CHƯƠNG 2 CƠ SỞ LÝ THUYẾT, GIẢ THUYẾT VÀ MÔ HÌNH NGHIÊN CỨU
2.4. Các giả thuyết nghiên cứu
2.4.1. Sự rõ ràng của mục tiêu dự toán và kết quả hoạt động của DNNVV Việt Nam Như đã trình bày trong tổng quan nghiên cứu, rất nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra ảnh hưởng tích cực từ sự rõ ràng của mục tiêu dự toán tới kết quả hoạt động của doanh nghiệp, điển hình như các nghiên cứu của Kenis (1979), Yuen (2004) và Qi (2010). Khi mục tiêu dự toán được thiết lập càng rõ ràng, dễ hiểu thì kết quả hoạt động của các nhà quản lý càng được nâng cao (Kenis, 1979). Trên cơ sở lý thuyết động lực của Locke (1968, 1990) và những lập luận của Kenis (1979), tác giả cho rằng sự rõ ràng của mục tiêu dự toán cũng có tác động tích cực tới kết quả hoạt động của các DNNVV Việt Nam. Do đó tác giả đưa ra giả thuyết nghiên cứu như sau:
H1: Sự rõ ràng của mục tiêu dự toán ảnh hưởng tích cực tới kết quả hoạt động của DNNVV Việt Nam
Đồng thời vận dụng lý thuyết bất định trong nghiên cứu, tác giả cũng mở rộng thang đo kết quả nghiên cứu để tìm kiếm những đóng góp mới so với các nghiên cứu tiền nhiệm. Vì vậy giả thuyết H1 được chi tiết theo kết quả hoạt động của nhà quản lý, kết quả tài chính và kết quả phi tài chính như sau:
H1a: Sự rõ ràng của mục tiêu dự toán ảnh hưởng tích cực tới kết quả hoạt động của nhà quản lý DNNVV Việt Nam
H1b: Sự rõ ràng của mục tiêu dự toán ảnh hưởng tích cực tới kết quả tài chính của DNNVV Việt Nam
H1c: Sự rõ ràng của mục tiêu dự toán ảnh hưởng tích cực tới kết quả phi tài chính của DNNVV Việt Nam
2.4.2. Mức độ khó của mục tiêu dự toán và kết quả hoạt động của DNNVV Việt Nam
Cũng tương tự sự rõ ràng của mục tiêu dự toán, mức độ khó của mục tiêu cũng là một khía cạnh có ảnh hưởng tới kết quả hoạt động của doanh nghiệp (Kenis, 1979).
Độ khó của mục tiêu dự toán chính là nhân tố quan trọng trong chức năng tạo động lực của dự toán (Locke, 1990). Độ khó của mục tiêu khiến nhà quản lý cảm nhận được sự thách thức qua đó động lực của họ sẽ tăng lên vì họ được thỏa mẫn nhu cầu về thành tích khi đạt được những mục tiêu này. Tuy nhiên các nghiên cứu của Kenis (1979), Yuen (2004) và Jamil (2015) cũng khuyến cáo rằng nếu mục tiêu quá khó, không có khả năng thực hiện lại làm giảm động lực và ảnh hưởng tiêu cực tới kết quả hoạt động của doanh nghiệp. Kế thừa nghiên cứu của Kenis (1979) và luận giải trên cơ sở lý thuyết động lực của Locke (1968, 1990), tác giả đưa ra giả thuyết nghiên cứu H2 như sau:
H2: Mức độ khó của mục tiêu dự toán ảnh hưởng tích cực tới kết quả hoạt động của DNNVV Việt Nam
Tương tự giả thuyết H1, cách tiếp cận bất định đối với kết quả hoạt động doanh nghiệp cũng là cơ sở để chi tiết giả thuyết H2 thành các giả thuyết:
H2a: Mức độ khó của mục tiêu dự toán ảnh hưởng tích cực tới kết quả hoạt động của nhà quản lý DNNVV Việt Nam
H2b: Mức độ khó của mục tiêu dự toán ảnh hưởng tích cực tới kết quả tài chính của DNNVV Việt Nam
H2c: Mức độ khó của mục tiêu dự toán ảnh hưởng tích cực tới kết quả phi tài chính của DNNVV Việt Nam
2.4.3. Sự phản hồi thông tin dự toán và kết quả hoạt động của DNNVV Việt Nam Sự phản hồi thông tin dự toán là mức độ nhà quản lý nhận được các thông tin đánh giá về tình hình thực hiện các mục tiêu được giao (Hirst and Lowy, 1990). Đây là một khía cạnh đặc trưng cơ bản của dự toán sản xuất kinh doanh và có liên hệ mật thiết với chức năng kiểm soát. Dựa trên lý thuyết động lực của Locke (1968, 1990), Kenis (1979) đã nhận định rằng sự phản hồi thông tin dự toán có liên hệ thuận chiều đối với kết quả hoạt động của doanh nghiệp. Mặc dù Kenis (1979) chưa chứng minh được mối liên hệ này một cách trực tiếp nhưng có một số nghiên cứu đã khẳng định được mối quan hệ này theo cách gián tiếp như Hirst and Lowy (1990) và Chong and Chong (2002). Luận án này sẽ kế thừa cách tiếp cận của Kenis (1979) trong giả thuyết nghiên cứu H3 như sau:
