Khái quát địa bàn nghiên cứu

Một phần của tài liệu Hôn nhân của người Tày ở vùng biên giới huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng (Trang 41 - 47)

CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ THUYẾT, KHÁI QUÁT VỀ TỘC NGƯỜI VÀ ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU

1.3. Khái quát địa bàn nghiên cứu

Phục Hòa là tên gọi có từ xa xưa, gắn với thành Phục Hòa, nay là trung tâm chợ Phục Hòa. Thành Phục Hòa tương truyền được xây cùng thời với thành Nà Lữ (Hòa An), thành Đại La (Hà Nội) và thành Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn), khoảng năm 864. Vào thời kỳ đầu của nhà Nguyễn, Gia Long (1802) tỉnh Cao Bằng lúc này được phân thành 4 châu gồm: Thạch Lâm, Quảng Uyên, Thượng Lang và Hạ Lang với 27 tổng, 233 xã, thôn, phường, phố, trại, động. Phục Hòa là một trong 14 tổng thuộc Châu Thạch Lâm và được chia thành 11 xã nhỏ, trong đó có xã Phục Hòa. Xã Cách Linh thuộc huyện Phục Hòa ngày nay khi đó thuộc Cách Linh. Đến năm 1835, Minh Mệnh thứ 16, Châu Thạch Lâm lại chia thành Thạch Lâm và Thạch An.

Đến thời vua Tự Đức (1848-1883), tỉnh Cao Bằng có một phủ Trùng Khánh và 5 huyện: Thạch Lâm, Thạch An, Quảng Uyên, Thượng Lang và Hạ Lang. Đến thời Đồng Khánh (1886-1888), tổng Phục Hòa thuộc huyện Thạch

35

An với 6 xã, phố, trại là: xã Phục Hòa, xã Bút Phong, xã Xuân Quang, xã Tiên Giao, phố Bằng Lâu và trại Can Kham [100, tr. 663].

Đến những năm 20 của thế kỷ XX, tỉnh Cao Bằng gồm 1 phủ Hòa An, 8 châu (Bảo Lạc, Hà Quảng, Hạ Lang, Nguyên Bình, Phục Hòa, Quảng Uyên, Thạch An và Thượng Lang) và 33 tổng. Trong đó châu Phục Hòa gồm 2 tổng:

Phục Hòa (9 xã) và Cách Linh (8 xã).

Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, châu Phục Hòa đổi thành huyện Phục Hòa, gồm các xã: Hồng Đại, Triệu Ẩu, Cách Linh, Lương Thiện, Tiên Thành, Đà Sơn, Đại Tiến, Mỹ Hưng và Tà Lùng.

Do nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng và theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, tháng 5/1967, hai huyện Phục Hòa và Quảng Uyên được sáp nhập thành một đơn vị hành chính gọi là Quảng Hòa. Đến ngày 13/12/2001, Chính phủ có Nghị định số 96/2001/NĐ-CP về việc chia huyện Quảng Hòa tỉnh Cao Bằng thành hai huyện Phục Hòa và Quảng Uyên. Lúc này huyện Phục Hòa có 8 xã và 1 thị trấn cửa khẩu.

Ngày 13/12/2007, Chính phủ có Nghị định số 183/2007/NĐ-CP thành lập thị trấn Hòa Thuận thuộc huyện Phục Hòa trên cơ sở toàn bộ diện tích và nhân khẩu của xã Hòa Thuận.

Hiện nay, huyện có 9 đơn vị hành chính, gồm 7 xã và 2 thị trấn, trong đó có 4 xã và 2 thị trấn có có ranh giới là đường biên giới quốc gia giáp với huyện Long Châu, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, với tổng chiều dài đường biên giới là 21km. Các địa bàn thuộc vùng biên giới gồm: thị trấn Tà Lùng, Hòa Thuận và các xã Triệu Ẩu, Cách Linh, Đại Sơn, Mỹ Hưng là địa bàn nghiên cứu của luận án này.

