CHƯƠNG 4. NHỮNG YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN BIẾN ĐỔI, GIÁ TRỊ HÔN NHÂN VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA
4.2. Giá trị của hôn nhân
Hôn nhân được xem là mối quan hệ nền tảng của xã hội. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, đặc biệt ở không gian văn hóa, xã hội vùng biên giới, nơi giao thoa của các chiều dòng chảy kinh tế, xã hội, hôn nhân dễ bị tác động và chuyển biến theo chiều hướng khác nhau. Để đảm bảo vùng biên giới phát triển bền vững thì một trong những yếu tố quan trọng là cần có những cuộc hôn nhân tốt đẹp, tạo nên nền tảng cho phát triển xã hội.
4.2.1. Hôn nhân tạo nền tảng phát triển xã hội vùng biên
Để giúp con cái khi trưởng thành có hôn nhân tốt đẹp, ngay từ khi chỉ là những đứa trẻ nhỏ, các em đã được bố mẹ chỉ dạy các phép tắc, tôn ti trật tự xưng hô, ứng xử trong gia đình và ngoài xã hội. Khi là những thiếu niên, các em được bố mẹ cho làm các công việc gia đình như chẻ củi, cuốc đất, trồng cây, thêu, dệt vải, nấu ăn… Tất cả giúp các em lớn lên có thể tự lập.
Trước khi cưới vợ, chồng cho con, bố mẹ, dòng họ rất quan tâm đến gia đình sẽ kết thông gia có môn đăng họ đối, có nề nếp gia phong hay không. Người con trai, con gái trở thành chồng, vợ tương lai phải biết lễ phép, có đạo đức và chăm chỉ làm việc… Ông quan làng, bà pả mẻ mà hai bên gia đình lựa chọn cũng phải là người có gia đình vẹn toàn, ăn ở không điều tiếng với hàng xóm, dân làng; có đạo đức, cư xử hòa nhã, lịch thiệp…
Những lời lẽ giao tiếp, cách ứng xử của ông quan làng, bà pả mẻ là hình ảnh chuẩn mực để mọi người và đôi vợ chồng trẻ học tập, noi theo.
Hôn nhân thể hiện hình ảnh của bố mẹ, gia đình, họ hàng lo lắng, giúp đỡ con cái về vật chất, tinh thần để tiến hành các nghi lễ hôn nhân, nhiều người con vì bố mẹ nghèo mà đứng ra tự lo việc kết hôn. Những trao đổi, chia sẻ đó góp phần gắn kết các thành viên trong gia đình, họ
132
hàng…, giúp mọi người hiểu nhau, yêu thương, quý mến nhau nhiều hơn.
Trong cách ứng xử khi tổ chức hôn nhân, ông bà trở thành tấm gương đạo đức để con cháu noi theo, bố mẹ là chỗ dựa về tinh thần, vật chất của con cái… Tất cả hành vi, cách ứng xử đó được xây dựng, đúc kết qua biết bao thế hệ để hướng tới một gia đình tốt, chuẩn mực trong đời sống hôn nhân của người Tày ở vùng biên giới huyện Phục Hòa. Một cuộc hôn nhân được chuẩn bị chu tất, đầy đủ là cơ sở có một gia đình tốt. Một gia đình tốt sẽ có những người con ngoan, chịu khó trong học tập, công việc và nhờ đó không chỉ giúp gia đình mà còn giúp xã hội vùng biên phát triển bền vững.
4.2.2. Hôn nhân góp phần bảo lưu các giá trị nhân văn
Hôn nhân là khía cạnh văn hóa có khả năng phản ánh nhiều sắc thái văn hóa tộc người. Ở đó văn hóa ứng xử với những lời lẽ hoa mỹ, lịch thiệp, nhã nhặn được mọi người dùng để trao đổi với nhau khi bàn việc cưới xin, hoặc bên mâm cỗ đầm ấm. Những lời thơ thắm đượm tình yêu quê hương, thắm đượm tình người, tình yêu lứa đôi, kính nhớ tổ tiên được ông quan làng, bà pả mẻ dùng để trao đổi với nhau đã được tạo dựng từ biết bao thế hệ. Những lời thơ đó không chỉ góp vui cho không khí lễ cưới mà còn phản ánh sâu sắc giá trị văn hóa tinh thần tộc người. Trong những năm gần đây, lời thơ ít được dùng do ít ông quan làng, bà pả mẻ không còn thuộc, thanh niên nam nữ có xu hướng dùng nhạc hiện đại. Tuy nhiên, do sự quan tâm của cộng đồng, xã hội, của các cơ quan chức năng…, dấu ấn về văn hóa truyền thống sẽ được phục hồi trở lại và hẳn nhiên, hôn nhân sẽ góp phần quan trọng đó.
