Ảnh hưởng từ sự phản hồi thông tin dự toán

Một phần của tài liệu Luận Án Tiến Sĩ Ảnh Hưởng Từ Dự Toán Sản Xuất Kinh Doanh Tới Kết Quả Hoạt Động Của Các Doanh Nghiệp Nhỏ Và Vừa (Trang 25 - 28)

CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU

1.3. Ảnh hưởng từ sự phản hồi thông tin dự toán

Dự toán là công cụ tổng hợp thực hiện đồng thời nhiều chức năng quản lý trong đó nổi bật là chức năng lập kế hoạch và chức năng kiểm tra, kiểm soát. Trên cơ sở đó, trong những nghiên cứu về ảnh hưởng từ dự toán sản xuất kinh doanh tới kết quả hoạt động của doanh nghiệp, sự phản hồi thông tin dự toán cũng được rất nhiều tác giả tập trung tìm hiểu. Hàng loạt những nghiên cứu của Caroll and Tosy (1970); Kenis (1979);

Brownell (1981); Lukka (1988); Kren (1992), Chong and Chong (2002); Elhamma (2015) là điển hình cho hướng nghiên cứu này.

Theo Hirst and Lowy (1990), sự phản hồi thông tin dự toán (Budgetary feedback) được hiểu là tần suất mà nhà quản lý bộ phận nhận được thông tin đánh giá về việc họ đã hoàn thành hay không hoàn thành các chỉ tiêu dự toán được giao. Cũng theo hai tác giả sự phản hồi thông tin từ dự toán có ảnh hưởng trực tiếp cũng như gián tiếp tới kết quả hoạt động doanh nghiệp thông qua việc thiết lập mục tiêu dự toán ở mức độ khó cao. Thực hiện phân tích hồi quy tuyến tính trên mẫu nghiên cứu tương đối nhỏ với 44 nhà quản lý các doanh nghiệp tại New South Wales, Hirst and Lowy (1990) đã chỉ ra rằng sự phàn hồi thông tin dự toán có quan hệ ngược chiều với kết quả hoạt động của doanh nghiệp nhưng khi tương tác với độ khó của mục tiêu dự toán thì chiều hướng tác động lại đổi chiều. Điều đó có nghĩa rằng, việc thiết lập mục tiêu dự toán có độ khó cao kết hợp với việc tăng cường mức độ phản hồi thông tin dự toán sẽ làm cho kết quả hoạt động của doanh nghiệp tăng lên. Trong đó, kết quả hoạt động của doanh nghiệp được đo lường dựa trên đánh giá của nhà quản lý về mức độ hoàn thành các chỉ tiêu dự toán được dao trên 7 mức độ từ không bao giờ hoàn thành tới luôn luôn hoàn thành. Kết quả nghiên cứu của Hirst and Lowy (1990) được phát triển trên nền tảng nghiên cứu tiền nhiệm của Kenis (1979) nhưng đã bổ sung và làm rõ nét hơn ảnh hưởng từ sự phản hồi thông dự toán tới kết quả hoạt động của doanh nghiệp.

Nghiên cứu của Kenis (1979) trước đó xem xét sự phản hồi thông tin dự toán như một khía cạnh đặc trưng của dự toán trong doanh nghiệp. Khi thực hiện phân tích tác động trực tiêp từ nhân tố này tới các kết quả hoạt động bằng mô hình hồi quy tuyến tính, tác giả chỉ thu được kết quả về tác động thuận chiều giữa sự phản hồi thông tin dự toán với động lực từ dự toán và sự hài lòng với công việc của nhà quản lý. Rõ ràng, nếu nhà quản lý không được phản hồi về kết quả thực hiện mục tiêu được giao thì họ sẽ không cảm nhận được những nỗ lực của họ là thành công hay thất bại từ đó làm giảm động lực làm việc và giảm sự hài lòng với công việc được giao (Becker và Green, 1962). Tuy nhiên khi kiểm định giả thuyết về tác động tích cực giữa sự phản hồi từ dự toán với kết quả thực hiện dự toán, Kenis (1979) lại không chỉ ra được mối quan hệ đảm bảo mức ý nghĩa thống kê. Trong đó, sự phản hồi thông tin dự toán được tác giả đo lường bằng thang đo Likert 7 mức độ trên ba khía cạnh:

+ Mức độ thường xuyên nhận được phản hồi về thành tích khi hoàn thành các mục tiêu dự toán được giao.

+ Mức độ thông tin được cung cấp về chênh lệch giữa mục tiêu dự toán với kết quả thực tế và những hướng dẫn xử lý chênh lệch.

+ Mức độ nhận biết của nhà quản lý cấp trên đối vơi kết quả hoạt thực hiện dự toán của nhà quản lý cấp dưới thuộc phạm vi thẩm quyền.

Trong khi đó nghiên cứu của Chong and Chong (2002) cũng kế thừa thang đo mức độ phản hồi thông tin dự toán từ nghiên cứu của Kenis (1979) nhưng lại xem xét nhân tố này như một biến điều tiều trong mối quan hệ giữa sự tham gia của nhà quản lý vào quy trình dự toán với kết quả hoạt động. Nghiên cứu được thực hiện trên mẫu phỏng vấn là 120 quản lý cấp trung tại 80 công ty sản xuất tại Perth, Austrilia và kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng mức độ tham gia của các cấp quản lý vào quy trình dự toán sẽ làm gia tăng mức độ thường xuyên đạt mục tiêu dự toán của nhà quản lý nếu như có sự tác động của mức độ phản hồi thông tin cao.

