Các yếu tố tác động đến quan hệ thương mại giữa hai quốc gia

Một phần của tài liệu Đẩy mạnh quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc VKFTA (Trang 45 - 48)

CHƯƠNG 2: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ THUYẾT VỀ QUAN HỆ THƯƠNG MẠI VÀ HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO VIỆT NAM – HÀN QUỐC (VKFTA)

2.2. Căn cứ hình thành và tác động đến mối quan hệ thương mại giữa hai quốc gia

2.2.2. Các yếu tố tác động đến quan hệ thương mại giữa hai quốc gia

Việc phát triển quan hệ thương mại giữa hai quốc gia có thể dựa trên nhiều yếu tố khác nhau, có thể bao gồm sự tương đồng trong văn hóa, lịch sử của hai quốc gia; vị trí địa lý, bối cảnh chính trị; sự phát triển về kinh tế của hai quốc gia; nhu cầu về phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa về kinh tế quan hệ song phương về chính trị; các cam kết thương mại tự do song phương và đa phương…. Các yếu tố này vừa xuất phát từ cả hai phía, tạo nên lực đẩy và lực hút, vừa là các nhân tố hình thành, nhưng cũng đồng thời là các nhân tố tác động đến mối quan hệ thương mại giữa hai quốc gia.

Các yếu tố này bao gồm cả các yếu tố tác động đến quan hệ thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ giữa hai quốc gia, trong đó, các yếu tố chủ yếu bao gồm:

* Phát triển kinh tế

Sự phát triển kinh tế có thể được thể hiện ở mức tăng trưởng GDP hoặc GDP bình quân đầu người qua từng năm. Sự phát triển kinh tế của nước xuất khẩu đã tạo nên nền tảng sản xuất tốt, giúp các nước có thể sản xuất hàng loạt, qua đó giảm chi phí sản xuất, tạo ra các sản phẩm rẻ hơn, giúp thâm nhập vào nền kinh tế quốc tế tốt hơn.

Ngược lại ở nước nhập khẩu, việc tăng trưởng kinh tế cũng sẽ góp phần tạo ra nhu cầu tăng đối với hàng hóa và dịch vụ không phải chỉ đối với hàng hóa trong nước mà còn đối với hàng ngoại nhập. Xu hướng chi tiêu sẽ trở nên phóng khoáng hơn đối với các hàng hóa nước ngoài, nhất là đối với các hàng hóa có chất lượng tốt và giá thành ở mức hợp lý.

* Chính sách thương mại quốc tế

Chính sách thương mại quốc tế của nhà nước sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế đối ngoại với các quốc gia khác. Chính sách thương mại quốc tế hướng về xuất khẩu sẽ góp phần làm giảm thuế đối với hàng xuất khẩu, tăng cường mở cửa nền kinh tế giúp hàng hóa thông thương tự do. Mức độ mở trong nền kinh tế của một quốc gia có thể được đo bằng tỷ lệ giá trị xuất nhập khẩu trong GDP. Tỷ trọng

này càng lớn thể hiện quốc gia đó có độ mở trong chính sách thương mại cao hơn.

Các cam kết mở cửa nền kinh tế thông qua việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng góp phần tạo nên sự gắn kết chặt chẽ trong mối quan hệ thương mại giữa hai quốc gia. Khi ký kết các FTA, đồng nghĩa với việc chính phủ của các quốc gia đã cam kết dành một phần ưu đãi hơn cho đối tác thương mại trong Hiệp định so với các bạn hàng khác. Các công cụ thuế quan và phi thuế quan cũng được dỡ bỏ một phần hoặc hoàn toàn, để tạo điều kiện thuận lợi cho dòng hàng, dịch vụ và vốn được phép di chuyển tự do giữa các nước thành viên Hiệp định. Các cam kết này dựa trên cơ sở tự nguyện, có đi có lại, làm thắt chặt quan hệ thương mại của các quốc gia, đồng thời cũng tạo thành một liên minh kinh tế, giúp bản thân các thành viên nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

* Hoạt động đầu tư quốc tế

Đầu tư quốc tế và thương mại quốc tế là hai hoạt động chính trong chính sách kinh tế đối ngoại của một quốc gia với thế giới. Đồng thời, hai hoạt động này cũng có tác động chặt chẽ đến nhau. Việc tăng cường đầu tư quốc tế sẽ dẫn tới tăng thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài, kích thích sản xuất và có tác động gia tăng thương mại quốc tế.

Vốn FDI cho phép tạo ra các ngành mới hoàn toàn hoặc thúc đẩy sự phát triển của một số ngành quan trọng trong quá trình công nghiệp hoá đất nước. Sự phát triển của các ngành này tạo điều kiện để phát triển cơ sở hạ tầng, giảm nhu cầu nhập khẩu ngoại tệ, tăng thu cho ngân sách nhà nước và góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc gia.

