Chương 3: MỘT SỐ KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VÀ NÂNG
3.3. Một số kiến nghị nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật bảo hiểm y tế tại huyện
Cùng với hoàn thiện quy định của pháp luật BHYT, cũng như các địa phương trong cả nước, BHXH huyện Tam Dương cần thiết phải nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật BHYT trên địa bàn. Căn cứ chương trình hành động và kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII, BHXH huyện Tam Dương cần thực hiện có hiệu quả công tác BHYT tại địa phương. Tập trung vào công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, giảm nợ đọng và quản lý, sử dụng có hiệu quả quỹ BHYT. Các giải pháp cụ thể như sau:
- Thứ nhất, đẩy mạnh công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT, giảm nợ đọng xuống mức thấp nhất nhằm đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT. Phấn đấu đạt được các chỉ tiêu, kế hoạch là có 90% dân số tham gia BHYT vào năm 2020.
Như đã đề cập ở phần trên, hiện nay, số lượng người lao động làm việc trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp trên địa bàn huyện Tam Dương tham gia BHYT còn thấp. Vì thế, cần thiết phải tuyên truyền về lợi ích, vai trò của BHYT đến người dân. Xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHYT.
Ngoài ra, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách pháp luật về BHYT đến mọi người dân trên địa bàn huyện, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và ý thức trách nhiệm của người dân trong việc tham gia BHYT.
- Thứ hai, tổ chức chi trả các chế độ BHYT đầy đủ và kịp thời đến tay người thụ hưởng chế độ, tạo cơ hội cho người tham gia BHYT được tự do lựa chọn cơ sở KCB theo nhu cầu của mình. Tuy nhiên, trong điều kiện cơ sở KCB tại cơ sở vùng xa chưa bảo đảm, trình độ y bác sỹ tromg các cơ sở KCB hiện nay chưa cao, thì quy định này vô hình trung dẫn tới sự quá tải tại các bệnh viện tuyến trên cũng như làm gia tăng đáng kể chi trả từ quỹ BHYT.
- Thứ ba, phối hợp chặt chẽ với ngành y tế để làm tốt công tác khám chữa bệnh BHYT nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo Sở Y tế, Ủy ban nhân các huyện/thị xã/ thành phố chỉ đạo các cơ sở KCB tăng cường các giải pháp để nâng cao chất lượng KCB khi áp dụng giá dịch vụ KCB mới, quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc. Đồng thời hạn chế tình trạng chỉ định xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh tràn lan không phù hợp với chẩn đoán để đảm bảo sử dụng quỹ khám chữa bệnh BHYT một cách có hiệu quả và cân đối quỹ trên địa bàn.
Cùng với đó, các cơ sở y tế phải không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn huyện. Hiện nay chất lượng KCB BHYT chưa đáp ứng được nhu cầu và quyền lợi của đối tượng tham gia BHYT trên địa bàn, như:
máy móc thiết bị, cơ sở vật chất chưa bảo đảm… Vì thế, để thu hút người dân tham gia BHYT, cần chú trọng tăng cường công tác KCB lưu động cho đồng bào ở vùng xa. Chú trọng công tác cấp cứu, thực hiện khẩn trương, nghiêm túc và thường trực 24/24 giờ. Đầu tư kiện toàn nâng chất lượng hoạt động Trung tâm cấp cứu 115. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, các đơn vị y tế tuyến huyện tăng cường cơ chế thu hút nguồn bác sĩ chính quy có trình độ chuyên môn về làm việc. Cụ thể, cần chuyên môn hóa tối đa, điều trị sớm cho bệnh nhân, xử lý nghiêm vi phạm và sai sót trong lĩnh vực KCB. Tạo sự cạnh tranh giữa các cơ sở y tế cũng như giữa các nhân viên y tế bởi lẽ bệnh viện phục vụ tốt mới có uy tín và thu hút nhiều bệnh nhân sử dụng dịch vụ.
- Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra nhằm hoàn thành nhiệm vụ kiểm tra các năm, trong đó tập trung kiểm tra các đơn vị, doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước chưa tham gia BHYT cho người lao động và các đơn vị để nợ đọng tiền BHYT.
