Các khái niệm liên quan đến quan hệ thương mại quốc tế

Một phần của tài liệu Đẩy mạnh quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc VKFTA (Trang 32 - 42)

CHƯƠNG 2: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ THUYẾT VỀ QUAN HỆ THƯƠNG MẠI VÀ HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO VIỆT NAM – HÀN QUỐC (VKFTA)

2.1. Các vấn đề chung về quan hệ thương mại quốc tế

2.1.2. Các khái niệm liên quan đến quan hệ thương mại quốc tế

Thương mại, theo định nghĩa của từ điển Cambridge English Dictionary thì thương mại là hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa hoặc/và dịch vụ giữa con người hoặc giữa các quốc gia.

Trong Luật Thương mại 1997 của Việt Nam, khái niệm thương mại cũng chỉ được hiểu theo nghĩa hẹp, bao gồm 14 hành vi điều chỉnh các quan hệ mua bán hàng hoá và dịch vụ liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá, được quy định trong điều 5 Luật Thương mại 1997 của Việt Nam. Các đối tượng mua bán thậm chí bị giới hạn ở các động sản, phục vụ cho việc sản xuất, tiêu dùng và lưu thông trên thị trường.

Tuy nhiên, khái niệm thương mại trên thế giới được hiểu theo nghĩa rộng hơn.

Thuật ngữ “thương mại” được Ủy ban Liên Hợp Quốc về Luật Thương mại quốc tế (UNCITRAL) hiểu theo nghĩa rộng, bao quát tất cả các vấn đề nảy sinh ra từ mối quan hệ mang tính chất thương mại, dù có hay không có hợp đồng. Nghĩa là bao

gồm các mối quan hệ về cung cấp, trao đổi hàng hóa dịch vụ (ủy thác, đại lý, đại diện, tư vấn, ngân hàng, bảo hiểm, liên doanh, chuyên chở,… )

Tại Việt Nam, theo sự phát triển của nền kinh tế và xu hướng hội nhập quốc tế, khái niệm thương mại cũng được mở rộng hơn. Trong Luật Thương mại 2005 không đưa ra khái niệm thương mại, nhưng có định nghĩa về hoạt động thương mại, trong đó hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác. Luật Thương mại (năm 2005) của Việt Nam và trong nhiều Hiệp định thương mại song phương đã được ký kết mà điển hình là Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, khái niệm “Thương mại” đều đã được hiểu theo nghĩa rộng, tức là bao gồm thương mại hàng hóa, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại dịch vụ, xúc tiến thương mại (XTTM) và các hoạt động nhằm mục đích sinh lời khác.

Trên cơ sở giải thích về thương mại, có thể thấy thương mại quốc tế chính là việc thực thi thương mại giữa các chủ thể ở hai hay nhiều quốc gia. Con người và các chủ thể khác giao dịch vì họ tin rằng họ sẽ có lợi trong trao đổi. Họ có nhu cầu hoặc mong muốn có được hàng hóa hoặc dịch vụ. Khi đó, họ trao đổi với các chủ thể khác để vừa có thể đáp ứng nhu cầu, song đồng thời cũng có thể có một lợi ích nào đó từ hoạt động trao đổi. Trong thương mại quốc tế đòi hỏi thương mại phải tuân thủ nguyên tắc công bằng. Thương mại công bằng nghĩa là việc hợp tác thương mại dựa trên cơ sở đối thoại, minh bạch và tôn trọng, tìm kiếm sự công bằng hơn trong thương mại quốc tế. Điều này đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế thế giới thông qua việc đưa ra các điều kiện giao dịch tốt hơn nhằm/và bảo đảm các quyền của nhà sản xuất nhỏ lẻ và công nhân, đặc biệt là tại các nước đang và chậm phát triển. Thương mại công bằng giúp tăng hỗ trợ cho các nhà sản xuất, nâng cao nhận thức và vận động cho những thay đổi trong các quy tắc và thông lệ thông thường của thương mại quốc tế. Ngoài ra, thương mại công bằng còn đóng góp cho cuộc chiến chống đói nghèo, biến đổi khí hậu và khủng hoảng kinh tế trên thế giới.

2.1.2.2. Phân loại thương mại quốc tế

Trong thương mại quốc tế có nhiều căn cứ khác nhau để phân loại, song căn cứ vào đối tượng mua bán giao dịch, có thể chia thành: thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ. Sau này có một số hàng hóa đặc biệt, là các sản phẩm số hóa,

được giao dịch trên các nền tảng điện tử, cùng với sự phát triển của internet đã dẫn tới nhu cầu mua bán hàng hóa trực tuyến (online). Từ đó, các quốc gia đã điều chỉnh mối quan hệ thương mại giữa các quốc gia trên góc độ thương mại điện tử.

