CHƯƠNG 2: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ THUYẾT VỀ QUAN HỆ THƯƠNG MẠI VÀ HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO VIỆT NAM – HÀN QUỐC (VKFTA)
2.1. Các vấn đề chung về quan hệ thương mại quốc tế
2.1.1. Các lý thuyết về thương mại quốc tế
Các lý thuyết về thương mại quốc tế đã giải thích cho các quan hệ thương mại giữa các quốc gia. Theo đó, các quốc gia sẽ có quan hệ thương mại với nhau khi có lợi ích trong thương mại. Các lợi ích này có thể là lợi thế tuyệt đối hoặc lợi thế so sánh trong thương mại quốc tế. Các lý thuyết cổ điển về lợi thế tuyệt đối của A.Smith và lợi thế so sánh của D. Ricardo sẽ vẫn là những lý thuyết nền tảng giải thích nguyên nhân dẫn đến quan hệ thương mại giữa hai quốc gia.
2.1.1.1. Lý thuyết về lợi thế so sánh và lợi thế tuyệt đối
Đây là các lý thuyết cổ điển quan trọng, chứng minh mối quan hệ thương mại giữa hai quốc gia đều dựa trên cơ sở lợi ích, theo nguyên tắc: đôi bên cùng có lợi.
* Lý thuyết lợi thế tuyệt đối của A. Smith:
Theo lý thuyết của A. Smith, hai quốc gia sẽ tiến hành trao đổi và mua bán với nhau khi dựa vào lợi thế tuyệt đối của từng quốc gia. Lợi thế tuyệt đối là lợi thế đạt được khi một quốc gia tập trung chuyên môn hóa vào sản xuất và trao đổi những sản phẩm có chi phí sản xuất thấp hơn các quốc gia khác thì tất cả các quốc gia đều có lợi. Khi một quốc gia sản xuất một loại hàng hóa có hiệu quả hơn quốc gia khác thì hai quốc gia này có thể thu được lợi ích bằng cách mỗi quốc gia chuyên môn hóa sản xuất và xuất khẩu hàng hóa có lợi thế tuyệt đối . Thông qua quá trình này, các nguồn lực được sử dụng có hiệu quả và sản lượng hàng hóa cả hai quốc gia sẽ tăng lên. Tuy nhiên, nhược điểm trong lý thuyết của A.Smith là chưa đề cập đến trường hợp, nếu như một trong hai quốc gia không có bất cứ lợi thế tuyệt đối nào thì có tiến hành trao đổi với nhau hay không.
* Lý thuyết lợi thế so sánh của D. Ricardo
D. Ricardo tiếp thu và phát triển lý thuyết về lợi thế tuyệt đối của A. Smith, nêu rõ thương mại quốc tế vẫn có thể diễn ra giữa một quốc gia gặp bất lợi tuyệt đối về tất cả các mặt hàng và một quốc gia có lợi thế tuyệt đối về tất cả các mặt hàng,
nếu như các quốc gia này có lợi thế so sánh. Lý thuyết về lợi thế so sánh, đồng thời cũng là một nguyên tắc trong kinh tế học, theo đó nội dung của lý thuyết phát biểu rằng mỗi quốc gia sẽ được lợi khi nó chuyên môn hóa sản xuất và xuất khẩu những hàng hóa mà mình có thể sản xuất với chi phí tương đối thấp (hay tương đối có hiệu quả hơn các nước khác); ngược lại, mỗi quốc gia sẽ được lợi nếu nó nhập khẩu những hàng hóa mà mình có thể sản xuất với chi phí tương đối cao (hay tương đối không hiệu quả bằng các nước khác). Lợi thế so sánh là cơ sở để các nước buôn bán với nhau và là cơ sở để thực hiện phân công lao động quốc tế.
Lý thuyết lợi thế so sánh của D. Ricardo mặc dù vẫn còn nhiều hạn chế song vẫn có ý nghĩa sử dụng cho đến ngày nay và được nhiều nhà kinh tế học sau đó phát triển và tiếp cận trên nhiều góc độ khác nhau, áp dụng trong trường hợp so sánh nhiều mặt hàng và trong trường hợp nhiều quốc gia. Trong trường hợp có nhiều nước thì có thể gộp chung tất cả các nước khác thành một nước gọi là phần còn lại của thế giới và những phân tích trên vẫn giữ nguyên tính đúng đắn của nó. Lợi thế so sánh không những áp dụng trong trường hợp thương mại quốc tế mà còn có thể áp dụng cho các vùng trong một quốc gia một cách hoàn toàn tương tự.