Hiện nay vi phạm pháp luật cũng như tiêu cực trong lĩnh vực BHYT còn nhiều, đó là sự thiếu ý thức pháp luật trong xã hội có nguyên nhân sâu xa là một hệ thống pháp luật và cơ chế thực hiện pháp luật còn nhiều thiếu sót. Để đảm bảo kỷ cương trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, BHYT huyện Tam Dương phải tăng cường các hoạt động quản lý, thanh kiểm tra, tiếp nhận khiếu nại, xử lý vi phạm. Về lâu dài, cần nghiên cứu, học tập kinh nghiệm tổ chức BHYT mà nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện cũng như tổ chức thực hiện triệt để các kinh nghiệm đó, thì cơ hội cho vi phạm pháp luật sẽ có thể giảm bớt. Nhưng nhìn chung, trong bối cảnh nào, với thực tế vi phạm pháp luật nhiều hay ít, việc quy định và xử lý nghiêm vi phạm pháp luật đều luôn phải được đề cao đúng mức.
- Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xét duyệt các chế độ BHXH, thanh toán chi phí KCB BHYT trên hệ thống thông tin của BHXH.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tin học trong quản lý các mặt công tác của ngành, tiếp tục giám sát, hỗ trợ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho các ban nghiệp vụ BHXH huyện và các đại lý ở cấp xã/thị trấn trong việc sử dụng các phần mềm. Để cải cách thủ tục hành chính và sử dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác KCB BHYT trên địa bàn được tốt hơn, BHXH huyện đề nghị Trung tâm công nghệ thông tin phối hợp với cục công nghệ thông tin, tổng cục thuế phối hợp cung cấp thông tin về doanh nghiệp để bảo hiểm xã hội huyện khai thác sử dụng. Đề nghị Trung tâm công nghệ thông tin xây dựng phần mềm thống kê chi phí KCB BHYT thống nhất giữa cơ quan BHXH và cơ sở KCB.
Đề nghị BHXH Việt Nam sớm hoàn thiện phần mềm quản lý thu BHYT để đỡ khó khăn vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết chính sách, chế độ BHYT. Tăng cường công tác chỉ đạo các ngành có liên quan trong việc việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin tại các
cơ sở KCB trên địa bàn huyện Tam Dương, đảm bảo kết nối được dữ liệu từ các cơ sở KCB tuyến xã với cơ quan BHXH để phục vụ tốt công tác quản lý, công tác giám định BHYT.
- Thứ sáu, chuẩn bị tốt các điều kiện để sẵn sàng cho việc cấp thẻ BHYT điện tử vào năm 2020 theo quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính Phủ.
Kết luận chương 3
Nhằm bảo đảm quyền lợi của đối tượng tham gia BHYT trên phạm vi cả nước nói chung và trên địa bàn huyện Tam Dương nói riêng, cần thiết phải có những giải pháp hoàn thiện các quy định của Luật BHYT và nâng cao hiệu quả công tác thực hiện pháp luật. Các giải pháp này phải bảo đảm yêu cầu là khắc phục những bất cập trong quy định của pháp luật hiện hành về BHYT, bảo đảm phù hợp với nhu cầu của người hưởng BHYT, bảo đảm thực hiện chính sách BHYT nói riêng và an sinh xã hội nói chung của Đảng và nhà nước theo xu hướng chung của các nước trên thế giới.
Giải pháp hoàn thiện pháp luật cần chú trọng mở rộng đối tượng tham gia bằng cách giảm mức phí đóng cho các thành viên hộ gia đình tham gia BHYT theo hộ gia đình, giảm mức đóng đối với học sinh, sinh viên, giảm mức cùng chi trả của đối tượng tham gia,…
Cùng với việc hoàn thiện pháp luật, các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật BHYT trên địa bàn huyện Tam Dương cũng cần đựoc chú trọng. Đó là tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật BHYT đến mọi người dân. Tăng cường sự chỉ đạo sát sao của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân huyện về BHYT. Không ngừng tăng cường sự phối hợp giữa BHXH với cơ sở khám chữa bệnh. Cùng với đó, việc tăng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT là một trong các giải pháp quan trọng nhằm thu hút người dân trên địa bàn tham gia BHYT. Có như vậy, thì BHYT mới thể hiện hết vai trò thực sự trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ cho mọi thành viên, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.
