Căn cứ Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ về Chính sách chi trả DVMTR (sau đây xin viết tắt Nghị định 99) và các văn bản hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành có liên quan về triển khai thực hiện Chính sách chi trả DVMTR, đối chiếu với tình hình thực tế tại địa phương để xác định các đối tượng được hưởng lợi từ các loại DVMTR (sau đây xin viết tắt DVMTR) phải chi trả phí sử dụng DVMTR cho các đối tượng cung ứng DVMTR:
1. Xác định đối tượng phải chi trả DVMTR (sử dụng DVMTR):
Theo Nghị định 99, quy định 5 đối tượng phải chi trả DVMTR, như sau:
- Cơ sở sản xuất thủy điện;
- Cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch;
- Cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước trực tiếp từ nguồn nước;
- Các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch có hưởng lợi từ
DVMTR;
- Các đối tượng được hưởng lợi từ dịch vụ hấp thụ và lưu giữ khí các bon của rừng, dịch vụ cung ứng bãi đẻ, nguồn thức ăn và con giống tự nhiên, sử dụng nguồn nước từ rừng để nuôi trồng thủy sản.
Tính đến thời điểm này, các đối tượng sử dụng DVMTR đã được các Bộ, ngành hướng dẫn đầy đủ để áp dụng chi trả DVMTR là:
- Các cở sở sản xuất thủy điện phải chi trả DVMTR là 20 đồng/kwh (tỉnh ta không có);
- Các cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch phải chi trả DVMTR là 40 đồng/m3 nước thương phẩm;
- Các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch có hưởng lợi từ DVMTR phải chi trả tiền DVMTR từ 1% đến 2% trên doanh thu thực hiện trong kỳ.
Các đối tượng được hưởng lợi từ DVMTR còn lại, Bộ Nông nghiệp và PTNT và các Bộ, ngành chưa có hướng dẫn định mức, đối tượng và phương thức chi trả.
Riêng các đối tượng sử dụng nguồn nước nuôi trồng thuỷ sản Thủ tướng Chính phủ cho tổ chức thí điểm ở một số nơi để rút kinh nghiệm, sau năm 2015 sẽ triển khai cả
nước.
Căn cứ các chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương về Chính sách chi trả
DVMTR; căn cứ vào tình hình thực tế của Tỉnh, xác định đến thời điểm này tỉnh Đồng Tháp có 02 đối tượng đủ cơ sở để thực hiện thu phí sử dụng DVMTR là:
- Các cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch. Mức chi trả là 40 đồng/m3 nước thương phẩm.
- Các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch có hưởng lợi từ DVMTR.
Mức chi trả được tính bằng 1-2% trên doanh thu thực hiện trong kỳ.
Các đối tượng được hưởng lợi từ sử dụng DVMTR tỉnh Đồng Tháp có, nhưng đến thời điểm này các Bộ, ngành chưa có hướng dẫn đầy đủ để thực hiện chi trả DVMTR là:
- Các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nguồn nước trực tiếp để phục vụ hoạt động sản xuất;
- Các đối tượng phải chi trả DVMTR cho dịch vụ hấp thụ và lưu giữ khí các bon của rừng, sử dụng nguồn nước từ rừng cho nuôi trồng thủy sản.
Khi có hướng dẫn, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ lập kế hoạch và áp dụng các định mức theo hướng dẫn trình UBND tỉnh phê duyệt để tổ chức thực hiện thu phí chi trả DVMTR
2. Xác định đối tượng được chi trả DVMTR (cung ứng DVMTR):
Trên địa bàn tỉnh có 3 loại rừng là: Rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất và cây phân tán đều có chức năng cung cấp các loại DVMTR.
Thực tế, loại hình kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái đã được các Ban quản lý rừng: Vườn Quốc gia Tràm Chim, Rừng tràm Gáo Giồng, Khu di tích Gò Tháp, Khu di tích Xẻo Quýt tự tổ chức thực hiện (tự cung ứng DVMTR).
Riêng nguồn nước mặt được cung cấp cho sản xuất và cung cấp nước sạch sinh hoạt trong tỉnh từ sông Tiền và sông Hậu là do rừng điều tiết. Nhưng chức năng chính để điều tiết và duy trì nguồn nước là những khu rừng ở thượng nguồn sông Mê Kông (nước ngoài), còn diện tích rừng và cây phân tán trong tỉnh thực hiện chức năng này không lớn chủ yếu điều tiết mực nước ngầm, theo Khoản 3 Điều 5 của Thông tư số 60/2012/TT-BNNPTNT, ngày 09/11/2012 của Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn Quy định về nguyên tắc, phương pháp xác định diện tích rừng trong lưu vực phục vụ chi trả DVMTR: “Đối với dòng sông, suối có lưu vực nằm trên Lãnh thổ Việt Nam và các quốc gia khác, thì xác định phần diện tích trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam”, tỉnh Đồng Tháp ở thượng nguồn sông Mê Kông chảy vào Việt Nam không phải qua tỉnh nào khác. Từ quy định trên, Sở Nông nghiệp và PTNT đề xuất xem như diện tích rừng của tỉnh thực hiện chức năng điều tiết và duy trì nguồn nước (kể cả chức năng điều tiết nước của sông Mê Kông) để cung cấp cho các đối tượng sản xuất và cung cấp nước sạch sinh hoạt trong tỉnh và nếu được chấp thuận thì các đối tượng này phải chi trả phí sử dụng DVMTR.
Tỉnh Đồng Tháp đối tượng cung cấp DVMTR là cây trồng phân tán và rừng trồng tập trung. Cây trồng phân tán được trồng đều khắp trên địa bàn tỉnh do các cá nhân và nhiều tổ chức quản lý, việc thống kê để xác định chủ thể của các đối tượng này rất khó khăn và thay đổi thường xuyên. Tuy diện tích cây phân tán trên địa bàn
tỉnh lớn, nhưng rất nhiều chủ thể quản lý và mỗi chủ thể quản lý một diện tích nhỏ.
Từ thực tế trên Sở Nông nghiệp và PTNT đề xuất chỉ xem xét chi trả từ nguồn thu DVMTR cho đối tượng cung ứng DVMTR là các chủ thể có diện tích rừng tập trung của tỉnh, đối tượng này ít, tính ổn định cao, đễ xác định.