Mỗi một đồ lễ, lễ vật mà nhà trai, chàng rể, cô dâu mang sang nhà gái, nhà trai không chỉ đơn thuần là thực phẩm, đồ vật để tổ chức đám cưới mà hàm chứa giá trị nhân văn sâu xa của sự trân trọng, lòng biết ơn của con
133
cái với công sinh dưỡng của cha mẹ. Các vật phẩm theo sự phát triển của kinh tế ngày càng trở nên phong phú, đẹp mắt hơn, đôi khi mang tính thực dụng, nhưng ý nghĩa sâu xa của nó hẳn cô dâu chú rể nào cũng hiểu và như một sự nhắc nhở nhẹ nhàng, sâu sắc.
Các bước nghĩ lễ trong hôn nhân với những hành vi như vái lạy trước bàn thờ tổ tiên, dâng rượu, trầu mời người thân, họ hàng phía nhà trai, nhà gái không chỉ đơn thuần là một nghi lễ bắt buộc. Ở đó là cách giúp cô dâu, chú rể được học về phép tắc xã hội, biết kính nhớ, trân trọng tổ tiên, những người đã sinh thành ra bố mẹ bên vợ, bên chồng, biết trân trọng những người cao tuổi là chú, bác hai bên. Sự kết hợp giữa yếu tố tâm linh và lòng biết ơn được nhắc nhớ làm tăng ý thức về công ơn của các thế hệ sinh thành.
4.2.3. Hôn nhân bảo lưu niềm tin tín ngưỡng
Trong hôn nhân của người Tày ở vùng biên giới huyện Phục Hòa, có rất nhiều điểm phản ánh niềm tin tín ngưỡng, tâm linh như đi xin bản lủc mỉnh, chọn ngày giờ tốt để tiến hành các nghi lễ, khấn bái gia tiên hai họ....
Khi đón và đưa dâu nếu gặp cầu, dòng sông thì phải rải tiền. Khi đón dâu về nhà chồng, nếu trời mưa cũng không được vào nhà bất kỳ ai trên đường để trú mưa, mà chỉ được phép trú dưới gốc cây. Giờ đón dâu về nhà phải là giờ Dậu, khi gà rục rịch lên chuồng… Tất cả những việc làm đó nhằm mong đôi vợ chồng trẻ sống với nhau được bền lâu, đến lúc đầu bạc răng long, không gặp những trắc trở, rủi ro. Nhưng ẩn sau đó là cả một kho tàng về thế giới quan của tộc người với niềm tin vào vạn vật hữu linh. Mọi thứ dường như đều được sinh ra bởi thế lực siêu nhiên và có linh hồn, biết phù hộ, hỗ trợ con người nhưng cũng có thể làm hại.
Những niềm tin ở góc độ nào đó tạo dựng nên quy tắc xã hội trong ứng xử giữa mọi người với nhau, như giữa những người bình thường và sự
134
trân trọng thầy cúng của cộng đồng. Các thành viên khi cùng nhau nhắc nhở về sự cẩn trọng thực hiện theo niềm tin để tránh rủi ro cũng là cơ hội để tạo nên sự gắn kết vô hình giữa họ. Trong cuộc sống hiện đại hoặc ngay trong nghi lễ hôn nhân, có nhiều niềm tin vào một sự vật, hiện tượng nào đó mất đi, bị lãng quên hoặc bị giảm nhẹ như việc xem bản lủc mỉnh có hợp mệnh đôi trẻ hay không nay không còn nhiều ý nghĩa tâm linh như trước đây nhưng nó vẫn được bảo lưu, bảo tồn như một phong tục, tập quán tộc người.
