CHƯƠNG 4 MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG MẠI TRONG LĨNH VỰC F&B TẠI VIỆT
4.3. Một số kiến nghị để tạo môi trường phát triển hệ thống NQTM tại Việt Nam
Các quy định của pháp luật hiện hành của Việt Nam hiện nay đã được xây dựng theo hướng ngày càng phù hợp với luật pháp của các nước trên thế giới. Tuy nhiên, hệ thống luật pháp của Việt Nam vẫn tồn tại một số điểm chưa phù hợp và chưa đáp ứng được yêu cầu của các văn bản quốc tế này. Hệ thống pháp luật của Việt Nam chỉ mới cải thiện được khâu gia nhập thị trường, còn môi trường kinh doanh chậm chưa được cải thiện. Nhà nước xây dựng pháp luật là đã tạo ra hành lang pháp lý để điều tiết các hành vi và bảo vệ lợi ích hợp pháp của các bên tham gia hoạt động nhượng quyền. Do vậy, pháp luật phải rõ ràng, được thực hiện nhất quán trong cả nước, không thể để pháp luật không rõ ràng, được giải thích và vận dụng khác nhau.
Nhà nước phải đảm bảo và thực hiện đúng nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng theo pháp luật trong kinh doanh. Cạnh tranh là nguyên tắc có tính nền tảng của kinh tế thị trường, nó đòi hỏi các doanh nghiệp phải hoạt động có hiệu quả và thường xuyên nâng cao hiệu quả để thu được lợi nhận. Việt Nam cho đến nay đã thông qua Luật về cạnh tranh lành mạnh nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm để đưa luật đó vào cuộc sống góp phần làm tăng năng lực cạnh tranh trong kinh doanh của Việt Nam nói chung, của các doanh nghiệp nói riêng.
Nhà nước phải đảm bảo và thực hiện nhất quán nguyên tắc công khai, minh bạch của doanh nghiệp trong kinh doanh thông qua các quy định pháp lý. Để kinh doanh bình đẳng, bên nhượng quyền và bên nhận quyền phải đầy đủ các thông tin liên quan cần thiết và công khai, minh bạch để cho các bên có lợi ích tự kiểm tra và quyết định theo pháp luật. Do vậy, Nhà nước cần hoàn thiện và xây dựng pháp luật theo hướng buộc các doanh nghiệp phải công khai, minh bạch trong kinh doanh.
86
Một phương pháp thực hiện công khai, minh bạch và khắc phụ bất đối xứng về thông tin giữa các bên đó là Nhà nước bắt buộc các doanh nghiệp phải sử dụng kiểm toán độc lập trong kinh doanh.
Về những quy định pháp luật hiện thời, Nhà nước cần phải xem xét, làm rõ các khái niệm, phạm vi điều chỉnh giữa các luật, các văn bản pháp quy có liên quan, từ đó có sự điều chỉnh, sửa đổi phù hợp, ban hành các quy định mới để kịp thời đáp ứng công tác quản lý Nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhượng quyền thương mại, cụ thể:
- Ban hành Luật điều chỉnh riêng về hoạt động nhượng quyền thương mại;
- Ban hành Thông tư quy định về mức phí đăng ký hoạt động nhượng quyền và cách xác định phí trong hoạt động nhượng quyền thương mại;
- Ban hành Thông tư hướng dẫn về mức phí quảng cáo áp dụng cho hoạt động nhượng quyền thương mại.
Nghị quyết Đại hội X của Đảng và các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi Nhà nước phải tiếp tục xây dựng và hoàn thiện môi trường pháp luật cho mọi hoạt động kinh doanh, trong đó có kinh doanh nhượng quyền thương mại phát triển.
Đây là những đòi hỏi nỗ lực cải cách thực chất chứ không chỉ là những điều chỉnh kỹ thuật và mang tính nhất thời.
4.3.2. Nâng cao nhận thức và hiểu biết của toàn xã hội về kinh doanh nhượng quyền Trong bối cảnh hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, khu vực và với những điều kiện kinh tế xã hội ở Việt Nam hiện có sẽ tạo những thế và lực mới cho sự phát triển mạnh mẽ các hệ thống nhượng quyền thương mại ở Việt Nam thời gian tới. Tuy nhiên, nhận thức và hiểu biết về nhượng quyền thương mại ở nước ta còn chưa đầy đủ và chính xác. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền, giáo dục, đào tạo nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết của toàn xã hội là rất cần thiết và bức xúc để hoạt động này có thể chuyên môn hoá cao đảm bảo điều kiện và môi trường phát triển lâu dài. Những nội dung cần làm bao gồm: Tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật liên quan tới kinh doanh NQTM; về sự cần thiết khách quan, những cơ hội và thách thức của việc hội nhập kinh tế quốc tế với phát triển nhượng quyền
87
thương mại ở Việt Nam; việc thực hiện các cam kết quốc tế trong lĩnh vực dịch vụ phân phối, bán lẻ; về luật chơi quốc tế mà Việt Nam tham gia; nội dung các hiệp định của WTO...
