CHƯƠNG 2. ĐẶC ĐIỂM HÔN NHÂN CỦA NGƯỜI TÀY TRUYỀN THỐNG VÀ BIẾN ĐỔI
2.1. Đặc điểm hôn nhân truyền thống
Nghiên cứu hôn nhân ở người Tày tại vùng biên giới huyện Phục Hòa và những cơ hội trải nghiệm đời sống của người Tày tại các địa phương khác, NCS nhận ra rằng đây là tộc người bảo lưu rất tốt các giá trị nhân sinh quan để dẫu hoàn cảnh xã hội thay đổi nhưng các giá trị cốt yếu không đổi. Nhờ vậy, trong hôn nhân, các quan niệm, nguyên tắc, chuẩn mực... được định hình rõ ràng và tương đồng ở nhiều địa phương. Mỗi cá nhân, hoàn cảnh có cách riêng lựa chọn hôn nhân nhưng đều hướng đến sự hoàn thiện đáng mong đợi mà truyền thống hôn nhân định hình.
2.1.1 Quan niệm hôn nhân
Người Tày xem trọng hôn nhân gia đình, họ quan niệm trai phải lấy vợ, gái phải lấy chồng như một lẽ tất yếu trong cuộc đời mỗi con người. Với nhà có con trai, bố mẹ mong con cưới vợ để ổn định, trưởng thành hơn, tự lập hơn trong cuộc sống và sinh những đứa cháu trai, cháu gái để duy trì dòng giống, thụ hưởng tài sản bao năm vất vả nắng gió tích cóp được. Các cháu trai sau này sẽ là người tiếp nối thờ phụng ông bà tổ tiên. Con dâu về nhà, gia đình cũng có thêm một lao động đảm đương việc đồng áng, chăm sóc gia đình và bố mẹ chồng khi về già.
Với nhà có con gái là một câu chuyện khác, họ mong mỏi hơn, sốt ruột hơn so với nhà có con trai khi con gái đến tuổi mà chưa lập gia đình dù rằng con gái lấy chồng, bố mẹ sẽ mất đi một lao động đắc lực và thạo việc. Họ sợ dư luận xã hội, sợ sự dèm pha của dân bản rằng gia đình không có phúc, không cơ bản, nghèo hèn... nên không có nhà trai nào ngó đến. Khi cô gái đến tuổi lấy chồng, ngoài bản năng tìm bạn đời, nhìn các
51
bạn thân dần đi lấy chồng càng thêm thôi thúc họ đi theo chiều mặc định của xã hội.
Mọi người thường nói, con trai lấy vợ để có thêm người đỡ đần công việc trong gia đình, con gái lấy chồng để có người nương tựa như cách họ thường diễn giải: “Lên núi phát rừng làm rẫy, công việc cũng khó nhọc lắm. Phải có sức người con trai. Con hổ ập đến cắn con lợn, con trâu trong chuồng. Kẻ xấu cướp phá, ai chống chọi được? Chỉ có sức người con trai. Người phụ nữ phải cậy nhờ.
Đi chợ bán măng, ống trám, nắm mộc nhĩ... mua muối, mua mỡ về, nấu bữa ăn, mua vải về khâu cái áo, cái quần. Vào rừng kiếm bó củi, tìm nắm mon về nấu cám lợn, lấy gánh cỏ cho con trâu... Đó là công việc của người con gái. Người đàn ông phải cậy nhờ” [86, tr. 17].
2.1.2 Tiêu chuẩn chọn vợ, chồng
Trước khi quyết định tiến tới hôn nhân với một ai đó, trước những năm 1990, mối quan tâm đầu tiên được hai bên gia đình (nhà trai, nhà gái) để ý là dòng họ, gia đình bên kia như thế nào. Đây là yếu tố tiền đề quan trọng, phản ánh môi trường giáo dục gia đình định hình nên nhân cách, nếp sống và cả sức khỏe, bệnh tật của người sẽ tham gia kết hôn. Ông Đ.V.Đ (sinh năm 1941, người Tày, xã Mỹ Hưng) khi được hỏi về tiêu chuẩn chọn vợ thời ông còn trẻ, ông đã không đề cập những đặc điểm riêng của người con gái mà nhấn mạnh: “Cái đầu tiên phải chọn là gia đình, dòng họ, xem có sống đoàn kết hay không, có hay đánh nhau không, có bệnh tật và sống thọ không”. Gia đình, dòng họ bất hòa thường bị dân bản chê cười, xa lánh. Dù vậy, theo ông Đ.V.Đ, các gia đình, dòng họ trong bản rất hòa thuận và hiếm khi có xích mích to tiếng.
