CHƯƠNG 4. NHỮNG YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN BIẾN ĐỔI, GIÁ TRỊ HÔN NHÂN VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA
4.3. Một số vấn đề đăt ra đối với hôn nhân vùng biên giới
Trong bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra nhanh chóng không loại trừ vùng biên, nơi dân cư trong khoảng hơn 15 năm về trước vốn sống tương đối khép kín. Sự phát triển, đa dạng về kinh tế cùng với văn hóa ngoại lai được mọi người, đặc biệt giới trẻ nhanh chóng hòa nhập nhằm thể hiện tính mới, tính thời đại mà quên đi giá trị bản sắc văn hóa tộc người.
Điều đó được phản ánh rõ nét trong hôn nhân. Nam nữ thanh niên thích mặc những trang phục theo mốt mới để được mọi người nhận xét là sành điệu, nhạc đám cưới được mở thật to với thể loại nhạc mạnh, tạo cảm giác kích động. Những thay đổi đó từng bước làm thay đổi hành vi ứng xử giữa mọi người với nhau, bằng hình thức xem nhẹ giá trị tôn ti trật tự được định hình xưa nay.
138
4.3.2. Các chiều hôn nhân phản ánh thiếu ổn định kinh tế vùng biên
Trong nhiều năm trở lại đây, các chiều hôn nhân như kết hôn với người Kinh ở các tỉnh miền xuôi đang dần trở lên phổ biến bởi nhiều nam nữ thanh niên sau khi tốt nghiệp phổ thông đi lao động tại các khu công nghiệp. Sự phát triển của kinh tế Trung Quốc cũng là lực hấp dẫn với một số cô gái mong có kinh tế tốt hơn, cuộc sống nhàn nhã hơn. Đây là tình trạng, xu hướng lao động việc làm hiện nay không chỉ ở vùng biên giới huyện Phục Hòa mà ở khắp các vùng quê ở Việt Nam khi lao động hướng về các khu công nghiệp. Tình trạng này cũng xuất hiện ở bên kia biên giới Trung Quốc khi nam nữ thanh niên phải có xu hướng đi làm tại các nhà máy, xí nghiệp tại thành phố lớn. Tuy nhiên, vùng biên giới có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ biên cương, lãnh thổ; vì vậy, cần có các chính sách bảo đảm việc làm và ổn định đời sống kinh tế cho người dân tại đây.
Theo chủ trương của Đảng và Nhà nước ta, chính quyền UBND huyện Phục Hòa đã có những định hướng phát triển kinh tế như chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, phát triển cây, con thế mạnh, đặc biệt cây mía theo hướng sản xuất hàng hóa.
Tuy nhiên, do nhiều yếu tố như thời tiết, người dân thiếu kiến thức về kỹ thuật canh tác, nuôi trồng nên cây trồng và vật nuôi còn bị dịch bệnh dẫn tới năng suất thu hoạch thấp. Dân số tăng, thiếu đất canh tác cũng là một vấn đề của cư dân tại đây.
Người dân thiếu việc làm, nhưng địa phương không tìm ra cách thức giải quyết, hỗ trợ. Đó là nguyên nhân dẫn tới tình trạng nhiều lao động vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê mà không khai báo, gây khó khăn cho chính quyền địa phương trong công tác quản lý việc làm. Số hộ nghèo ở vùng biên còn cao, nhưng tâm lý thoát nghèo thấp do trông chờ ỷ
139
lại vào sự hỗ trợ của chính quyền, các chương trình, dự án. Vì vậy, để ổn định đời sống kinh tế, xã hội vùng biên giới, địa bàn trọng yếu của quốc gia, Đảng và Nhà nước ta, chính quyền địa phương các cấp cần chú trọng hơn hướng tới phát triển vùng biên giới bền vững.