KẾT LUẬN
BHYT có vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe cho người dân khi bị ốm đau, bệnh tật. Cũng như các quốc gia trên thế giới, Đảng và nhà nước đã rất chú trọng chính sách BHYT. Qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung, chính sách và pháp luật về BHYT ngày càng hoàn thiện, góp phần đảm bảo an sinh xã hội của đất nước.
Pháp luật BHYT hiện hành bao gồm các quy định của Luật BHYT năm 2008, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2014 và các văn bản hướng dẫn. Theo đó, nội dung quy định chủ yếu bao gồm đối tượng, mức đóng, trách nhiệm và phương thức đóng BHYT, thẻ BHYT, phạm vi được hưởng BHYT, tổ chức khám bệnh, chữa bệnh cho người tham gia BHYT, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT, quỹ bảo hiểm y tế; quyền và trách nhiệm của các bên liên quan đến BHYT…
So với trước đây, các quy định của pháp luật BHYT hiện hành có nhiều ưu điểm, góp phần bao phủ BHYT đến mọi người dân. Đó là mọi thành viên trong xã hội đều bắt buộc phải tham gia BHYT. Trong đó pháp luật chia nhiều nhóm khác nhau và quy định mức phí và phương thức đóng khác nhau. Nhà nước hỗ trợ và đóng cho một số nhóm đối tượng nhằm thực hiện chính sách ưu đãi hoặc chia sẻ trong trường hợp đối tượng không có thu nhập hoặc có thu nhập nhưng còn thấp so với mức sống chung của toàn xã hội. Các nội dung về thông tuyến KCB, cũng như công tác thu phí và quản lý quỹ được sửa đổi, bổ sung nhằm phù hợp hơn với thực tế đời sống mới.
Để những quy định của pháp luật BHYT đi vào đời sống, công tác thực hiện pháp luật BHYT được song song chú trọng tại các địa phương trong phạm vi cả nước. Là một huyện thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, BHXH huyện Tam Dương nhanh chóng triển khai quy định của pháp luật BHYT phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của địa bàn. Trong thời gian qua, BHYT ở huyện Tam Dương đã đạt được nhiều kết quả to lớn. Đó là số lượng người tham gia BHYT không ngừng gia tăng, công tác thu phí luôn vượt mức kế hoạch đặt ra, việc cấp thẻ BHYT đạt chỉ tiêu, công tác thu
phí, quản lý quỹ BHYT và giải quyết quyền lợi cho người tham gia BHYT khi KCB BHYT nhanh chóng và tuân thủ quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện pháp luật BHYT tại huyện Tam Dương cũng đã phát sinh một số tồn tại. Các tồn tại này thể hiện trong một số công tác thực hiện như phát triển đối tượng tham gia BHYT còn chậm, công tác giải quyết nợ đọng chưa dứt điểm, công tác thống kê, rà soát đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình chưa đúng tiến độ, chưa áp dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong thực hiện pháp luật BHYT,…
Trước những bất cập trong quy định của pháp luật BHYT và những tồn tại trong công tác thực hiện BHYT tại huyện Tam Dương, yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải có các giải pháp khắc phục. Đó là cần thiết hoàn thiện một số quy định của pháp luật BHYT cũng như nâng cao hiệu quả thực hiện BHYT tại huyện Tam Dương. Từ đó tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ để triển khai thực hiện BHYT trên các địa bàn ở phạm vi cả nước, nhằm nhanh chóng tăng tỷ lệ bao phủ BHYT, góp phần thực hiện chỉ tiêu bao phủ BHYT 90% dân số vào năm 2020 như thủ tướng Chính phủ đã đặt ra.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
I. TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bảo hiểm xã hội Việt Nam (2010), Báo cáo tình hình thực hiện chính sách BHYT và cân đối quỹ BHYT gửi Ban Bí thư Trung ương Đảng, Hà Nội.