H3: Sự phản hồi thông tin từ dự toán ảnh hưởng tích cực tới kết quả hoạt động của DNNVV Việt Nam
Trên cơ sở lý thuyết bất định đối với kết quả hoạt động của doanh nghiệp, giả thuyết H3 được chi tiết thành:
H3a: Sự phản hồi thông tin từ dự toán ảnh hưởng tích cực tới kết quả hoạt động của nhà quản lý DNNVV Việt Nam
H3b: Sự phản hồi thông tin từ dự toán ảnh hưởng tích cực tới kết quả tài chính của DNNVV Việt Nam
H3c: Sự phản hồi thông tin từ dự toán ảnh hưởng tích cực tới kết quả phi tài chính của DNNVV Việt Nam
2.4.3. Phạm vi và tần suất sử dụng dự toán và kết quả hoạt động DNNVV Việt Nam
Theo Wijewardena and De Zoysa (2001), khi dự toán được sử dụng càng thường xuyên và áp dụng cho nhiều hoạt động trong doanh nghiệp thì kết quả tài chính của doanh nghiệp càng cao. Kế thừa cách tiếp cận này, nghiên cứu của Qi (2010) và Jamil (2015) cũng xem xét ảnh hưởng từ phạm vi và tần suất sử dụng dự toán tới kết quả tài chính của doanh nghiệp cụ thể là tốc độ tăng lợi nhuận và tốc độ tăng doanh thu. Tuy nhiên của Qi (2010) không khẳng định được mối quan hệ này khi thực hiện nghiên cứu tại Trung Quốc và đo lường kết quả hoạt động bằng tỷ lệ phấn trăm. Trong khi đó Jamil (2015) lại thu được kết quả khi thực hiện với các DNNVV Ấn Độ và thang đo kết quả được đo bằng thang đo Likert 5 mức độ. Luận giải trên cơ sở lý thuyết bất định, sự khác biệt về bối cảnh nghiên cứu, cách thức đo lường kết quả hoạt động có thể là nguyên nhân tạo nên điểm khác biệt trong các nghiên cứu. Chính vì vậy luận án kế thừa nghiên cứu của Wijewardena and De Zoysa (2001) và Jamil (2015) và phát triển giả thuyết nghiên cứu H4 như sau:
H4: Phạm vi và tần suất sử dụng dự toán có ảnh hưởng tích cực tới kết quả hoạt động của DNNVV Việt Nam
Với cách tiếp cận bất định trong đo lường kết quả hoạt động của doanh nghiệp, giả thuyết H4 được chi tiết thành:
H4a: Phạm vi và tần suất sử dụng dự toán có ảnh hưởng tích cực tới kết quả hoạt động của nhà quản lý DNNVV Việt Nam
H4b: Phạm vi và tần suất sử dụng dự toán có ảnh hưởng tích cực tới kết quả tài chính của DNNVV Việt Nam
H4c: Phạm vi và tần suất sử dụng dự toán có ảnh hưởng tích cực tới kết quả phi tài chính của DNNVV Việt Nam
2.4.4. Sự tinh vi của dự toán và kết quả hoạt động của DNNVV Việt Nam
Dự toán sản xuất kinh doanh là một công cụ quản trị doanh nghiệp cơ bản nhưng cách thức sử dụng dự toán tại mỗi doanh nghiệp lại không hoàn toàn giống nhau. Cũng vì thể mà tính hiệu quả của dự toán phụ thuộc rất nhiều vào mức độ tinh vi, hiện đại của quá trình lập và sử dụng dự toán trong quản lý (Merchant, 1981). Cũng theo tác giả độ tinh vi của dự toán được biểu thị bằng việc doanh nghiệp áp dụng những kỹ thuật hiện đại, chuyên sâu vào dự toán sản xuất kinh doanh như hệ thống máy vi tình, phần mềm dự toán hay số lượng và trình độ các chuyên gia tham gia vào dự toán. Luận giải trên cơ sở lý thuyết bất định, Merchant (1981) và một số tác giả như Farragher (2001), Qi (2010), cho rằng sự tinh vi của dự toán là một nhân tố bất định nằm bên ngoài dự toán và nó có ảnh hưởng tích cực tới kết quả hoạt động của doanh nghiệp. Dự toán sản xuất kinh doanh càng sử dụng nhiều công nghệ thông tin và chuyên gia dự toán thì kết quả hoạt động của doanh nghiệp càng tăng (Qi, 2010). Kế thừa nghiên cứu của Qi (2010), luận án đưa ra giả thuyết nghiên cứu H5 như sau.