Hoạt động đầu tư nước ngoài gắn liền với việc chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, chuyên môn và trình độ quản lý tiên tiến, làm tăng tính cạnh tranh của thị trường nước tiếp nhận đầu tư, thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm. Hầu hết các công ty đa và xuyên quốc gia trên thế giới đều thực hiện chiến lược đầu tư theo mô hình đàn nhạn bay, cho phép các quốc gia khác tham gia vào chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI. Với tư cách là một mắt xích trong chuỗi, các doanh nghiệp tại nước tiếp nhận đầu tư sẽ có nhiều cơ hội để phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm. Thông qua quan hệ đầu tư, quan hệ thương mại giữa nước chủ đầu tư và nước tiếp nhận đầu tư cũng được thúc đẩy mạnh mẽ hơn.

* Cơ sở hạ tầng

Cơ sở hạ tầng có tính quyết định đến năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh và lợi thế của mỗi quốc gia khi tham gia vào nền kinh tế thế giới. Các quốc gia có cơ sở hạ tầng về giao thông vận tải, thông tin liên lạc, hệ thống kho bãi, bến cảng, hạ tầng công nghệ, thậm chí là vị trí địa lý thuận lợi cũng sẽ tác động rất lớn đến nguồn cung sản phẩm, dịch vụ, giúp các quốc gia có lợi thế khi trao đổi thương mại quốc tế. Các quốc gia sở hữu nguồn lực về hạ tầng, đặc biệt là công nghệ hiện đại sẽ có lợi thế trong việc giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, mở rộng đa dạng hóa các loại hình sản phẩm, dịch vụ, tăng nguồn cung cho thị trường quốc tế. Minh chứng từ các nền kinh tế hàng đầu thế giới đã cho thấy, các nước phát triển thường là những quốc gia có hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển. Dựa trên nền tảng vể hạ tầng giao thông, công nghệ phát triển, các quốc gia có lợi thế trong đàm phán và dẫn dắt “cuộc chơi” trên thị trường thế giới. Bởi vậy, việc tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng là vô cùng quan trọng đối với các quốc gia, cho phép các quốc gia tạo ra lợi thế so sánh trong thị trường toàn cầu.

* Cơ cấu sản phẩm hàng hóa, dịch vụ

Cơ cấu hàng hóa cũng sẽ là một yếu tố tác động đến quan hệ thương mại của mỗi quốc gia. Cơ cấu sản phẩm hiện đại, theo kịp xu thế của thị trường thế giới sẽ giúp các quốc gia duy trì được lợi thế trong quan hệ thương mại quốc tế. Theo đà phát triển của nền kinh tế thế giới, việc đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ, nâng cao hàm lượng chế biến và hàm lượng giá trị trong cơ cấu sản phẩm xuất khẩu là xu hướng chủ yếu trong chiến lược thương mại quốc tế của mỗi quốc gia. Việc duy trì cơ cấu sản phẩm hàng hóa, dịch vụ như thế nào cũng là một bài toán đầy thách thức đặt ra cho chính phủ của các nước trong từng thời kỳ nhất định. Trong trạng thái bình thường, các quốc gia thường có xu hướng tập trung phát triển các ngành hàng có hàm lượng công nghệ, hàm lượng chế biến cao. Tuy nhiên, những sản phẩm thô, sơ chế, sản phẩm thiết yếu lại sẽ tạo ra lợi thế cho các quốc gia kém phát triển hơn trong bối cảnh kinh tế thế giới lâm vào trạng thái khủng hoảng. Chính vì vậy, việc duy trì một cơ cấu sản xuất, xuất nhập khẩu như thế nào cũng là một vấn đề quan trọng mà chính phủ các quốc gia cần quan tâm. Bên cạnh đó, cơ cấu sản phẩm mang tính bổ sung sẽ giúp duy trì tốt hơn mối quan hệ thương mại giữa hai quốc gia.

* Tỷ giá hối đoái

Chính sách tỷ giá hối đoái là một trong những chính sách kinh tế vĩ mô quan trọng của mỗi quốc gia. Để can thiệp vào hoạt động xuất nhập khẩu, chính phủ các quốc gia thường thực hiện thông qua chính sách điều hành về tỷ giá, làm tăng hoặc giảm giá trị đồng nội tệ so với các đồng tiền khác. Nếu đồng tiền của một quốc gia mạnh lên, hàng hóa xuất khẩu của quốc gia này ra nước ngoài sẽ đắt đỏ hơn và hàng hóa nhập khẩu sẽ rẻ hơn. Ngược lại, một đồng tiền yếu sẽ làm cho hàng hóa xuất khẩu của một quốc gia rẻ hơn và nhập khẩu đắt hơn ở thị trường nước ngoài. Khi tỷ giá hối đoái tăng cao, cán cân thương mại của một nước thường giảm đi và khi tỷ giá hối đoái thấp hơn, cán cân thương mại sẽ tăng. Chính vì vậy, để tài trợ cho xuất khẩu, chính phủ nhiều quốc gia đã thực hiện việc phá giá đồng tiền nội tệ trong một giai đoạn nhất định và với một biên độ nhất định. Mặc dù chính sách phá giá tiền tệ chưa chắc đã thành công song không thể phủ nhận, việc can thiệp vào chính sách ngoại hối cũng sẽ là một trong những công cụ hữu ích, giúp các quốc gia có thể điều chỉnh cán cân thương mại quốc tế theo hướng có lợi hơn.

Một phần của tài liệu Đẩy mạnh quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc VKFTA (Trang 45 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(194 trang)