Theo một cách tiếp cận khác nghiên cứu của Lu (2011) xem xét mức độ thông tin phản hồi từ dự toán như một phần trong nhận thức nhà quản lý với dự toán sản xuất kinh doanh. Kết quả nghiên cứu thu được từ dữ liệu khảo sát đối với nhà quản các bệnh viện công tại Trung Quốc cho thấy mức độ phản hồi thông tin dự toán càng cao thì động lực và thái độ của nhà quản lý với dự toán cũng tăng lên tương ứng. Thông qua đó, nghiên cứu cũng chứng minh ảnh hưởng tích cực gián tiếp từ sự phản hồi thông tin dự toán tới kết quả thực hiện dự toán. Bên cạnh đó, sự phản hồi thông tin dự toán càng cao cũng làm hạn chế khuynh hướng phát sinh dự toán lỏng trong quản lý

(Lu, 2011). Tuy nhiên việc hạn chế phát sinh dự toán lỏng này chưa chứng minh được mối quan hệ có ý nghĩa tới kết quả thực hiện dự toán.

Không chỉ có những nghiên cứu ngoài nước mà những nghiên cứu trong nước cũng rất nhấn mạnh vể ảnh hưởng từ sự phản hồi thông tin dự toán tới kết quả hoạt động của doanh nghiệp. Mặc dù không trực tiếp đo lường mức độ ảnh hưởng từ sự phản hồi thông tin dự toán tới kết quả hoạt động nhưng những nghiên cứu của Giang Thị Xuyên (2002), Phạm Thị Thủy (2007), Trần Trung Tuấn (2016) đều khẳng định vai trò quan trọng của dự toán sản xuất kinh doanh trong hệ thống thông tin kế toán quản trị doanh nghiệp nói chung và đối với chức năng kiểm tra kiểm soát nói riêng. Cụ thể, nghiên cứu của Phạm Thị Thủy (2007) nêu rõ dự toán là công cụ quan trọng đối với việc phân tích các biến động về chi phí nguyên vật liệu; chi phí nhân công trực tiếp, chi phí sản xuất chung…từ đó cung cấp thông tin hữu ích cho hoạt động kiểm soát chi phí tại các bộ phận cũng như toàn bộ doanh nghiệp. Tác giả cũng gợi ý rằng việc cung cấp thông tin về biến động chi phí sẽ là cơ sở để nhà quản lý bộ phận cụ thể là quản lý bộ phận sản xuất kiểm soát chi phí tốt hơn từ đó nâng cao kết quả hoạt động của doanh nghiệp. Với cách giải quyết tương tự nghiên cứu của Trần Trung Tuấn (2016) cũng gợi ý về mối liên hệ giữa việc phản hồi thông tin từ phân tích biến động doanh thu, chi phí đối với kết quả hoạt động của doanh nghiệp trong bối cảnh hệ thống kế toán trung tâm trách nhiệm quản lý

Như vậy sự phản hồi thông tin dự toán là một trong những khía cạnh phản ánh chức năng kiểm soát của dự toán và thực sự có những ảnh hưởng nhất định tới kết quả hoạt động doanh nghiêp như nhiều nghiên cứu tiền nhiệm đã chỉ ra. Tuy nhiên những nghiên cứu đi trước còn chưa đạt được sự thống nhất về chiều hướng ảnh hưởng, mức độ ảnh hưởng và phương thức ảnh hưởng từ nhân tố này tới kết quả hoạt động của doanh nghiệp. Điển hình như nghiên cứu của Hirst and Lowy (1990) chỉ ra ảnh hưởng trực tiếp nhưng ngược chiều từ nhân tố này lên kết quả thực hiện mục tiêu dự toán nhưng lại chỉ ra ảnh hưởng thuận chiều gián tiếp thông qua mức độ khó của mục tiêu.

Cách tiếp cận về tác động gián tiếp của sự phản hồi thông tin dự toán tới kết quả hoạt động của doanh nghiệp cũng được khai thác và mở trong trong hàng loạt những nghiên cứu về sau như nghiên cứu của Nouri and Parker (1998); tính công bằng trong nghiên cứu của Magner and Jonhson (1995) hoặc tính ổn định của thông tin Kren (1992).

Bênh cạnh đó những nghiên cứu đi trước chủ yếu sử dụng kết quả thực hiện mục tiêu dự toán để đo lường kết quả hoạt động của doanh nghiệp thay vì mở rộng trên nhiều thang đo khác. Hơn thế nữa việc chỉ sử dụng phân tích hồi quy tuyến tính cũng làm hạn chế những kết quả thu được từ những nghiên cứu trên.

Một phần của tài liệu Luận Án Tiến Sĩ Ảnh Hưởng Từ Dự Toán Sản Xuất Kinh Doanh Tới Kết Quả Hoạt Động Của Các Doanh Nghiệp Nhỏ Và Vừa (Trang 25 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(185 trang)