CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU TÁC ĐỘNG CỦA CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ KHỞI NGHIỆP ĐẾN CƠ HỘI KHỞI NGHIỆP
1.2 Tổng quan các nghiên cứu trong nước
Ở Việt Nam, có rất nhiều công trình nghiên cứu về chính sách hỗ trợ khởi nghiệp,các nghiên cứu này tập trung vào những hướng chính sau đây:
Nghiên cứu về các nhân tố tác động đến ý định khởi nghiệp:
Nguyễn Anh Tuấn (2019) cho rằng khát vọng thành công, kinh nghiệm, tính sáng tạo là những yếu tố quyết định ảnh hưởng tới dự định khởi nghiệp, trong khi đó, nghiên cứu của các tác giả Phan Anh Tú, Giang Thị Cẩm Tiên (2015) cho thấy các khóa học khởi nghiệp ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp, cụ thể là chương trình giáo dục khởi nghiệp có tác động tích cực đến ý đinh khởi nghiệp. Thống nhất với quan điểm trên, Đoàn Thị Thu Trang (2012) cho rằng chương trình giáo dục khởi nghiệp ảnh hưởng đến lượng khởi nghiệp vì nó làm giàu kiến thức về khởi nghiệp và làm phát triển các kỹ năng khởi nghiệp. Các cơ sỏ giáo dục cần phải tập trung, kết nối với xã hội, tạo các sân chơi khởi nghiệp, gặp gỡ các doanh nghiệp thành công, truyền cảm hứng khởi nghiệp.
Với chủ đề huấn luyện khởi nghiệp thực tế, Nguyễn Thị Thủy (2015) kết luận các cá nhân khởi nghiệp có trải nghiệm về doanh nghiệp có xu hướng khởi nghiệp cao hơn
những cá nhân chưa có trải nghiệm về doanh nghiệp. Các tác giả Dư Thị Hà và cộng sự (2018) lại có quan điểm khác về vấn đề này với kết quả nghiên cứu thực nghiệm nhóm tác giả này đã chứng minh người chưa có va chạm thực tế về doanh nghiệp có xu hướng kiên định về khởi nghiệp cao hơn người đã có va chạm thực tế về doanh nghiệp. Đứng trên khía cạnh khác ,Võ Nguyên Phú (2018) có quan điểm rằng trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp có vai trò quan trọng thúc đẩy khởi nghiệp.
Một số tác giả cho rằng bầu không khí cởi mở, sáng tạo trong giảng dạy ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp (Nguyễn Quốc Nam, 2017). Trong khi các tác giả Đỗ Thị Ý Nhi và cộng sự (2009) tập trung xem xét đánh giá các bộ phận hỗ trợ thiết thực cho ý tưởng khởi nghiệp. Điểm chung của hai nghiên cứu này là các tác giả đồng ý rằng yếu tố “môi trường giáo dục” là xem xét môi trường giáo dục nói chung có khuyến khích ý tưởng, sáng kiến khởi nghiệp hay không.
Tóm lại, có rất nhiều nghiên cứu tại Việt Nam theo hướng tiếp cận về đánh giá các nhân tố tác động đến ý định khởi nghiệp, các nghiên cứu này có xuất phát chung thường dựa trên mô hình gốc của Thuyết hành vi có hoạch định của Ajzen (1985), hoặc lý thuyết hành vi kế hoạch (TPB) của chính tác giả này phát triển năm 1991.
Xuất phát từ những nghiên cứu gốc rễ này, các nhà nghiên cứu tại Việt Nam đã kế thừa và phát triển nhằm hoàn thiện khung nghiên cứu về ý định khởi nghiệp của sinh viên, kết quả của những nghiên cứu này nhận được sự đồng tình của đa số các học giả, khung nghiên cứu về ý định khởi nghiệp xuất phát từ mô hình lý thuyết hành vi kế hoạch (TPB) được sử dụng rộng rãi trong các nghiên cứu. Như vậy hướng nghiên cứu này tại Việt Nam đã được phân tích rất sâu rộng, vì lẽ đó NCS không chọn hướng nghiên cứu này cho đề tài luận án của mình.