Một số biện pháp thực hiện:
- Bộ Công Thương trực tiếp chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện các hoạt động tuyên truyền phổ biến kiến thức, đồng thời phối hợp với các bộ ngành khác liên quan lập và thực hiện các kế hoạch và chương trình thông tin quốc gia về phát triển các hệ thống thương mại văn minh hiện đại trong đó có phát triển theo hình thức NQTM;
- Chính thức đưa nội dung NQTM vào nội dung chương trình giảng dạy ở các trường đại học thuộc khối kinh tế, quản trị kinh doanh;
- Các tổ chức xúc tiến, cơ quan ban ngành chủ động phối hợp liên kết với các tổ chức giáo dục có uy tín trong và ngoài nước xây dựng các chương trình đào tạo về NQTM ngắn, trung và dài hạn; có thể mời các chuyên gia nước ngoài về giảng dạy; tổ chức hội thảo chuyên đề cho cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh NQTM.
4.3.3. Xây dựng các chương trình hỗ trợ khuyến khích phát triển các doanh nghiệp nhượng quyền thương hiệu
Nhà nước cần có định hướng, chính sách và các chương trình cụ thể riêng cho việc phát triển loại hình kinh doanh nhượng quyền thương mại và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này như nhượng quyền thương mại có thể được xếp vào những loại hình kinh doanh được ưu tiên phát triển; có chính sách ưu đãi đối với việc vay vốn để mở rộng hệ thống của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam; tổ chức các hội chợ, hội thảo quốc gia và quốc tế về nhượng quyền thương mại với quy mô lớn và mang tính chuyên nghiệp; tổ chức các chuyến đi nước ngoài có tài trợ một phần kinh phí cho các doanh nghiệp Việt Nam để tìm hiểu về kinh nghiệm, cơ hội kinh doanh nhượng quyền ở nước ngoài, đồng thời quảng bá, giới thiệu hình ảnh Việt Nam và doanh nghiệp kinh doanh nhượng quyền Việt Nam.
Bên cạnh đó, Nhà nước hỗ trợ và khuyến khích trực tiếp các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhượng quyền thương mại thông qua các công cụ về tài
88
chính, thuế, thông tin hoặc Nhà nước hỗ trợ gián tiếp thông qua việc cải thiện, phát triển cơ sở hạ tâng, mạng lưới viễn thông, hệ thống ngân hàng để các doanh nghiệp hoạt động dễ dàng hơn trong một môi trường kinh doanh hiện đại.
4.3.4. Thành lập Hiệp hội Nhượng quyền thương mại Việt Nam
Đây không chỉ là xu hướng phổ biến mà còn là một yêu cầu tất yếu. Trong một môi trường xúc tiến ổn định và thực sự chất lượng thì không thể thiếu vắng vai trò lãnh đạo trụ cột của một Hiệp hội, cụ thể hơn ở đây là Hiệp hội Nhượng quyền thương mại Việt Nam (Vietnam Franchise Association). Xây dựng Hiệp hội Nhượng quyền thương mại Việt Nam với các chức năng chính như chức năng đại diện, chức năng thông tin và chức năng xúc tiến hoạt động nhượng quyền nhằm làm cấu nối giữa các doanh nghiệp với các cơ quan quản lý của Nhà nước, giữa các doanh nghiệp với nhau để cùng hỗ trợ tìm kiếm, trao đổi thông tin thị trường hay hợp tác trong đào tạo kỹ năng quản lý, nghiên cứu thị trường.
Ngoài ra, Hiệp hội đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế hàng giả, hàng nhái và sẽ là người đại diện cho quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp thành viên, có tiếng nói và tham gia bảo vệ quyền lợi hợp pháp của của các doanh nghiệp thành viên trước các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của các đối thủ khác trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập. Hiệp hội cũng có thể phối hợp cùng các ngân hàng, quỹ đầu tư trong việc thẩm định, phê duyệt các dự án vay vốn đầu tư của doanh nghiệp muốn kinh doanh nhượng quyền hoặc có thể đứng ra bảo lãnh cho những đối tác tiềm năng.
