ BẢO
2.2.1. Khái niệm cơ chế pháp lý giám sát thực hiện các quy định của Hiến pháp về bảo đảm quyền con người
"Cơ chế" là một thuật ngữ chuyển ngữ của từ mécanisme của phương Tây.
Từ điển Le Petit Larousse (1999) giảng nghĩa "mécanisme" là "cách thức hoạt động của một tập hợp các yếu tố phụ thuộc vào nhau". Từ "cơ chế" được dùng rộng rãi trong lĩnh vực quản lý từ khoảng cuối những năm 1970, khi những nghiên cứu về quản lý và cải tiến quản lý kinh tế được bắt đầu thực hiện, với nghĩa như là những
qui định về quản lý. Cách hiểu đơn giản này dẫn tới cách hiểu tách rời cơ chế với con người. Theo Từ điển Black's Law Dictionary (tái bản lần thứ 10 năm 2014), cơ chế (mechanism) là các thành phần, yếu tố, hoặc bộ phận có liên quan cho phép một cỗ máy, quá trình hoặc hệ thống vận hành nhằm đạt được kết quả mong muốn.
Còn Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học 1996) giảng nghĩa cơ chế là
"cách thức theo đó một quá trình thực hiện" [93, tr.214]. Theo Đại từ điển tiếng Việt thì cơ chế là cách thức, sắp xếp tổ chức để làm đường hướng, cơ sở theo đó mà thực hiện [95, tr.463]. Từ điển Hán Việt online giải thích cơ chế là sự vận hành, sự hoạt động [82]. Còn theo Phạm Ngọc Quang, cơ chế là khái niệm dùng để chỉ một chuỗi những khâu liên kết với nhau theo một logic nhất định nhờ vậy mục tiêu được thực hiện. Một cách hiểu cụ thể hơn, cho rằng cơ chế là cấu trúc của một chỉnh thể bao gồm nhiều bộ phận khác nhau hợp thành, có mối liên hệ mật thiết với nhau và phương thức vận hành hay hoạt động của chỉnh thể đó, tức là sự tương tác giữa các bộ phận trong cấu trúc của chỉnh thể, theo những nguyên tắc và quá trình xác định nhằm đạt được một kết quả nhất định [34, tr.24]. Một cách tiếp cận khác khi nghiên cứu cơ chế đó là hiểu thuật ngữ này theo nghĩa là một bộ máy bao gồm các cơ quan, tổ chức và việc sắp xếp bộ máy [36, tr.111] để vận hành đạt một mục tiêu nhất định.
Tóm lại, có thể hiểu, cơ chế bao gồm các yếu tố bên trong và bên ngoài cùng vận hành nhằm điều chỉnh sự vận động tương tác giữa các bộ phận, được thiết lập một cách khoa học nhằm đạt được các mục tiêu chung. Như vậy, có hai yếu tố tạo thành cơ chế, đó là yếu tố tổ chức (cơ cấu) và yếu tố hoạt động (vận hành). Yếu tố tổ chức đề cập đến các thành viên (chủ thể) tham gia, cách thức hình thành (cơ cấu) và tổ chức hệ thống nội tại. Yếu tố hoạt động thể hiện mối quan hệ tác động qua lại giữa các thành viên (sự phân công và hợp tác giữa các thành viên) trong quá trình thực hiện chức năng và nhiệm vụ của tổ chức; nguyên tắc vận hành của cơ chế và nội dung hoạt động của nó. Cơ chế là một quá trình, một hệ thống, là tổng thể các yếu tố bộ phận bên trong có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, tạo nên sự hoạt động của sự vật, hiện tượng và được biểu hiện ra bên ngoài bằng những hình thức nhất định.
Trong khoa học xã hội, "cơ chế" là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học. Dù với lĩnh vực gì, việc nghiên cứu cơ chế nhằm tìm hiểu sự vật, hiện tượng, quá trình trong trạng thái động, nghiên cứu sự tác động của con người bằng các hình thức, công cụ, phương thức khác nhau lên các quá trình đó, trên cơ sở nhận
thức đúng đắn các quy luật vận động, phát triển của chúng, định hướng quá trình phát triển theo những mục tiêu, phù hợp với những điều kiện lịch sử cụ thể nhất định [5].
