CHƯƠNG 4. NHỮNG YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN BIẾN ĐỔI, GIÁ TRỊ HÔN NHÂN VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA
4.1. Những yếu tố tác động đến biến đổi hôn nhân
Qua thực tiễn nghiên cứu ở vùng biên giới huyện Phục Hòa, NCS thấy căn bản có ba yếu tố chính tác động làm biến đổi hôn nhân gồm: các luật và chính sách, bối cảnh kinh tế - xã hội vùng biên và quá trình tiếp biến và biến đổi văn hóa đang diễn ra nhanh chóng.
4.1.1. Tác động của chính sách Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa
Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa là một trong bốn nhóm giải pháp lớn được đề ra trong Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) nhằm xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong đó, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và “Xây dựng gia đình văn hóa” là hai phong trào cụ thể của Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.
Dựa trên những tiêu chuẩn xây dựng gia đình văn hóa và các nội dung được định hướng thực hiện cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, huyện Phục Hòa đã chỉ đạo và triển khai, phát động đến các cơ quan, ban, ngành, địa phương và tuyên truyền rộng rãi đến toàn thể nhân dân cùng xây dựng thực hiện các tiêu chuẩn xây dựng gia đình văn hóa với các nội dung thực hiện cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Trải qua thời gian tập trung huy động mọi nguồn lực xã hội, các tầng lớp nhân dân và cả hệ thống chính trị tham gia thực hiện, phong trào “xây dựng gia đình văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời
122
sống văn hóa” ở khu dân cư trong cộng đồng người Tày trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả đáng kể. Thông qua công tác tuyên tuyên, phổ biến kiến thức, chủ trương, đường lối của Đảng và nhà nước về thực hiện quá trình xây dựng gia đình văn hóa như luật hôn nhân gia đình, luật bình đẳng giới, luật phòng chống bạo lực gia đình và các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam như đạo đức lối sống, ứng xử đã được các địa phương chú trọng.
Phong trào xây dựng gia đình văn hóa và “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” phát triển đã huy động và phát huy sức mạnh đại đoàn kết của nhân dân trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của huyện nói chung và các địa phương trên địa bàn huyện nói riêng, nhất là công tác xoá đói giảm nghèo, xây dựng các thiết chế văn hóa, giữ vững ổn định trật tự xã hội và vận động nhân dân đóng góp xây dựng các quỹ xã hội.
Trải qua một quá trình triển khai, thực hiện phong trào “xây dựng gia đình văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở khu dân cư trong cộng đồng người Tày đã minh chứng được gia đình là tế bào của xã hội, ở đâu phong trào gia đình văn hóa phát triển và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở khu dân cư được quan tâm thì ở đó tình làng, nghĩa xóm được gắn chặt, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Phong trào Xây dựng gia đình văn hóa và Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được coi là yếu tố quan trọng có tác dụng thúc đẩy mạnh mẽ thực hiện thành công các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương.
123
Từ những kết quả đã đạt được của cuộc vận động “Xây dựng gia đình văn hóa” và “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã có tác động đến những biến đổi hôn nhân ở cộng đồng người Tày.
4.1.2. Tác động từ chính sách bình đẳng giới
Trong quan niệm truyền thống của người Tày, một bé gái sinh ra sẽ không được mong đợi nhiều bằng nếu đó là một bé trai. Quá trình nuôi dạy trẻ cho tới khi trưởng thành cũng vậy, bé trai thường được ưu tiên nhiều hơn. Ở nhiều gia đình, trước đây con trai được bố mẹ tạo điều kiện cắp sách đến trường, con gái có thể không. Quan niệm này cùng với nhiều biểu hiện phân biệt giới tính trong cuộc sống hằng ngày đã khiến những thiếu nữ trưởng thành tin rằng chỉ đàn ông là người chủ động trong lựa chọn đối tượng kết hôn, còn con gái phải là người thụ động. Cuộc sống gia đình được tiếp diễn bằng suy nghĩ đó với vai trò chủ đạo của người đàn ông trong các quyết định. Nữ giới người Tày ở vùng biên giới huyện Phục Hòa trước nay thường đảm nhiệm rất nhiều công việc trong gia đình, từ nuôi dạy, chăm sóc con cái tới những công việc đồng áng, kiếm tiền. Họ xứng đáng được có tiếng nói quan trọng trong gia đình. Bởi vậy, các hình thức tuyên truyền, giáo dục bình đẳng giới là rất quan trọng.