4.2.4. Hôn nhân mở rộng, gắn kết quan hệ xã hội vùng biên giới 4.2.4.1. Hôn nhân với sự gắn kết quan hệ xã hội vùng nội biên giới Trong hôn nhân truyền thống trước đây, dù rằng hôn nhân chủ yếu diễn ra trong nội tộc người, nhưng hôn nhân đã có vai trò quan trọng gắn kết các cộng đồng, nhóm xã hội. Nếu hôn nhân chỉ diễn ra giữa hai cá nhân trong nội bản, đây sẽ là ngày vui của cả dân bản và những vị khách đến từ bản khác, xã khác và tộc người khác có thể được mời đến tham dự. Nếu hôn nhân diễn ra giữa hai người ở hai bản khác nhau hoặc rộng hơn là ở hai xã khác nhau…, đây là cơ hội để những người xa lạ đến dự đám cưới quen biết nhau, tạo dựng mối quan hệ mới. Nếu thêm những lần gắn kết về quan hệ hôn nhân, mối quan hệ giữa hai bản khác nhau sẽ trở nên gần gũi, thân thiết bởi được gắn bó bằng tình cảm thông gia. Khi một cá nhân đến một bản khác để sính sống, là lúc họ mang theo những kinh nghiệm canh tác, kinh nghiệm ứng xử xã hội và thói quen sinh hoạt tới nơi ở mới. Có thể ban đầu sự mới mẻ này tạo nên những rắc rối nhưng dần dần được thích ứng và ở phạm vi nào đó có giá trị mở rộng nhận thức của những người dân bản về cuộc sống và con người... ở một bản khác.
Từ sau những năm 2000, không gian xã hội vùng biên giới huyện Phục Hòa được mở rộng bằng nhiều hình thức như giao thông thuận tiện,
135
phương tiện đi lại nhanh chóng, có điện thoại, mạng internet, các cá nhân tham dự nhiều các hoạt động xã hội như đi học, làm việc công sở, buôn bán, giao lưu…Nhờ đó, mối quan hệ xã hội của mỗi cá nhân được rộng mở.
Các thanh niên, nam nữ dần có xu hướng thích tìm người ở bản khác, xã khác, thay vì nội bản vì cảm giác quá quen thuộc. Sự mở rộng quan hệ hôn nhân giúp cho người dân các xã trong và ngoài huyện hiểu biết nhau nhiều hơn, gắn bó hơn.
Trong không gian xã hội mở rộng đó, như đã đề cập ở Chương 3, hôn nhân khác tộc người ngày càng trở nên phổ biến. Người Tày không thấy ở người Nùng, người Kinh nhiều điểm khác biệt mà ngược lại, thấy nhiều hơn ở sự tương đồng trong cách hành vi ứng xử, thói quen sinh hoạt. Cơ hội giao lưu, quen biết đã giúp mỗi cá nhân, tộc người thấy và học hỏi được điểm tốt từ cá nhân, tộc người khác để từ đó, hình thành nên những điểm chung. Sự khác biệt tộc không còn rõ ràng trong cuộc sống và cách nghĩ đã giúp cho hôn nhân hỗn hợp tộc người từ trước năm 2000 chỉ là một số ít trường hợp thì nay trở nên phổ biến. Sự phổ biến đó giúp các tộc người ngày càng trở nên gần gũi, thân thiện. Trường hợp này tương tự như ở người Tày với người Kinh hoặc người Nùng với người Kinh.
Ngoài ra, mỗi ngày có đám cưới, là dịp những vị khách có thể quen biết, không quen biết cùng đến tham dự. Đây là cơ hội để họ làm quen, gắn kết với nhau. Nhìn chung, hôn nhân là hình thức hay tạo ra cơ hội để cư dân ở vùng nội biên làm quen, hiểu biết nhau nhiều hơn. Từ đó góp phần quan trọng tạo dựng sự cố kết cộng đồng vùng biên, góp phần bảo vệ an ninh, an toàn xã hội.
