Những tồn tại và hạn chế

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán nội bộ tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Trang 71 - 74)

THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG CỦA KIỂM TOÁN NỘI BỘ TẠI NGÂN HÀNG TMCP CÔNG THƯƠNG VIỆT NAM

2.3 Đánh giá thực trạng hoạt động kiểm toán nội bộ tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam

2.3.2 Những tồn tại và hạn chế

Bộ máy KTNB của Vietinbank mới chính thức được thành lập từ năm 2007 do đó trong quá trình hoạt động không thể tránh được những hạn chế nhất định. Có thể khái quát các hạn chế này qua các nội dung chủ yếu sau:

Thứ nhất, Mô hình tổ chức cũng như phương pháp hoạt động của 2 bộ phận Ban kiểm tra kiểm soát nội bộ & Kiểm toán nội bộ có nhiều điểm chồng chéo. Mặc

dù mô hình tổ chức của bộ phận kiểm soát, kiểm toán nội bộ Vietinbank đã có những bước tiến gần hơn đến thông lệ và cũng đã phát huy được những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên với một mô hình như hiện nay tồn tại song song hai hệ thống:

Bộ phận kiểm toán nội bộ và bộ phận kiểm tra kiểm soát nội bộ chuyên trách đều được tổ chức thành hệ thống dọc: từ Trụ sở chính xuống đến các khu vực (đối với phòng Kiểm toán nội bộ); từ Trụ sở chính đến các Sở giao dịch và chi nhánh (đối với ban Kiểm tra kiểm soát nội bộ). Với những chức năng nhiệm vụ trùng nhau dẫn đến bị chồng chéo gây lãng phí nguồn lực, kém hiệu quả. Bên cạnh đó, sự phối kết hợp giữa hai bộ phận chưa tốt, còn trùng lặp về mặt nghiệp vụ, nhiều công việc làm lẫn của nhau gây lãng phí nguồn lực, phiền hà cho chi nhánh.

Thứ hai, Việc thực hiện chức năng của bộ phận kiểm toán. KTNB có bốn chức năng cơ bản là kiểm tra, đánh giá, xác nhận và tư vấn. Tuy nhiên bộ máy KTNB tại Vietinbank chưa thực hiện tốt chức năng thứ tư của KTNB. Việc thực hiện chưa toàn diện chức năng của KTNB được thể hiện chủ yếu qua các cuộc kiểm toán chi nhánh hay công ty con. Trong quá trình thực hiện kiểm toán, KTNB mới chỉ chú trọng với loại hình kiểm toán tuân thủ hay kiểm toán BCTC mà chưa thực sự thực hiện tốt vai trò của bộ phận tham mưu cho Ban lãnh đạo Vietinbank trong vấn đề

điều hành hoạt động của hệ thống Vietinbank được an toàn & hiệu quả.

Thứ ba, Chưa có quy trình kiểm toán đối với từng nghiệp vụ. Phòng Kiểm toán nội bộ chưa xây dựng được quy trình kiểm toán cho từng nghiệp vụ, chưa có chương trình kiểm toán, chưa có quy định về cách đánh tham chiếu hồ sơ kiểm toán,… Do đó, các công việc kiểm toán nội bộ đều được làm theo kinh nghiệm và ý hiểu của mỗi cán bộ, chưa có sự thống nhất và thiếu tính chuyên nghiệp. Từ đó hoạt động của kiểm toán nội bộ mới chỉ mang ý nghĩa phát hiện, chưa có tác dụng hoàn thiện, chưa phát huy được vai trò cảnh báo và phòng ngừa rủi ro. Hàng năm, Vietinbank đều tổng kết công tác kiểm tra kiểm soát, có những sai phạm vẫn lặp đi lặp lại: như thẩm định sơ sài, kết luận thiếu căn cứ, thiếu chính xác; định giá tài sản bảo đảm không sát với thực tế, cho vay vượt thẩm quyền … dẫn đến những tổn thất cho ngân hàng.

