CHƯƠNG 5: ĐỊNH HƯỚNG, GIẢI PHÁP VÀ KIẾN NGHỊ THÚC ĐẨY
5.3. Giải pháp thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam – Hàn Quốc đến năm
5.3.2. Nhóm giải pháp về phía doanh nghiệp
Việc chủ động nghiên cứu thị trường Hàn Quốc là vô cùng cần thiết đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Hàn Quốc. Các vấn đề mà doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm khi nghiên cứu về thị trường Hàn Quốc như:
• Về văn hóa kinh doanh của Hàn Quốc: Do ảnh hưởng của Nho giáo và Đạo Khổng, người Hàn Quốc rất coi trọng lễ nghĩa, trật tự trên dưới trong gia đình, xã hội.
Trong gia đình, người Hàn Quốc kính trọng, lễ phép với người trên, sống có trách nhiệm.
Ngoài xã hội, người Hàn Quốc tự nhận thức được vị trí của họ trong xã hội cũng như vị trí công việc. Người Hàn Quốc có tâm lý cộng tác làm ăn với những người họ quen biết. Do đó, khi muốn khởi nghiệp kinh doanh với đối tác Hàn Quốc, doanh nghiệp của Việt Nam sẽ thuận tiện hơn nếu có người giới thiệu là người có chức sắc, có vị trí tại Hàn Quốc.
• Về việc cân nhắc việc sử dụng mẫu C/O thích hợp để đạt được lợi ích nhất: Hiện nay, Việt Nam và Hàn Quốc cùng là thành viên của WTO, đã ký AKFTA và VKFTA.
Do đó, doanh nghiệp cần so sánh mức ưu đãi nào đem lại lợi ích lớn hơn cho doanh nghiệp thì sử dụng mẫu C/O thích hợp
• Chủ động tìm hiểu thông tin cam kết hội nhập để có kế hoạch sản xuất, kinh doanh tận dụng được cơ hội cũng như sẵn sàng đối phó cạnh tranh; chủ động đầu tư, đổi mới trang thiết bị công nghệ, nâng cao tay nghề và năng lực của người lao động, cần chủ động tạo sự liên kết, gắn bó giữa các doanh nghiệp; có chiến lược phát triển quan hệ lâu dài với đối tác Hàn Quốc thông qua việc học hỏi các đối tác Hàn Quốc tại Việt Nam.
• Các doanh nghiệp nên liên kết với nhau và có giải pháp tham gia vào chuỗi sản xuất, mạng phân phối của các doanh nghiệp Hàn Quốc để tận dụng những thế mạnh về thị trường, thương hiệu, cách thức tổ chức, quản lý, kinh nghiệm phát triển trong cạnh tranh để vừa tận dụng cơ hội, vừa vượt qua thách thức nhanh chóng và hiệu quả. Doanh nghiệp cần rèn luyện năng lực dự báo và thích ứng cao với rủi ro và phụ thuộc lẫn nhau trong nền kinh tế toàn cầu...
Điều này có nghĩa là, các doanh nghiệp Việt Nam, ngoài việc biết tận dụng cơ hội giảm thuế từ VKFTA thì cũng cần phải chuẩn bị thật kỹ các thủ tục cũng như quy trình sản xuất theo đúng quy định, tiêu chuẩn vệ sinh, kiểm dịch của Hàn Quốc. Đối với các doanh nghiệp sản xuất, nhất là các doanh nghiệp sản xuất nông sản, cần phối hợp với người nông dân và các nhà khoa học để đảm bảo quy trình kể từ giống, chăm bón, thu hoạch, bảo quản, nhãn mác theo đúng tiêu chuẩn. Ngoài các cam kết về thuế, Nhà nước cũng có thể hỗ trợ các doanh nghiệp và người nông dân các kỹ thuật trồng trọt và có các chương trình hỗ trợ, đào tạo để đảm bảo hiệu quả cao nhất trong xuất khẩu rau quả sang thị trường Hàn Quốc.
