CHƯƠNG 5: ĐỊNH HƯỚNG, GIẢI PHÁP VÀ KIẾN NGHỊ THÚC ĐẨY
5.1. Bối cảnh kinh tế, cơ hội và thách thức của VKFTA đối với quan hệ thương mại Việt Nam – Hàn Quốc
5.1.1. Bối cảnh kinh tế thế giới
Xu hướng ký kết các Hiệp định thương mại, trong đó có đàm phán các vấn đề về thương mại dịch vụ, đầu tư, thương mại điện tử và các vấn đề về lao động, sở hữu trí tuệ đang dần ảnh hưởng tới hệ thống chính sách của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Tranh chấp thương mại Mỹ - Trung vẫn tiếp tục kéo dài, diễn biến khó lường, việc thắt chặt các chính sách thương mại theo hướng bảo hộ mậu dịch tại các nước châu Âu, tình trạng thất nghiệp ở nhiều nước trên thế giới gia tăng, v.v.. là những diễn biến xấu gây ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng ở các nước trên thế giới. Các nền kinh tế lớn đang có xu hướng chuyển sang tiêu dùng nội địa. Tình hình này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam ra nước ngoài, nhất là khi khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam còn thấp.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ tạo ra những thời cơ và thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia. Nếu không được kịp thời điều chỉnh, tình trạng thất nghiệp gia tăng tại nhiều quốc gia, chính sách thắt chặt tiền tệ, khả năng thanh toán sụt giảm, giá tài sản cao sẽ là các yếu tố tác động đến tăng trưởng kinh tế thế giới từ năm 2019, 2020 và những năm tiếp theo (Trần Nguyễn Tuyên, 2019).
Tình hình dịch bệnh Covid – 19 diễn ra đầu năm 2020 đã khiến cho nền kinh tế thế giới chao đảo, hàng loạt cường quốc trên thế giới đều thực hiện giãn cách xã hội, đóng cửa nền kinh tế. Chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, các dịch vụ, nhất là dịch vụ vận tải (trong đó nặng nề nhất là vận tải hàng không) bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các quốc gia vốn chỉ tập trung vào phát triển các ngành sản xuất công nghiệp giờ cũng lao đao vì thiếu hụt nguồn cung về các nhu yếu phẩm cần thiết như lương thực, thuốc men. Đây cũng sẽ là lúc để các quốc gia nhìn nhận lại chiến lược phát triển thương mại của mình và cũng sẽ tạo ra những cơ hội không nhỏ cho các nước đang và chậm phát triển có thể trở mình, định vị lại thương hiệu trên bản đồ kinh tế thế giới.
Hình 5.1. Kịch bản tăng trưởng GDP của một số quốc gia trên thế giới và Việt Nam
Nguồn: NCIF, 2020
Về tốc độ tăng trưởng kinh tế, theo dự báo của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam, nền kinh tế của Việt Nam trong năm 2021 có mức tăng trưởng vào khoảng 6,1 đến 6,7%. Trong đó, dự báo Hàn Quốc có mức độ tăng trưởng chậm (chỉ vào khoảng 1,29% đến 3,8%). Cũng theo dự báo của NCIF (2020), có nhiều kịch bản có thể xảy đến đối với nền kinh tế của Việt Nam, trong đó kịch bản được nhiều chuyên gia kinh tế ủng hộ là mức tăng trưởng GDP cho năm 2021 của Việt Nam từ dưới 5,5%, mức tăng trưởng GDP cho giai đoạn 2021-2025 của Việt Nam từ dưới 5,5% đến 6%. Các báo cáo dự đoán tương đối khả quan về tình hình phục hồi và phát triển kinh tế của Việt Nam sau Đại dịch Covid – 19.
Điều này cho thấy sự ổn định trong nền kinh tế Việt Nam có thể làm tăng sự dịch chuyển của hàng hóa và vốn vào Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, với sự tăng trưởng chậm của Hàn Quốc dưới tác động của Đại dịch Covid – 19, khả năng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam sang thị trường này sẽ gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn 2021 – 2025.
5.1.2. Cơ hội
Việc ký kết VKFTA đã mang đến cho các doanh nghiệp Việt Nam ngoài cơ hội xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Hàn Quốc, sẽ giúp tạo ra các cơ hội giao thương trong lĩnh vực dịch vụ, vấn đề mà các doanh nghiệp Việt Nam từ lâu vẫn còn bỏ ngỏ, mặc dù dư địa để phát triển các ngành thương mại dịch vụ là rất lớn.
