Chương 3: MỘT SỐ KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VÀ NÂNG
3.2. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật bảo hiểm y tế
Thứ nhất có thể thấy, tăng mức thanh toán chi phí khám chữa bệnh vượt tuyến là điểm mới được quy định trong Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2014.
Theo đó, tại khoản 3 Điều 22 Luật BHYT quy định: “Trường hợp người có thẻ bảo hiểm y tế tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo mức hưởng quy định tại khoản 1 Điều này theo tỷ lệ như sau, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này: a) Tại bệnh viện tuyến trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú; b) Tại bệnh viện tuyến tỉnh là 60% chi phí điều trị nội trú từ ngày Luật này có hiệu lực đến ngày 31 tháng 12 năm 2020; 100% chi phí điều trị nội trú từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 trong phạm vi cả nước; c) Tại bệnh viện tuyến huyện là 70% chi phí khám bệnh, chữa bệnh từ ngày Luật này có hiệu lực đến ngày 31 tháng 12 năm 2015; 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh từ ngày 01 tháng 01 năm 2016”. Và khoản 6 Điều 22 cũng quy định: “Từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, quỹ bảo hiểm y tế chi trả chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng quy định tại khoản 1 Điều này cho người tham gia bảo hiểm y tế khi tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến tỉnh trong phạm vi cả nước”.
Quy định như vậy có ưu điểm là thông tuyến KCB, tạo cơ hội cho người tham gia BHYT được tự do lựa chọn cơ sở KCB theo nhu cầu của mình. Tuy nhiên, trong điều kiện cơ sở KCB tại cơ sở vùng sâu, hải đảo chưa bảo đảm, trình độ y bác sỹ tromg các cơ sở KCB hiện nay chưa cao, thì quy định này vô hình trung dẫn tới sự quá tải tại các bệnh viện tuyến trên cũng như làm gia tăng đáng kể chi trả từ quỹ BHYT.
Vì thế, cần dãn lộ trình trên, để khi nào cơ sở vật chất cũng như các điều kiện về KCB giữa các tuyến không có sự chênh lệch, thì mới tiến tới tăng mức thanh toán chi phí KCB BHYT vượt tuyến như hiện nay.
Thứ hai, Luật BHYT hiện hành tuy có quy định giới hạn mức đóng BHYT tối đa nhưng chưa có quy định mức hưởng tối đa cho 1 lần khám, chữa bệnh. Vì vậy, quỹ BHYT phải chi trả cao hơn gấp nhiều lần so với đóng góp của từng cá nhân.
Do đó, cần quy định về mức hưởng BHYT phù hợp với mức đóng. Cụ thể, bổ sung quy định mức được hưởng BHYT tối đa trong một đợt điều trị nội trú hoặc mức hưởng chi phí KCB BHYT tối đa trong một năm của người có thẻ BHYT, đảm bảo sự công bằng tương đối quyền lợi được hưởng giữa các đối tượng tham gia BHYT.
Thứ ba, theo quy định tại Điều 23 Luật BHYT, thì có 13 trường hợp không được hưởng BHYT. So với trước thì số các trường hợp này đã giảm đi. Tuy nhiên, với mục đích chia sẻ rủi ro khi người tham gia BHYT bị ốm đau bệnh tật, thì việc quy định trường hợp tại khoản 9 Điều 23 Luật BHYT: “Khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng trong trường hợp thảm họa” không được hưởng BHYT là không hợp lý.
Thực tế, với vị trí địa lý, Việt Nam là một trong 10 quốc gia phải gánh chịu hậu quả từ thiên tai thường xuyên và nặng nề nhất trên thế giới. Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đã chỉ ra rằng, Việt Nam mỗi năm trực tiếp chịu ảnh hưởng từ 5-7 cơn bão, nhiều địa phương trong cả nước thường xuyên xảy ra mưa lớn gây lũ lụt. Hơn thế nữa, hàng năm thiên tai cũng cướp đi sinh mạng của 300-
500 người và hàng triệu người khác bị ảnh hưởng. Cùng với thiên tai, hàng loạt thảm hoạ khác như tai nạn giao thông, cháy nổ, sập công trình xây dựng, thương vong trong các sự kiện văn hoá - thể thao… cũng gây thiệt hại không nhỏ đến sức khoẻ, tính mạng và kinh tế của cộng đồng. Chi phí KCB và điều trị trong trường hợp gặp thiên tai là không hề nhỏ, lại thường xảy ra ở các vùng miền núi, hải đảo, hộ gia đình nghèo, nếu không có hỗ trợ từ phía chính quyền nhà nước thì khó mà khắc phục được. Do vậy, trong thời gian tới, ngành BHXH có thể cân nhắc bổ sung đối tượng này được hưởng BHYT nhằm giảm thiểu gánh nặng tài chính cho họ và bảo đảm công bằng về đóng hưởng BHYT.
Ngoài ra, BHYT Việt Nam hiện tại chưa chi trả việc chữa hiếm muộn vô sinh, lý do đưa ra là nguyên nhân rất khó xác định và chi phí chẩn đoán, điều trị rất lớn. Nhưng thực tế không phải như vậy, phụ nữ điều trị vô sinh hiếm muộn cũng nên được hưởng BHYT, bởi lẽ:
Xét về mặt xã hội, cần khuyến khích việc sinh nở và nguyện vọng có con, nhất là trong bối cảnh xã hội hiện đại dân số đang bị già hoá, có nguy cơ thiếu hụt nguồn lao động, nhằm giải quyết sự phát triển kinh tế xã hội của quốc gia. Ngoài ra, phụ nữ đang trong độ tuổi lao động, cống hiến ở nhiều lĩnh vực khác nhau, một phần tiền lương của họ được trích ra để vào các khoản bảo hiểm. Hiếm muộn vô sinh không phải là bệnh hiếm gặp, thống kê cho thấy khoảng 10% dân số thế giới cần điều trị. Tổ chức y tế thế giới dự báo hiếm muộn sẽ trở thành căn bệnh nguy hiểm thứ ba trong thế kỷ 21, chỉ đứng sau ung thư và bệnh tim mạch. Theo Tổ chức y tế thế giới, Việt Nam là một trong những quốc gia ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương có tỷ lệ sinh thấp và tỷ lệ vô sinh cao nhất thế giới. Vậy khi họ KCB vô sinh hiếm muộn nên thêm vào danh sách những bệnh được hưởng bảo hiểm.
Mặt khác, do áp lực tâm lý từ phía gia đình, xã hội chưa đủ, người trong cuộc còn phải chịu gánh nặng kinh tế trong việc chữa trị hiếm muộn, rất ít người đủ khả năng chi trả chi phí điều trị thụ tinh trong ống nghiệm mà phần lớn phải vay mượn người khác, thậm chí sẵn sàng bán nhà để có con. Theo Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh Thành phố Hồ Chí Minh, các kỹ thuật chữa vô sinh tại Việt Nam gần như đã
tiệm cận với thế giới, nhưng chi phí lại cao hơn nhiều so với mặt bằng thu nhập của người dân. Một bệnh nhân trung bình tốn khoảng 70 – 80 triệu đồng để có thể điều trị vô sinh hiếm muộn. Do vậy, tạo điều kiện để BHYT sớm có chính sách cho người tham gia BHYT mà sử dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, điều trị hiếm muộn, nhất là người nghèo để san sẻ bớt gánh nặng cho họ là việc làm cần thiết mang tính nhân văn sâu sắc.