Hướng nghiên cứu về các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý khởi nghiệp tại Việt Nam
Nghiên cứu của Hoàng Xuân Hòa, Phạm Thị Hồng Yến (2016) đã chỉ ra các chính sách hiện hành hỗ trợ khởi nghiệp, đó là các chính sách tài chính, tín dụng, hỗ trợ xây dựng vườn ươm khởi nghiệp,..Tuy nhiên, theo như nhận định của các tác giả, các mặt hạn chế đang nổi cộm khi thực thi chính sách là hoạt động đào tạo bồi dưỡng nhân lực còn chưa được quan tâm đúng mức, cơ sơ vật chất nhiều nơi còn hạn chế, hoạt động tuyên truyền phổ biến các chính sách về hỗ trợ khởi nghiệp còn chưa rộng, sâu từ đó chưa đem lại hiệu quả. Khung pháp lý về xấy dựng, thành lập các quỹ vốn đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam còn hạn chế,… từ những nhận định trên, nhóm tác giả đã đề xuất các giải pháp tổng hợp để khắc phục trong đó nhận mạnh đến việc hoàn chỉnh
khung pháp lý cho doanh nghiệp khởi nghiệp, coi đây là giải pháp căn bản nhất để phát triển khởi nghiệp. Nghiên cứu của Bùi Tiến Dũng (2019) tập trung xem xét thực thi chính sách hỗ trợ khởi nghiệp thông qua vai trò cầu nối của trường đại học, tác giả đề xuất các biện pháp giữa trên quy trình các bước: biết về khởi nghiệp; hiểu về khởi nghiệp, làm về khởi nghiệp, từ các bước nay tác giả đề xuất những nội dung cụ thể cần triển khai để tăng cường khởi nghiệp bao gồm: Thứ nhất là đẩy mạnh việc tuyên truyền về những thông tin chính sách hỗ trợ khởi nghiệp chung và hỗ trợ khởi nghiệp, ngoài ra cần giới thiệu, tuyên truyền về cơ cấu, nội dung của các dự án thành công, nhằm nâng cao sự hiểu biết của các cá nhân khởi nghiệp về định hướng khởi nghiệp của đất nước. Thứ hai là tích cực nang cao chất lượng đào tạo trong các trường đại học, tham khảo các chương trình đào tạo về khởi nghiệp tiên tiến trên thế giới, ban hành các chính sách hỗ trợ đào tạo khởi nghiệp, tăng thời lượng các chương trình ngoại khóa, tiếp xúc doanh nghiệp, lấy ý kiến các chuyên gia nghiên cứu chính sách, các nhà quản lý doanh nghiệp, tổ chức các cuộc thi về khởi nghiệp nhằm giúp các cá nhân khởi nghiệp hiểu rõ về khởi nghiệp, có cảm hứng, niềm tin vào khởi nghiệp. Thứ ba là tạo môi trường thuận lợi để khởi nghiệp như xây dựng không gian chung cho khởi nghiệp, tích cực tổ chức các cuộc thi về khởi nghiệp hiện thực hóa các ý tưởng, hỗ trợ tài chính cho khởi nghiệp, hỗ trợ cơ sở hạ tầng, tư vấn pháp luật khởi nghiệp miễn phí, hỗ trợ về kỹ thuật, quản lý, lao động, …cho khởi nghiệp.
Trịnh Đức Chiều (2016) cho rằng các yếu tố ảnh hưởng đến hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam bao gồm các chính sách, quy định; chuẩn mực văn hóa; giáo dục, cơ sở hạ tầng, tài chính, dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, chương trình hỗ trợ của Chính phủ. Tuy nhiên nghiên cứu này chỉ dừng ở việc trình bày chứ không đi sâu phân tích các tác động của các yếu tố này đến khởi nghiệp. Thay vào đó, nghiên cứu tập trung làm rõ các chính sách hiện hành và kết quả bước đầu đạt được khi thực hiện các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp. Ngoài ra tác giả còn chỉ rõ những hạn chế, rào cản khi thực thi chính sách bao gồm tâm lý sợ thất bại trong kinh doanh, năng lực chuyên môn và khả năng sáng tạo hạn chế, huy động vốn gặp nhiều khó khăn. Từ việc chỉ ra những hạn chế, tác giả đã đề xuất nhiều giải pháp trong đó trọng tâm là cải thiện thể chế, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, hấp dẫn nhà đầu tư, khuyến khích cá nhân khởi nghiệp, cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt là giáo dục khởi nghiệp.
Nghiên cứu của Trần Thị Vân Anh (2016) đã tổng quan những chính sách hiện hành hỗ trợ khởi nghiệp tại Hàn Quốc, coi đây là một trong những bài học kinh nghiệm thành công mà Việt Nam có thể học hỏi, áp dụng. Từ kết quả của nghiên cứu này, tác giả
đã gợi ý những chính sách hỗ trợ của Việt Nam nên tập trung vào (1) Cần đánh giá đúng thực trạng môi trường khởi nghiệp tại Việt Nam, múc đích là để hiểu rõ những đặc điểm khởi nghiệp, từ đó xây dựng những chính sách hỗ trợ phù hợp, áp dụng, học hỏi từ các quốc gia khởi nghiệp thành công trên thế giới. (2) Hỗ trợ khởi nghiệp không chỉ tập trung vào doanh nghiệp khởi nghiệp mà còn phải hỗ trợ các nhà đầu tư, nhất là hỗ trợ thoái vốn giúp họ an toàn và yên tâm đầu tư phát triển khởi nghiệp (3) Nên hỗ trợ tương ứng với các giai đoạn phát triển của dự án khởi nghiệp, xây dựng vườn ươm khởi nghiệp (4) Xây dựng sàn chứng khoán riêng cho doanh nghiệp khởi nghiệp với những đặc điểm ưu đãi nổi trội cho doanh nghiệp và nhà đầu tư thiên thần, có thể học hỏi mô hình sàn chứng khoán KONEX của Hàn Quốc.
