THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG CỦA KIỂM TOÁN NỘI BỘ TẠI NGÂN HÀNG TMCP CÔNG THƯƠNG VIỆT NAM
2.2 Hoạt động kiểm toán nội bộ tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam
2.2.3 Phương pháp kiểm toán nội bộ tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt
Do công tác phát triển và đảm bảo chất lượng kiểm toán chưa có nên tác giả chỉ tập trung vào công tác thực hiện kiểm toán. Thực hiện nghiệp vụ kiểm toán của Ngân hàng Công thương Việt Nam bao gồm: Giám sát từ xa và Kiểm toán trực tiếp tại đơn vị.
Thứ nhất, công tác giám sát từ xa được thực hiện như sau: Hàng tháng vào ngày cuối tháng, sau khi có đầy đủ dữ liệu từ các báo cáo đa chiều của từng nghiệp vụ
(huy động vốn, cho vay, đầu tư, cân đối toàn hàng,…) cán bộ kiểm toán thực hiện chiết xuất, xử lý dữ liệu để lập các báo cáo giám sát hoạt động của các chi nhánh, các báo cáo các chỉ tiêu an toàn theo thông tư 13 của NHNN. Trên cơ sở đó, phân tích đánh giá hiệu quả hoạt động, mặt mạnh, mặt yếu, mức độ rủi ro của từng chi nhánh, từng khu vực, toàn hàng. Từ đó có được cái nhìn tổng thể đối với từng chi nhánh cũng như toàn hàng, để bổ sung và điều chỉnh kịp thời kế hoạch kiểm toán năm. Kết quả giám sát từ xa cũng là cơ sở để Ban kiểm soát đưa ra các kiến nghị và
đề xuất để Ban điều hành Vietinbank có những chỉ đạo phù hợp đối với từng chi nhánh từng khu vực để đảm bảo hoàn thành kế hoạch kinh doanh. Bên cạnh việc lập các báo cáo giám sát hoạt động các chi nhánh, phòng kiểm toán nội bộ còn lập các báo cáo giám sát toàn hàng theo nghiệp vụ, báo cáo về thị phần tín dụng theo địa bàn, báo cáo thị phần của ngân hàng, báo cáo theo dõi diễn biến giao dịch cổ phiếu Vietinbank của các đối tượng thuộc diện theo dõi. Nhờ công tác giám sát từ xa,
phòng kiểm toán nội bộ đã phát hiện ra các vấn đề còn hạn chế trong hoạt động của Chi nhánh và toàn hàng, những rủi ro tiềm ẩn dẫn đến tổn thất cho Vietinbank như:
tần suất trả lãi quá dài, lãi dự thu lớn hơn nhiều so với lãi thực thu, xóa thông báo trả lãi trên hệ thống để tránh phân loại nợ,… Tuy nhiên, do số lượng cán bộ kiểm toán nội bộ còn ít trong khi số lượng chi nhánh của Vietinbank nhiều cùng với khối lượng dữ liệu rất lớn, cần phải báo cáo nhanh nên việc rà soát hệ thống gặp nhiều khó khăn. Nếu thời gian rà soát quá lâu sẽ làm mất tính thời sự, nếu rà soát trong thời gian ngắn thì hiệu quả không cao, do không đi sâu phân tích chi tiết từng đối tượng, hiện tượng.
Thứ hai, công tác kiểm toán trực tiếp của Ngân hàng Công thương Việt Nam được tiến hành theo các bước sau:
Bước 1: Đánh giá rủi ro
Đây là công việc đầu tiên của mỗi cuộc kiểm toán. Trong bước này, cán bộ kiểm toán thực hiện thu thập các thông tin cần thiết từ các báo cáo đa chiều, các báo cáo giao ban, các báo cáo nghiệp vụ, các báo cáo về quản trị điều hành,... của Ngân hàng Công thương Việt Nam; và các báo cáo tài chính và báo cáo hoạt động của ngành ngân hàng, định hướng của Ngân hàng nhà nước, định hướng của nền kinh tế,… để tiến hành phân tích, đánh giá tổng hợp. Trên cơ sở đó, đưa ra các xét đoán về các rủi ro có thể gây tác hại đối với Vietinbank. Căn cứ vào đó thiết lập kế hoạch kiểm toán hàng năm của Vietinbank trong đó ưu tiên kiểm toán các đơn vị và các hoạt động có rủi ro cao.