Trong khoa học luật học, khái niệm cơ chế được dùng trong các thuật ngữ:
"cơ chế điều chỉnh pháp luật", "cơ chế áp dụng pháp luật" "cơ chế thực hiện pháp luật", "cơ chế pháp lý"… Trong tiếng Anh, pháp lý (legal) được coi là quy định, sự đặt ra luật lệ. Thuật ngữ này được hiểu trong tiếng Nga là tổng hợp những chuẩn mực pháp lý trong lĩnh vực nào đó của các quan hệ xã hội, các hình thức khác nhau của cấu trúc xã hội. Như vậy, có thể hiểu pháp lý là những nguyên tắc, những quy định và luật lệ điều chỉnh các quan hệ xã hội. Nguyên tắc là các quan điểm, định hướng chỉ đạo có tính chất bắt buộc đối với cá nhân, tổ chức và hệ thống tổ chức phải làm theo. Đó là những quy phạm pháp luật lớn, phạm vi điều chỉnh rộng cả về không gian và thời gian. Nó có tính vĩnh cửu, trường tồn hơn bất cứ một quy phạm pháp luật cụ thể khác [21].
Trong công trình nghiên cứu về CCPL nhân dân kiểm soát quyền lực Nhà nước của Nguyễn Quang Anh, tác giả cho rằng CCPL: (1) Là tổng thể các yếu tố, bộ phận cấu thành hay hợp thành; (2) Các bộ phận trong cơ chế có mối quan hệ, tác động lẫn nhau, hướng đích; (3) Cơ chế hoạt động theo các nguyên tắc, qui trình do luật quy định;
(4) Thiếu một bộ phận thì cơ chế hoạt động không đồng bộ, kém hiệu quả... [5]. Theo đó, CCPL được hiểu là tổng thể của nhiều yếu tố có quan hệ tác động qua lại mật thiết với nhau, bao gồm các yếu tố thể chế, thiết chế và các bảo đảm để thực hiện một chức năng hoặc một nhiệm vụ nào đó trong quản trị nhà nước và xã hội [5].
Tác giả Trương Thị Hồng Hà nghiên cứu về CCPL đảm bảo chức năng giám sát của Quốc hội đề cập CCPL với bốn yếu tố cấu thành: (1) Những quy định pháp luật về hoạt động giám sát của Quốc hội; (2) Hình thức pháp lý về hoạt động giám sát của Quốc hội; (3) Phương pháp và thủ tục pháp lý về hoạt động giám sát của Quốc hội và (4) Hậu quả pháp lý của hoạt động giám sát của Quốc hội.
Như vậy, theo các công trình nghiên cứu, có hai hướng nghiên cứu các yếu tố trong CCPL. Xu hướng thứ nhất phân tích CCPL bao gồm ba yếu tố hợp thành:
Thể chế, thiết chế và phương thức bảo đảm. Xu hướng thứ hai nghiên cứu CCPL bao gồm bốn yếu tố: quy định pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các chủ thể trong cơ chế; hình thức, phương pháp pháp lý; trình tự, thủ tục và hậu quả pháp lý của một hoạt động nhằm thực hiện một mục tiêu cụ thể. Về bản chất, hai hướng nghiên cứu này vẫn xác định CCPL là hệ thống các yếu tố pháp lý, quy phạm
pháp luật và phương tiện pháp lý khác hợp thành, có quan hệ qua lại mật thiết với nhau theo một trình tự nhất định nhằm điều chỉnh, tác động đến một đối tượng hay quan hệ xã hội để đạt được hiệu quả pháp lý nhất định [89, tr.40]. Tổng thể các hình thức, phương tiện và thủ tục pháp lý có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, vận hành trong một chỉnh thể đồng bộ, thống nhất nhằm thực hiện một chức năng nhất định.