Phạm vi mở cửa một số thị trường dịch vụ trong VKFTA so với AKFTA cũng đã, đang và sẽ tiếp tục tạo ra các cơ hội cho cả doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam khai thác. Việc hoàn thiện các chính sách và môi trường kinh doanh theo các cam kết trong
VKFTA sẽ giúp thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao giá trị gia tăng trong các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ cung cấp. Theo cam kết trong VKFTA, Hàn Quốc sẽ hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực xây dựng, thực thi chính sách, nâng cao sức cạnh tranh trong những lĩnh vực mà Hàn Quốc có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu hợp tác như: nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp, công nghiệp điện tử, lọc hóa dầu, công nghiệp hỗ trợ... Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng cam kết dành thêm cơ hội thị trường cho các lĩnh vực dịch vụ, đầu tư của Việt Nam và nhất là tăng cường hợp tác kinh tế, hỗ trợ kỹ thuật toàn diện trong nhiều lĩnh vực. Riêng về các cam kết trong dịch vụ và đầu tư, việc thực hiện FTA sẽ hỗ trợ Việt Nam hình thành môi trường minh bạch và thông thoáng hơn để đẩy mạnh thu hút đầu tư từ Hàn Quốc cũng như các nước khác. Khi môi trường pháp lý và kinh doanh minh bạch, thông thoáng hơn sẽ góp phần khuyến khích đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam, đồng thời cũng là điểm tựa để các doanh nghiệp Việt Nam có thể mở rộng phạm vi kinh doanh sang thị trường Hàn Quốc và các thị trường trong khu vực và trên thế giới, qua đó, đem lại những lợi ích xã hội tích cực nhờ tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người lao động Việt Nam, nâng cao thu nhập, đặc biệt của nhóm lao động phổ thông, lao động không có tay nghề cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở nông thôn.
Xu hướng phát triển thương mại điện tử, thương mại số hóa và sự phát triển công nghệ trong các ngành sẽ tạo cơ hội để Việt Nam mở rộng các loại hình dịch vụ cung cấp, tăng cường lợi thế cạnh tranh trong việc cung cấp các dịch vụ.
Thị trường Hàn Quốc tuy là một thị trường phát triển với các yêu cầu và đòi hỏi tương đối cao, nhưng nhìn chung vẫn dễ tính hơn các thị trường như EU, Mỹ hay Nhật Bản. Do đó, việc tăng cường quan hệ thương mại với thị trường này là bước chuẩn bị tập dượt tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới khi tiến sâu hơn vào các thị trường khó tính hơn.
Với khoảng 3.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam và khoảng 40.000 công nhân Việt Nam đang làm việc ở Hàn Quốc. Những đóng góp tích cực của các doanh nghiệp và công nhân này sẽ tiếp tục giúp mối quan hệ thương mại song phương và đầu tư giữa hai nước đạt được kết quả ấn tượng. Các liên kết với doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng dịch vụ toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện vẫn đang diễn biến khó lường, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc cũng có thể được nhìn nhận và đánh giá lại theo một cách thức mới, trong đó mở ra các cơ hội hợp tác giao thương giữa hai quốc gia trong những lĩnh vực như y tế, giáo dục, giao thông vận tải, tài chính – ngân hàng… Các phương thức giao dịch và hợp tác sẽ thay đổi theo xu hướng mới, dựa trên các nền tảng ứng dụng công nghệ.
Trong đợt đỉnh điểm của Covid -19, với cách xử lý khá linh hoạt và phản ứng nhanh với tình hình, uy tín và năng lực quản lý nền kinh tế của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận và đánh giá cao. Điều này càng khẳng định việc các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước khác chọn Việt Nam là điểm đến của dòng vốn FDI là hoàn toàn chính xác. Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước đối tác quan trọng như Hàn Quốc cũng sẽ được thắt chặt hơn khi nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã dần chuyển hướng sang đối tác Việt Nam thay vì phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc như trước đây.
Trong bối cảnh tình hình thế giới vẫn đang vô cùng khó khăn do tác động của dịch Covid-19, gây cản trở rất lớn đến hầu hết tất cả mọi khía cạnh của lĩnh vực kinh tế nói chung và thương mại nói riêng. Tuy nhiên, Việt Nam và Hàn Quốc vẫn có những triển vọng trong phát triển quan hệ thương mại và dịch vụ giữa 2 nước.
Về Vận tải hàng hóa và hành khách: Hiện tại, Hàn Quốc đang là 1 trong 5 quốc gia có lượng vốn đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam. Cụ thể Hàn Quốc đứng thứ 2 (3,21 tỉ USD), sau Hong Kong (5,3 tỉ USD) về FDI vào Việt Nam (Cục Đầu tư nước ngoài, 2020). Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều dự án với quy mô lớn được Hàn Quốc chú trọng đầu tư vào Việt Nam như hệ thống nhà máy Samsung. Ngoài ra, trong lĩnh vực nông sản, chính phủ 2 nước cùng thống nhất đẩy mạnh tăng cường hợp tác giữa hai nước. Qua đó, nhu cầu về vận chuyển hàng hóa giữa hai nước ngày càng tăng cao. Đối với vận tải hành khách, hiện có hơn 180.000 người Việt Nam hiện đang sinh sống, học tập và làm việc tại Hàn Quốc, trong khi số người Hàn Quốc ở Việt Nam cũng lên tới hơn 160.000 người (Liên Hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, 2020). Điều này có thể xem như là một bằng chứng cho việc tiềm năng vận tải hành khách vô cùng lớn giữa 2 nước nhằm đảm bảo nhu cầu đi lại của công dân giữa 2 quốc gia.
Về Du lịch: Hiện nay, Việt Nam đang là một trong số những điểm đến vô cùng thu hút và đặc biệt được quan tâm của người dân Hàn Quốc khi tiến hành lựa chọn du lịch.
