CHƯƠNG 3. HÔN NHÂN XUYÊN BIÊN GIỚI
3.4. Lễ cưới của các cặp hôn nhân xuyên biên giới
Người Tày rất xem trọng lễ nghi, vì vậy, hôn nhân luôn được tiến hành đầy đủ theo các bước gồm lễ dạm, lễ ăn hỏi và lễ cưới. Ngày cưới, hai bên gia đình thường mời đông đủ người thân, bạn bè đến ăn mừng, chia vui. Tuy nhiên, ở một số trường hợp hôn nhân đặc biệt như cưới vợ, chồng lần hai thì tổ chức đám cưới nhỏ với vài mâm cỗ cưới có ý nghĩa thông báo cho họ hàng, anh em thân thiết. Ngay trường hợp con gái lớn tuổi lấy chồng, con trai quá tuổi lấy vợ, người ta cũng có xu hướng thu hẹp mức độ tổ chức bằng cách giản thiểu
113
một số đồ lễ và giảm số lượng khách mời. Suy nghĩ này phản ánh nhận thức về giá trị người tham gia kết hôn và hình thức giản thiểu như là cách để gia đình chứng minh cho người khác rằng họ ý thức được giá trị rõ ràng. Hình thức kết hôn với chồng Trung Quốc phần nhiều bị các gia đình xem nhẹ hơn cả so với các hình thức hôn nhân khác với các lý do đã đề cập ở phần trên.
Năm 2013, khi NCS thực hiện điền dã tại xã Cách Linh, trong cùng một xóm có hai gia đình tổ chức kết hôn cho con ở ngày hôm trước và ngày hôm sau. Lễ cưới thứ nhất trường hợp người Tày kết hôn với người Tày nội biên, lễ cưới thứ hai là người Tày kết hôn với người Trung Quốc. Đám cưới giữa người Tày với người Tày nội biên được dựng rạp cưới, có đông khách mời tới tham dự, nhạc đám cưới được mở thật to để tạo không khí vui vẻ. Ở cặp thứ hai, dù ngày hôm sau nhà trai bên Trung Quốc sang đón dâu, con gái sẽ phải xa bố mẹ và ít khi có điều kiện về thăm gia đình, họ hàng, nhưng không khí thật lặng lẽ, không có rạp được dựng, không có người ra người vào, không có việc làm cỗ… Khi NCS hỏi lý do, mọi người đều trả lời, các gia đình có con lấy chồng Trung Quốc, họ e ngại nên tránh tổ chức đám cưới, chỉ làm vài mâm cơm để mời anh em họ hàng thân thích và nhà trai sang ăn.
Ngày cô gái về nhà chồng, thường buổi sáng, chú rể cùng một số ít người thân thích đại diện cho nhà trai từ Trung Quốc đi theo lối mòn sang Việt Nam. Họ mang theo một số đồ lễ như thịt, rượu, gạo và tiền, tất cả đều ở số lượng hạn chế. Ví dụ, gạo, rượu, thịt thường đủ để gia đình làm vài mâm cơm, tiền thì một hai chục triệu. Họ đến thưa chuyện với gia đình nhà gái, cô dâu, chú làm lễ trước bàn thờ gia tiên; ăn xong đến đầu giờ chiều thì xin phép được đưa dâu về Trung Quốc.
Tuy nhiên, tại xã Triệu Ẩu một số trường hợp kết hôn xuyên biên giới với người ở các bản giáp biên bên kia biên giới lại thường được tổ chức linh đình và rộn ràng, theo đúng truyền thống. Lý giải điều đó, mọi người cho rằng
114
người dân ở xã Triệu Ẩu xưa nay có quan hệ thân tình với người ở một số bản bên kia biên giới. Tại các bản này có nhiều cô dâu là người Việt Nam. Ví dụ, một gia đình trong xã đã có 3 chị em sang Trung Quốc lấy chồng. Họ sống gần nhau, tương trợ cho nhau và có cuộc sống khá giả, hạnh phúc. Trong trường hợp này, tại nhà gái, đám cưới sẽ được tổ chức theo phong tục nhà gái (người Tày), ở nhà trai, đám cưới theo phong tục nhà trai. Nhưng cơ bản, đám cưới của cư dân ở hai bên biên giới được tổ chức khá tương đồng vì có sự tương đồng về văn hóa.
Điều tra ở hai huyện Trùng Khánh, Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng ở người Tày, Nùng cho thấy hơn một nửa số hộ không tổ chức đám cưới. Có 46% hộ người Tày có tổ chức đám cưới, cao hơn so với nhóm người Nùng (41,9%).
Số liệu thống kê cho thấy rất nhiều hộ gia đình tổ chức đám cưới, tuy nhiên, có thể chỉ ở quy mô nhỏ, mang tính chất thông báo gia đình.
Vào năm 2015, người dân tại thị trấn Tà Lùng đàm tán về một cô gái làm ăn buôn bán ở cửa khẩu Tà Lùng. Họ nói rằng cô gái rất nhanh nhẹn, xinh gái, quen chồng cũng làm buôn bán tại cửa khẩu. Đám cưới của cô gái chắc sẽ được tổ chức linh đình. Trong ngày làm lễ ăn hỏi, nhà trai mang sang nhà gái nhiều đồ lễ, riêng “tiền đầu” là 200 triệu. Một số tiền lớn so với mức thông thường tại thời điểm này, thường chỉ từ 30 -50 triệu đồng. Nhiều người vì vậy tỏ ra ngưỡng mộ và so sánh với mức “tiền đầu” ở hôn nhân nội huyện Phục Hòa.
Nhìn chung, trong hôn nhân xuyên biên giới ở vùng biên, việc tổ chức đám cưới hay không, lý do không hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của các hộ gia đình, khoảng cách địa lý mà bởi quan niệm, góc nhìn về giá trị của cuộc hôn phối đó. Nếu con gái lớn tuổi, khuyết tật đi lấy chồng, họ sẽ tổ chức giản thiểu nhất có thể vì ai cũng biết lý do tại sao lại lấy chồng Trung Quốc. Ở những đám cưới cô gái là người xin xắn, nhanh nhẹn, chồng Trung
115
Quốc có điều kiện kinh tế, đám cưới sẽ tổ chức lớn với quan niệm người Trung Quốc có điều kiện kinh tế hơn.