Tuy nhiên, trong nội dung của Luận án chỉ đề cập đến thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ.

* Thương mại hàng hóa:

Hẩu hết trong các lý thuyết về thương mại quốc tế đều đề cập đến thương mại hàng hóa, bởi hàng hóa được thể hiện theo phương diện vật chất, có thể cầm nắm, có đặc tính nhất định, có thể đánh giá chất lượng, dễ dàng và thuận tiện trong việc trao đổi, mua bán.

Trong suốt quá trình phát triển của nền kinh tế thế giới, đẩy mạnh sự phát triển thương mại hàng hóa luôn được đặt ở vị trí trọng tâm trong các mục tiêu tăng trưởng và phát triển của các quốc gia. Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, phát triển thương mại là tất yếu cho quá trình tăng trưởng và hội nhập vào nền kinh tế thế giới.

Ngoài các lý thuyết thương mại cổ điển và hiện đại, nhiều hiệp định và các công ước, quy tắc quốc tế đã được hình thành, tạo cơ sở chung thống nhất để các quốc gia thực hiện thương mại quốc tế trên cơ sở công bằng, không phân biệt đối xử giữa các quốc gia.

Hàng hóa cũng được đánh mã số cụ thể để thuận tiện cho việc giao dịch, cũng như quản lý thương mại quốc tế tại các quốc gia. Việc hài hòa và mã hóa hàng hóa tạo thuận lợi cho việc thông thương hàng hóa trên toàn thế giới. Dựa trên cơ sở lợi thế so sánh và lợi thế tuyệt đối của các quốc gia trong việc sản xuất các hàng hóa hữu hình, các quốc gia đã ban hành biểu thuế trong từng thời kỳ nhằm điều chỉnh chính sách thương mại quốc tế sao cho vừa có thể bảo hộ được sản xuất trong nước, đồng thời kích thích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu. Thuế quan cũng là nội dung chính trong đàm phán quốc tế giữa các quốc gia, trở thành công cụ để tạo ra thuận lợi trong thương mại hàng hóa quốc tế.

Dựa trên cơ sở thống kê kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu các quốc gia có thể đánh giá được tình hình thương mại với các đối tác trên thế giới, từ đó đề xuất các chính sách phù hợp nhằm phát triển chính sách thương mại quốc tế của mình trong từng thời kỳ.

* Thương mại dịch vụ:

Song song với quá trình phát triển nền kinh tế, các dịch vụ phụ trợ cho việc mua bán hàng hóa cũng dần được định hình và mở rộng. Sau đó, chính những dịch vụ này lại trở thành các đối tượng được mua bán giữa các chủ thể trong nền kinh tế.

Vì vậy, việc đưa ra một quy tắc chung áp dụng trong thương mại dịch vụ giữa các quốc gia trên thế giới trở nên cần thiết.

Trong khuôn khổ của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT), tại vòng đàm phán Uruguay diễn ra từ năm 1986 đến năm 1994, các nước thành viên của GATT đã thông qua Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS). Hiệp định được thiết lập nhằm mở rộng phạm vi điều chỉnh của hệ thống thương mại đa phương sang lĩnh vực dịch vụ chứ không chỉ điều chỉnh một mình lĩnh vực thương mại hàng hoá như trước đó.

Việc điều chỉnh thương mại dịch vụ trước hết cần phải dựa vào cách hiểu khái niệm về dịch vụ. Trên cơ sở đó, các chủ thể trong nền kinh tế mới đưa ra được các điều kiện giao dịch về hàng hóa dịch vụ.

Khái niệm về dịch vụ

Nhiều nhà kinh tế đã đưa ra nhiều định nghĩa khác nhau về dịch vụ. Nhà kinh tế Adam Smith từng định nghĩa rằng: "dịch vụ là những nghề hoang phí nhất trong tất cả các nghề như cha đạo, luật sư, nhạc công, ca sĩ ôpêra, vũ công...Công việc của tất cả bọn họ tàn lụi đúng lúc nó được sản xuất ra". Điều này nói lên bản chất của dịch vụ là thường “không cất trữ được”, việc sản xuất và tiêu thụ diễn ra đồng thời.

C. Mác cho rằng: "Dịch vụ là con đẻ của nền kinh tế sản xuất hàng hóa, khi mà kinh tế hàng hóa phát triển mạnh, đòi hỏi một sự lưu thông thông suốt, trôi chảy, liên tục để thoả mãn nhu cần ngày càng cao đó của con người thì dịch vụ ngày càng phát triển". Như vậy, khi kinh tế càng phát triển thì vai trò của dịch vụ ngày càng quan trọng và dịch vụ đã trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khác nhau: từ kinh tế học đến văn hóa học, luật học, từ hành chính học đến khoa học quản lý. Do vậy mà có nhiều khái niệm về dịch vụ theo nghĩa rộng hẹp khác nhau, đồng thời cách hiểu về nghĩa rộng và nghĩa hẹp cũng khác nhau. Tựu trung lại, có thể hiểu dịch vụ theo 2 nghĩa rộng và nghĩa hẹp như sau:

Theo nghĩa hẹp, dịch vụ chỉ là một công việc, một sản phẩm nhất định được thực hiện nhằm thỏa mãn một nhu cầu nào đó của con người, ví dụ như dịch vụ đào tạo, dịch vụ vận chuyển, dịch vụ bảo hiểm, v.v..