Bảng 2.2: Đánh giá rủi ro và tần suất kiểm toán Đánh giá rủi ro Đánh giá kiểm soát Tần suất kiểm toán
Cao Yếu 01 lần trong 12 tháng (Kiểm toán toàn diện)
Trung bình Trung bình 01 lần trong 18 tháng (Kiểm toán toàn diện)
Thấp Tốt 01 lần trong 36 tháng (Kiểm toán toàn diện hoặc từng mặt nghiệp vụ)
Bước 2: Lập kế hoạch kiểm toán
Kế hoạch kiểm toán bao gồm kế hoạch kiểm toán năm và kế hoạch từng cuộc kiểm toán.
Tháng 12 hàng năm, Phòng kiểm toán nội bộ phải lập kế hoạch kiểm toán cho năm tới trên cơ sở kết quả đánh giá rủi ro các mặt hoạt động và đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ của các đơn vị trong hệ thống, kết quả kiểm toán độc lập, kiểm toán nội bộ lần trước và yêu cầu của Hội đồng Quản trị trình Trưởng Ban kiểm soát xem xét và trình Hội đồng quản trị phê duyệt. Mục đích là để phân bổ nguồn lực và
thiết lập tần suất kiểm toán một cách có hiệu quả. Trong quá trình thực hiện, phòng kiểm toán nội bộ tiếp tục theo dõi nắm bắt diễn biến tình hình hoạt động của các đơn vị để bổ sung hoặc giảm bớt đối tượng kiểm toán.
Kế hoạch cho từng cuộc kiểm toán nhằm đảm bảo nguồn lực của kiểm toán nội bộ được điều phối cho những phạm vi công việc có rủi ro cao để thực hiện công việc kiểm toán có hiệu quả và đạt được những mục tiêu đề ra. Trong đó chỉ ra định hướng công việc cho nhóm kiểm toán trên cơ sở tuân thủ kế hoạch kiểm toán nội bộ hàng năm của Vietinbank. Kế hoạch kiểm toán nội bộ cho từng cuộc kiểm toán làm cơ sở để lập đề cương kiểm toán chi tiết. Nội dung quan trọng nhất của kế hoạch kiểm toán là thiết lập các mục tiêu kiểm toán và phạm vi công việc, theo đó các mục tiêu kiểm toán là chỉ ra các yêu cầu, nội dung cần kiểm tra, đánh giá và xác nhận của cuộc kiểm toán và xác định những gì cuộc kiểm toán cần hoàn tất. Các mục tiêu kiểm toán là thước đo kết quả của mỗi cuộc kiểm toán nội bộ và là cơ sở đánh giá
việc hoàn thành trách nhiệm của nhóm kiểm toán và nhân viên kiểm toán nội bộ, các mục tiêu kiểm toán là yếu tố quyết định phạm vi, nội dung và việc lựa chọn phương pháp kiểm toán. Mục tiêu của một cuộc kiểm toán là xác định nội dung hoặc tiêu chí cụ thể sau: Tài sản tồn tại một thời điểm nhất định (sự tồn tại); Nghiệp vụ đã xuất hiện phát sinh trong hoạt động của đơn vị (sự hiện hữu); Tài sản, công nợ hay nghiệp vụ được ghi chép đầy đủ trong hệ thống kế toán (sự đầy đủ); Tài sản thuộc quyền sở hữu của đơn vị hoặc của Vietinbank, của khách hàng … (quyền sở hữu); Tài sản và công nợ được phản ánh theo giá trị phù hợp (đánh giá); Nguồn vốn
phản ánh đúng đắn trách nhiệm của đơn vị phải bảo toàn và thanh toán (nghĩa vụ);
Các nghiệp vụ về thu nhập và chi phí được phản ánh theo đúng giá trị và phân bổ theo đúng kỳ kế hoạch (đo lường); Các phép tính số học trên báo cáo tài chính đảm bảo chính xác; Tài sản và nghiệp vụ được phân loại và kê khai đúng đắn (sự phân loại).
Bước 3: Thực hiện kiểm toán
Đây thực chất là quá trình áp dụng các phương pháp kỹ thuật, nghiệp vụ vào việc kiểm tra thực tế nhằm thu thập các bằng chứng kiểm toán đầy đủ và thích hợp làm cơ sở cho các ý kiến nhận xét về các thông tin được kiểm toán thông qua việc tuân thủ các phương pháp kiểm toán của nhân viên kiểm toán khi tác nghiệp. Có thể chia hệ thống phương pháp kiểm toán nội bộ thành hai loại là: Các phương pháp kiểm toán cơ bản và Các phương pháp kiểm toán tuân thủ.