4.3.3. Ý thức biên giới lãnh thổ kém
Trong quan niệm, suy nghĩ của cư dân vùng biên, biên giới quốc gia tương đối mờ nhạt, bởi trong quá khứ họ thường qua lại biên giới thăm hỏi nhau, đi chơi, đi chợ… mà không cần phải xin phép bất kỳ ai. Ở huyện Phục Hòa, để sang Trung Quốc, ngoài cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, còn có các lối mòn ở xã Mỹ Hưng, Triệu Ẩu hoặc qua sông Bắc Vọng. Muốn đi qua cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, người dân phải chụp ảnh thẻ, đến gặp công an xã, thị trấn để xin giấy thông hành với mức phí nhất định. Giấy thông hành được phép sử dụng đi trong ngày, buổi sáng từ 7 giờ 30 phút tới 4 giờ chiều phải có mặt tại cửa khẩu để làm thủ tục quay về Việt Nam, nếu không sẽ bị công an Trung Quốc phạt. Thời gian làm giấy thông hành mất khoảng 15 phút nhưng cả công đi lại mất khoảng 2 giờ. Bởi vậy, nhiều người không muốn đi xin giấy thông hành, mất phí, phiền phức, mất thời gian, cách tốt nhất là họ đi qua các mối mòn hoặc qua sông Bắc Vọng. Hầu hết các trường hợp đi qua lối mòn không gặp phải vấn đề gì, chỉ một số ít trường hợp bị lực lượng an ninh Trung Quốc bắt nhốt với yêu cầu người nhà phải mang tiền sang nộp phạt mới được thả. Có một số ít trường hợp, người bị bắt sẽ bị trả về tại một cửa khẩu khác rất xa như cửa khẩu quốc tế Hữu nghị (Lạng Sơn), cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh)…
Những trường hợp bị an ninh Trung Quốc bắt giúp người qua lối mòn ý thức và cảnh giác hơn nhưng không từ bỏ thói quen bởi sự tiện lợi.
Sự gần gũi, tiện lợi đi lại tạo điều kiện cư dân hai nước qua lại và kết hôn.
140
4.3.4. Một số khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh từ hôn nhân xuyên biên giới
Trong quá khứ, khi biên giới quốc gia, lãnh thổ chưa được quy định một cách chặt chẽ, hôn nhân xuyên biên giới diễn ra một cách bình thường theo truyền thống tộc người. Họ không phải làm các thủ tục đăng ký, khai báo với chính quyền địa phương. Khi biên giới được các quốc gia hoạch định rõ ràng, có sự kiểm soát chặt chẽ việc qua lại biên giới, hôn nhân xuyên biên giới vì vậy nẩy sinh nhiều vấn đề.
4.3.4.1. Vấn đề hộ khẩu, quốc tịch
Hầu hết các trường hợp kết hôn với người Trung Quốc như đã trình bày ở trên đều diễn ra lặng lẽ, đám cưới được tổ chức nhỏ, trong phạm vi gia đình, thân tộc, thậm chí người ngoài không biết. Sau đó, nhà trai đưa dâu về Trung Quốc. Người con gái lấy chồng Trung Quốc vì nhiều lý do như theo thói quen, e ngại, không hiểu biết pháp luật… đã không khai báo với chính quyền địa phương về việc kết hôn với người nước ngoài. Theo quy định của chính quyền địa phương ở vùng biên giới, nếu sau 6 tháng vắng mặt, không khai báo tạm vắng, người vắng mặt sẽ bị cắt khỏi hộ khẩu.
Thực tế, những người kết hôn hầu hết xác định sang Trung Quốc cư trú lâu dài nên không quan tâm đến chuyện này.
Khi sang Trung Quốc lấy chồng, những cô gái trở thành cô dâu Việt không hộ tịch hay phụ nữ không quốc tịch. Theo Luật Quốc tịch Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ban hành ngày 10/9/1980 quy định, có hai hình thức có được quốc tịch là ngay từ lúc sinh ra và xin nhập. Với người xin nhập quốc tịch được quy định cần phải tuân thủ hiến pháp Trung Quốc, phải có họ hàng, người thân của công dân Trung Quốc; đã định cư ở Trung Quốc hoặc có một số lý do chính đáng khác. Để có thể nhập tịch, trước hết, các cô dâu Việt Nam phải làm đăng ký kết hôn với chồng Trung Quốc.
141
Theo quy định của Bộ Nội vụ Trung Quốc, điều kiện cần đủ: Hộ chiếu, giấy thông hành còn thời hạn, phải có giấy xác nhận tình trạng hôn nhân hoặc tờ khai đăng ký kết hôn có xác nhận tình trạng công dân Trung Quốc;
giấy chứng minh tình trạng hôn nhân của người nước ngoài do cơ quan có thẩm quyển của nước có công dân xác nhận [153]. Trong trường hợp làm thủ tục đăng ký kết hôn ở Việt Nam, người dân phải đi Hà Nội để làm. Nếu làm thủ tục kết hôn ở Trung Quốc, họ phải đi đến thành phố Bắc Sắc hoặc thành phố Nam Ninh để làm và theo Mã Y [155], không có mấy ai làm được thủ tục này. Các quy trình làm thủ tục khó khăn bởi cả Việt Nam và Trung Quốc đều hạn chế nhập hộ tịch.