Về vấn đề về sức khỏe, ngoài căn bệnh sốt rét từng hoành hành, có thể dẫn tới tử vong, mọi người hay nhắc tới ma gà (phi cáy). Bà N.V.N (sinh
52
năm 1953, người Tày, thị trấn Hòa Thuận) mô tả về sự huyền bí của ma gà như sau: “Ma gà chẳng ai nhìn thấy nhưng nhà nào đó bị ma gà thì bố mẹ và các con đều bị. Khi thấy con lợn nhà người ta đẹp, hỏi một cái, ô con lợn đẹp thì tự nhiên nó lăn ra chết. Họ đến nhà ai chơi, thấy cái gì đẹp, khen một cái, khi về người nhà tự nhiên mắt trợn lên, phải nhờ thầy cúng đến làm lễ đuổi đi, mang món đồ vừa được khen cho họ mới khỏi bệnh”.
Các gia đình được cho có ma gà bị mọi người xa lánh, không dám kết làm thông gia; bù lại, nhiều người cho rằng con cái gia đình này thường xinh đẹp. Họ thường chỉ có thể lấy vợ, chồng ở các địa phương khác, những người không biết rõ họ là ai.
Trở lại câu chuyện chọn gia đình thông gia, giá trị thứ hai được chú trọng là xem hai bên gia đình có tương xứng về điều kiện kinh tế và vị trí xã hội không, ở người Việt thường gọi là “môn đăng hộ đối”. Bởi lẽ, “nếu lấy người có gia đình khá giả hơn thì phải đắn đo, cảm thấy tự ti vì mình không phù hợp. Nhà nghèo hỏi con nhà nghèo với nhau thôi, nhà nghèo lấy nhà giàu sợ bị họ coi thường” (ông N.V.S, sinh năm 1954, thị trấn Hòa Thuận).
Bước tiếp theo chọn người con trai, con gái sẽ làm rể, làm dâu của gia đình, thường được xem xét ở các tiêu chí: sức khỏe, đức tính cần cù chịu khó và tính nết. Trong đó, sức khỏe được xem là tiêu chí quan trọng nhất bởi có sức khỏe mới có thể đảm đương các công việc của nhà nông.
Ngoài ra, người con trai phải vào rừng đốn gỗ làm nhà, săn bắn; con gái phải thức khuya dậy sớm gánh nước, giã ngô, giã gạo, giặt quần áo, chăn nuôi gia súc, gia cầm... Theo kinh nghiệm, con trai khỏe mạnh có thân hình to khỏe, chắc chắn; con gái khỏe mạnh phải mập mạp, chân to (nửa na kha nẳng). Người Tày đúc kết, muốn kén dâu tốt thì phải xem mặt vào tháng chạp bởi đây là tháng rét buốt nhất trong năm, khi đó nếu cô gái giữ
53
được nét mặt hồng hào thì là người khỏe mạnh, ít ốm đau bệnh tật, ngược lại thì bệnh tật nhiều.
Tiêu chí thứ hai chọn vợ, chồng là chịu khó lao động, không rượu chè, lười biếng. Muốn kén rể phải xem mảnh ruộng người đó bừa có kỹ không, có sạch hết cỏ hay không. Nếu sạch thì là người cần cù, lao động siêng năng và cẩn trọng trong công việc. Muốn kén dâu thì nhìn vào quần áo cô gái mặc mùa đông, khi thời tiết lạnh giá, các cô gái thường phải mặc nhiều quần áo, qua đó biết cô gái có phải người chăm chỉ, khéo léo, giỏi thêu thùa, may vá hay không.
Người Tày rất xem trọng lễ nghĩa phép tắc trong giao tiếp, chú ý từ câu chào, lời nói đến hành vi ứng xử bởi vậy, tính nết của con dâu, rể tương lai rất được chú ý, đặc biệt với con dâu tương lai vì sẽ trở thành thành viên nhà chồng. Cha mẹ thường thích chọn con dâu, con rể có tính nết hiền lành, chín chắn, nói năng lễ phép, biểu hiện như: “ra đường thấy người lớn tuổi thì biết chào hỏi. Nhà có khách thì phải biết pha trà mời khách, biết nhường nhịn mọi người...” (bà N.V.N (sinh năm 1953, người Tày, thị trấn Hòa Thuận).
