Chương 2: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ CÔNG ĐOÀN
2.2. Tiêu chí đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn
2.2.3. Tiêu chí về tâm lực
Tâm lực là những giá trị chuẩn mực đạo đức, phẩm chất tốt đẹp và sự hoàn thiện nhân cách của con người, thể hiện qua các hoạt động như: chấp hành ý thức tổ chức kỷ luật lao động, mối quan hệ trong công việc, trách nhiệm với công việc, đạo đức nghề nghiệp …
2.2.3.1. Tiêu chí về đạo đức cán bộ công đoàn
- Trung thành với sự nghiệp cách mạng: Trong bài viết “Đạo đức cách mạng” năm 1958, Bác Hồ viết: “nói tóm tắt thì đạo đức cách mạng là: quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng, đó là điều chủ chốt nhất. Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của
Đảng. Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc. Ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ” [20, tr.285]. CBCĐ phải có phẩm chất đạo đức cách mạng, đấu tranh chống lại các biểu hiện tiêu cực, lạc hậu, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
- Có mối liên hệ mật thiết với đoàn viên, người lao động: Hồ Chí Minh viết: “Đạo đức cách mạng là hoà mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng. Do lời nói và việc làm, đảng viên, đoàn viên và cán bộ làm cho dân tin, dân phục, dân yêu” [20, tr.291].
Đây là tiêu chí quan trọng vì CBCĐ là người đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động nên CBCĐ phải xây dựng mối quan hệ mật thiết với đoàn viên và người lao động để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những bất cập nhằm có những giải pháp, biện pháp tháo gỡ kịp thời những bất cập, bất lợi cho đoàn viên và người lao động. Xây dựng mối quan hệ hài hòa, tích cực với các tổ chức trong đơn vị: với tổ chức Đảng; Ban Giám hiệu, lãnh đạo đơn vị; Đoàn Thanh niên; Hội Sinh viên…
- Dám làm, dám chịu trách nhiệm: Hồ Chí Minh viết: “Cán bộ và đảng viên cần nâng cao tinh thần phụ trách trước Đảng và trước quần chúng, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân”; phải “chí công vô tư”; “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”
[20, tr. 311 - 312]. Trong mọi tình huống, CBCĐ phải dám làm và dám chịu trách nhiệm nhất là trong những tình huống khó khăn; thất bại không hoang mang, không nản chí; thắng lợi không kiêu ngạo, tự phụ.
2.2.3.2. Tiêu chí về phẩm chất cán bộ công đoàn
-Tinh thần trách nhiệm với công việc: Theo Hồ Chí Minh: “Tinh thần trách nhiệm là gì? Là khi Đảng, Chính phủ hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng phải đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công. Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy... là không có tinh thần trách nhiệm” [17, tr.345] và “bất kỳ ai, ở địa vị nào, làm công tác gì, gặp hoàn cảnh nào, đều phải có tinh thần trách nhiệm” [17, tr.346]. Một trong những
phẩm chất của người CBCĐ nào cũng cần phải có là tinh thần trách nhiệm. Phẩm chất này giúp CBCĐ nhận được sự tín nhiệm từ lãnh đạo đến đồng nghiệp. Tinh thần trách nhiệm nhiều khi còn được đánh giá cao hơn trình độ, năng lực cá nhân.
Trách nhiệm với bản thân, với gia đình, với đơn vị mình công tác, trách nhiệm với tổ chức công đoàn, với đất nước:
+ Đối với bản thân, CBCĐ không làm gì ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của bản thân mình; biết hy sinh lợi ích cá nhân cho tập thể; thể hiện và làm việc hết năng lực của mình; có trách nhiệm cao với công việc được phân công; có được trạng thái tâm lý ổn định, tìm mọi giải pháp, chủ động, sáng tạo, không ngại khó khăn, gian khổ để hoàn thành công việc được giao; hạn chế tối đa sai sót; làm qua loa, chiếu lệ, nói nhiều làm ít.
+ Đối với cơ quan, đơn vị và với tổ chức công đoàn: xây dựng hình ảnh đẹp cho đơn vị nơi công tác, cho tổ chức công đoàn.
- Chấp hành kỷ luật: Mỗi CBCĐ phải chấp hành nghiêm những quy định của cơ quan, của tổ chức, giữ vững nề nếp, tuân thủ quy định của pháp luật. Kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn những hành vi vi phạm kỷ luật trong thực thi nhiệm vụ và trong cuộc sống.
- Thành thạo công việc: Hồ Chí Minh nói: “cần tiếp tục học tập nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa. Có nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa thì sau này mới tránh được nhiều sai lầm khác... Kỹ thuật hiện nay càng ngày càng tiến, không gắng học tập thì sẽ lạc hậu” [20, tr.390]. CBCĐ tinh thông mọi việc sẽ giúp cho việc triển khai hiệu quả các chỉ thị, chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, của tổ chức Công đoàn, của Ngành đến đoàn viên, người lao động.
- Sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ: “Xã hội ngày càng tiến, công tác của ta cũng ngày càng tiến... Vì vậy, năng lực của ta, sáng kiến của ta, tiến bộ của ta cũng phải luôn phát triển, tiến lên không ngừng. Không tiến, tức là thoái” [18, tr.259]. CBCĐ phải suy nghĩ tìm tòi, có những sáng kiến riêng của mình, theo tinh thần “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, như thế công việc mới “chạy” được.
Với mỗi công việc, người CBCĐ cần có cách làm sáng tạo, phải biết nhận định, phán đoán, kịp thời đưa ra cách giải quyết hiệu quả nhất, phù hợp với mỗi đối tượng quần chúng.
- Ý chí cầu tiến, luôn luôn phấn đấu trong công việc. “Mỗi một đồng chí ta phải có thái độ khiêm tốn, càng cựu, càng giỏi, càng phải khiêm tốn, phải có lòng cầu tiến bộ, phải nhớ lấy câu nói của ông thầy chúng ta. Tự mãn, tự túc là co mình lại, không cho mình tiến bộ thêm” [16, tr.73 - tr.74]. Tinh thần cầu tiến bộ, học tập không ngừng là một yêu cầu cao đối với mỗi CBCĐ. Mỗi CBCĐ phải có thái độ khiêm tốn, cầu tiến bộ, ham học hỏi, không tự mãn vì tự mãn là co mình lại, không tiến bộ thêm.
- Tinh thần thân ái, hợp tác với đồng nghiệp trong thực hiện công việc: Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đối với đồng chí mình phải thế nào? Thân ái với nhau, nhưng không che đậy những điều dở. Học cái hay sửa chữa cái dở. Không nên tranh giành ảnh hưởng của nhau. Không nên ghen ghét đố kỵ và khinh kẻ không bằng mình. Bỏ lối hiếu danh, hiếu vị” [16, tr.54 - tr.55]. Mỗi CBCĐ cần đoàn kết thân mật, hợp tác chặt chẽ với nhau, sẵn sàng phối hợp, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm thì công việc mới hoàn thành được. Nếu trong tổ chức công đoàn, các CBCĐ có thành kiến với nhau, dè dặt, đối phó với nhau, kèn cựa lẫn nhau thì “nó làm cho trống đánh xuôi kèn thổi ngược, nó làm cho công tác bị tê liệt, hư hỏng” [22, tr.155]. Tuy nhiên, thân ái, hợp tác ở đây không phải là dung túng, bao che, khuyết điểm cho đồng nghiệp mà phải chỉ ra cho đồng nghiệp những cái chưa được để giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.
- Vận dụng linh hoạt các phương pháp hoạt động công đoàn: Hoạt động công đoàn mang tính giáo dục, thuyết phục cao nên phương pháp hoạt động công đoàn phải đa dạng, muôn màu muôn vẻ chứ không chỉ sử dụng cứng nhắc một phương pháp nào. CBCĐ phải biết vận dụng linh hoạt các phương pháp để tổ chức hoạt động cho phù hợp cũng như xử lý sáng tạo các tình huống trong tổ chức hoạt động công đoàn nhằm đem lại kết quả cao, đây chính là đòi hỏi năng lực cần có của hoạt động công đoàn. CBCĐ có trình độ kiến thức, có chuyên môn cao, có phương pháp hoạt động tốt sẽ thực thi nhiệm vụ “thấu tình, đạt lý”, được đoàn viên công đoàn tin yêu, đồng tình hưởng ứng, ủng hộ của đoàn viên công đoàn sẽ giúp CBCĐ triển khai các hoạt động hiệu quả. Ngược lại, nếu CBCĐ có trình độ kiến thức nhưng không có phương pháp hoạt động tốt và phù hợp thì công việc khó thành công.
- Trau dồi kinh nghiệm: kinh nghiệm phản ánh lĩnh vực, kiến thức mà một người đã trải qua, đã từng tiếp xúc. Đây là cơ sở để rút ngắn thời gian học hỏi
công việc khi làm việc với từng lĩnh vực đã được trải qua. Kinh nghiệm không đồng nhất với khoảng thời gian tiếp xúc, làm việc. Kinh nghiệm chỉ được đánh giá chính xác khi thực hiện công việc. Bởi vậy, thực tế rất khó đưa ra tiêu chí để đánh giá chính xác kinh nghiệm có ích. “Kinh nghiệm được thể hiện rõ trong việc đội ngũ CBCĐ có khả năng tiếp thu, vận dụng đường lối chủ trương của Đảng vào việc đề ra các chủ trương, chương trình kế hoạch, tổ chức hoạt động công đoàn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn chuyển đổi của nền kinh tế; tham gia quản lý, thực hiện dân chủ trong cơ quan, đơn vị” [29, tr.1].