3.4.1 Kiến nghị đối với cơ quan nhà nước
Từ năm 1997, Bộ Tài chính đó ban hành Quy chế kiểm toán nội bộ trong các doanh nghiệp Nhà nước tại Quyết định số 832 TC/QĐ/CĐKT ngày 28/10/1997.
Tiếp theo văn bản này là Thông tư số 52/1998/TT-BTC ngày 16/4/1998 hướng dẫn thực hiện kiểm toán nội bộ tại doanh nghiệp Nhà nước và Thông tư 171/1998/TT- BTC ngày 22/12/1998 thay thế Thông tư 52. Các ngân hàng thương mại Nhà nước lại không dựa trên quy định này để xây dựng bộ phận kiểm toán nội bộ phù hợp.
Hiện tại, trong hệ thống kiểm soát nội bộ, bộ phận kiểm toán nội bộ mới được hình thành, các quy chế chính sách quy trình mới được ban hành chưa đầy đủ, chưa được chuẩn hoá theo một nguyên tắc khung, kết quả của hoạt động này còn non kém. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần phối hợp với Bộ Tài chính trong việc xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn, làm cơ sở để chuẩn hoá việc tổ chức hệ thống kiểm soát nội bộ, nhất là tổ chức hoạt động kiểm toán nội bộ trong các ngân hàng thương mại; cụ thể:
- Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu và có quy định cụ thể về mô hình tổ chức của bộ máy kiểm soát nội bộ chuyên trách sao cho vừa phù hợp với điều kiện cụ thể vừa phù hợp với thông lệ tốt nhất. Điều có thể là Ngân hàng Nhà
nước nên đưa ra một lộ trình cụ thể (khoảng 3-5 năm) để các ngân hàng đủ thời gian xây dựng hệ thống kiểm toán nội bộ chuyên nghiệp, đủ mạnh đảm bảo thực hiện tốt mọi chức năng và nhiệm vụ của kiểm toán nội bộ. Khi đủ điều kiện, các NHTM phải thiết lập mô hình tổ chức của hệ thống kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ phù hợp với thông lệ tốt nhất, tức là tập trung về một mối hệ thống kiểm toán nội bộ, không còn bộ phận kiểm tra kiểm soát nội bộ
chuyên trách.
- Bổ sung quy định về số năm công tác trong lĩnh vực quản lý tài chính, kế toán và số năm kinh nghiệm trong ngành ngân hàng đối với cán bộ làm kiểm toán nội bộ nói chung. Đặc biệt với các chức danh Trưởng, Phó kiểm toán nội bộ nên tăng số năm kinh nghiệm (tối thiểu phải 5 năm) làm việc trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
- Để nâng cao tính chuyên nghiệp của hoạt động kiểm toán nội bộ, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu ban hành các chuẩn mực về kiểm toán nội bộ. Kết hợp với Bộ tài chính tổ chức các khoá đào tạo để cấp chứng chỉ kiểm toán viên nội bộ.
- Ngân hàng Nhà nước cần quy định số giờ đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ tối thiểu trong năm đối với kiểm toán viên nội bộ, nhằm liên tục trang bị các kiến thức và kỹ năng mới cho mỗi cán bộ kiểm toán nội bộ, đáp ứng tốt yêu cầu công việc.
- Nâng cao chất lượng hoạt động, tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật trang thiết bị của trung tâm thông tin tín dụng (CIC) nhằm cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời góp phần giúp hoạt động kiểm soát, kiểm toán nội bộ hiệu quả hơn, giúp các ngân hàng phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro.
Thay đổi cách thức quản lý trong các Ngân hàng thương mại nhà nước: Mô hình quản trị trong các Ngân hàng thương mại nhà nước hiện này là mô hình quản trị của Tổng công ty 91. Trong các Tổng công ty 91, Hội đồng quản trị là những người đại diện cho nhà nước tại doanh nghiệp. Theo Luật Doanh nghiệp nhà nước số 14/2003/QH11 ngày 26/11/2003, “Tổng giám đốc do Hội đồng quản trị tuyển chọn, bổ nhiệm, miễn nhiệm hoặc ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng sau khi được người quyết định thành lập công ty chấp thuận”. Như vậy, Hội đồng quản trị chưa có thực quyền hoàn toàn đối với Tổng giám đốc các Tổng công ty. Từ đó kéo theo việc nếu tổ chức một Hội đồng kiểm toán trực thuộc Hội đồng quản trị của Tổng công ty thì Hội đồng này chưa thực sự độc lập và khách quan. Cơ chế quản lý theo kiểu nhà nước tham gia vào mọi mặt hoạt động của doanh nghiệp dẫn đến những
khiếm khuyết trong công tác quản trị của bản thân các doanh nghiệp này. Cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước là cách thức tốt nhất để chuyển đổi phương thức quản lý. Bởi chế độ quản trị trong công ty cổ phần là chế độ quản trị hoàn hảo nhất (quản trị theo phần vốn góp), trong đó Hội đồng quản trị có thực quyền, có quyền tự quyết trong việc thuê, bổ nhiệm, miễn nhiệm Tổng giám đốc nên Ủy ban kiểm toán trực thuộc Hội đồng quản trị sẽ được đảm bảo tính độc lập khách quan. Hoàn thành tiến trình cổ phần hóa Ngân hàng Công thương Việt Nam là một bước đệm để chuyển đổi cách thức quản lý ngân hàng, theo đó tạo điều kiện xây dựng một hệ thống kiểm soát nội bộ mạnh hơn.