Theo nghĩa rộng, dịch vụ được coi như thành phần kinh tế thứ ba, bên cạnh công nghiệp và nông nghiệp, bao gồm “toàn bộ các hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu nào đó của con người mà sản phẩm của nó tồn tại dưới hình thái phi vật thể”

(Hồ Văn Vĩnh, 2009). Theo nghĩa này, dịch vụ bao trùm tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội, không chỉ tồn tại ở các lĩnh vực truyền thống như giao thông vận tải, du lịch, ngân hàng, thương mại, bao hiểm, bưu chính viễn thông mà còn lan toả đến các lĩnh vực rất mới như: dịch vụ văn hoá, hành hính, bảo vệ môi trường, dịch vụ tư vấn.

Theo nội dung của đề tài này, dịch vụ được hiểu theo nghĩa rộng, nghĩa là tất cả các hoạt động sản xuất phi vật chất nhằm đáp ứng các nhu cầu của con người.

Khái niệm về thương mại dịch vụ:

Từ các khái niệm trên về thương mại và dịch vụ, có thể nhận định rằng, thương mại dịch vụ không chỉ là thương mại theo nghĩa thông thường, nghĩa là bao gồm hoạt động tiêu thụ sản phẩm mà còn có nghĩa là toàn bộ các giao dịch về đầu tư và chuyển động của người dân, với tư cách là người tiêu dùng hoặc nhà cung cấp dịch vụ. Do đó, các dịch vụ thương mại bao gồm: thương mại xuyên biên giới trong vận tải hàng không và đường bộ; tiêu dùng của người nước ngoài dịch vụ du lịch;

đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngân hàng, truyền thông và phân phối; sự di cư tạm thời của các bác sĩ, giáo viên và công nhân xây dựng.

OECD (2018) đưa ra định nghĩa về thương mại dịch vụ như sau: “Thương mại dịch vụ ghi lại giá trị của các dịch vụ trao đổi giữa người cư trú và người không cư trú của một nền kinh tế, bao gồm các dịch vụ được cung cấp thông qua các chi nhánh nước ngoài được thành lập ở nước ngoài. Chỉ số này được đo bằng triệu USD và tỷ lệ phần trăm GDP cho xuất khẩu, nhập khẩu và thương mại ròng”. Dịch vụ bao gồm vận tải (cả vận chuyển hàng hóa và hành khách), du lịch, dịch vụ liên lạc (bưu chính, điện thoại, vệ tinh, v.v.), dịch vụ xây dựng, dịch vụ tài chính và bảo hiểm, máy tính và dịch vụ thông tin, tiền bản quyền và phí giấy phép, dịch vụ kinh doanh khác (buôn bán, vận hành cho thuê, dịch vụ kỹ thuật và chuyên nghiệp, vv),

dịch vụ văn hóa và giải trí, và các dịch vụ của chính phủ không có trong danh sách trên. Thương mại dịch vụ thúc đẩy việc trao đổi ý tưởng, bí quyết và công nghệ, mặc dù nó thường bị hạn chế bởi các rào cản như quy định trong nước. Tất cả các quốc gia OECD biên dịch dữ liệu theo Hệ thống tài khoản quốc gia 2008 (SNA).

Trong thời gian dài trước đây, khi nói về thương mại dịch vụ người ta thường nói đến các hoạt động diễn ra trong phạm vi của một quốc gia và khó có thể tiến hành các giao dịch qua biên giới. Với các dịch vụ quan trọng như bảo hiểm, giáo dục, y tế, việc cung cấp dịch vụ thường do nhà nước đảm nhận và kiểm soát chặt chẽ. Trừ trường hợp vận tải biển và dịch vụ tài chính là những lĩnh vực có sự trao đổi xuyên biên giới từ khá lâu. Chính nhờ những dịch vụ này mà thương mại hàng hóa được phát triển với tốc độ chóng mặt như ngày nay. Các chính phủ cũng đã nhận ra tầm quan trọng của việc trao đổi các dịch vụ thông qua việc cho phép đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực dịch vụ. Song, nhiều rào cản vẫn được các quốc gia dựng lên đối với việc thương mại trong một số lĩnh vực đặc biệt. Chính vì vậy, nhằm đáp ứng nhu cầu tự do hóa hơn nữa giữa các nước thành viên, Tổ chức thương mại thế giới (WTO) đã đưa các đàm phán về dịch vụ vào khuôn khổ thương mại đa phương dưới hình thức Hiệp định Thương mại dịch vụ (GATS) nhằm tạo điều kiện phát triển loại hình thương mại khá quan trọng và tương đối đặc biệt này.

