CHƯƠNG 5: ĐỊNH HƯỚNG, GIẢI PHÁP VÀ KIẾN NGHỊ THÚC ĐẨY
5.3. Giải pháp thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam – Hàn Quốc đến năm
5.3.1. Nhóm giải pháp về phía Nhà nước
5.3.1.1. Hoàn thiện chính sách kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Việc hoàn thiện chính sách kinh tế vĩ mô trong khuôn khổ nhiều FTA, trong đó có VKFTA là vô cùng cần thiết, để đảm bảo hệ thống chính sách pháp luật đáp ứng được các cam kết trong thỏa thuận FTA, đồng thời cũng không gây xáo trộn hoặc ảnh hưởng
quá nhiều đến các doanh nghiệp Việt Nam. Trên thực tế hiện nay, hệ thống chính sách của Việt Nam đã được hoàn thiện liên tục, giúp cho Việt Nam đạt được các kết quả đáng ghi nhận. Song việc thay đổi liên tục trong hệ thống chính sách kinh tế vĩ mô đã ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp Việt Nam và thậm chí cả các cơ quan quản lý.
Bởi vậy, nhiệm vụ đối với các nhà lập pháp Việt Nam là cần tính tới các bài toán về chính sách một cách hợp lý, vừa thông thoáng, minh bạch, vừa có tính dự đoán, tránh phải sửa chữa, hoàn thiện nhiều lần, gây tốn kém và khó khăn trong việc thực thi chính sách.
Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần tiến hành xây dựng một khung pháp lý cụ thể và chặt chẽ về quan hệ hợp tác thương mại dịch vụ giữa hai nước, từ đó làm căn cứ cho các doanh nghiệp hai bên có thể hoạt động một cách hiệu quả. Việc này sẽ giúp gia tăng mức độ tin cậy và uy tín đối với các doanh nghiệp nước ngoài.
Trong năm 2019, Việt Nam về bước đầu đã được đánh giá là có tốc độ tăng trưởng vượt trội so với các nước trong khu vực. Tiếp đà lạc quan của năm 2019, trong những năm tiếp theo, Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định về tỷ giá hối đoái và lạm phát, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tái cấu trúc nền kinh tế, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, chính phủ cũng cần cân nhắc các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô một cách thận trọng, bởi theo một số chuyên gia kinh tế, là một nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam sẽ phải dè chừng nguy cơ từ xu thế tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế thế giới trong thập niên tới. Đó còn là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, mâu thuẫn địa chính trị, chính sách tiền tệ khó dự đoán của các nước, nợ công cao... sẽ mang đến những thách lớn khó lường.
Bên cạnh đó, việc tăng cường cải cách hành chính theo hướng chính phủ điện tử cũng là một nhiệm vụ được đặt ra hàng đầu đối với hệ thống chính sách kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Hiện nay, Chính phủ cũng đã tăng cường ứng dụng Chính phủ điện tử trong nhiều hoạt động điều hành chính sách, nghiên cứu và triển khai nhiều thủ tục điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Hơn nữa, với xu hướng thương mại điện tử đang diễn ra phổ biến và với tốc độ tăng trưởng nhanh như hiện nay, nhiều sản phẩm kinh doanh, hình thức, phương thức kinh doanh mới đã xuất hiện và phát triển, hệ thống chính sách pháp luật cũng cần có các quy định điều chỉnh một cách hợp lý, để vừa tạo điều kiện cho các sản phẩm, dịch vụ mới có cơ
hội tự do phát triển, nhưng đồng thời cũng vừa ngăn chặn, giảm thiểu các tác động xấu mà các hoạt động kinh doanh có thể mang lại cho nền kinh tế.
Khi tham gia VKFTA và các FTA thế hệ mới, Việt Nam cần phải điều chỉnh cả những quy định liên quan tới lao động, quyền sở hữu trí tuệ... Do đó, việc thực hiện các cam kết trong FTA thế hệ mới đòi hỏi những thay đổi về chính sách và luật pháp trong nước.
Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 và là đối tác đầu tư trực tiếp lớn nhất của Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực như công nghiệp chế biến, sản xuất, chuyên môn R & D, xây dựng và bất động sản, sản xuất, lắp ráp điện tử, công nghiệp, công nghệ cao,…VKFTA, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do khu vực, đa phương và song phương khác. Chính phủ Việt Nam cần điều chỉnh chính sách thương mại và đầu tư cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam và tránh xung đột với các cam kết trong các FTA khác mà Việt Nam đã ký kết.