Các phương pháp kiểm toán cơ bản là các phương pháp được thiết kế và sử dụng nhằm mục đích thu thập các bằng chứng có liên quan đến các dữ liệu do hệ
thống kế toán xử lý và cung cấp. Đặc trưng cơ bản của các phương pháp này là việc tiến hành các thử nghiệm, các đánh giá đều được dựa vào các số liệu, các thông tin trong báo cáo tài chính và hệ thống kế toán của đơn vị. Vì vậy các phương pháp kiểm toán cơ bản còn được gọi là các bước kiểm nghiệm theo số liệu. Các phương pháp kiểm toán cơ bản bao gồm: Phương pháp phân tích đánh giá tổng quát, Phương pháp cân đối, Phương pháp kiểm tra chi tiết các nghiệp vụ và các số dư tài khoản.
Các phương pháp kiểm toán tuân thủ là các thủ tục và kỹ thuật kiểm toán được thiết lập để thu thập các bằng chứng về tính đầy đủ và hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ tại đơn vị. Đặc trưng của các phương pháp kiểm toán tuân thủ là các thử nghiệm và kiểm tra đều dựa vào các quy chế kiểm soát trong hệ thống kiểm soát nội bộ đơn vị. Nếu hệ thống kiểm soát nội bộ đơn vị được đánh giá là mạnh, là hiệu quả và kiểm soát viên có thể tin tưởng thì công việc kiểm toán cần dựa vào các quy chế
kiểm soát. Công việc kiểm toán được dựa vào hệ thống kiểm soát nội bộ nên phương pháp kiểm toán tuân thủ còn được gọi là bước kiểm nghiệm dựa vào kiểm soát. Tùy thuộc mức thỏa mãn về kiểm soát, nhân viên kiểm toán nội bộ có thể áp
dụng các phương pháp kiểm toán tuân thủ sau: Phương pháp thực nghiệm (trắc nghiệm), Thử nghiệm kiểm soát, Phương pháp kiểm tra đối chiếu, Phương pháp quan sát, Phương pháp thẩm tra và xác nhận, Phương pháp phỏng vấn, Phương pháp tính toán.
Trong quá trình thực hiện nhân viên kiểm toán nội bộ cần đánh giá rủi ro kiểm soát để xác định phương hướng và phạm vi kiểm toán. Nếu rủi ro cao, nhân viên kiểm toán nội bộ phải tăng cường và mở rộng phạm vi kiểm toán để xác định được các sai sót trọng yếu trên báo cáo tài chính và các vi phạm về chính sách. Ngược lại, rủi ro kiểm toán thấp (hệ thống kiểm soát nội bộ hữu hiệu), nhân viên kiểm toán nội bộ có thể giới hạn phạm vi kiểm toán mà vẫn đảm bảo xác định được sai sót ở mức độ cho phép.
Bước 4: Lập báo cáo kiểm toán nội bộ
Đây là giai đoạn tổng hợp kết quả kiểm toán chi tiết để lập báo cáo phân tích đánh giá, đưa ra các kiến nghị, đề xuất tư vấn cho đơn vị. Kiểm toán nội bộ thực hiện lập các Báo cáo sau: Báo cáo bất thường, Báo cáo từng cuộc kiểm toán, Báo cáo kiểm toán nội bộ hàng năm.
Bước 5: Theo dõi sau kiểm toán
Kiểm tra đơn vị được kiểm toán thực hiện kiến nghị của kiểm toán nội bộ là giai đoạn cuối cùng của một quy trình kiểm toán nội bộ nhằm đảm bảo kết quả kiểm toán được sử dụng để cải tiến hoạt động quản lý tài chính, kế toán và hoạt động kinh doanh khác của đơn vị được kiểm toán. Giai đoạn này bao gồm các nội dung sau:
Kiểm tra thời hạn nộp báo cáo và kết quả thực hiện kiểm toán so với yêu cầu tại báo cáo kiểm toán nội bộ; Kiểm tra nội dung báo cáo của đơn vị được kiểm toán về tình hình và kết quả thực hiện các kiến nghị của nhóm kiểm toán nội bộ; Đối chiếu việc thực hiện những công việc khắc phục sai sót, yếu kém trong thực tế tại đơn vị được kiểm toán với báo cáo của đơn vị gửi cho nhóm kiểm toán nội bộ và với các kết luận trong báo cáo kiểm toán; Kiểm tra đánh giá thực tế cả về thời gian, nội dung kết quả những công việc mà đơn vị được kiểm toán và thực hiện theo các kiến nghị của nhóm kiểm toán nội bộ (bao gồm việc chấn chỉnh quản lý, tăng cường công tác
kế toán, điều chỉnh sổ sách và báo cáo tài chính, xử lý các quan hệ tài chính…); Thu thập các bằng chứng về việc đơn vị được kiểm toán đã thực hiện kiến nghị của nhóm kiểm toán nội bộ; Lập biên bản về việc kiểm tra thực tế việc thực hiện kết luận của nhóm kiểm toán nội bộ tại đơn vị được kiểm toán.