Thứ tư, Chưa có hệ thống kiểm soát chất lượng. Phòng KTNB chưa xây dựng các chương trình làm việc cụ thể để đánh giá chất lượng và mức độ hài lòng của các bên hữu quan đối với công tác KTNB. Hệ thống đánh giá chất lượng này sẽ giúp cho các bộ phận KTNB điều chỉnh quy trình thực hiện, phương thức thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả của kiểm toán. Chính sách và thủ tục KTNB chưa được chuẩn hóa và chưa sát với các thông lệ quốc tế. Chính điều này khiến cho chất lượng của một số cuộc kiểm toán chưa cao (thể hiện qua biên bản kiểm toán), chưa xác định đúng trọng tâm trọng điểm cần kiểm tra, dẫn đến nội dung kiểm toán, đối tượng kiểm toán chưa đáp ứng được yêu cầu cần kiểm tra của chi nhánh. Kết quả kiểm toán chỉ phát hiện ra các sai sót, tồn tại nhỏ trên bề mặt hồ sơ, chứng từ, không đánh giá được chất lượng hoạt động của các lĩnh vực đã kiểm toán, mức độ an toàn vốn, các sai phạm trọng yếu và nguyên nhân có sai phạm; vì vậy chưa giúp được nhiều cho lãnh đạo chi nhánh trong điều hành hoạt động kinh doanh. Một thực tế khác cho thấy rằng mặc dù bộ phận kiểm toán nội bộ được thành lập cách đây hơn 4 năm nhưng số vụ việc vi phạm mang tính chất nghiêm trọng ở các chi nhánh không ngừng gia tăng, chất lượng tín dụng cũng không được cải thiện qua các năm. Bên cạnh đó thực tế cho thấy việc điều chỉnh số lượng các cuộc kiểm toán trong năm cũng không có ảnh hưởng đáng kể đến số vụ việc vi phạm nghiêm trọng cũng như tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng phát sinh trong năm (Chi tiết tại Bảng 2.5)

Bảng 2.4: Thống kê một số chỉ tiêu phản ánh chất lượng hoạt động của bộ phận KTNB từ năm 2007 đến năm 2011

Năm

Chỉ tiêu 2007 2008 2009 2010 2011

Số vụ vi phạm 3 4 5 6 8

Tỷ lệ nợ xấu 1,02% 1,81% 0,61% 0,66% 0,75%

Hệ số đánh giá H1 16,1% 257,2% -184,7% -21,1%

Hệ số đánh giá H2 6,9% -97,2% -520,0% -49,0%

(Nguồn: Tác giả tự tổng hợp)

Thứ năm, Kế hoạch KTNB mới chỉ được xây dựng theo một chiều và còn mang tính hình thức. Kế hoạch kiểm toán được xây dựng dựa trên đề xuất của bộ phận KTNB sau đó trình Trưởng Ban kiểm soát phê duyệt và chuyển xuống các khu vực.

Kế hoạch kiểm toán không được lấy ý kiến của các phòng kiểm toán khu vực, bộ phận kiểm tra kiểm soát nội bộ, các phòng ban chức năng khác trước khi được phê duyệt. Điều này có thể gây ra một số bất lợi cho quá trình hoạt động kinh doanh của các chi nhánh cũng như tạo ra sự chồng chéo trong hoạt động kiểm tra các chi nhánh. Mặt khác việc xây dựng kế hoạch kiểm toán còn mang tính hình thức, có sự

dàn trải, thiếu trọng tâm trọng điểm, nên mặc dù đã kiểm tra ở tất cả các khâu, các nghiệp vụ nhưng trên thực tế nhiều vụ việc xảy ra vẫn không được phát hiện và

cảnh báo được.

Thứ sáu, Bộ phận KTNB của Vietinbank hiện nay chưa đặt chuẩn cho các kiểm toán viên nội bộ (KTVNB) về bằng cấp – trình độ nghiệp vụ, chứng chỉ hành nghề hay các kỹ năng để trở thành KTVNB. KTNB của Vietinbank mới chỉ đặt ra yêu cầu có trình độ nghiệp vụ về kiểm toán & ngân hàng mà chưa đặt ra các quy định riêng về trình độ chuyên môn sâu về các lĩnh vực của ngân hàng. Trong bộ máy KTNB của Vietinbank vẫn chưa có Trưởng Kiểm toán nội bộ để thực hiện các chức năng nhiệm vụ theo Quy định của NHNN, nhân lực kiểm toán chủ yếu là cán bộ mới chỉ được đào tạo về nghiệp vụ kiểm toán chưa được đào tạo về nghiệp vụ ngân hàng, các cán bộ được đào tạo và có kinh nghiệm về nghiệp vụ ngân hàng thì không được đào tạo về nghiệp vụ kiểm toán.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán nội bộ tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Trang 71 - 74)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)