Tiêu chí về trí lực

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn tại các công đoàn cơ sở trực thuộc công đoàn giáo dục việt nam (Trang 53 - 56)

Chương 2: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ CÔNG ĐOÀN

2.2. Tiêu chí đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn

2.2.2. Tiêu chí về trí lực

Trí lực được hiểu là sức tư duy, khả năng nhận thức của CBCĐ về tri thức, kiến thức. Biểu hiện sự thông tuệ, uyên bác của con người, thể hiện khả năng phản ứng nhanh nhạy, mức độ sâu, rộng về tri thức, kiến thức.

Trí lực là một yếu tố không thể thiếu được của CBCĐ, nó quyết định phần lớn khả năng sáng tạo của CBCĐ, nó càng có vai trò quyết định trong nâng cao chất lượng đội ngũ CBCĐ, đặc biệt trong thời đại khoa học kỹ thuật phát triển và trong điều kiện nền kinh tế tri thức hiện nay. Nó không chỉ mang tính quyết định, mà còn là yếu tố định hướng cho mọi hành vi, huy động một cách hiệu quả các yếu tố tâm lực để đạt được mục tiêu của con người, đồng thời, cho phép con người hoạt động một cách có hiệu quả nhờ phương pháp làm việc, sự am hiểu và vận dụng khoa học, sáng tạo những tri thức, hiểu biết để xử lý, giải quyết vấn đề.

Để nâng cao trí lực đội ngũ CBCĐ, trước hết bản thân mỗi CBCĐ phải không ngừng học tập nâng cao kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ công đoàn cần thiết nhằm phục vụ tốt nhất cho công việc đang đảm nhận. Sau nữa là sự quan tâm của tổ chức công đoàn trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBCĐ, giúp CBCĐ cập nhật kịp thời những kiến thức liên quan lĩnh vực công tác một cách nhanh chóng, ngày càng củng cố vững chắc nền tảng chuyên môn.

2.2.2.1. Tiêu chí về trình độ học vấn

Trình độ là: “Mức độ về sự hiểu hiểu biết, về kỹ năng được xác định hoặc được đánh giá theo tiêu chuẩn nhất định nào đó” [32, tr.1063]. Chúng ta đều biết, trong hệ thống giáo dục quốc dân nước ta hiện nay bao gồm các bậc học (cấp học) từ giáo dục mầm non đến tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, đại học, sau hoặc trên đại học để đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Vì vậy, một người đã học qua một bậc học (cấp học) nào thì phải được ghi có trình độ học vấn ở bậc học (cấp học) đó.

Tiêu chí về trình độ học vấn là khả năng về tri thức và kỹ năng để có thể tiếp thu những kiến thức cơ bản về chuyên môn, kỹ thuật, nâng cao phẩm chất đạo đức, sự hiểu biết chính trị xã hội. Trình độ học vấn được cung cấp qua hệ thống giáo dục chính quy, không chính quy, qua quá trình học tập suốt đời của mỗi cá nhân.

Trình độ học vấn là tiêu chí quan trọng đánh giá chất lượng nguồn nhân lực, trình độ học vấn là nền tảng cho việc tiếp thu các kiến thức khoa học kỹ thuật, kỹ năng nghề nghiệp.

Chỉ tiêu đánh giá trình độ học vấn thông qua bằng cấp của người lao động đạt được ở các trường đào tạo các cấp như: tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, đại học, sau đại học.

Xuất phát từ vị trí, yêu cầu của mỗi cấp, mỗi loại CBCĐ mà đòi hỏi CBCĐ phải có tiêu chuẩn nhất định về trình độ học vấn phổ thông, trình độ chuyên môn phù hợp. Các tiêu chí về trình độ học vấn phổ thông, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ là tiêu chí rõ ràng, cụ thể dễ lượng hóa để đánh giá chất lượng CBCĐ.

2.2.2.2. Tiêu chí về chuyên môn

Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của một cá nhân: “Là toàn bộ những năng lực (kiến thức, kỹ năng, thái độ hành vi) về một lĩnh vực cụ thể mà một cá nhân nắm vững được. Sự phối kết hợp những năng lực đó cho phép thực hiện một số công việc hoặc hoạt động cụ thể trong phạm vi nghề nghiệp nhất định” [12, tr.23].

Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của một vị trí làm việc hay của một công việc: “là một tổng thể những năng lực (kiến thức, kỹ năng, thái độ hành vi) cần thiết để làm chủ một cấp độ làm việc nào đó, đảm nhiệm một vị trí, một công việc hay một nghề nghiệp cụ thể” [12, tr.24].

Trình độ chuyên môn phản ánh sự am hiểu, trình độ và khả năng thực hành của CBCĐ trong nhiều lĩnh vực, nó thể hiện ở chuyên ngành, lĩnh vực được đào tạo tại các lớp bồi dưỡng sơ cấp, trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học và sau đại học. Họ được đào tạo ở các trường khác nhau, có bằng hoặc chứng chỉ về một lĩnh vực, ngành nghề nào đó.

Trên thực tế, cán bộ CĐCS hầu hết là không chuyên trách nên đòi hỏi người CBCĐ phải có kiến thức chuyên môn để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, mặt khác,

“muốn tham gia quản lý thì phải thông thạo chuyên môn, phải biết đầy đủ và chính xác tất cả những điều kiện sản xuất, phải hiểu được kỹ thuật của nền sản xuất đó ở trình độ hiện đại của nó, phải có một trình độ khoa học nhất định”. Có như vậy cán bộ CĐCS mới am hiểu thực tế, mới nắm bắt được tính chất của từng loại công việc, mới có điều kiện để thấu hiểu được tâm tư, nguyện vọng và điều kiện sống của CNVCLĐ để từ đó

có thể hoàn thành tốt chức năng của Công đoàn: chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên công đoàn và người lao động.