Việc hoàn thiện hệ thống chính sách kinh tế vĩ mô, giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế không chỉ có tác động tích cực đến thúc đẩy tăng trưởng thương mại Việt Nam – Hàn Quốc, mà còn tạo tiền đề tốt cho các hoạt động giao thương giữa Việt Nam và các đối tác khác trên thế giới.
5.3.1.2. Hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng
Việc hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, bao gồm hạ tầng giao thông, viễn thông, luôn được xem là một trong những giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn, thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang bước vào giai đoạn kỷ nguyên của cách mạng công nghiệp 4.0. Đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ sẽ giúp giảm thiểu các chi phí, đẩy nhanh thời gian đưa hàng từ điểm sản xuất đến tay người tiêu dùng, đồng thời đáp ứng được yêu cầu của các hình thức kinh doanh thương mại điện tử mới.
Chính phủ cần quan tâm đến việc phát triển hệ thống giao thông về đường hàng không, các cảng biển quốc tế, hệ thống kho bãi, tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý hạ tầng cơ sở, nâng cao chỉ số logistics của Việt Nam, qua đó làm giảm chi phí và đơn giản hóa thủ tục thông quan, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ hiện đại trong xây dựng phát triển và quản lý cơ sở hạ tầng. Tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng nâng cao năng lực hoạch định chính sách, dự báo, tư vấn, tổ chức quản lý đầu tư phát triển và quản lý khai thác kết
cấu hạ tầng giao thông và quản lý vận tải. Đồng thời, nâng cao hiệu quả, cải thiện năng lực sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong ngành thông qua việc củng cố phát triển các doanh nghiệp nắm giữ các khâu then chốt, huyết mạch của ngành giao thông vận tải trong lĩnh vực hàng hải, đường sắt, hàng không…
Ðiều không kém phần quan trọng trong bối cảnh hội nhập và diễn biến khôn lường của cách mạng công nghiệp 4.0 là đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng và tìm giải pháp bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin quan trọng, kịp thời xử lý các mối nguy hại đe dọa an ninh mạng.
Đảm bảo cung cấp hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông và viễn thông sẽ giúp tạo ra các hình thức kinh doanh dịch vụ mới, có giá trị gia tăng cao, giúp các doanh nghiệp Việt Nam dễ tiếp cận hơn vào thị trường trong nước và quốc tế. Vấn đề cung cấp dịch vụ viễn thông cũng đã được Việt Nam và Hàn Quốc cam kết trong VKFTA, điều này chứng tỏ các bên đều nhận thấy được sự phát triển của các dịch vụ viễn thông sẽ ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế trong nước. Việc nhanh chóng phát triển và chiếm lĩnh thị trường viễn thông, nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển trong các công nghệ vận tải và viễn thông sẽ giúp thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ của Việt Nam phát triển, giảm bớt nhập siêu từ thị trường Hàn Quốc nói riêng và thị trường nước ngoài nói chung.
5.3.1.3. Tăng cường xúc tiến thương mại hiệu quả
Việc xúc tiến thương mại Việt Nam - Hàn Quốc đã được thực hiện từ khá lâu, song, nhiều chương trình xúc tiến thương mại chưa thực sự hiệu quả. Nhà nước cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt là thương mại dịch vụ giữa hai nước.
Hoạt động xúc tiến thương mại có thể được thực hiện theo các hướng như sau:
(i) Tăng cường kêu gọi, xúc tiến thương mại và đầu tư của Hàn Quốc trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Giá trị xuất khẩu trong các sản phẩm sản xuất nông nghiệp của Việt Nam sang Hàn Quốc còn thấp, do phần lớn Việt Nam chỉ xuất khẩu dưới hình thức thô, sơ chế, các điều kiện về bảo quản, bao bì, cũng như các kỹ thuật.
