Định hướng thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam – Hàn Quốc

Một phần của tài liệu Đẩy mạnh quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc VKFTA (Trang 138 - 141)

CHƯƠNG 5: ĐỊNH HƯỚNG, GIẢI PHÁP VÀ KIẾN NGHỊ THÚC ĐẨY

5.2. Định hướng thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam – Hàn Quốc

Trong quan hệ song phương Việt Nam – Hàn Quốc, vẫn còn nhiều dư địa để có thể tiếp tục cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực hơn, hỗ trợ tốt hơn quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực.

Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều nét tương đồng về địa lý, lịch sử và văn hóa. Cả hai nước đều là các nước châu Á, nằm ở phía Tây Thái Bình Dương, có vị trí chiến lược

quan trọng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Cả hai dân tộc đều có truyền thống giữ gìn và kế thừa nền văn hóa dân tộc trong lịch sử lâu dài hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, tiếp thu chọn lọc những tinh hoa văn hóa nhân loại, Những điều kiện trên đã thúc đẩy kinh tế Việt Nam – Hàn Quốc trong quá khứ, đến nay vẫn tiếp tục là cơ sở vững chắc cho sự phát triển quan hệ thương mại hai chiều giữa hai nước trong tương lai.

Trong bối cảnh thương mại thế giới có nhiều biến động phức tạp với sự leo thang căng thẳng trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung Quốc và quan hệ thương mại Nhật Bản – Hàn Quốc, kim ngạch thương mại Việt Nam – Hàn Quốc đã tăng trưởng chậm lại.

Bên cạnh đó, vấn đề nhập siêu lớn của Việt Nam trước đối tác Hàn Quốc vẫn là mối lo ngại, ảnh hưởng đến hợp tác thương mại Việt Nam – Hàn Quốc trong tương lai.

Mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức, song Việt Nam và Hàn Quốc vẫn hi vọng về tiềm năng hợp tác phát triển bền vững trong tương lai. Chính phủ hai nước trong nhiều buổi tọa đàm đã nhấn mạnh hai bên cần phối hợp triển khai hiệu quả các thỏa thuận hợp tác đã đạt được. Các cơ quan hai nước cần tiếp tục nỗ lực để ngoại giao nhân dân diễn ra sôi động hơn thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa, giáo dục và giao lưu thế hệ trẻ để góp phần củng cố nền tảng của tình hữu nghị hai nước.

Về hợp tác kinh tế, trên cơ sở Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc có hiệu lực từ năm 2015, hai bên cần mở rộng hơn nữa hoạt động thương mại và đầu tư, phấn đấu nâng kim ngạch thương mại song phương lên mức 100 tỷ USD vào năm 2023 theo hướng cân bằng hơn (Chu An, 2020), đi đôi với thúc đẩy cân bằng thương mại thông qua việc Hàn Quốc tăng cường nhập khẩu các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh;

khuyến khích các doanh nghiệp, không chỉ doanh nghiệp lớn mà cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc, đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực phát triển hạ tầng, công nghiệp cao, năng lượng tái tạo, chú trọng chuyển giao công nghệ, phát triển công nghiệp phụ trợ, tạo cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu của Hàn Quốc.

Chính phủ hai nước đã nhất trí sẽ tiếp tục tạo thuận lợi để ngày càng nhiều học sinh Việt Nam được nhận học bổng sang học tại Hàn Quốc, cũng như nhiều học sinh Hàn Quốc sang học tại Việt Nam, vì đây chính là lực lượng nòng cốt đóng góp cho quan hệ hai nước trong vòng 20-30 năm tới. Đồng thời thông qua Đại sứ quán của hai nước, hợp tác giữa các tổ chức nhân dân hai nước tiếp tục được mở rộng, góp phần hỗ trợ phát

triển cộng đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho kiều dân hai nước sinh sống, làm việc và học tập ổn định, lâu dài tại mỗi nước.

Hiện nay, dịch bệnh Covid – 19 vẫn diễn biến khó lường, hoạt động thương mại quốc tế chịu ảnh hưởng nặng nề, tác động bất lợi đến nền kinh tế của cả hai quốc gia.