2.1.3. Tuổi kết hôn
Việc tìm hiểu, xác định độ tuổi kết hôn của người Tày ở vùng biên giới huyện Phục Hòa giai đoạn trước năm 1991 là công việc khó khăn khi những người được phỏng vấn đưa ra các mốc tuổi rất khác nhau, thiếu thống nhất. Cùng cưới tại một thời điểm, có những người 16, 17 tuổi cưới chồng và có nhiều người trên 20 tuổi mới cưới. Sự đa dạng hẳn nhiên luôn tồn tại, là quy luật tất yếu của xã hội, nhưng với vùng biên giới huyện Phục Hòa, nó bắt nguồn phần nhiều từ biến động do các cuộc chiến tranh gây ra. Trước hết là cuộc chiến tranh biên giới Việt – Trung (1979-1989) và trước đó cuộc kháng chiến chống Mỹ, chống Pháp, nhiều nam, nữ
54
thanh niên đã tham gia dân quân, đi bộ đội hoặc các công việc khác phục vụ kháng chiến... làm chậm độ tuổi kết hôn.
Theo những người già, cao tuổi, trước những năm 1970, con gái mới 14-15 tuổi đã lấy chồng, con trai 16-17 tuổi đã lấy vợ. Lý do bởi quan niệm “hoa nở có thì, người thì có lúc”, mong con cưới sớm để ổn định gia đình, sinh con đẻ cái. Nhiều cha mẹ lo hỏi vợ cho con trai từ khi con mới 12 - 13 tuổi để chờ khi con đủ tuổi là cưới. Trong thời gian đó, họ chuẩn bị tiền và vật chất cho đám cưới. Nhiều trường hợp vì muốn có con dâu chững chạc, đảm đương được công việc gia đình mà cưới hỏi con dâu lớn hơn con trai từ 3 - 4 tuổi. Một số ít trường hợp hứa gả con cái từ khi còn trong bụng mẹ, được gọi là ướm trước “hẹn căn”. Khi con cái lớn, nếu hai gia đình không thay đổi ý định thì đôi trẻ sẽ được nên duyên vợ chồng. Những cô gái được nhiều người ướm hỏi, sớm lấy chồng thường được mọi người khen ngợi là tốt duyên, tốt số, gia đình có phúc…
Trong chuyến điền dã năm 2015, một dịp may mắn, NCS được gặp một nhóm gồm 8 cụ bà tuổi 70 đến 78 tuổi ngồi chơi với nhau tại sân của một gia đình thuộc làng Tục Mỹ, xã Mỹ Hưng. Những người đã kết hôn trong giai đoạn từ 1960 – 1970 và không ai trong số họ kết hôn dưới 20 tuổi, người kết hôn muộn nhất vào năm 28 tuổi. Bà N.T.C (sinh năm 1936, người Tày, Mỹ Hưng) cho biết: “Nam giới thời bà còn trẻ, nhiều người đi bộ đội hoặc đi công tác xa, ở nhà phần nhiều chỉ có con gái. Ai cưới chồng sớm là may mắn, còn không thường trên 20 tuổi mới cưới.
Cưới khi các ông trở về, cưới xong các ông lại đi tiếp”.
Thậm trí, có người do một số nguyên nhân, đang phải ở nơi xa, nhưng ở nhà bố mẹ đã chủ động hỏi vợ, cưới vợ cho. Ông N.V.S (sinh năm 1954, người Tày, thị trấn Triệu Ẩu) kết hôn với bà N.T.H (sinh năm 1957, người Tày, thị trấn Triệu Ẩu) vào năm 1974, khi ông 20 tuổi và bà
55
17 tuổi. Ông kể về việc kết hôn của mình: “Tôi đi bộ đội từ năm 1972 (18 tuổi), năm 1974 bố mẹ ở nhà cưới vợ cho nhưng không thông báo nên không biết, vài tháng về phép mới biết đã có vợ. Ở nhà được bốn hôm lại đi. Năm 1975 sang đánh nhau tận Lào. Năm 1983 mới về hẳn và năm 1984 mới có đứa con đầu tiên”. Bà N.T.H thì cho biết: “Hồi đó, ở bản của cô, con gái thường từ 15-16 tuổi đã hỏi, 17-18 tuổi là cưới”.
Ông N.V.T (sinh năm 1959, người Tày, xã Cách Linh) cưới vợ vào năm 1984, khi ông 26 tuổi và vợ 20 tuổi. Ông kể: “Tôi đi bộ đội từ từ năm 1979, ngay khi chiến tranh biên giới nổ ra, đóng quân ở huyện Hạ Lang (Cao Bằng). Năm 1984 về lấy vợ rồi lại đi bộ đội tiếp. Đầu những năm 90 mới giải ngũ”.