(ii) Thực hiện chương trình tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu, cung cấp thông tin về môi trường đầu tư, tiềm năng và cơ hội đầu tư kinh doanh. Xây dựng danh mục các dự án kêu gọi đầu tư, danh mục các dự án tổ chức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư, danh mục các lĩnh vực dịch vụ đẩu tư trọng điểm. Hợp tác với các tổ chức xúc tiến đầu tư trong nước và nước ngoài, đào tạo và nâng cao năng lực cho các cán bộ làm công tác xúc
tiến đầu tư. Hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin thị trường, về đăng ký, bảo hộ và phát triển thương hiệu, về áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Nhà nước cần hỗ trợ và tăng cường các chiến dịch truyền thông thông qua các kênh truyền hình lớn giữa 2 nước nhằm quảng bá những nét đẹp về thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực và con người của Việt Nam đến với đông đảo những người dân Hàn Quốc.
5.3.1.4. Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp
Chính phủ cần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư của cả hai nước có thể thâm nhập và hoạt động tốt trên thị trường thông qua các chính sách hỗ trợ, cũng như tinh giản hóa các thủ tục hành chính phức tạp. Đồng thời xây dựng một môi trường phát triển lành mạnh cho các doanh nghiệp Hàn Quốc có thể hoạt động tốt.
Các chính sách tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất và cung ứng dịch vụ cần thực hiện theo hướng như sau:
Tập trung vào ngành công nghiệp hỗ trợ: Đảm bảo khả năng cạnh tranh của các ngành công nghiệp tại Việt Nam là rất quan trọng đối với sự tăng trưởng dài hạn của đất nước. Chính phủ Việt Nam đã lựa chọn tốt hơn và tập trung vào một số ngành công nghiệp và cố gắng nâng cao khả năng cạnh tranh của chính mình trước khi mở rộng thị trường ra các đối thủ nước ngoài. Hợp tác với các đối tác thương mại mạnh mẽ và thân thiện như với các công ty Hàn Quốc sẽ rút ngắn thời gian học tập kinh nghiệm sản xuất, kính doanh của nước ngoài (Ý kiến phỏng vấn chuyên gia).
Cần có những chính sách hỗ trợ hợp lý về thông tin thị trường, về đào tạo trình độ khoa học công nghệ, về tài chính – tín dụng, về các thủ tục hành chính, v.v để thúc đẩy phát triển những ngành có lợi thế so sánh, nhằm tăng năng suất và tăng sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Nhiều sản phẩm như sản phẩm nông sản, thủy sản ở Việt Nam, với điều kiện thuận lợi về khí hậu và điều kiện nuôi trồng, dẫn tới tiềm năng sản xuất là rất lớn. Việc tập trung vào các lợi thế sẽ giúp khai thác được các tiềm năng một cách có hiệu quả. Nhà nước cần hỗ trợ các doanh nghiệp hai nước xây dựng vùng nguyên liệu, xây dựng các hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ, xây dựng chuỗi sản xuất để đưa sản phẩm hữu cơ đến tay người tiêu dùng hai nước.
Hiện nay, trình độ và công nghệ liên quan đến việc áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật của Việt Nam còn rất hạn chế. Để cải thiện tình trạng này, cần tăng cường hỗ trợ nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật hợp lý khi mà các hàng rào thuế quan bị dỡ bỏ nhằm bảo vệ sản xuất trong nước đối với những ngành cần được khuyến
khích, đồng thời, hỗ trợ các nhà xuất khẩu của Việt Nam trong việc đáp ứng các điều kiệu về kỹ thuật khi xuất sang Hàn Quốc.
5.3.1.5. Tích cực đầu tư cho đổi mới sáng tạo
Trong xu thế của cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi sang nền kinh tế số. Việt Nam cũng cần đề xuất nhiều hơn nữa các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp. Chính các yếu tố công nghệ, đổi mới sáng tạo sẽ là tiền đề nâng cao năng lực sản xuất và năng lực cạnh tranh chung của các doanh nghiệp Việt Nam.
Bộ Khoa học và Công nghệ của Việt Nam cần tích cực đề xuất các giải pháp nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tích cực đổi mới quy trình sản xuất sản phẩm theo hướng ứng dụng các công nghệ mới từ cuộc CMCN 4.0. Bộ Khoa học và Công nghệ của Việt Nam cần tạo ra các kết nối giữa doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, trường cao đẳng, đại học để khuyến khích các nghiên cứu trong nhà trường có thể triển khai trên thực tế. Bên cạnh đó, việc lập ra các Trung tâm đổi mới sáng tạo, phối kết hợp với các Hiệp hội doanh nghiệp trong từng ngành hàng của Việt Nam cũng có thể giúp phát triển các liên kết đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh và hỗ trợ việc thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu ứng dụng.