Công tác tuyên truyền về bình đẳng giới thường được cán bộ tư pháp huyện hoặc cán bộ của Hội phụ nữ thực hiện. Họ thường tuyên truyền về Luật bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình nhằm nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ với mục tiêu phụ nữ có vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ngoài trực tiếp, các tuyên truyền bình đẳng giới còn được lồng ghép trong công tác xây dựng chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế của địa phương. Trong các thảo luận, hội thảo, các cấp chính quyền luôn ưu tiên nữ giới tham gia và phát biểu. Huyện Phục Hòa mỗi năm luôn một tới hai đợt có các chương
124
trình, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, ở đó ưu tiên thu hút nữ giới. Phụ nữ cũng được tham gia tiếp cận các nguồn vốn tín dụng như nam giới…
Công tác tuyên truyền bình đẳng giới qua nhiều năm ở vùng biên đã tạo nên sự chuyển biến rõ ràng, làm thay đổi quan niệm về giới, con gái được bố mẹ quan tâm nhiều hơn. Các cô gái tự tin và chủ động trong lựa chọn bạn đời. Trong đời sống gia đình, phụ nữ có tiếng nói và có khả năng quyết định nhiều hơn so với trước đây.
4.1.3. Tác động từ Luật Hôn nhân và gia đình
Hôn nhân là một trong những yếu tố căn bản góp phần làm nên hạnh phúc gia đình, tế bào của xã hội. Vì vậy, ở nước ta, những vấn đề liên quan tới hôn nhân và hạnh phúc gia đình rất được xem trọng với những chính sách cụ thể nhằm xác lập hôn nhân trên cơ sở kết hôn tự nguyện, chế độ một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng...
Ngay từ khi còn là một quốc gia non trẻ, còn nhiều khó khăn ngổn ngang bởi chiến tranh, bởi chia cắt đất nước và nghèo khó, Đảng và Nhà nước ta đã xây dựng Luật Hôn nhân và gia đình đầu tiên vào năm 1959 và có hiệu lực từ ngày 1/1/1960. Ở đó có những chế tài, quy định mà sau gần 6 thập kỉ triển khai vẫn còn mang tính thời sự. Có thể kể ra một số điều khoản quan trọng như Điều 1 quy định: “Nhà nước bảo đảm việc thực hiện đầy đủ chế độ hôn nhân tự do và tiến bộ, một vợ một chồng, nam nữ bình đẳng, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và con cái, nhằm xây dựng những gia đình hạnh phúc, dân chủ và hòa thuận, trong đó mọi người đoàn kết, thương yêu nhau, giúp đỡ nhau tiến bộ”. Điều 2: “Xóa bỏ tàn tích còn lại của chế độ hôn nhân phong kiến cưỡng ép, trọng nam khinh nữ, coi rẻ quyền lợi con cái”. Điều 3: “Cấm tảo hôn, cưỡng ép hôn, cản trở hôn nhân tự do, yêu sách của cải trong việc cưới hỏi, đánh đập hoặc ngược đãi vợ.
Cấm lấy vợ lẽ”. Điều 4 quy định: “Con gái và con trai đến tuổi, được hoàn
125
toàn tự nguyện quyết định hôn nhân của mình, không bên nào được ép buộc bên nào, không ai được cưỡng ép hoặc cản trở”
Trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 cũng quy định rất rõ về độ tuổi kết hôn, con gái phải từ 18 tuổi trở lên, con trai từ 20 tuổi trở lên mới được kết hôn, hay đàn bà góa được phép tái giá, cấm kết hôn giữa những người có dòng máu trực hệ... Tất cả những quy định đó là tiền đề cơ sở cho phát triển các Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi ở những năm tiếp theo.
Cho đến năm 1986, Luật Hôn nhân và gia đình bổ sung thêm những điểm quan trọng, như ở Điều 1 quy định: “Hôn nhân giữa các công dân Việt Nam thuộc các dân tộc, các tôn giáo khác nhau, giữa những người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo được tôn trọng và bảo vệ”.
Đến năm 2000, Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 7 thông qua Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 để thay thế Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 sửa đổi được Quốc hội khóa XIII thông qua thay thế cho Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 và gần đây nhất là Luật Hôn nhân và gia đình năm 2018. Các Luật Hôn nhân và gia đình ra đời kịp thời với xu hướng phát triển đất nước đã tạo nên sự thay đổi rõ ràng trong đời sống hôn nhân ở Việt Nam nói chung và cộng đồng các tộc người nói riêng, trong đó có người Tày ở vùng biên giới huyện Phục Hòa. Có thể khẳng định rằng, tác động của các Bộ Luật có lẽ có chuyển biến rõ ràng hơn cả ở cộng đồng dân tộc thiểu số. Ở đây có thể chỉ ra những thay đổi rõ ràng nhất ở cộng đồng người Tày ở vùng biên giới huyện Phục Hòa như:
- Quyền tự do tìm hiểu và lựa chọn bạn đời: Nam nữ người Tày hiện nay có nhiều cơ hội tiếp xúc, giao lưu để tìm hiểu bạn đời như ở trường học, thông qua bạn bè, tại nơi công sở...