Các tác giả Vũ Văn Ninh, Phạm Thị Thanh Hòa (2018) Phạm Tiến Đạt (2018) tập trung nghiên cứu vai trò của chính sách tài chính, tín dụng trong hỗ trợ khởi nghiệp, các nghiên cứu này có chung quan điểm khi đánh giá vai trò then chốt của huy động vốn cũng như những khó khăn khi tiếp cận vốn của các doanh nghiệp khởi nghiệp, từ đó thống nhất cần đề xuất các giải pháp mang tính hệ thống, lâu dài như:
Phát triển đa dạng các kênh huy động vốn cho doanh nghiệp, phát triển sàn chứng khoán riêng cho doanh nghiệp khởi nghiệp; Phát hành trái phiếu doanh nghiệp, rà soát lại các văn bản quy định về phát hành trái phiếu, xây dựng công thông tin trái phiếu doanh nghiệp, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Xây dựng văn bản hướng dẫn xây dựng quỹ đầu tư mạo hiểm, các chính sách hỗ trợ cụ thể đối với các nhà đầu tư thiên thần.
Lâm Thị Kim Liên, Huỳnh Lưu Đức Toàn (2018) tập trung phân tích thành công của giáo dục khởi nghiệp tại một số quốc gia như Mỹ, Anh, Úc, Israel,…từ đó tập trung xây dựng chính sách giáo dục từ cấp vi mô (trường đại học) đến cấp vĩ mô (cấp quốc gia), cụ thể cần xây dựng chương trinh giáo dục khởi nghiệp, bổ sung các hoạt động ngoại khóa, kết nối doanh nghiệp, tổ chức các chương trình, cuộc thi khởi nghiệp trong trường đại học, xây dựng các quỹ khởi nghiệp từ các nguồn thu hợp pháp,… Cũng tập trung làm rõ vấn đề này, tác giả Trần Thị Thu Hà (2019) cho rằng cần xây dựng chiến lược giáo dục và đào tạo khởi nghiệp cấp quốc gia, chiến lược này muốn thực hiện được cần các giải pháp như (1) Cần bổ sung, đào tạo những giảng viên có kiến thức, trình độ về giáo dục khởi nghiệp, cải cách toàn diện giáo dục, bỏ lề lỗi tư duy áp đặt trong giáo dục, tích cực hợp tác với các chuyên gia hàng đầu về khởi nghiệp, xây dụng các chương trình trao đổi, phổ biến kiên thức khởi nghiệp cho sinh viên. (2) Cần xem xét giáo dục khởi nghiệp như một bộ phận cấu thành chiến lược khởi nghiệp quốc gia, đưa giáo dục khởi nghiệp vào từ các bậc tiểu học, trung học chứ không chỉ ở các bậc
học cao hơn. Ngoài ra Chính phủ cần đóng vai trò trung tâm điều phối, gây nguồn quỹ tài trợ cho giáo dục khởi nghiệp, xây dựng cơ chế hợp tác công tư, đẩy mạnh vai trò của các doanh nghiệp, các hiệp hội tham gia vào giáo dục khởi nghiệp. (3) Chính sách giáo dục khởi nghiệp phải được xây dựng từ cấp vi mô đến cấp vĩ mô, từ trường học đến các bộ, ban ngành, chính phủ, tập trung hỗ trợ, phát triển các nhóm yếu thế (thanh niên nông thôn, dân tộc thiểu số, phụ nữ), Tập trung xây dựng giáo dục khởi nghiệp trở thành chính sách then chốt của từng địa phương. (4) Chú trọng bồi dưỡng kỹ năng kiến thức chuyên môn trong các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng đào tạo, có chính sách đinh hướng các trường đại học tích cực xây dựng, kiểm định chất lượng theo các tiêu chuẩn quốc tế nhằm tích cực hội nhập giáo dục, thay đổi tư duy về giáo dục hiện đại.
Như vậy, có thể kết luận các nghiên cứu trong nước theo hướng này đã tập trung làm rõ các chính sách hiện hành hỗ trợ khởi nghiệp tại Việt Nam. Các nghiên cứu này đã phân tích rõ thực trạng khởi nghiệp tại Việt Nam, phân tích sâu các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp và tổng hợp đề xuất những giải pháp mang tính chất căn bản, chiến lược nhằm giúp đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp sinh viên nói riêng, tuy vậy còn ít nghiên cứu định lượng phân tích tác động của từng chính sách đến cơ hội khởi nghiệp của sinh viên, lấy đó làm căn cứ xác định, xây dựng khung chính sách khởi nghiệp áp dụng tại Việt Nam. Điều này là đặc biệt quan trong, vì kết quả nghiên cứu sẽ là cơ sở quan trọng để xây dụng các chính sách phù hợp với văn hóa, năng lực con người Việt Nam.