Những câu chuyện hôn nhân cho thấy trước năm 1991, nhìn chung người Tày vùng biên mong muốn sớm cưới vợ, cưới chồng ở độ tuổi dưới 20, nhưng do chiến tranh, nhiều người phải kết hôn muộn.
2.1.4. Các nguyên tắc trong hôn nhân 2.1.4.1 Nguyên tắc ngoại hôn dòng họ
Trong hôn nhân, người Tày tuân thủ nguyên tắc ngoại hôn dòng họ.
Những người có cùng máu mủ, là con cháu của một ông tổ tính theo huyết thống dòng cha được gọi là họ nội thì dù cách nhau bao nhiêu đời cũng không được lấy nhau; trừ những người họ xa, hoặc chi khác nhưng rất hiếm. Quan hệ dòng họ thường được nhắc nhở, gợi nhớ bởi những bậc cao niên trong họ hoặc cùng nhau đi tảo mộ tổ tiên vào ngày mùng 3/3 âm lịch hàng năm. Người Tày có câu: “Lục pả lục nả au căn đảy kin, Lục lùng lục áo an căn khai thả”; tức là: Con dì con già lấy nhau được ăn, Con chú con bác lấy nhau chết chém. Tuy nhiên, trên thực tế chưa có trường hợp con của chị em gái lấy nhau hoặc hai chị em ruột về làm dâu cùng một gia đình hoặc hai anh em trai lấy vợ cùng một họ. Nếu có, người Tày cũng
56
không thấy thuận bởi vậy họ có câu: “Tổng sliểu lăng va, Nà sliểu lăng bjoóc, Mà chòn choọc thuôn rà”; có nghĩa: Đồng thiếu gì hương, Ruộng thiếu gì hoa.
Nếu kết hôn với người cùng trong họ thì bị xem là loạn luân, trái luân thường đạo lý, bị người khác khinh thường, dè bỉu và theo quan niệm có thể mang đến những xui xẻo cho cộng đồng. Theo người dân, trước nay ở vùng biên giới huyện Phục Hòa chỉ có 1-2 trường hợp có quan hệ yêu đương với anh em họ hàng. Những trường hợp này bị gia đình, họ hàng ngăn cấm, không cho gặp nhau. Trong đó, có trường hợp vì quá yêu nhau và bị gia đình ngăn cản, cả hai đã cùng tự tử.
2.1.4.2. Nguyên tắc nội hôn tộc người
Một nguyên tắc khác trong hôn nhân truyền thống của người Tày nói chung, ở vùng biên giới huyện Phục Hòa nói riêng, trước đây là nội hôn tộc người. Mặc dù cư trú đan xen với người Nùng qua hàng trăm năm, có nhiều đặc điểm tương đồng về ngôn ngữ, văn hóa, xã hội nhưng họ không hoặc hiếm có trường hợp kết hôn với nhau.
Người Tày ở đây trước đây có vài lý do không kết hôn với người Nùng. Thứ nhất, người Tày là cư dân đến trước, có được những thửa ruộng bằng phẳng, dễ canh tác nên có mức sống cao hơn so với người Nùng cư trú ở những khu đất cao, khó canh tác. Vì vậy, họ không muốn gả gái con cho người Nùng vì e ngại con sẽ vất vả. Thứ hai, trong cách xưng hô, ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, họ hàng, người Nùng không phân theo vai vế, thứ bậc mà có cách xưng hô ngang hàng hoặc chỉ dựa vào tuổi sinh, ai sinh ra trước, lớn tuổi có tiếng nói hơn, ngược lại với người Tày...
Tuy nhiên, nhìn nhận ở góc độ khác, rộng hơn về mối quan hệ của các tộc người tại Việt Nam thì mặc dù các tộc người cùng cư trú đan xen
57
với nhau trong suốt nhiều thế kỷ, có nhiều đặc điểm tương đồng về văn hóa nhưng hiếm khi xẩy ra hiện tượng đồng hóa bởi tính cố kết cộng đồng tộc người rất cao. Các tộc người với đặc điểm, sắc thái riêng tạo nên sự đa dạng trong văn hóa nhưng đồng thời hình thành ý thức về rào cản văn hóa trong tương tác, giao lưu với các cộng đồng khác, trong đó có hôn nhân hỗn hợp tộc người. Cũng nhờ vậy, cho đến nay, chúng ta có cộng đồng 54 tộc người với đa dạng về ngôn ngữ, văn hóa...