Đối với một doanh nghiệp, kiểm toán nội bộ là rào chắn, là mức sàng lọc cuối cùng để doanh nghiệp tự phát hiện gian lận và sai sót, tự hoàn thiện hoạt động của mình. Trong hệ thống kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ đóng vai trò tối quan trọng bởi bộ phận này đánh giá toàn diện nhất đối với mọi mặt hoạt động của doanh nghiệp. Để đảm bảo hiệu quả cho bộ phận này, tức là để góp phần nâng cao hiệu quả kiểm soát nội bộ thì hoạt động của kiểm toán nội bộ phải được trực thuộc cơ quan quyền lực cao nhất của doanh nghiệp, có thực quyền chứ không chỉ đóng vai trò quan sát như ở các Tổng công ty, các Ngân hàng thương mại nhà nước hiện nay.
3.4.2 Kiến nghị đối với Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam
Nội dung kiến nghị này chủ yếu hướng đến các kiến nghị với lãnh đạo của Vietinbank, bao gồm:
Thứ nhất, Vietinbank cần sớm xây dựng và hoàn thiện các quy định cho bộ phận KTNB và cho KTVNB. Trên cơ sở các văn bản pháp luật về KTNB, Vietinbank cần xây dựng quy chế KTNB làm cơ sở thực hiện kiểm toán.
Thứ hai, Để tạo sự phát triển hài hòa và đồng bộ trong quá trình hoạt động, cần có kế hoạch chiến lược về phát triển KTNB trong Vietinbank. Kế hoạch này sẽ được coi là căn cứ phát triển kiểm toán trên cả hai mặt là tổ chức bộ máy KTNB và tổ chức công tác KTNB. Trong kế hoạch này, cần xác định khoảng thời gian cần thiết cho từng nội dung thực hiện.
Thứ ba, Thực hiện phân công trách nhiệm hợp lý trong bộ máy lãnh đạo phụ
trách các chức năng thực hiện và chức năng kiểm soát. Vietinbank cần xác định lộ trình thay đổi cơ cấu tổ chức của KTNB.
Thứ tư, Vietinbank cần chú ý bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực của kiểm toán phục vụ cho công tác KTNB cả về số lượng và chất lượng. Vietinbank cần xây dựng chiến lược về nhân sự đối với bộ phận KTNB, chủ động đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các KTVNB. Hơn nữa, cần xác định các quy chế tuyển dụng nhân sự kiểm toán phù hợp và đảm bảo chất lượng kiểm toán. Hơn nữa, cần xây dựng chính sách đãi ngộ thỏa đáng với KTVNB.
3.4.3 Kiến nghị đối với các tổ chức nghề nghiệp
Hiện nay, vẫn chưa có tổ chức Hiệp hội nghề nghiệp riêng cho KTVNB trong khi nhu cầu trao đổi thông tin, bổ sung kiến thức của các KTVNB ngày càng lớn.
Hơn nữa, sự phát triển kinh tế thúc đẩy sự phát triển về số lượng của đội ngũ KTVNB. Hiện nay, để trao đổi thông tin và kiến thức, các KTVNB chủ yếu sử dụng các diễn đàn trên mạng. Việc lập các nhóm KTVNB hoạt động trong các doanh nghiệp để trao đổi nghiệp vụ cũng hoàn toàn mang tính tự phát. Do đó, đòi hỏi các tổ chức hiệp hội nghề nghiệp phải xem xét việc hình thành một tổ chức hiệp hội riêng cho KTVNB ở Việt Nam.
Hơn nữa, kiểm soát chất lượng KTNB không chỉ là nhiệm vụ đặt ra đối với bản thân KTNB các NHTM mà cần có sự phối hợp của hiệp hội nghề nghiệp KTVNB.
Hiệp hội sẽ đưa ra các cơ chế kiểm soát, vận hành cơ chế kiểm soát đó một cách hữu hiệu và tạo điều kiện cho KTNB các NHTM nói chung và Vietinbank nói riêng học hỏi kinh nghiệm KTNB của các nước trên thế giới.
TÓM TẮT CHƯƠNG 3
Trên cơ sở tìm hiểu mục tiêu, định hướng và yêu cầu của Ban lãnh đạo đối với hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ. Trên cơ sở những nghiên cứu tìm hiểu về
thực trạng hoạt động của hệ thống kiểm toán nội bộ của Vietinbank ở chương 2. Đối chiếu với những nghiên cứu, tìm hiểu cơ sở lý luận về hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ; cũng như tham khảo về những thông lệ trên thế giới ở chương 1.
Chương này đã đưa ra các giải pháp nhằm hoàn thiện & nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán nội bộ tại Vietinbank.