1.3.2. Điều kiện tự nhiên huyện Phục Hòa

Huyện Phục Hòa có diện tích tự nhiên là 251,1284 km2, nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Cao Bằng, phía Bắc giáp huyện Quảng Uyên; phía Đông

36

giáp huyện Hạ Lang và Trung Quốc; phía Tây Nam giáp huyện Thạch An, Hòa An, là điểm cuối của quốc lộ 3, giao thông đi lại thuận lợi. Địa hình huyện Phục Hòa chia thành 3 khu vực tương đối rõ nét, gồm địa hình núi đá, địa hình núi đất và địa hình đồi núi thấp. Ở các vùng núi có địa hình phức tạp, bao gồm các dãy núi đá vôi, với các đỉnh nhọn như tai mèo, gồ ghề lởm chởm. Ở các vùng núi thấp, đất đồi có địa hình lượn sóng hoặc bậc thang do quá trình cải tạo, khai phá của con người. Dưới chân những dãy núi là những thung lũng, cánh đồng nhỏ, tương đối bằng phẳng, thuận tiện cho canh tác nông nghiệp. Đó là những cánh đồng lúa ở các bản thuộc trung tâm các xã như Tiên Thành, Tục Mỹ (Mỹ Hưng), Bản Riềng, Bản Pò (Cách Linh), Nà Suối (Hồng Đại), bản Chàm (trung tâm thị trấn Hòa Thuận), bản Co, Nà Lòa, Nà Vải (Triệu Ẩu)…

Ở huyện Phục Hòa, mỗi năm có bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông nhưng do ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa, vị trí nằm sâu trong lục địa nên sự phân định giữa các mùa không rõ rệt, cơ bản có hai mùa: mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa thường kéo dài từ tháng 5 tới tháng 9 hằng năm, nhiệt độ trung bình 25oc với khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều, có lúc gây ra lũ lụt. Mùa khô từ tháng 10 tới tháng 4 năm sau, nhiệt độ trung bình 12oc đến 15oc, có năm rét dưới 0oc, rét đậm, rét hại khiến vật nuôi chết hàng loạt.

Hệ thống sông ngòi của huyện tương đối phong phú với ba con sông lớn: sông Bằng Giang, sông Bắc Vọng và sông Vi Vọng, ngoài ra còn các nhánh nhỏ đi đều đến các xã và thị trấn. Các con sông đều bắt nguồn từ biên giới Việt - Trung, chảy trên địa bàn huyện Phục Hòa rồi chảy sang Trung Quốc, đồng thời trở thành ranh giới phân định đường biên giữa hai quốc gia.

Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện còn có rất nhiều các con suối, mạch nước ngầm bắt nguồn từ chân núi thuận tiện cho việc tưới tiêu như suối Cốc Lùng,

37

Khưa Nính (Đại Sơn), Khuổi Nuông (Cách Linh), Nặm Cáp, Khuổi Kheng (Triệu Ẩu)...

1.3.3. Giới thiệu các điểm nghiên cứu - Thị trấn Tà Lùng

Tà Lùng là thị trấn cửa khẩu, được thành lập vào năm 1999, phía Bắc và phía Tây giáp thị trấn Hòa Thuận (Phục Hòa), phía đông giáp Trung Quốc, phía nam giáp Trung Quốc và xã Mỹ Hưng. Thị trấn có 7 bản, trong đó, người Tày sống tập trung tại các bản: Pò Tập, Đỏng Lèng, Bó Pu và rải rác ở các bản khác. Người Nùng ở bản Phia Khoang có quan hệ thân tộc rất gần gũi với người Nùng ở bản Phùng bên kia biên giới Trung Quốc. Người Kinh mới đến sống ở Tà Lùng trong vài chục năm gần đây do sức hút của kinh tế cửa khẩu.

Nhờ có cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, một trong những đầu mối giao thương quan trọng với Trung Quốc, đời sống kinh tế của cư dân ở Tà Lùng khá giả và ổn định hơn so với các xã khác trong huyện, trong đó có trên 30%

số hộ làm dịch vụ, trên 60% số hộ còn lại thu nhập chủ yếu từ trồng mía. Tỉ lệ hộ nghèo vào năm 2015 chỉ còn trên 2%, so với mức bình quân 13,9% của cả huyện Phục Hòa.