126
- Quyền quyết định trong hôn nhân: Trước khi tiến tới hôn nhân, người tham gia kết hôn phải xin ý kiến bố mẹ. Ý kiến của bố mẹ rất quan trọng, nhưng quyền quyết định là của người tham gia kết hôn.
- Tuổi kết hôn tăng lên: hiện nay nam nữ người Tày đều kết hôn ở lứa tuổi lớn hơn nhiều so với quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, không có hiện tượng tảo hôn...
Bên cạnh Luật Hôn nhân và gia đình còn có các chỉ thị, nghị định quản lý hôn nhân gia đình, các quyết định của Bộ văn hóa về xây dựng nông thôn mới, quy ước xây dựng gia đình văn hóa đã tác động sâu sắc đến biến đổi hôn nhân của người Tày ở vùng biên giới huyện Phục Hòa.
4.1.4. Tác động từ bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới
Trong mục tiêu phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn có những chính sách nhằm phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, biên cương, hải đảo, hướng tới mục tiêu tăng trưởng đồng đều, mọi người cùng hưởng lợi từ sự phát triển chung của cả nước. Các chính sách này đã tác động và tạo nên những chuyển biến tích cực ở những khu vực này thông qua những tiến bộ cụ thể về giao thông, thủy lợi, giáo dục và đào tạo.
Quay trở lại huyện Phục Hòa, đây là huyện vùng biên giới, bởi vậy, luôn nằm trong nhóm các đơn vị hành chính được Đảng và Nhà nước quan tâm. Trước và đầu những năm 2001, khi mới tách từ huyện Quảng Hòa, huyện Phục Hòa còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, cho đến những năm gần đây đã có những chuyển biến quan trọng, cây nông nghiệp phát triển tốt, không chỉ đảm bảo lương thực, thực phẩm hàng ngày mà còn trở thành hàng hóa xuất khẩu. Đặc biệt, cây mía đã góp phần quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo ở địa phương. Chăn nuôi gia
127
súc, gia cầm vẫn được duy trì ở các hộ gia đình vừa là nguồn thực phẩm tại chỗ, vừa có thể là sản phẩm bán cho người tiêu dùng trong huyện hoặc người mua buôn Trung Quốc.
Cùng với sự biến chuyển của ngành nông nghiệp thì ngành công nghiệp cũng cũng được chính quyền địa phương chú trọng, với quan điểm đẩy mạnh phát triển công nghiệp nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương. Tỉnh đã quy hoạch 2 khu công nghiệp trong đó có Tà Lùng và Phục Hòa (cụm công nghiệp miền đông 1), xây dựng nhà máy thủy điện Nà Lòa. Ngày 9/9/1998, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 171/1998/QĐ-TTg thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Cao Bằng, bao gồm 3 khu vực: Khu vực kinh tế cửa khẩu Tà Lùng rộng 500 ha; khu vực kinh tế cửa khẩu Hùng Quốc rộng 30 ha; khu vực kinh tế cửa khẩu Sóc Giang rộng 58 ha và một số xã được phép ưu tiên phát triển thương mại. Cửa khẩu Tà Lùng thuộc thị trấn Tà Lùng của huyện Phục Hòa là cửa khẩu lớn nhất của tỉnh Cao Bằng, nay đã được nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế Tà Lùng.
Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Tà Lùng có cơ chế thông thoáng, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động thương mại. Năm 2008, đưa chợ cửa khẩu Tà Lùng vào hoạt động, là nơi tập kết và trung chuyển hàng hóa lớn. Giá trị thương mại trao đổi qua cửa khẩu quốc tế Tà Lùng tăng nhanh theo từng năm. “Nếu năm 2009, kim ngạch XNK của Cao Bằng chỉ đạt 300 triệu USD thì đến năm 2013 con số này lên đến 2 tỉ USD. Hiệu quả hoạt động của khu kinh tế cửa khẩu của tỉnh ngày càng rõ nét. Giai đoạn 2011-2015, tổng kim ngạch XNK của tỉnh đạt 1.900,24 triệu USD, trong đó: XK là 828,53 triệu USD, NK là 1.071,71 triệu usd; Tổng thu thuế XNK tại các cửa khẩu là 834,412 triệu usd. Tổng thu phí sử dụng hạ tầng cửa khẩu giai đoạn 2011-2015 là: 615,2 tỉ đồng, trong đó, năm 2011: 37,2 tỉ đồng; năm 2014: 143,7 tỉ đồng. Giai đoạn 2011 - 2015 có 2.464.162 lượt
128
người và 131.059 lượt phương tiện xuất nhập cảnh qua các cửa khẩu của tỉnh” [118, tr. 640].