2. Bảo hiểm xã hội Việt Nam (2014), Báo cáo tổng kết ngành bảo hiểm xã hội, Hà Nội.
3. Bảo hiểm xã hội Việt Nam (2012), Hội nghị tổng kết đánh giá 3 năm thực hiện Luật bảo hiểm y tế và định hướng sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế, TP Hồ Chí Minh, tháng 12/2012.
4. Bảo hiểm xã hội huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc, Báo cáo tổng kết công tác năm 2015và phương hướng nhiệm vụ năm 2016.
5. Bảo hiểm xã hội huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc, Báo cáo tổng kết công tác năm 2016 và phương hướng nhiệm vụ năm 2017.
6. Bảo hiểm xã hội huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc, Báo cáo tổng kết công tác năm 2017 và phương hướng nhiệm vụ năm 2018.
7. Bảo hiểm xã hội huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc, Báo cáo tổng kết công tác năm 2018 và phương hướng nhiệm vụ năm 2019.
8. Bộ Y tế và nhóm đối tác y tế (2011), Báo cáo chung tổng quan ngành y tế năm 2011, Hà Nội.
9. Bộ Y tế Việt Nam và Nhóm đối tác y tế (2011), Báo cáo chung tổng quan ngành y tế năm 2011 - Nâng cao năng lực quản lý, đổi mới tài chính y tế để thực hiện kế hoạch 5 năm ngành y tế, 2011 - 2015, Hà Nội 12/2011.
10. Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam (2012), Báo cáo tổng kết, đánh giá 3 năm thực hiện Luật bảo hiểm y tế và định hướng sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế, TP Hồ Chí Minh, ngày 10/12/2012.
11. Bộ Y tế (2013), Báo cáo đánh giá 3 năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế và đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Hà Nội.
12. Đỗ Thị Dung (2013), “Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế và lộ trình thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân theo Luật bảo hiểm y tế Việt Nam”, Tạp chí luật học, số 4/2013.
13. Đỗ Thị Dung (2017), “Kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật bảo hiểm y tế nhằm thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân”, Tạp chí luật học, số 8/2017.
14. Đỗ Văn Hưởng (2016), “Pháp luật bảo hiểm y tế và thực tiễn thực hiện tại tỉnh Quảng Ninh”, Luận văn thạc sĩ luật học, Trường Đại học Mở Hà Nội.
15. Đặng Thanh Minh (2017), “Pháp luật về bảo hiểm y tế và thực tiễn thực hiện tại huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh”, Luận văn thạc sĩ luật học, Trường Đại học Mở Hà Nội.
16. Nguyễn Hiền Phương (Chủ biên) (2015), “Pháp luật bảo hiểm y tế một số quốc gia và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”, Nxb Tư pháp, Hà Nội.
17. Hà Thái Thọ (2017), “Pháp luật về bảo hiểm y tế và thực tiễn thực hiện tại tỉnh Yên Bái”, Luận văn thạc sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội.
18. Trường Đại học Luật Hà Nội (2013), Giáo trình luật an sinh xã hội Việt Nam, Nxb Tư pháp, Hà Nội.
19. Trường Đại học Mở Hà Nội (2018), Giáo trình luật an sinh xã hội Việt Nam, Nxb Lao động, Hà Nội.
20. Tổ chức lao động quốc tế, Công ước số 102 năm 1952.
21. https://vi.wikipedia.org/wiki/Tam_D%C6%B0%C6%A1ng
22.https://vinhphuc.gov.vn/ct/cms/tintuc/Lists/ThoiSuChinhTri/View_Detail.aspx?I temID=8811
23.https://vinhphuc.gov.vn/ct/cms/tintuc/Lists/VanHoaXaHoi/View_Detail.aspx?Ite mID=8533