- Thị trấn Hòa Thuận

Thị trấn Hòa Thuận được thành lập vào năm 2007, trên cơ sở diện tích tự nhiên của xã Hòa Thuận, phía bắc giáp với các xã Đại Sơn, Lương Thiện (Phục Hòa), phía nam giáp xã Mỹ Hưng và thị trấn Tà Lùng, phía tây giáp xã Mỹ Hưng, phía đông giáp xã Đại Sơn và Trung Quốc. Thị trấn có 15 bản, trong đó, người Tày sinh sống tập trung tại các bản: Bó Khoan, Phố Phục Hòa 1, Phố Phục Hòa 2, Pác Bó 1, Pác Bó 2.

Thị trấn Hòa Thuận là trung tâm hành chính của huyện Phục Hòa nên cư dân có điều kiện phát triển kinh tế theo hướng thương mại, dịch vụ. Hiện nay, thị trấn có 504 cơ sở và hộ gia đình hoạt động thương mại - dịch vụ và tiểu thủ

38

công nghiệp, chiếm 46,3% về cơ cấu kinh tế. Tỷ lệ hộ sản xuất nông nghiệp chiếm 53,7% về cơ cấu kinh tế của thị trấn. Bên cạnh đó, có nhiều người làm công chức nhà nước. Nhờ vậy, nhìn chung, đời sống kinh tế của người dân ở thị trấn Hòa Thuận tốt hơn so với thị trấn Tà Lùng và các xã khác trong huyện.

- Xã Triệu Ẩu

Xã Triệu Ẩu phía bắc giáp huyện Quảng Uyên và huyện Hạ Lang. Phía đông giáp huyện Hạ Lang và Trung Quốc, phía nam giáp xã Cách Linh, phía tây giáp xã Hồng Đại (Phục Hòa). Xã có 11 bản, hầu hết các bản là bản của người người Tày, gồm: bản Co, bản Sàng, bản Buống, bản Nà Nòa, bản Nà Sao, bản Roọng Phàng, bản Phia Chiếu, bản Tha Miang, bản Khuổi Khuông, bản Khún.

So với 6/9 xã, thị trấn khu vực biên giới của huyện Phục Hòa thì Triệu Ẩu được xếp vào xã đặc biệt khó khăn bởi nằm cách xa trung tâm huyện 22km, giao thông liên xã và liên huyện xuống cấp, nhiều đoạn là đường đất nên đi lại rất khó khăn, đặc biệt vào những ngày mưa gió. Cư dân trong xã chủ yếu làm nông nghiệp trồng mía, sắn, lúa và chăn nuôi. Có nhiều hộ có người đi qua biên giới làm thuê cho người Trung Quốc. Tuy nhiên, do vị trí tiếp giáp với Trung Quốc hẹp, việc đi lại khó khăn, nên để sang Trung Quốc, người dân thường đi sang huyện Hạ Lang, từ đó qua Trung Quốc.Tỉ lệ hộ nghèo của xã năm 2018 là 27,97%.

- Xã Cách Linh

Xã Cách Linh phía bắc giáp xã Đồng Đại và xã Triệu Ẩu (Phục Hòa), phía nam giáp xã Đại Sơn, phía tây giáp xã Đại Sơn và Hồng Đại, phía đông giáp với Trung Quốc. Xã có 18 bản, trong đó, người Tày sống tập trung tại các bản: Riềng Dưới, Bản Mển, Bó An. Mặc dù tiếp giáp với Trung Quốc qua sông Bắc Vọng nhưng do đường đi lại, vận chuyển khó khăn nên hoạt động

39

trao đổi buôn bán qua sông bằng đường tiểu ngạch ở xã Cách Linh không rầm rộ như ở xã Đại Sơn hay tại thị trấn Tà Lùng.