5.3.1.6. Tăng cường hợp tác kinh tế xã hội Việt Nam – Hàn Quốc
Đến năm 2018, nhiều văn bản hợp tác đã được ký kết giữa chính phủ, và các tổ chức xã hội Việt Nam – Hàn Quốc. Các hoạt động giao lưu văn hóa cũng đã được tăng cường tổ chức nhằm quảng bá văn hóa của hai quốc gia, trên cơ sở đó phát triển các dịch vụ giữa doanh nghiệp và cá nhân ở hai quốc gia.
Hoạt động hợp tác có thể diễn ra trên nhiều bình diện khác nhau, ở các cấp độ và lĩnh vực khác nhau, trong đó tập trung vào các vấn đề như:
Xây dựng các chiến lược hoặc kế hoạch cụ thể và dài hạn nhằm thu hút các hoạt động đầu tư trong lĩnh vực công nghệ sạch. Thực hiện khuyến khích đặc biệt đối với các dự án đầu tư có giải pháp hiệu quả đối với môi trường và các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghệ sạch, công nghệ trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo. Các ưu đãi có thể bao gồm các chính sách về tín dụng, thuế, cơ sở hạ tầng giao thông và thông tin liên lạc.
Tăng cường trao đổi hợp tác khoa học kỹ thuật và các vấn đề về đào tạo nhân lực, cũng như xúc tiến thương mại và đầu tư, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động thương mại dịch vụ của các tổ chức, cá nhân của hai nước.
Về hợp tác kinh tế, trên cơ sở Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc có hiệu lực từ năm 2015, hai bên cần mở rộng hơn nữa hoạt động thương mại và đầu tư, phấn đấu nâng kim ngạch thương mại lên mức 100 tỷ USD vào năm 2023 đi đôi với thúc đẩy cân bằng thương mại thông qua việc Hàn Quốc tăng cường nhập khẩu các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh; khuyến khích các doanh nghiệp, không chỉ doanh nghiệp lớn mà cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc, đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực phát triển hạ tầng, công nghiệp cao, năng lượng tái tạo, chú trọng chuyển giao công nghệ, phát triển công nghiệp phụ trợ, tạo cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu của Hàn Quốc.
Hai bên cần phối hợp triển khai hiệu quả các thỏa thuận hợp tác đã đạt được. Các cơ quan hai nước cần tiếp tục nỗ lực để ngoại giao nhân dân diễn ra sôi động hơn thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa, giáo dục và giao lưu thế hệ trẻ để góp phần củng cố tình hữu nghị hai nước.
Hai bên cần tiếp tục tạo thuận lợi để ngày càng nhiều học sinh Việt Nam được nhận học bổng sang học tại Hàn Quốc, cũng như nhiều học sinh Hàn Quốc sang học tại Việt Nam, vì đây chính là lực lượng nòng cốt đóng góp cho quan hệ hai nước trong vòng 20-30 năm tới.
Hai bên đồng thời cần tiếp tục mở rộng hợp tác giữa các tổ chức nhân dân hai nước, góp phần hỗ trợ phát triển cộng đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho kiều dân hai nước sinh sống, làm việc và học tập ổn định, lâu dài tại mỗi nước. Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc cần tiếp tục tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức và địa phương Hàn Quốc thúc đẩy các hoạt động giao lưu nhân dân.
Chắc chắn số vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam trong thời gian tới sẽ còn tăng nữa, nhất là khi rất nhiều địa phương Việt Nam đã tổ chức các chuyến đi xúc tiến đầu tư, giới thiệu tiềm năng của mình với các nhà đầu tư Hàn Quốc hiện có tiềm lực tài chính, công nghệ hiện đại và quan trọng hơn hết là sự nhiệt thành và quyết tâm của họ muốn được tới làm ăn ở một đất nước có sự ổn định chính trị và đang phát triển nhanh như Việt Nam.
Việt Nam hiện có tiềm năng phát triển lớn trong nhiều ngành khác nhau, như chế tạo, sản xuất vật liệu, xây dựng cơ sở hạ tầng, năng lượng, tài chính, dược phẩm, công nghệ thông tin, logistics, rất thích hợp với thế mạnh của các công ty Hàn Quốc như vốn dồi dào, trình độ kỹ thuật cao, khả năng quản lý tốt.