Ở bên kia biên giới, “Từ đầu những năm 2000 đến nay, Trung Quốc đẩy mạnh chính sách Hưng biên phú dân tại các huyện vùng biên giới Trung Quốc mà trọng tâm là phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm các giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt và đường không, các trạm phát điện, khai thác năng lượng và viễn thông” [16, tr. 42]. Các chính sách này chú trọng đầu tư, phát triển các xã, thị trấn khu vực gần biên giới với những khoản tiền đầu tư lớn. Vì vậy, tạo nên sự ổn định về kinh tế của cư dân vùng biên giới Trung Quốc. Sự phát triển đó góp phần thu hút nguồn lực lao động ở Việt Nam đi sang làm thuê và trao đổi buôn bán.
Một yếu tố quan trọng khác ở vùng biên là khả năng vận động, thức thời của cộng đồng các tộc người tại đây. Cách đây vài chục năm trở về trước, những người Tày, Nùng ở huyện Phục Hòa vẫn quen sống khép kín trong nội bản, làm nông nghiệp thì nay trong nền kinh tế năng động, họ đã thích ứng rất nhanh và chủ động đa dạng hóa hình thức mưu sinh để đảm bảo nguồn thu cũng như phát triển kinh tế gia đình. Nhờ đó, đời sống kinh tế của người Tày nói riêng và các tộc người khu vực vùng biên giới huyện Phục Hòa đang ngày càng ổn định và phát triển. Đây được xem là nhân tố quan trọng thúc đẩy làm thay đổi hình thái hôn nhân của người Tày ở Phục Hòa nói riêng, ở Cao Bằng nói chung.
4.1.5. Tác động từ quá trình tiếp biến văn hóa vùng biên giới
Người Tày ở huyện Phục Hòa có kho tàng văn hóa phong phú, giàu chất dân gian. Đặc biệt, trước đây họ thường dùng thơ ca để đối đáp mừng sinh nhật, mừng vào nhà mới, để trao đổi tình duyên, để ru con, dạy bảo con cháu. Trong đó, đặc biệt nhất là các bài thơ dùng trong đám cưới để ông quan làng, bà pả mẻ đối đáp khi đón, đưa dâu. Trong mọi bối cảnh, lời
129
thơ luôn thể hiện nét đẹp trữ tình của con người, quê hương và phong tục tập quán. Bởi nét đẹp đó, các bài thơ đã được bảo lưu và phát triển trong suốt chiều dài lịch sử. Có thể ở một thời điểm nhất định, khi yếu tố kinh tế và xã hội chi phối khiến con người ta chợt lãng quên và tưởng rằng sẽ mai một, nhưng hiện những lời thơ đã được nhiều người kịp ghi chép, xuất bản và chắc chắn một thời điểm nào đó, hồn thơ dân tộc sẽ lại góp phần làm đẹp hơn câu chuyện hôn nhân lứa đôi.
Vào mỗi dịp đầu xuân năm mới, từ tháng giêng tới tháng 3 âm lịch, nhân dân các dân tộc huyện Phục Hòa tổ chức nhiều lễ hội như lễ hội Pháo hoa ngày 18/3 âm lịch tại thị trấn huyện Phục Hòa, lễ hội Háng Riềng ở xã Cách Linh vào ngày 19 - 20/3... Trong lễ hội có các hoạt động như hát giao duyên, tung còn... Đây là dịp nam nữ thanh niên gần xa tìm đến vui chơi, làm quen, kết bạn Tồng, bạn đồng niên... Không khí vui nhộn của lễ hội góp phần tăng cường sự đoàn kết của các dân tộc vùng biên cũng như giúp nhiều đôi trai gái tìm được bạn đời. Ở khía cạnh khác, đây là không gian để con người trở về với quá khứ, trở về với truyền thống và tự nhìn lại những thay đổi hiện thời để điều chỉnh.
Ở góc độ xã hội, trong nhiều năm, những vấn đề liên quan đến hôn nhân, hạnh phúc gia đình như độ tuổi kết hôn, bình đẳng giới, tôn trọng sự khác biệt văn hóa tộc người… luôn được chính quyền địa phương huyện Phục Hòa tuyên truyền đều đặn và thường xuyên. Ngoài ra, còn có sự bổ sung thông tin từ các phương tiện truyền thông khác. Tất cả từng bước giúp mọi người hiểu hơn về giá trị của hôn nhân, gia đình và thực hiện theo.
Trong gần 10 năm trở lại đây, khi dân số các bản tăng lên, diện tích đất đai không còn đủ chỗ cho những hộ gia đình mới tách ra. Vì vậy, những gia đình mới thường tìm đến những nơi đất trống, gần đường liên xã, liên bản để làm nhà. Thời điểm ban đầu là một nhà, sau tăng dần lên tạo thành