Trong trường hợp không có giấy đăng ký kết hôn, không có quốc tịch, những đứa trẻ sinh ra ở Trung Quốc sẽ vi phạm điều khoản “sinh con ngoài giá thú” và theo quy định phải nộp phí bảo trì xã hội. Theo Mã Y [155], vi phạm sinh con ngoài giá thú thứ nhất nộp phạt cao gấp 3 - 5 lần so với thu nhập bình quân của cả gia đình, vi phạm sinh con thứ 2 nộp phạt cao gấp 5 - 7 lần thu nhập bình quân, vi phạm sinh con thứ 3 nộp phạt cao gấp 7 - 9 lần thu nhập bình quân của gia đình… Gia đình những phụ nữ Việt Nam lấy chồng Trung Quốc thường nghèo khó nên mức nộp phải này quá cao so với mức thu nhập của họ. Họ không được thừa nhận là công dân Trung Quốc nên khó kiếm việc làm, dễ bị an ninh Trung Quốc bắt trở lại Việt Nam.
4.3.4.2. Phụ nữ lấy chồng Trung Quốc quay trở về Việt Nam
Qua phỏng vấn phụ nữ lấy chồng Trung Quốc hầu như rất ít trường hợp quay trở lại Việt Nam. Những người quay về chủ yếu bị gia đình chồng đối xử tệ bạc hoặc bị đuổi về. Bản thân những người đã lấy chồng Trung Quốc rất e ngại khi quay trở về Việt Nam bởi họ sợ bị dèm pha, nói xấu, hoặc bị cộng đồng xa lánh, không có tài sản, không có đất đai nên khó
142
mưu sinh. Ngoài ra, khi đi khỏi Việt Nam họ đã bị cắt hộ khẩu, khi quay về, họ phải làm lại các thủ tục đăng ký lại hộ khẩu. Số lượng phụ nữ lấy chồng Trung Quốc ít người quay trở lại Việt Nam, nên hầu như ở các xã, thị trấn vùng biên chưa có các chính sách, chương trình hỗ trợ giúp họ hòa nhập trở lại cuộc sống.
4.3.4.3. Xu hướng hôn nhân ở vùng biên giới huyện Phục Hòa
Kinh tế vùng biên giới huyện Phục Hòa có sự chuyển biến nhanh chóng, mức sống người dân được nâng lên nhờ có cửa khẩu quốc tế Tà Lùng và người dân cần cù chịu khó trong đa dạng các hình thức sinh kế. Sự du nhập, hòa nhập những nét văn hóa mới và tính thích ứng nhanh là những điều kiện làm thay đổi hôn nhân truyền thống của người Tày ở vùng biên giới huyện Phục Hòa. Độ tuổi kết hôn, cách thức tổ chức đám cưới, phương tiện đón dâu … đang dần được đổi thay và trong tương lai, ông quan làng, bà pả mẻ có thể không còn biết đọc thơ trong đám cưới.
Hôn nhân hỗn hợp tộc người sẽ ngày càng trở nên phổ biến hơn hiện nay. Phạm vi kết hôn không giới hạn trong một xã, một huyện, một tỉnh mà được mở rộng hơn bởi nhiều thanh niên nam, nữ đi làm thuê tại các nhà máy, xí nghiệp ở các thành phố lớn trong Nam, ngoài Bắc, như Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hà Nội… Hôn nhân hỗn hợp tộc người góp phần gắn kết các tộc người nhưng có thể làm phai nhạt phong tục lễ nghi hôn nhân truyền thống của các tộc người khác nói chung và người Tày nói riêng. Bởi khi đó, phong tục cưới xin không còn được chú trọng tuân thủ theo đúng truyền thống mà hướng tới sự hòa hợp, dung hòa phong tục ở hai tộc người khác nhau.
Hôn nhân xuyên biên giới giữa người Việt Nam và người Trung Quốc trong những năm tới, theo như nhận định của nhiều nhà nghiên cứu sẽ gia tăng nhanh chóng do xu hướng toàn cầu hóa tác động, do sức hút
143
một nền kinh tế phát triển hơn và tình trạng mất cân bằng giới tính, nam giới nhiều hơn nữ giới ở Trung Quốc…Tuy nhiên, nếu xem xét, đánh giá riêng tại vùng biên giới huyện Phục Hòa, xu hướng kết hôn với người Trung Quốc sẽ giảm bởi các tộc người ở đây có tâm lý e ngại, không thiện cảm với trường hợp kết hôn với người Trung Quốc. Lựa chọn tốt nhất của họ là kết hôn với người trong nước, cùng huyện, cùng tỉnh, có sự tương đồng về văn hóa, nếp sống, không phải đi quá xa gia đình, có điều kiện thăm hỏi, chăm sóc bố mẹ.