2.1.4.3. Nguyên tắc cư trú sau hôn nhân
Cư trú sau hôn nhân phản ánh sâu sắc quan niệm xã hội về vai trò giới trong hôn nhân. Ở các tộc người theo chế độ mẫu hệ sau khi kết hôn người con trai theo về nhà vợ. Ở những tộc người theo chế độ phụ hệ như người Tày thì nguyên tắc cư trú bên chồng được mặc định như lẽ tất yếu. Có điểm thú vị trong hôn nhân truyền thống của người Tày là sau đám cưới, cô gái quay về ở với bố mẹ đẻ cho tới khi có con mới ở hẳn nhà chồng.
Trong thời gian ở nhà bố mẹ đẻ, cô dâu chỉ về nhà chồng khi nhà trai cử người sang đón, thường là khi cần có thêm lao động để cấy hái, thu hoạch hoặc dịp giỗ chạp, lễ tết. Cô dâu sẽ đóng vai như một vị khách, sau khi hoàn thành công việc sẽ nhanh chóng trở về nhà mình. Bà Đ.T.N (sinh năm 1940, người Tày, thị trấn Hòa Thuận) kể: “Khi đó, cần có việc gì, gia đình chồng sẽ cho người sang đón về. Ông ý không đi đón đâu, mà thường là mẹ chồng hoặc em gái chồng. Mỗi lần sang bên đó, tôi rất ngại, xấu hổ. Những hôm ở lại buổi tối, làm xong hết việc, chần chừ tới tối muộn mới dám vào buồng ngủ. Ông ý thì phải khi mọi người đi ngủ hết mới dám vào nằm cùng, xấu hổ lắm. Người Tày trước đây gia giáo lắm, vợ chồng không bao giờ dám cầm tay nhau hay nhìn nhau thân mật khi có người khác. Nếu không sẽ bị chê cười”. Ngược lại, khi gia đình nhà gái có việc, con rể có trách nhiệm phải sang phụ giúp.
58
Những năm đầu mới cưới, đôi vợ chồng trẻ ở cùng bố mẹ, anh chị em chồng, cùng tham gia công việc chung của đại gia đình. Tài sản, của cải làm ra do người đứng đầu gia đình quản lý. Sau khi có con vài ba năm, họ mới tách ra ở riêng nếu gia đình đông con trai. Lúc này bố mẹ chồng sẽ dựng cho một ngôi nhà mới và cho những vật dụng cần thiết như xoong, nồi, bát đĩa, chăn, đệm... đủ để sinh hoạt thường nhật. Những gia đình khá giả có thể cho tiền, vàng bạc hoặc trâu, bò để làm vốn gây dựng cuộc sống mới.
Ở tộc người theo chế độ phụ hệ, đề cao nam giới là vậy nhưng nếu gia đình nhà gái không có con trai hoặc con trai còn nhỏ, nhà trai đông anh em, có kinh tế khó khăn..., không ít trường hợp con rể sang ở nhà vợ.
Có hai hình thức ở rể là ở rể tạm (khươi chương lạo - rể trông coi người già) và ở rể đời hay nhận rể làm con trai (khươi thớ phi, khươi nạp tế, khươi liệng). Ở rể tạm thường trường hợp vợ có em trai còn nhỏ, bố mẹ vợ già yếu hoặc sức khỏe không tốt, con rể vì vậy đảm đương công việc gia đình vợ như hình thức tạ ơn công sinh dưỡng. Dù bỏ công sức làm ra tài sản nhưng trong trường hợp này, con rể không có quyền quản lý và thừa kế tài sản nhà vợ. Khi em trai vợ trưởng thành, con rể sẽ quay trở lại nhà mình hoặc tách ra ở riêng.
Ở rể đời khi gia đình vợ không có con trai, bố mẹ vợ muốn con rể trở thành con trai để đảm đương, gánh vác các công việc gia đình, lo phụng dưỡng bố mẹ vợ và thờ cúng tổ tiên nhà vợ. Người làm con rể đời thường có gia đình đông anh em trai, nhà nghèo khó, thiếu ruộng đất canh tác. Xã hội người Tày thường nhìn nhận không tích cực về người đi ở rể đời, vì vậy đây là quyết định rất quan trọng, có thể ảnh hưởng uy tín, danh dự gia đình, dòng họ nên cha mẹ phải xin ý kiến họ hàng, nếu được sự đồng ý, mới dám cho làm đám cưới. Ở hình thức hôn nhân này, nhà gái sẽ mang lễ sang nhà trai xin cưới và lo mọi chi