Cư dân chủ yếu làm nông nghiệp trồng mía, lúa và sắn và chăn nuôi. Tỉ lệ lao động nông nghiệp chiếm trên 90%. Ngoài ra, hầu hết các hộ có người đã và đang đi làm bốc vác hàng thuê cho các chủ thương lái qua đường tiểu ngạch hoặc sang Trung Quốc làm thuê. Năm 2017, xã đạt 10/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, các tiêu chí chưa đạt gồm: cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở dân cư, thu nhập, hộ nghèo, môi trường an toàn thực phẩm…Tỉ lệ hộ nghèo chiếm trên 30% và tỉ lệ hộ cận nghèo chiếm trên 44%.

- Xã Đại Sơn

Xã Đại Sơn phía bắc giáp với xã Cách Linh (Phục Hòa) và xã Hồng Quang (Quảng Uyên), phía nam giáp thị trấn Hòa Thuận, phía tây giáp thị trấn Hòa Thuận và xã Lương Thiện (Phục Hòa), phía đông giáp với Trung Quốc. Xã có 16 bản, trong đó, người Tày sống tập trung tại các bản: Bản Mày, Cốc Lùng vả rải rác ở các bản người Nùng khác.

Cư dân của xã Mỹ Hưng chủ yếu làm nông nghiệp trồng mía và chăn nuôi. Ngoài ra, hầu hết các hộ có người đã hoặc đang đi làm bốc vác vận chuyển hàng, chủ yếu là gạo, nông sản qua sông Bắc Vọng hoặc đi làm thuê ở bên Trung Quốc. Con sông này chảy qua các xã Cách Linh, Đại Sơn và thị trấn Tà Lùng, đồng thời là ranh giới phân định biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Có 2 điểm vận chuyển hàng qua sông nhiều nhất là tại xã Đại Sơn và thị trấn Tà Lùng. Năm 2017, xã đã thực hiện được 14/19 tiêu chí nông thôn mới, bê tông hóa được 13,75 km đường làng ngõ xóm… trong đó, các tiêu chí chưa đạt được có: cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở dân cư, thu nhập, hộ nghèo, môi trường an toàn thực phẩm. Nhìn chung, đời sống cư dân tốt hơn so với xã Mỹ Hưng, nhưng còn nhiều khó khăn.

- Xã Mỹ Hưng

40

Xã Mỹ Hưng phía bắc giáp thị trấn Hòa Thuận, xã Lương Thiện (Phục Hòa), phía nam giáp xã Đức Long và xã Thụy Hùng (huyện Thạch An). Phía tây giáp xã Tiên Thành (Phục Hòa), phía đông giáp thị trấn Hòa Thuận, thị trấn Tà Lùng và Trung Quốc. Xã có 17 bản, trong đó, người Tày cư trú tập trung tại các bản: Nà Thắm, Nà Cháo, Nà Riềng. Đặc biệt bản Nà Thắm là bản tiếp giáp đất liền với Trung Quốc, có lối mòn mà người dân trong xã và các xã trong huyện thường đi qua để sang Trung Quốc làm ăn hoặc trao đổi buôn bán.

Cư dân ở xã Mỹ Hưng chủ yếu làm nông nghiệp trồng mía, cung cấp mía nguyên liệu bán cho Công ty cổ phần Mía đường Cao Bằng hoặc bán cho thương lái Trung Quốc qua lối mòn ở bản Nà Thắm. Nhờ cây mía, đi làm thuê bên Trung Quốc…đời sống của người dân đã được cải thiện đáng kể so với trước đây nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Năm 2017, xã đã hoàn thành 10/19 tiêu chí nông thôn mới, nhưng khó hoàn thành các tiêu chí còn lại, đặc biệt ở lĩnh vực giáo dục và y tế do địa bàn của xã rộng mà chỉ có một trường học, cơ sở y tế xuống cấp, nguồn lực đầu tư xây dựng không có. Ngoài ra, các tiêu chí khác như nhà ở dân cư, thu nhập, hộ nghèo, môi trường an toàn thực phẩm cũng là những tiêu chí rất khó hoàn thành với tiềm lực của xã. Giao thông đi lại trong xã khó khăn, xuống cấp, nhiều con đường liên xóm hiện chỉ là đường đất.

Một phần của tài liệu Hôn nhân của người Tày ở vùng biên giới huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng (Trang 41 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(185 trang)