Từ sự phân tích khái niệm CCPL, có thể nghiên cứu khái niệm CCPL GSTH các quy định của Hiến pháp về BĐQCN dựa trên những lập luận sau:
Thứ nhất, CCPL GSTH các quy định của Hiến pháp về BĐQCN bao gồm một chỉnh thể các quy phạm pháp luật về GSTH các quy định của Hiến pháp về BĐQCN, trong đó quy định rõ chức năng giám sát, thẩm quyền của các chủ thể giám sát. Pháp luật GSTH các quy định của Hiến pháp về BĐQCN quy định hình thức, phương pháp giám sát, trình tự thủ tục, phạm vi và mục đích giám sát tạo thành một thể thống nhất, hoàn chỉnh, quy định sự phối kết hợp giữa các chủ thể giám sát.
Thứ hai, CCPL GSTH các quy định của Hiến pháp về BĐQCN thể hiện mối liên hệ chặt chẽ giữa các chủ thể giám sát, thể hiện sự tổng hợp của nhiều hoạt động giám sát. Các chủ thể này cùng chung một mục đích là giám sát việc thực hiện các quy định của Hiến pháp về BĐQCN tuy chức năng, quyền hạn, trình tự, thủ tục và phương pháp giám sát không giống nhau. Chính bởi chung mục đích như vậy, nên các chủ thể này cần phải phối kết hợp, liên hệ chặt chẽ với nhau theo một trình tự, thủ tục nhất định.
Thứ ba, tính liên hệ chặt chẽ của các yếu tố cấu thành CCPL GSTH các quy định của Hiến pháp về BĐQCN. Các yếu tố này hoạt động đồng bộ, theo một trình tự, thủ tục chặt chẽ tạo thành một chỉnh thể thống nhất. Tuy nhiên, có thể thấy những quy định pháp luật về GSTH các quy định của Hiến pháp về BĐQCN chỉ có thể được thực hiện tốt nếu có hình thức và phương pháp giám sát hiệu quả, theo một trình tự, thủ tục pháp lý nhất định. Tương tự như vậy với yếu tố hậu quả pháp lý của cơ chế. Nếu chỉ được quy định trong các điều khoản của pháp luật, không được các chủ thể vận dụng trong thực tiễn thì các điều khoản này trở nên hình thức, vô nghĩa.
Rõ ràng rằng, các yếu tố có mối liên hệ, tác động lẫn nhau. Yếu tố này làm tiền đề cho yếu tố kia hoạt động, có tác động tích cực hoặc tiêu cực tới các yếu tố khác.
Thứ tư, tính hợp pháp của CCPL GSTH các quy định của Hiến pháp về BĐQCN. Cơ chế đó phải có cơ sở pháp lý để tổ chức, vận hành và hoạt động. Đó là các quy định của pháp luật về thẩm quyền của các chủ thể trong việc GSTH các quy định của Hiến pháp về BĐQCN cũng như quy định sự liên kết, phối hợp giữa các
chủ thể đó. Thông qua hành lang pháp lý, các chủ thể phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật nhằm đảm bảo hiệu lực giám sát.
Thứ năm, CCPL GSTH Hiến pháp về BĐQCN có những đặc điểm của một cơ chế nói chung, đó là: (1) Được hình thành bởi nhiều yếu tố khác nhau; (2) Các yếu tố tạo thành CCPL GSTH Hiến pháp về BĐQCN có quan hệ hữu cơ, tác động lẫn nhau và hợp thành một thể thống nhất; (3) Để đạt mục tiêu đã đặt ra, thì sự vận hành của CCPLGSTHHP phải được thực hiện trên cơ sở các nguyên tắc, quy trình xác định.
Từ sự phân tích trên, CCPL GSTH Hiến pháp về BĐQCN có thể được định nghĩa như sau:
Cơ chế pháp lý GSTH các quy định của Hiến pháp về BĐQCN là tổng thể các yếu tố có mối quan hệ mật thiết với nhau, bao gồm các quy định về chức năng, thẩm quyền của các chủ thể tham gia giám sát thực hiện các quy định của Hiến pháp về BĐQCN, hình thức, phương pháp, trình tự, thủ tục và hậu quả pháp lý, vận hành theo những nguyên tắc nhất định, làm cho hoạt động GSTH hiến pháp về bảo đảm QCN được thực hiện theo đúng pháp luật, ngăn ngừa sự lạm dụng quyền lực, hạn chế và vi phạm QCN, góp phần bảo đảm sự tôn trọng, bảo vệ và thực hiện QCN trong thực tiễn.