Đối với chuyên môn thì đây là căn cứ để cán bộ CĐCS tham gia quản lý, xây dựng kế hoạch hiệu quả; người sử dụng lao động nhận thấy ý kiến của CBCĐ đưa ra là hợp lý, xuất phát từ thực tế của đơn vị và sự phát triển của Ngành cũng như của đơn vị, trên cơ sở đó có sự phối hợp tạo điều kiện cho công đoàn được hoạt động tốt hơn. Do vậy yêu cầu được đặt ra là cán bộ CĐCS hoạt động công đoàn ở ngành nào, nhất thiết phải am hiểu chuyên môn về ngành đó. Yêu cầu này cần phải được coi là nguyên tắc trong bố trí sử dụng CBCĐ. Tức là người cán bộ CĐCS phải thực sự có đầy đủ tiêu chuẩn như một người lao động thực thụ của đơn vị nơi mình công tác, sau đó tùy theo từng vị trí công tác mà cán bộ CĐCS đảm nhiệm, để đặt ra tiêu chuẩn về trình độ lý luận, nghiệp vụ công tác công đoàn. Yêu cầu về năng lực chuyên môn, nghề nghiệp đối với CBCĐ thuộc lĩnh vực đang công tác đang đặt ra cho công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCĐ phải là những người trưởng thành từ phong trào công nhân, được quần chúng công nhân, lao động tín nhiệm, đồng thời đây cũng là yêu cầu đối với công tác quy hoạch, đào tạo CBCĐ phải theo địa chỉ chứ không thể đào tạo chung chung.

2.2.2.3. Tiêu chí về trình độ lý luận chính trị

Bên cạnh kiến thức về học vấn, chuyên môn thì CBCĐ phải có kiến thức nhất định về lý luận chính trị, bởi chỉ có trình độ lý luận chính trị mới có thế giới quan và phương pháp luận khoa học làm cơ sở cho nhận thức chính trị và xem xét giải quyết vấn đề một cách đúng đắn, khách quan. Ngày nay Đảng ta lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng, kim chỉ nam cho mọi hoạt động. Do vậy, yêu cầu về trình độ lý luận chính trị đối với CBCĐ là cần phải trang bị lý luận Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đặc biệt, do đặc điểm của CBCĐ trưởng thành từ hoạt động thực tiễn nên nếu thấm nhuần được lý luận cách mạng thì sẽ củng cố được quan điểm, lập trường của giai cấp công nhân, giúp cho CBCĐ kiên định trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ và có phương pháp hoạt động tốt. Hơn nữa, CBCĐ có trình độ lý luận chính trị sẽ có chất lượng nhận thức, nắm bắt những vấn đề mà nhu cầu thực tiễn đặt ra, đồng thời giúp cho CBCĐ nắm vững những quy luật khách quan của cuộc sống trên cơ sở đó mà có phương pháp giải quyết thỏa đáng các mâu thuẫn phát sinh hàng ngày, mang lại hiệu quả tối ưu, phù hợp với nguyện vọng và thỏa mãn lợi ích của

công nhân, lao động. Yêu cầu trình độ lý luận chính trị của CBCĐ không chỉ đơn giản là chứng chỉ, bằng cấp mà vấn đề cốt lõi đòi hỏi CBCĐ phải có khả năng biến những kiến thức đã học thành nhận thức, hành động, cụ thể, thiết thực trong công tác của mình. Đó chính là khả năng vận dụng lý luận vào công tác hàng ngày, khả năng tổng hợp thực tiễn, vận dụng lý luận vào thực tiễn, so sánh, đánh giá thật đúng đắn, thực tế khách quan để rút ra những bài học kinh nghiệm cho hoạt động của tổ chức mình.

2.2.2.4. Tiêu chí về lý luận và nghiệp vụ công đoàn

Đây là tiêu chí cần phải có, bởi nếu không hiểu về lý luận, nghiệp vụ và kỹ năng hoạt động công đoàn thì CBCĐ không thể hoàn thành nhiệm vụ.

Đối với CBCĐ, phải có kiến thức rộng và sâu, người CBCĐ phải có kiến thức rộng về kinh tế, về pháp luật, về xã hội…; có kiến thức sâu về lý luận nghiệp vụ công đoàn: hiểu được tính chất, vị trí, vai trò, chức năng của Công đoàn Việt Nam; nắm được mối quan hệ đối tác xã hội của tổ chức công đoàn; người CBCĐ phải có phương pháp và kỹ năng hoạt động quần chúng nhuần nhuyễn. Có được kiến thức rộng và sâu giúp cho CBCĐ có nghiệp vụ công đoàn chắc chắn, vững vàng trong việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động thông qua các hoạt động: thương lượng, soạn thảo quy chế chi tiêu nội bộ, tham gia xây dựng chính sách, tham gia quản lý, tham gia giải quyết tranh chấp; trong công tác tuyên truyền, vận động người lao động; trong công tác nữ công; công tác bảo hộ lao động, công tác tài chính công đoàn; công tác đối ngoại và tham gia quản lý, thanh tra, kiểm tra.

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn tại các công đoàn cơ sở trực thuộc công đoàn giáo dục việt nam (Trang 53 - 56)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(211 trang)