4.2.4.2. Hôn nhân với sự gắn kết các cộng đồng xuyên biên giới Trong quan niệm chủ đạo hiện nay của chính quyền địa phương rằng hôn nhân xuyên biên giới gây ra nhiều bất ổn trong xã hội vùng biên thì ở
136
góc độ tích cực, hôn nhân xuyên biên giới có ý nghĩa gắn kết các tộc người hai bên biên giới. Mỗi cô dâu vùng biên giới huyện Phục Hòa kết hôn với nam giới Trung Quốc đều mang theo họ kinh nghiệm sản xuất, thói quen ứng xử, nếp sống… ở Việt Nam sang Trung Quốc. Những thói quen đó chính là văn hóa tộc người, văn hóa cộng đồng đã thấm sâu trong họ, để qua họ, người Trung Quốc hiểu hơn về cư dân vùng biên giới huyện Phục Hòa ở Việt Nam. Ngược lại, mỗi lần phụ nữ về thăm gia đình ở Việt Nam, những câu chuyện của họ kể về gia đình, cuộc sống ở Trung Quốc giúp cư dân vùng biên được hiểu thêm về cuộc sống của những người bên kia biên giới. Sự hiểu biết lẫn nhau có ý nghĩa quan trọng tạo nên sự đồng cảm, cảm thông ở một mức độ nào đó.
Ở khía cạnh khác, hôn nhân xuyên biên giới tạo dựng quan hệ họ hàng, thân tộc ở hai bên biên giới. Trong cộng đồng cư dân khi giá trị gia đình, dòng tộc được xem trọng như ở người Tày, Nùng (Việt Nam), người Choang (Trung Quốc) quan hệ gắn kết này trở nên bền vững.
4.2.4.3. Hôn nhân góp phần phát triển kinh tế vùng biên
Với cư dân vùng nội biên huyện Phục Hòa, hôn nhân hiện nay thường được xem là tốn kém với số tiền nhà mà trai phải mang sang nhà gái trong lễ ăn hỏi thường từ 50-60 triệu đồng. Ở góc độ khác, việc mở rộng phạm vi tìm đối tượng kết hôn hiện nay giúp các cá nhân tham gia kết hôn dễ dàng hơn tìm được người có sự tương đồng về quan điểm xã hội và phát triển kinh tế hộ gia đình. Hai người kết hôn ở hoàn cảnh khác nhau có thể chia sẻ những thông tin, kinh nghiệm để phát triển kinh tế.
Với hôn nhân xuyên biên giới ở vùng biên giới huyện Phục Hòa, theo thông tin từ phía gia đình, hầu hết các trường hợp đều có điều kiện kinh tế khó khăn. Trong nghiên cứu của các tác giả Trung Quốc như Vương Huy, Hoàng Gia Tín [153] cũng đã nêu rằng, phụ nữ kết hôn qua Bách Tỉnh phần
137
nhiều không biết chữ, chồng của họ cũng thuộc vào diện khó khăn của địa phương nên muốn đi xin nhập quốc tịch Trung Quốc đều khó. Chỉ một số ít người có thể gửi tiền với số tiền không lớn. Số tiền này chỉ mang tính chất hỗ trợ cho gia đình. Trong tổng số 1.079 người được hỏi về tác động tích cực của hôn nhân tới lao động việc làm, “có 34,7% người trả lời nhận định rằng hôn nhân xuyên biên giới giúp điều kiện sống tốt hơn; 22,9% là tỉ lệ người trả lời khẳng định hôn nhân xuyên biên giới góp phần làm tăng thu nhập cho các gia đình thông qua tiền gửi về” [55, tr. 245]. Hình thức hỗ trợ chủ yếu là giúp người thân tìm việc làm ở Trung Quốc. Tuy nhiên, xét trên tổng thể, hôn nhân xuyên biên giới thông qua mối quan hệ họ hàng, thân tộc mở rộng mạng lưới liên kết, trao đổi thương mại giữa hai vùng biên, đã tạo điều kiện kinh tế địa phương phát triển.