Vì vậy, việc thành lập Hiệp hội Nhượng quyền thương mại Việt Nam cần được tiến hành ngay và Nhà nước cần có các hỗ trợ cần thiết để Hiệp hội đi vào hoạt động chính thức. Hiệp hội Nhượng quyền thương mại Việt Nam nên là một tổ chức phi lợi nhuận và được hỗ trợ thành lập bởi Bộ Công Thương.
4.3.5. Nâng cao năng lực của cơ quan quản lý Nhà nước về nhượng quyền thương mại
- Tiếp tục thực hiện cải cách các thủ tục hành chính tại các cơ quan quản lý của Nhà nước một cách mạnh mẽ theo hướng tiêu chuẩn hoá và đơn giản hoá các
89
thủ tục hành chính cấp phép kinh doanh tránh gây phiền hà cho doanh nghiệp và làm hạn chế kết quả kinh doanh.
- Phối hợp giữa các cơ quan chức năng như cơ quan thuế, công an kinh tế, cơ quan quản lý thị trường trong việc kiểm tra, giám sát thị trường nhằm xử lý kịp thời các cơ sở kinh doanh hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu, ăn cắp hoặc tự ý sử dụng thương hiệu, biển hiệu của các công ty kinh doanh nhượng quyền mà chưa được phép, kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm, xuất xứ hàng hoá, chất lương hàng hoá, thời hạn sử dụng, kiểm tra các công tác đảm bảo an toàn như PCCN của các cơ sở kinh doanh nhượng quyền.
- Nâng cao nhận thức, sự hiểu biết, nghiệp vụ trong môi trường hội nhập kinh tế quốc tế cho các cán bộ quản lý, nhân viên của các cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động NQTM nhằm tránh những sai lầm đáng tiếc do không hiểu hoặc hiểu không đúng các quy định pháp luật của Nhà nước.
4.3.6. Xây dựng cơ chế cung cấp thông tin
Để thị trường NQTM phát triển, bên nhượng quyền và bên nhận quyền đều rất cần các thông tin liên quan, mới nhất về tình hình thị trường nhượng quyền thương mại, lĩnh vực NQTM quan tâm, đối tác trong lĩnh vực NQTM...Một trong các kênh để có thể thu thập thông tin cần thiết đó là việc các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ tư vấn thông tin qua các công ty tư vấn.
Được bàn nhiều nhất và cũng đang là mối băn khoăn lớn nhất của nhiều công ty tư vấn chính là cơ chế cung cấp thông tin. Các nguồn thông tin được coi là chính thức hiện nay có thể kể đến như các trang web của các bộ, ngành, công báo..nhưng các nguồn đó chỉ cung cấp được những văn bản dưới hình thức như Luật, Nghị định, Thông tư mà đó chỉ là một phần của thông tin. Trong khi tiến hành tư vấn cho doanh nghiệp về một dự án nào đó thì phải cần rất nhiều thông tin như tình hình phát triển của ngành, các kế hoạch phát triển, số liệu thống kê, báo cáo đánh giá thực trạng phát triển...Để có thông tin, các công ty tư vấn buộc phải dựa vào các mối quan hệ cá nhân để lấy thông tin. Nguồn thông tin thu được rất tản mạn và nhiều khi không thể kiểm chứng nổi độ chính xác khi có sự vênh nhau hay thậm chí
90
là trái ngược về nội dung của thông tin. Hiện nay, độ chính xác của thông tin mà các công ty tư vấn khai thác được nằm ngoài tầm kiểm soát của họ và đây chính là cản trở lớn ảnh hưởng đến sự phát triển, tính chuyên nghiệp của thị trường dịch vụ đặc biệt này, gián tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển thị trường thương mại trong nước nói chung, thị trường NQTM nói riêng. Thực tế, nhiều nhà đầu tư đã thất vọng khi họ không có được sự đảm bảo về thông tin mà các công ty tư vấn đưa ra.
Theo các nhà đầu tư nước ngoài, thông tin về thị trường Việt Nam đang là khó khăn lớn nhất không chỉ riêng đối với họ do Việt Nam thiếu một cơ chế về cung cấp thông tin như một dịch vụ hành chính. Đã đến lúc Chính Phủ phải có những quy định về cung cấp thông tin để mọi cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu đều có thể tiếp cận được và tạo thuận lợi trong kinh doanh.