H5: Sự tinh vi của dự toán ảnh hưởng tích cực tới kết quả hoạt động của DNNVV Việt Nam
H5a: Sự tinh vi của dự toán ảnh hưởng tích cực tới kết quả hoạt động của nhà quản lý DNNVV Việt Nam
H5b: Sự tinh vi của quy trình dự toán có ảnh hưởng tích cực tới kết quả tài chính của DNNVV Việt Nam
H5c: Sự tinh vi của quy trình dự toán có ảnh hưởng tích cực tới kết quả phi tài chính của DNNVV Việt Nam
2.4.5. Sự tham gia của nhà quản lý vào dự toán và kết quả hoạt động của DNNVV Việt Nam
Sự tham gia của nhà quản lý vào dự toán của bộ phận mà họ quản lý là khía cạnh được nghiên cứu rất phố biến trong mối quan hệ với kết quả hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên mối quan hệ này lại chưa được thống nhất về chiều hướng tác động trong các nghiên cứu tiền nhiệm. Một số nghiên cứu cho rằng mức độ
tham gia vào dự toán của nhà quản lý có mối liên hệ thuận chiều với kết quả hoạt động của doanh nghiệp, điển hình như Argyris (1952); Mahoney (1968); Kenis (1979), Mariah (2007), Karsam (2015) và Kamau (2017). Theo Kenis (1979), vì nhà quản lý bộ phận là những người hiểu rõ nhất về năng lực hoạt động của bộ phận mà họ quản lý nên khi họ được tham gia vào quá trình thiết lập mục dự toán thì tính khả thi của dự toán sẽ cao hơn. Hơn thế nữa động lực cũng được tạo ra vì họ cảm thấy được cấp trên tôn trọng ý kiến.
Trong khi đó các tác giả như Young (1985), Dunk (1993), Lu (2011) lại luận giải về sự tham gia của nhà quản lý vào dự toán theo hướng ngược lại. Theo Young (1985) khi nhà quản lý bộ phận được tham gia vào việc thiết lập mục tiêu dự toán tại chính bộ phận mà họ quản lý thì họ sẽ có xu hướng hạ thấp các mục tiêu này nhằm đảm bảo việc thực hiến chúng dễ dàng hơn. Điều này sẽ ảnh hưởng không tốt tới kết quả chung của doanh nghiệp. Tuy nhiên những nghiên cứu tiền nhiệm không tìm thấy mối liên hệ trực tiếp giữa sự tham gia của nhà quản lý vào dự toán với kết quả hoạt động của doanh nghiệp và chỉ tìm thấy liên hệ gián tiếp thông qua trung gian là dự toán lỏng (Lu, 2011).
Trên cơ sở luận giải bằng lý thuyết đại diện, luận án sẽ sử dụng cách tiếp cận của các tác giả Young (1985) và Lu (2011) về mối quan hệ này nhưng theo hướng trực tiếp. Theo đó giả thuyết H6 được phát biểu như sau:
H6: Sự tham gia của nhà quản lý vào dự toán ảnh hưởng tiêu cực tới kết quả hoạt động của DNNVV Việt Nam
H6a: Sự tham gia của nhà quản lý vào dự toán ảnh hưởng tiêu cực tới kết quả hoạt động của nhà quản lý DNNVV Việt Nam
H6b: Sự tham gia của nhà quản lý vào dự toán ảnh hưởng tiêu cực tới kết quả tài chính của DNNVV Việt Nam
H6c: Sự tham gia của nhà quản lý vào dự toán ảnh hưởng tiêu cực tới kết quả phi tài chính của DNNVV Việt Nam
Trong đó, các giả thuyết H6a, H6b và H6c được phát triển dựa trên cách tiếp cận bất định đối với kết quả hoạt động doanh nghiệp.
