Ảnh hưởng từ sự rõ ràng của mục tiêu dự toán

Một phần của tài liệu Luận Án Tiến Sĩ Ảnh Hưởng Từ Dự Toán Sản Xuất Kinh Doanh Tới Kết Quả Hoạt Động Của Các Doanh Nghiệp Nhỏ Và Vừa (Trang 20 - 23)

CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU

1.1. Ảnh hưởng từ sự rõ ràng của mục tiêu dự toán

Theo Yuen (2004), sự rõ ràng của mục tiêu dự toán (Budget goal clarity) là việc mục tiêu này có được diễn đạt đủ rành mạch, cụ thể và chi tiết để đảm bằng rằng nhà quản lý có trách nhiệm hiểu được và thực hiện được mục tiêu. Tương tự như vậy, Kenis (1979) cho rằng sự rõ ràng của mục tiêu dự toán được biểu thị bằng việc các nhà quản lý bộ phận có thể hiểu được những tuyên bố của cấp trên về các mục tiêu mà họ cần thực hiện. Cũng theo Kenis (1979) mức độ rõ ràng của mục tiêu được biểu hiện bằng việc nhà quản lý bộ phận có thể trả lời được hai câu hỏi cơ bản:

(1) Nhiệm vụ được giao là gì?

(2) Cần làm những gì để thực hiện được mục tiêu được giao?

Trong những nghiên cứu tiền nhiệm về mối quan hệ giữa dự toán và kết quả hoạt động của doanh nghiệp thì sự rõ ràng của mục tiêu dự toán là một trong những vấn đề thường xuyên được tìm hiểu. Tồn tại không ít những nghiên cứu trong nhiều năm qua đã tìm hiều và chỉ ra mối quan hệ có ý nghĩa giữa sự rõ ràng của mục tiêu dự toán và kết quả hoạt động doanh nghiệp như nghiên cứu của Kenis (1979), Hirst (1981 và 1987); Yuen (2004); Ivancevich and Mc Mahon (1982). Sự tồn tại hướng nghiên cứu về ảnh hưởng từ sự rõ ràng của mục tiêu dự toán tới kết quả hoạt động của doanh nghiệp đều xuất phát từ chức năng lập kế hoạch của dự toán.

Dự toán là một công cụ quản lý tổng hợp và chức năng đầu tiên của dự toán đó là lập kế hoạch. Nhà quản trị cấp cao trong doanh nghiệp có thể đưa ra các mục tiêu kinh doanh nhưng để thực hiện được những mục tiêu đó, chúng phải được cụ thể hóa thành những chỉ tiêu tài chính một cách rõ ràng, chi tiết cho từng cá nhân, từng bộ phận trong doanh nghiệp. Đó chính là chức năng lập kế hoạch trong dự toán sản xuất kinh doanh.

Việc quản lý các cá nhân, các bộ phận dựa trên các chỉ tiêu dự toán vẫn là phương thức được sử dụng phổ biến trong các doanh nghiệp. Chính vì vậy việc mô tả mục tiêu dự toán rõ ràng thực sự ảnh hưởng lớn tới kết quả hoạt động. Nếu mục tiêu dự toán được thiết kế rõ ràng có thể làm cho quá trình thực hiện các mục tiêu dễ dàng hơn, thúc đẩy động lực làm việc đối với các nhà quản lý. Ngược lại, nhà quản lý khó có thể thực hiện được những mục tiêu dự toán được mô tả một cách mơ hồ. Điển hình như nghiên cứu của Kenis (1979) đã khẳng định cho luận điểm này.

Cụ thể, trong nghiên cứu của mình, Kenis (1979) thực hiện khảo sát bằng bảng hỏi đối với 500 nhà quản lý từ các công ty sản xuất tại thành phố Philadenphia, Mỹ trong đó 298 phiếu trả lời được thu thập. Bằng phương pháp phân tích hồi quy tuyến tính từ dữ liệu thu thập được, tác giả chỉ ra rằng mục tiêu dự toán càng được thiết kế rõ ràng thì kết quả hoạt động càng tăng. Trong đó mức độ rõ ràng của mục tiêu dự toán được đo lường thông qua nhận định của các nhà quản lý đối với khả năng hiểu nội dung, thứ tự ưu tiên và cách thức thực hiện mục tiêu theo mức độ từ 1- Rất không đồng ý tới 5- .Rất đồng ý. Tương tự như vậy kết quả hoạt động cũng được đo lường bằng thang đo Likert 5 mức độ từ thấp tới cao đối với thái độ chấp hành dự toán (Moncur,1975);

động lực hoạt động từ dự toán (Hackman,1971); cảm giác hài lòng với công việc (Smith,1969); thái độ tham gia vào dự toán (Kahn,1964) và đặc biệt là mức độ đạt được mục tiêu dự toán do chính tác giả phát triển.