Trong năm 2019, Việt Nam ghi nhận gần 4 triệu lượt khách Hàn Quốc. Mặc dù trong năm 2020, số lượng du khách quốc tế nói chung đến Việt Nam giảm sút do tình hình dịch bệnh Covid – 19, song do số lượng doanh nghiệp Hàn Quốc đặt chi nhánh tại Việt Nam khá nhiều, nên số lượng người Hàn Quốc đến Việt Nam theo các hình thức làm việc, tham gia hội thảo,v.v cũng tạo nên lượng khách du lịch ổn định. Việt Nam được biết đến với khí hậu nhiệt đới ấm áp, những bãi biển đẹp và các danh lam thắng cảnh nổi tiếng khác. Đồng thời, với kho tàng ẩm thực phong phú và vô cùng hấp dẫn chính là một trong những yếu tố thu hút khách du lịch Hàn Quốc đến với Việt Nam. Đặc biệt, Hội An và Đà Nẵng là hai điểm đến vô cùng nổi tiếng và thu hút một lượng lớn khách du lịch từ xứ sở Kimchi khi tiến hành ghé thăm. Qua đó, nhìn thấy được những tiềm năng vô cùng to lớn trong phát triển du lịch giữa hai nước.
Về Tài chính và bảo hiểm: Việt Nam hiện đang là một trong những nền kinh tế năng động và có tốc độ phát triển cao và ổn định nhất trong khu vực, cùng với đó là một môi trường kinh tế chính trị xã hội ổn định và tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp có thể phát triển. Đồng thời với điều kiện sống và mức sống ngày càng được nâng cao, nhu cầu bảo hiểm của người dân cũng được tăng cao. Ngoài ra, cùng sự đầu tư ngày càng lớn của các doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động tài chính giữa hai nước ngày càng phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu trao đổi giữa các bên. Hiện tại cũng đã và đang có những ngân hàng, doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động có hiệu quả trên các lĩnh vực trên như ngân hàng Shinhan Bank, hay công ty bảo hiểm Hanwha Life.
Từ các điều kiện thuận lợi trên, có thể thấy tiềm năng phát triển quan hệ thương mại trên lĩnh vực tài chính và bảo hiểm giữa 2 quốc gia cũng vô cùng tốt đẹp.
5.1.3. Thách thức
Sự biến động của nền kinh tế thế giới có thể sẽ ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam, làm mức độ thâm hụt trong cán cân thương mại sẽ trầm trọng hơn, ảnh hưởng tới cán cân thanh toán quốc gia.
Xu hướng nhập siêu từ Hàn Quốc tồn tại trong nhiều năm khó có thể giải quyết trong một sớm một chiều, đòi hỏi các giải pháp đồng bộ về luật pháp, hệ thống hạ tầng
cơ sở, chất lượng nhân lực, nhận thức của các cán bộ, doanh nghiệp và người dân về hội nhập quốc tế. So với cam kết và chuẩn mực quốc tế thì thể chế, luật pháp của Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập, vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế, cải cách doanh nghiệp nhà nước diễn ra chậm. Những vấn đề đó đã gây khó khăn trong nền kinh tế thị trường, khiến các nhà đầu tư khó dự đoán được các biến động, thay đổi. Hệ thống luật pháp, chính sách của Việt Nam đã được rà soát, xây dựng mới và từng bước được hoàn thiện nhưng nhìn chung vẫn chưa đầy đủ, đồng bộ, nhất quán và ổn định. Đây chính là một trong những nguyên nhân gây bất lợi cho Việt Nam khi va chạm và giải quyết các vụ tranh chấp ở phạm vi quốc tế. Nhận thức về hội nhập kinh tế quốc tế, về sự tham gia các tổ chức kinh tế thương mại khu vực và toàn cầu, các FTA... còn nhiều bất cập. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, doanh nghiệp và người dân thờ ơ, thiếu chủ động trong đổi mới tư duy và hội nhập kinh tế quốc tế.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang bị đánh giá yếu trên các mặt, như: quản trị kém, uy tín thương hiệu thấp, người tiêu dùng thường có tâm lý “sính hàng ngoại”. Ngoài ra, chiến lược kinh doanh quốc tế của các doanh nghiệp mờ nhạt, năng lực cạnh tranh thấp. Điều này sẽ đẩy các doanh nghiệp Việt Nam vào nguy cơ bị phụ thuộc, mất đi vị thế chủ động. nếu không tận dụng tốt các cơ hội từ các FTA đã ký kết, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ mất cơ hội chiếm lĩnh thị trường nước ngoài, mà ngay thị trường nội địa cũng khó có thể giữ vững.
So với thị trường các nước ASEAN (hơn 600 triệu dân) hay Trung Quốc (gần 1.400 triệu dân) thì thị trường Hàn Quốc được coi là tương đối nhỏ (chỉ khoảng 50 triệu dân) trong khi đó yêu cầu về chất lượng sản phẩm, các hàng rào về tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu cao hơn nhiều so với thị trường các nước ASEAN hay Trung Quốc, sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.