2.4.6. Vai trò trung gian của kết quả hoạt động của nhà quản lý
Kết quả hoạt động của nhà quản lý thường được gắn liền với kết quả của bộ phận mà họ có trách nhiệm quản lý. Chính vì vậy trong một số nghiên cứu đi trước, kết quả hoạt động của nhà quản lý được sử dụng để phản ánh kết quả hoạt động của doanh
nghiệp trong mối quan hệ với dự toán sản xuất kinh doanh, điển hình như nghiên cứu của Govindarajan (1986) và Kren (1992). Tuy nhiên kết quả hoạt động của nhà quản lý không hẳn sẽ đồng nhất với kết quả hoạt động của doanh nghiệp vì sự xung đột lợi ích giữa các bộ phận cũng như giữa bộ phận và doanh nghiệp theo cách luận giải của lý thuyết đại diện (Mihaela, 2010). Trên cơ sở đó luận án đưa ra giả thuyết H7 về vai trò trung gian của kết quả hoạt động của nhà quản lý trong mô hình nghiên cứu như sau:
H7: Dự toán có ảnh hưởng gián tiếp tới kết quả hoạt động của DNNVV Việt Nam thông qua kết quả hoạt động của nhà quản lý
Giả thuyết H7 cũng được chi tiết thành hai giả thuyết H7a và H7b tương ứng với kết quả tài chính và kết quả phi tài chính của doanh nghiệp. Và để đối chiếu với tác động trực tiếp từ kết quả hoạt động của nhà quản lý tới hai loại kết quả trên, tác giả đưa thêm hai giả thuyết H7c và H7d như sau:
H7a: Dự toán có ảnh hưởng gián tiếp tới kết quả tài chính của DNNVV Việt Nam thông qua kết quả hoạt động của nhà quản lý
H7b: Dự toán có ảnh hưởng gián tiếp tới kết quả phi tài chính của DNNVV Việt Nam thông qua kết quả hoạt động của nhà quản lý
H7c: Kết quả hoạt động của nhà quản lý có tác động trực tiếp tới kết quả tài chính của DNNVV Việt Nam
H7d: Kết quả hoạt động của nhà quản lý có tác động trực tiếp tới kết quả phi tài chính của DNNVV Việt Nam
2.4.7. Vai trò của quy mô doanh nghiệp
Theo Covaleski (2003) quy mô doanh nghiệp là một trong những nhân tố bất định có ảnh hưởng tới kết quả hoạt động của doanh nghiệp. Thực tế nghiên cứu của Jamil (2015) đã cho thấy sự ảnh hưởng tích cực và có ý nghĩa thống kê của quy mô các DNNVV Ấn Độ tới kết quả tài chính của doanh nghiệp trên phương diện tốc độ tăng của lợi nhuận nhưng lại không chứng minh được mức ý nghĩa thống kê khi xem xét ảnh hưởng đối với tốc độ tăng của doanh thu. Kết quả này cũng tương đồng với những gì được chỉ ra trong nghiên cứu của Qi (2010) thực hiện trên các DNNVV Trung Quốc. Hơn thế nữa nghiên cứu của Qi (2010) còn cho thấy đặc điểm quy mô doanh nghiệp còn kiểm soát các kết quả trên khía cạnh khác như kết quả hoạt động động của nhà quản lý. Chính vì vậy trong luận án, tác giả tiếp tục xem xét vai trò kiểm soát của đặc điểm quy mô đối với kết quả hoạt động của các DNNVV Việt Nam trên
cả ba khía cạnh là kết quả tài chính, kết quả phi tài chính và kết quả hoạt động của nhà quản lý. Thêm vào đó, luận án sẽ mở rộng nghiên cứu của Qi (2010) khi xem xét vai trò điều tiết của đặc điểm quy mô doanh nghiệp trong mối quan hệ giữa các đặc trưng của dự toán sản xuất kinh doanh tới từng loại kết quả hoạt động. Trên cơ sở các nội dung chi tiết trình bày trong mục 2.4, các giả thuyết nghiên cứu được tổng hợp theo bảng 2.1.
Bảng 2.1. Tổng hợp các giả thuyết nghiên cứu Giả
thuyết Nội dung Cơ sở
H1 Sự rõ ràng của mục tiêu dự toán ảnh hưởng tích cực
tới kết quả hoạt động của DNNVV Việt Nam Kenis (1979) H2 Mức độ khó của mục tiêu dự toán ảnh hưởng tích cực
tới kết quả hoạt động của DNNVV Việt Nam Kenis (1979) H3 Sự phản hồi thông tin từ dự toán ảnh hưởng tích cực
tới kết quả hoạt động của DNNVV Việt Nam Kenis (1979) H4 Phạm vi và tần suất sử dụng dự toán có ảnh hưởng tích
cực tới kết quả hoạt động của DNNVV Việt Nam
Wijewardena and De Zoysa (2001) H5 Sự tinh vi của dự toán ảnh hưởng tích cực tới kết quả
hoạt động của DNNVV Việt Nam Merchant (1981)
H6 Sự tham gia của nhà quản lý vào dự toán ảnh hưởng tiêu cực tới kết quả hoạt động của DNNVV Việt Nam
Young (1985) và Lu (2011)
H7
Dự toán có ảnh hưởng gián tiếp tới kết quả hoạt động của DNNVV Việt Nam thông qua kết quả hoạt động của nhà quản lý
Mihaela (2010)