Kết quả nghiên cứu của Kenis (1979) cũng được ủng hộ trong rất nhiều nghiên cứu đi sau như Simon (1997), Qi (2010), Lu (2011), Faith (2013) và Jamil (2015). Cụ thể nghiên cứu của Qi (2010) thực hiện trên các DNNVV tại Trung Quốc, quốc gia có nền kinh tế đang chuyển đổi cũng cho kết quả tương tự. Dựa trên kết quả phân tích hồi quy đối với dữ liệu thu thập từ 75 phiếu trả lời của các nhà quản lý DNNVV tại ba tỉnh Hồ Nam, Hồ Bắc và Quảng Đông, nghiên cứu chỉ ra rằng sự rõ ràng của mục tiêu dự toán càng cao thì khả năng đạt được mục tiêu dự toán càng lớn cũng như sự hài lòng với công việc của nhà quản lý càng cao. Tuy nhiên những nghiên cứu đi sau đã mở rộng hơn rất nhiều so với nghiên cứu của Kenis (1979) trên phương diện đo lường kết quả hoạt động. Điển hình như nghiên cứu của Jamil (2015) đã bổ sung tốc độ tăng doanh thu và tốc độ tăng lợi nhuận khi đo lường kết quả hoạt động trong mỗi quan hệ với sự rõ ràng của mục tiêu dự toán. Kết quả nghiên cứu của Jamil (2015) thực hiện đối với 68 doanh nghiệp có quy mô nhỏ tại Ấn Độ cho thấy sự rõ ràng của mục tiêu dự toán càng cao thì tốc độ tăng doanh thu và tốc độ tăng lợi nhuận của các doanh nghiệp càng lớn. Trong khi đó nghiên cứu của Faith (2013) lại sử dụng tỷ lệ sinh lời trên tổng tài sản (ROA) khi đo lường kết quả hoạt động của doanh nghiệp trên khía cạnh tài chính và cũng tìm thấy mối quan hệ thuận chiều với sự rõ ràng của mục tiêu.

Theo một cách tiếp cận khác, những nghiên cứu của Yuen (2004) lại chỉ ra rằng sự rõ ràng của mục tiêu dự toán còn ảnh hưởng gián tiếp tới kết quả hoạt động của doanh nghiệp và của nhà quản lý thông qua việc hạn chế sự phát sinh dự toán lỏng.

Trong đó dự toán lỏng là việc các nhà quản lý bộ phận cố tình điều chỉnh cho các mục tiêu dự toán trở nên dễ dàng hơn bằng cách hạ thấp các chỉ tiêu kết quả cũng như nâng cao các chỉ tiêu về nguồn lực sử dụng (Dunk, 1993). Sự hình thành dự toán lỏng sẽ làm giảm động lực làm việc của các nhà quản lý và tác động tiêu cực tới kết quả hoạt động của doanh nghiệp (Yuen, 2004). Cụ thể, khi thực hiện nghiên cứu đối với các nhà quản trị khách sạn tại Macau, bằng phương pháp hồi quy tác giả đã chỉ ra rằng sự rõ ràng của mục tiêu dự toán là một trong những yếu tố tác động mạnh và ngược chiều tới khuynh hướng phát sinh dự toán lỏng trong quản lý với hệ số Beta là -0.6078. Điều đó có nghĩa rằng mục tiêu dự toán càng rõ ràng thì khả năng phát sinh dự toán lỏng càng thấp (Yuen, 2004).

Như vậy nghiên cứu về ảnh hưởng từ sự rõ ràng của mục tiêu dự toán tới kết quả hoạt động của doanh nghiệp và kết quả hoạt động của nhà quản lý là một trong những hướng nghiên cứu được thực hiện khá phổ biến. Tại đó sự đa dạng trong đo lường kết quả hoạt động là cơ sở tạo nên sự khác biệt giữa các nghiên cứu theo hướng này. Bên cạnh những nghiên cứu tìm hiểu ảnh hưởng trực tiếp từ sự rõ ràng

của mục tiêu dự toán tới kết quả hoạt động của doanh nghiệp (Kenis, 1979), cũng có những nghiên cứu tìm hiểu ảnh hưởng gián tiếp thông qua khuynh hướng sử dụng dự toán lỏng (Yuen, 2004). Phương pháp phân tích hồi quy tuyến tính là phương pháp phân tích được sử dụng phổ biến trong các nghiên cứu tiền nhiệm để chỉ ra mối liên hệ giữa sự rõ rằng của mục tiêu dự toán với kết quả hoạt động của doanh nghiệp. Song phương pháp này không chỉ rõ mối liên hệ giữa sự rõ ràng của mục tiêu dự toán với biến nghiên cứu khác cùng tác động tới kết quả hoạt động của doanh nghiệp.

Một phần của tài liệu Luận Án Tiến Sĩ Ảnh Hưởng Từ Dự Toán Sản Xuất Kinh Doanh Tới Kết Quả Hoạt Động Của Các Doanh Nghiệp Nhỏ Và Vừa (Trang 20 - 23)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(185 trang)