CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU
1.8. Khoảng trống nghiên cứu và hướng nghiên cứu tiếp theo được thực hiện
1.8.1. Khoảng trống nghiên cứu
Thứ nhất: Những nghiên cứu về mối quan hệ giữa dự toán sản xuất kinh doanh tới kết quả hoạt động của doanh nghiệp được thực hiện khá nhiều trên thế giới đặc biệt là tại các quốc gia phát triển như Mỹ và Châu Âu. Gần đây những nghiên cứu về chủ đã này cũng được thực hiện tại một số quốc gia Châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ nhưng chưa có một nghiên cứu nào được thực hiện tại Việt Nam.
Thứ hai: Những nghiên cứu tiền nhiệm tập trung nhiều vào việc khai thác ảnh hưởng từ các khía cạnh của dự toán tới kết quả hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên trên một số khía cạnh như mức độ tham gia của nhà quản lý vào dự toán, các nghiên cứu vẫn chưa có sự thống nhất về cách tiếp cận cũng như kết quả nghiên cứu. Một số tác giả như Kenis (1979) cho rằng việc nhà quản lý tham gia sâu vào dự toán sẽ làm gia tăng kết quả hoạt động của doanh nghiệp. Trong khi đó các tác giả như Young (1985) lại cho rằng nhà quản lý tham gia quá sâu vào dự toán sẽ làm gia tăng dự toán lỏng và từ đó làm suy giảm kết quả hoạt động.
Thứ ba: Các nghiên cứu tiền nhiệm thường xuyên sử dụng kết quả hoạt động của nhà quản lý hoặc kết quả thực hiện các mục tiêu dự toán đo lường kết quả hoạt động của doanh nghiệp. Trong khi đó kết quả hoạt động của doanh nghiệp lại được quan tâm nhiều nhất trên khía cạnh tài chính (Kotane, 2015). Quá trình thực hiện tổng quan nghiên cứu của luận án cũng cho thấy chưa có nghiên cứu tìm hiểu ảnh hưởng từ dự toán sản xuất kinh doanh tới kết quả hoạt động của doanh nghiệp trên đồng thời cả khía cạnh tài chính, phi tài chính và kết quả hoạt động của nhà quản lý.
Thứ tư: Kết quả hoạt động của nhà quản lý thường xuyên được sử dụng trong nghiên cứu về ảnh hưởng từ dự toán tới kết quả hoạt động của doanh nghiệp tuy nhiên chưa nghiên cứu nào chỉ ra được mối liên hệ giữa hai loại kết quả này.
Cuối cùng: Việc sử dụng phương pháp phân tích hồi quy đa biến là điểm hạn chế của những nghiên cứu tiền nhiệm trong việc xem xét ảnh hưởng từ các đặc điểm của dự toán sản xuất kinh doanh tới kết quả hoạt động của doanh nghiệp khi có sự tham gia của các biến trung gian và các biến điều tiết trong mô hình nghiên cứu. Bằng việc sử dụng mô hình cấu trúc tuyến tính SEM trong phân tích, luận án sẽ luận giải vai trò kiểm soát của đặc điểm doanh nghiệp, vai trò trung gian của kết quả hoạt động của nhà quản lý trong mối quan hệ giữa dự toán sản xuất kinh doanh và kết quả hoạt động của doanh nghiệp.
1.8.2. Hướng nghiên cứu tiếp theo được thực hiện trong luận án
Dựa trên các khoảng trống nghiên cứu đã được chỉ ra từ quá trình tổng quan các công trình liên về mối quan hệ giữa dự toán sản xuất kinh doanh và kết quả hoạt động của doanh nghiệp, hướng nghiên cứu tiếp theo của luận án sẽ là:
(1) Luận án sẽ tiến hành nghiên cứu về ảnh hưởng từ dự toán tới kết quả hoạt động của các DNNVV tại Việt Nam vì đây là một bối cảnh nghiên cứu hoàn toàn mới chưa được thực hiện ở bất cứ nghiên cứu nào trước đó. Sự khác biệt về điều kiện kinh tế, môi trường văn hóa tại Việt Nam sẽ mang lại những phát hiện mới cho nghiên cứu.
(2) Luận án sẽ mở rộng thang đo đối với kết quả hoạt động của doanh nghiệp trên cả khía cạnh tài chính và phi tài chính. Đồng thời làm rõ vai trò trung gian của kết quả hoạt động từ nhà quản lý trong mô hình nghiên cứu về ảnh hưởng từ dự toán sản xuất kinh doanh tới kết quả hoạt động của doanh nghiệp.
(3) Luận án cũng kế thừa cách tiếp cận của Qi (2010) khi xem xét vai trò kiểm soát của quy mô doanh nghiệp trong mô hình nghiên cứu. Tuy nhiên luận án sử dụng cách phân loại theo quy mô vốn thay vì quy mô doanh thu như nghiên cứu tiền nhiệm.
(4) Bằng việc sử dụng phương pháp phân tích dữ liệu bằng phương trình cấu trúc (SEM) luận án sẽ kiểm định vai trò điều tiết của đặc điểm quy mô doanh nghiệp đối với mối quan hệ giữa từng đặc trưng của dự toán sản xuất kinh doanh và các kết quả hoạt động của DNNVV Việt Nam.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1
Nội dung chương 1 trình bày tổng quan các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước về ảnh hưởng từ dự toán sản xuất kinh doanh tới kết quả hoạt động của doanh nghiệp. Trong đó các nghiên cứu được phân chia theo cách tiếp cận tương ứng với từng khía cạnh đặc trưng của dự toán như sự rõ ràng của mục tiêu dự toán, mức độ khó của mục tiêu, sự phản hồi thông tin từ dự toán, sự tinh vi của dự toán, mức độ tham gia của nhà quản lý vào dự toán và tần suất cũng như phạm vi sử dụng dự toán trong doanh nghiệp. Thông qua phân tích các nghiên cứu đi trước, tác giả đã chỉ ra các khoảng trống nghiên cứu từ đó xác định được hướng nghiên cứu tiếp theo của luận án:
thực hiện nghiên cứu trong bối cảnh mới là các DNNVV Việt Nam, tìm hiểu vai trò trung gian của kết quả hoạt động của nhà quản lý, áp dụng phương pháp phân tích dựa trên phương trình cấu trúc (SEM).
Để triển khai được những hướng nghiên cứu mà luận án đã đề ra, tác giả sẽ tiến hành xây dựng cơ sở lý thuyết trong chương 2 và phương pháp nghiên cứu trong chương 3.