CHƯƠNG 4. NHỮNG YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN BIẾN ĐỔI, GIÁ TRỊ HÔN NHÂN VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA
4.4. Một số kiến nghị
Với mong muốn bảo lưu những giá trị tốt đẹp đã được đúc kết, xây dựng qua nhiều thế hệ, được thể hiện trong hôn nhân truyền thống của người Tày ở vùng biên giới huyện Phục Hòa, cùng việc xem những giá trị này là nền tảng để phát triển xã hội bền vững. Qua tình hình thực tiễn nghiên cứu và bối cảnh kinh tế - xã hội của huyện Phục Hòa, NCS đưa ra một số kiến nghị sau:
Thứ nhất, kinh tế giữ vai trò quan trọng là yếu tố then chốt trong phát triển xã hội. Trong những năm qua, kinh tế huyện Phục Hòa đã có những thay đổi đáng kể, đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt ở các xã, bản giáp biên giới. Vì vậy, cần có những chính sách phát huy hơn nữa sức mạnh kinh tế địa phương, trong đó, phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thương mại dịch vụ cần được chú trọng.
Thứ hai, cần đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng của huyện, đặc biệt chú trọng hạ tầng giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục, khu cửa khẩu và khu du lịch. Trong những năm gần đây, huyện Phục Hòa đang triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới nhưng các tuyến đường gần biên giới phần nhiều đường đất, khó khăn đi lại.
144
Thứ ba, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các giá trị văn hóa tộc người để người dân nhận thức tốt hơn về những nét đẹp văn hóa mà họ đang sở hữu như trang phục truyền thống, nét đẹp trong phong tục, tập quán hôn nhân và những lời thơ trong lễ cưới...
Thứ tư, phát triển hơn nữa vai trò của lễ hội, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tạo cơ hội cho cộng đồng vùng biên có cơ hội được tham gia các hoạt động văn hóa, giúp mối quan hệ các tộc người vùng biên ngày càng gắn bó, thân tình.
Thứ năm, tăng cường xây dựng nếp sống văn minh, đạo đức, gia đình văn hóa để các thành viên trong gia đình hòa thuận, yêu thương và tương trợ lẫn nhau. Các chương trình này cần gắn với thực tiễn văn hóa tộc người, điều kiện địa phương và tránh áp dụng đại trà.
Thứ sáu: trong các mối quan hệ xuyên biên giới, cần nâng cao ý thức người dân về biên giới quốc gia, lãnh thổ. Kiểm soát tốt hơn nữa việc đi lại qua biên giới thông qua những lối mòn, đường sông, suối. Tuy nhiên, cũng cần có chính sách, hình thức pháp lý thuận lợi với cư dân sinh sống vùng giáp biên giới, tạo điều kiện để họ có thể qua lại biên giới thăm thân hoặc tìm việc làm mưu sinh. Trong đó, nhu cầu tìm kiếm việc làm ở bên kia biên giới rất cao, những rào cản như hiện nay cùng với thói quen đi lại không qua cửa khẩu không khiến họ thay đổi ý định đi lại qua các lối mòn. Điều đó ở phương diện nào đó giúp họ tiết kiệm được thời gian, chi phí, nhưng có thể dẫn tới những rủi ro cho chính bản thân họ.
Thứ bảy, với những phụ nữ lấy chồng Trung Quốc, cần có những chính sách nhanh chóng, kịp thời tạo điều kiện cho những người đã lập gia đình, sinh con đẻ cái, sống ổn định ở Trung Quốc trong nhiều năm có cơ hội được nhận quốc tịch Trung Quốc. Có các hình thức tuyên truyền để người dân hiểu hơn nữa những rủi ro khi lấy chồng Trung Quốc mà không
145
đăng ký kết hôn, không khai báo với chính quyền địa phương. Bằng hình thức dân vận, kiểm soát chặt chẽ hơn nữa hình thức kết hôn qua biên giới mà không khai báo. Với những người quay trở về Việt Nam, cần có các chương trình hỗ trợ họ hòa nhập cuộc sống. Đặc biệt, giúp người dân bản, cộng đồng hiểu được những khó khăn của những phụ nữ này khi buộc phải quay trở lại Việt Nam để họ có thể nhận được sự cảm thông, chia sẻ từ phía cộng đồng.
Tiểu kết chương 4
Nhìn nhận ở các yếu tố tác động tới hôn nhân của người Tày vùng biên thì rõ ràng, kinh tế, xã hội vùng biên đang chuyển biến mạnh mẽ, đời sống của người dân được nâng cao, đảm bảo hơn trước đây. Cuộc sống của người dân chịu tác động mạnh mẽ bởi những những chuyển biến kinh tế, xã hội trong nước, của các yếu tố tại chỗ và cả yếu tố bên kia biên giới.
Hôn nhân ở vùng biên giới mang nhiều ý nghĩa xã hội bởi không chỉ là tiền đề xây dựng hạnh phúc gia đình, nơi góp phần bảo lưu các giá trị văn hóa tộc người, bảo lưu niềm tin tín ngưỡng mà còn là tiền đề để đảm bảo phát triển bền vững xã hội, an ninh vùng biên giới. Trong nhiều năm trở lại đây, khi ranh giới quốc gia được chính phủ hai nước Việt - Trung đẩy mạnh công tác quản lý đã làm nẩy sinh nhiều vấn đề trong quản lý hôn nhân xuyên biên giới và đi lại qua biên giới.
Để giải quyết những vấn đề đó, trước hết cần nâng cao ý thức người dân về biên giới quốc gia, lãnh thổ, các hình thức rủi ro có thể xẩy ra nếu không tuân thủ các quy định về luật định biên giới quốc gia của mỗi nước.
Xây dựng các nét đẹp trong hôn nhân, với những giá trị như đạo đức, trách nhiệm của các thành viên và tình yêu thương trong gia đình. Để từ đó có một gia đình tốt đẹp, là hạt nhân trong phát triển ổn định xã hội vùng biên.
146
Cần có những chính sách, chương trình hỗ trợ với những người đã kết hôn xuyên biên giới mong muốn được làm các thủ tục kết hôn và xin quốc tịch Trung Quốc. Các chính sách này không phải là nhằm tạo điều kiện cho xu hướng kết hôn qua biên giới nhưng góp phần bảo đảm đời sống, danh phận của những người đã có cuộc sống gia đình ổn định ở Trung Quốc.
147