2.1.1.2. Lý thuyết trọng lực:
Lý thuyết trọng lực cũng là một trong những lý thuyết hiện đại được sử dụng để giải thích sự dịch chuyển của hàng hóa từ địa điểm này sang địa điểm khác. Mô hình lực hấp dẫn trong kinh tế quốc tế cũng tương tự như mô hình lực hấp dẫn trong các môn khoa học xã hội khác, dự đoán rằng trao đổi thương mại song phương phụ thuộc vào quy mô của hai nền kinh tế và khoảng cách giữa chúng. Mô hình được sử dụng lần đầu tiên bởi Jan Tinbergen vào năm 1962 (Nello, Susan S, 2009) dựa trên cơ sở “Định luật vạn vật hấp dẫn” của Isaac Newton. Nội dung của
“Định luật vạn vật hấp dẫn” phát biểu rằng giữa hai vật thể luôn tồn tại một lực hấp dẫn, tỷ lệ thuận với khối lượng của hai vật và tỷ lệ nghịch với bình phương khoảng cách của chúng. Mô hình trọng lực của Jan Tinbergen giải thích thương mại quốc tế dựa trên quy mô của hai nền kinh tế và khoảng cách giữa hai nước. Mô hình lý thuyết cơ bản giữa hai nền kinh tế A và B được biểu diễn theo công thức sau:
ln (Trao đổi thương mại hai chiều) = α + βln(GDP quốc gia A) + βln(GDP quốc gia B) - βln(Khoảng cách) + ε
Dựa trên nền tảng lý thuyết của Jan Tinbergen, nhiều nhà nghiên cứu đã bổ sung làm đầy đủ hơn mô hình trọng lực với việc phát triển các yếu tố có thể tác động tới thương mại giữa hai quốc gia. Nhiều yếu tố đã được đưa thêm vào mô hình như mức thu nhập bình quân theo đầu người (GDP per capita), chỉ số giá tiêu dùng, ngôn ngữ, thuế quan, quan hệ láng giềng (ADB, 2010). Nhiều nghiên cứu về sau đã phát hiện ra thêm nhiều yếu tố có thể tác động đến thương mại giữa hai quốc gia, như FDI, thậm chí cả yếu tố giảm phát (Devaluation) và một số các biến khác như cơ sở hạ tầng, trình độ lao động, các hiệp định thương mại quốc tế (các biến số này có thể được biểu diễn dưới dạng các biến giả - dummy variable) v.v.
Như trong mô hình hấp dẫn đã đề cập thì FDI có tác động tích cực đến kim ngạch xuất khẩu của nước nhận đầu tư theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu. Trước hết nguồn vốn FDI sẽ bổ sung nguồn vốn cho hoạt động sản xuất các mặt hàng phục vụ xuất khẩu. Các nước đang phát triển thường có lợi thế về nguồn lao động dồi dào, giá rẻ xong lại thiếu vốn để phát triển sản xuất. FDI là nguồn vốn quan trọng giúp các nước này khắc phục tình trạng thiếu vốn đầu tư cho sản xuất, từ đó giúp tăng kim ngạch xuất khẩu.
GDP của nước nhập khẩu có tác động hai chiều đến xuất khẩu. Ở đây, GDP đại diện cho khả năng chi trả hàng hóa. Do đó nó sẽ tác động tích cực đến hoạt động xuất khẩu. Tuy nhiên, GDP của nước nhập khẩu lớn thì khả năng sản xuất của nước đó càng cao, nước đó sẽ càng có khả năng đáp ứng đầy đủ nhu cầu trong nước và sản xuất được hàng hóa thay thế nhập khẩu. Do vậy, càng gây khó khăn cho các mặt hàng của nước xuất khẩu trong việc xâm nhập thị trường.
Khoảng cách địa lý giữa hai quốc gia ảnh hưởng tới cước phí vận chuyển, rủi ro trong quá trình vận chuyển,… hay là liên quan đến chi phí giao dịch. Khoảng cách càng gần thì chi phí càng nhỏ, rủi ro đối với hàng hóa càng giảm, như thế càng góp phần thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu. Đó là lý do tại sao các nước hay chú trọng đến giao lưu thương mại đối với các nước có cùng đường biên giới hay cùng các nước cùng khu vực. Khoảng cách có ảnh hưởng tới thời gian và phương thức vận chuyển hàng hóa.
Các học thuyết thương mại được tóm lược trên đều nêu các tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của một quốc gia. Các yếu tố như tỷ giá, chính sách, cơ cấu
hàng hóa xuất khẩu, FDI, khoảng cách địa lý, GDP của nước xuất khẩu, GDP của nước nhập khẩu,... là đều là những nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu.
Mô hình này cũng được sử dụng trong quan hệ quốc tế để đánh giá tác động và hiệu quả của các Hiệp ước và liên minh thương mại như NAFTA, WTO.
Mô hình có ưu điểm làm rõ được sự khác biệt giữa dòng chảy thương mại thực tế và ước tính (được giải thích bởi các biến số thương mại bằng các kỹ thuật có trong mô hình). Mô hình có thể ước tính liệu một FTA có tác động đáng kể về mặt thống kê đối với dòng thương mại khi sử dụng một biến số nào đó hay không. Tuy nhiên, nhược điểm của mô hình này là các nhà hoạch định chính sách phải rất thận trọng khi diễn giải bất kỳ kết quả nào có được. Các tác động ước tính của một FTA chỉ thực sự có hiệu quả khi mà các dữ liệu ước tính đáng tin cậy. Hạn chế khác lại nằm ở các đặc điểm kỹ thuật của mô hình lực hấp dẫn: Giả định cơ bản trong mô hình là dòng chảy thương mại giữa hai quốc gia chỉ phụ thuộc vào các đặc điểm kinh tế của cặp quốc gia đó trong khi thực tế mức độ phụ thuộc thương mại song phương là rất lớn. Do đó, một số giả thiết là chưa đáng tin cậy vì các biến quan trọng có thể bị bỏ sót (ví dụ các biến về khoảng cách chi phí thương mại giữa hai quốc gia hay chất lượng cơ sở hạ tầng và thời gian chờ đợi ở biên giới).