Tuy nhiên, trong GATS không hề đưa ra định nghĩa thế nào là dịch vụ, cũng như thương mại dịch vụ. Điều này đáng ngạc nhiên, song có nhiều cách lý giải cho hành động trên của GATS. Đó là, trên quan điểm thực dụng của nhiều nhà nghiên cứu, việc không bó buộc vào một thuật ngữ chung thống nhất sẽ tạo ra tính mở cho việc áp dụng thương mại dịch vụ, đem lại sự tự do cũng như thuận lợi cho phát triển loại hình này. Hơn nữa, do tính phi vật thể, không thể lưu trữ, tính đồng thời trong sản xuất và tiêu dùng khiến cho các nhà đàm phán có thể khó khăn trong việc chắt lọc và thể hiện ngữ nghĩa chuẩn xác nhằm đáp ứng các mục tiêu của Hiệp định. Một nguyên nhân khác cũng không kém phần quan trọng là người ta đều thấy, việc có hay không có một thuật ngữ về “hàng hóa” trong GATT cũng chẳng ảnh hưởng gì đến việc thực thi các quyết định của GATT. Do vậy, thay vì đưa ra thuật ngữ, GATT đã trình bày thương mại dịch vụ theo 4 phương thức cung cấp, tùy thuộc vào

sự hiện diện trên lãnh thổ của nhà cung cấp và khách hàng trong thời gian tiến hành giao dịch. Theo Điều I:2 của GATS bao gồm các dịch vụ cung cấp:

+ Cung cấp qua biên giới – thương mại xuyên biên giới (phương thức 1): việc cung cấp dịch vụ được tiến hành từ lãnh thổ của một nước này sang lãnh thổ của một nước khác. Chỉ có dịch vụ di chuyển qua biên giới, còn các cá nhân cung cấp dịch vụ và tiêu dùng dịch vụ vẫn ở hai nước khác nhau. Ví dụ: Gọi điện thoại quốc tế, khám bệnh từ xa trong đó bệnh nhân và bác sĩ khám ngồi ở hai nước khác nhau.

+ Tiêu dùng ngoài lãnh thổ (phương thức 2): người sử dụng dịch vụ mang quốc tịch một nước đi đến một nước khác và sử dụng dịch vụ ở nước đó. Ví dụ: Sửa chữa tàu biển, lữ hành, du học, chữa bệnh ở nước ngoài.

+ Hiện diện thương mại (phương thức 3): người cung cấp dịch vụ mang quốc tịch một nước đi đến một nước khác, lập ra một pháp nhân và cung cấp dịch vụ ở nước đó. Ví dụ: một ngân hàng thương mại mở một chi nhánh ở nước ngoài.

+ Hiện diện thể nhân (phương thức 4): người cung cấp dịch vụ là thể nhân mang quốc tịch một nước đi đến một nước khác và cung cấp dịch vụ ở nước đó. Ví dụ: Một giáo sư được mời sang một trường đại học ở nước ngoài để giảng bài.

Trong bốn phương thức trên thì phương thức thứ 3 - Hiện diện thương mại có vị trí quan trọng và chiếm tỷ trọng lớn trong thương mại dịch vụ. Thông qua hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài, các liên doanh, công ty 100% vốn nước ngoài đã cung cấp các dịch vụ (trừ dịch vụ du lịch và vận chuyển) tại nước tiếp nhận đầu tư.

Mức độ thu hút vốn đầu tư trực tiếp càng lớn thì giá trị nhập khẩu dịch vụ của nước sở tại càng cao.

Tiếp theo là phương thức 1 – Thương mại dịch vụ giữa các nước. Khi các phương tiện công nghệ, thông tin liên lạc và internet ngày càng phát triển với tốc độ chóng mặt, việc cung cấp các dịch vụ theo phương thức 1 cũng bùng nổ theo. Ngày càng có nhiều dịch vụ được xuất nhập khẩu theo phương thức này như ngân hàng điện tử, khám bệnh từ xa, học trực tuyến, v.v.. Sự tự do thương mại, mở cửa thị trường dịch vụ của nhiều chính phủ cũng tạo đà cho sự phát triển của thương mại dịch vụ giữa các nước, nhất là trong dịch vụ viễn thông.

Một phần của tài liệu Đẩy mạnh quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc VKFTA (Trang 32 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(194 trang)