Trước tình cảnh đó, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc và Bộ Công Thương Việt Nam đã họp trực tuyến và thống nhất tiếp tục thắt chặt và mở rộng quan hệ song phương trong khi coronavirus đe dọa nền kinh tế. Hai nước cũng đồng ý thúc đẩy Hệ thống trao đổi dữ liệu nguồn gốc điện tử (EODES), cho phép họ xử lý giấy chứng nhận xuất xứ thông qua các nền tảng điện tử. Biện pháp này dự kiến sẽ tăng tốc các thủ tục hải quan cho các nhà xuất khẩu và ngăn chặn giả mạo tài liệu, hỗ trợ phát triển thương mại song phương Việt Nam – Hàn Quốc.

Các động thái trên của chính phủ hai nước Việt Nam và Hàn Quốc đã thể hiện quyết tâm của hai nhà nước về việc thúc đẩy hơn nữa hợp tác thương mại song phương, tạo đà cho sự phát triển của cả hai nền kinh tế, khẳng định vị thế của hai quốc gia trong nền kinh tế toàn cầu.

5.2.2. Định hướng hợp tác thương mại Việt Nam – Hàn Quốc

Nhận thức được tầm quan trọng của việc hợp tác thương mại quốc tế đối với sự phát triển kinh tế của quốc gia, Chính phủ Việt Nam tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc huy động các nguồn lực đầu tư, phát triển, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Việt Nam đẩy mạnh hợp tác sâu rộng, toàn diện và hiệu quả hơn với Hàn Quốc trên nền tảng chia sẻ và bổ trợ lẫn nhau, gắn kết thế mạnh, tiềm năng của mỗi nước.

Cùng với đó, khuyến khích hợp tác đầu tư với Hàn Quốc trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ, vật liệu mới, cơ khí chính xác, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo, phát triển kết cấu hạ tầng, môi trường, đô thị thông minh, y tế, sinh học, dịch vụ chất lượng cao, tham gia cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước…

Về thương mại hàng hóa, với mục tiêu nâng kim ngạch thương mại với Hàn Quốc lên 100 tỷ USD vào năm 2020, Việt Nam nỗ lực thúc đẩy thương mại song phương theo hướng cân bằng. Việt Nam mong muốn Hàn Quốc tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để

hàng nông thủy sản nhiệt đới, hàng dệt may, đồ gỗ, cao su… tiếp cận thị trường Hàn Quốc. Đồng thời, sẵn sàng tiếp nhận các mặt hàng linh kiện sản xuất cũng như mặt hàng có thế mạnh khác của Hàn Quốc vào thị trường Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh sẽ luôn tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư Hàn Quốc và tạo những điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp hai bên hợp tác, đầu tư, kinh doanh có hiệu quả.

Việt Nam khẳng định luôn coi trọng quan hệ hợp tác với Hàn Quốc, nhất là trong lĩnh vực thương mại và đầu tư; coi cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc là đối tác chiến lược hàng đầu trong tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới, sáng tạo, phát triển tri thức, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đối với lĩnh vực thương mại dịch vụ, về định hướng chiến lược phát triển, Việt Nam đưa ra các định hướng cơ bản như: (i) Phát triển khu vực dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng các khu vực sản xuất và tốc độ tăng GDP; (ii) Tập trung nguồn lực, đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực dịch vụ có tiềm năng và lợi thế, các ngành có hàm lượng khoa học và công nghệ cao mang lại giá trị gia tăng cao, làm cơ sở cho sự phát triển chung của khu vực dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế; (iii) Nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trên thị trường nội địa, khu vực và quốc tế; đẩy mạnh khai thác tiềm năng và lợi thế của từng lĩnh vực dịch vụ, tăng cường sự hợp tác giữa các lĩnh vực dịch vụ để cùng cạnh tranh và phát triển; (iv) Đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ và dịch vụ thu ngoại tệ tại chỗ thông qua các hoạt động dịch vụ du lịch, tài chính – ngân hàng, kiều hối, bưu chính viễn thông, vận tải hàng không, đường biển và bán hàng tại chỗ, giảm thâm hụt cán cân dịch vụ; (v) Phát triển hệ thống phân phối các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh ở cả trong và ngoài nước, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm dịch vụ Việt Nam; (vi) Hình thành một số trung tâm dịch vụ đặc biệt là các trung tâm du lịch có quy mô và có sức cạnh tranh trong khu vực.

Một phần của tài liệu Đẩy mạnh quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc VKFTA (Trang 138 - 141)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(194 trang)