Bản thân các doanh nghiệp cần có sự thay đổi và nâng cao nhận thức, kiến thức của đội ngũ nhân viên, đặc biệt là bộ phận nghiên cứu và phát triển kinh doanh trong việc tiếp cận với các cơ sở dữ liệu về các FTA để từ đó đưa ra biện pháp phù hợp. Đồng thời, việc thiết lập một mạng lưới chia sẻ thông tin với các doanh nghiệp đã có kinh nghiệm trong việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do như VKFTA là hết sức cần thiết. Các doanh nghiệp cũng nên mở rộng hơn các hoạt động quảng bá, tiếp cận thị trường, qua đó sẽ góp phần giúp thu hút sự quan tâm từ nước bạn. Đồng thời, doanh nghiệp cần có các phòng ban chuyên tư vấn, tiếp thị và giải đáp các thắc mắc về các chính sách cho các doanh nghiệp Hàn Quốc.
5.3.2.2. Tăng cường đổi mới, sáng tạo
Quan hệ hợp tác Việt Nam và Hàn Quốc phụ thuộc vào tầm nhìn, ý chí vươn lên và sự năng động sáng tạo của đội ngũ doanh nhân hai nước. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nên kết nối với cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc để chia sẻ những ý tưởng mới, những giải pháp sáng tạo, hỗ trợ cho các chương trình dự án khởi nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh để trở thành lực lượng tiên phong trong hợp tác và liên kết kinh tế, góp phần củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác hợp tác chiến lược giữa hai nước Việt Nam và Hàn Quốc.
5.3.2.3. Tăng năng lực hoạt động sản xuất kinh doanh
(i) Tăng cường đầu tư vào hệ thống trang bị máy móc công nghệ hiện đại vào hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ, từ đó nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tiếp cận dần với các công nghệ mới, công nghệ sản xuất tương lai.
(ii) Tăng cường nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong doanh nghiệp, xây dựng đội ngũ nhân lực có tay nghề cao, có kỹ năng về chuyên môn và năng lực quản lý, tác
phong công nghiệp, từ đó giúp doanh nghiệp Việt Nam tăng khả năng đáp ứng về yêu cầu kết nối với các doanh nghiệp Việt Nam. Đây chính là yếu tố hàng đầu giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp, bởi dịch vụ được cung cấp đồng thời với tiêu dùng, chất lượng dịch vụ phụ thuộc rất lớn vào nguồn nhân lực cung cấp.
5.3.2.4. Tăng cường xúc tiến thương mại
(i) Phối hợp với các cơ quan quản lý chuyên ngành để có thông tin chính xác và sự tư vấn hỗ trợ từ phía các cơ quan chuyên ngành về việc phát triển, tiếp cận thị trường xuất khẩu dịch vụ.
(ii) Doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường liên kết với các doanh nghiệp FDI của Hàn Quốc. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đã chủ động nâng cao năng lực nghiên cứu và năng lực sản xuất để có thể tham gia vào chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp FDI trong các lĩnh vực về sản xuất cơ khí. Nhiều doanh nghiệp chủ lực trong ngành cơ khí đã đầu tư, đổi mới dây chuyền công nghệ, tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài như Công ty CP Dây và Cáp điện Thượng Đình (thực hiện hợp tác và chuyển giao công nghệ với đối tác Hàn Quốc). Các mối quan hệ, cũng như phân khúc thị trường của các công ty Hàn Quốc cũng sẽ giúp cho các nhà đầu tư Việt Nam thâm nhập vào thị trường một cách nhanh chóng và có hiệu quả hơn.
(iii) Tích cực tham gia vào các Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam để có được các thông tin về tình hình thị trường, các cơ hội đầu tư cũng như phân tích các rủi ro khi có các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia và sự thay đổi về các chính sách kinh tế ở trong nước.
(iv) Tích cực và chủ động tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư để tăng thêm cơ hội tiêp xúc và giao thương với các doanh nghiệp nước ngoài, tiếp cận với các doanh nghiệp FDI của Hàn Quốc. Thông qua các hội chợ hoặc các hoạt động xúc tiến đầu tư mà các cơ quan tổ chức của hai quốc gia tổ chức, nhiều doanh nghiệp đã tìm thấy các cơ hội hợp tác đầu tư sản xuất kinh doanh, nhất là trong các lĩnh vực về sản xuất, phân phối các phụ tùng xe hơi, các sản phẩm cơ khí, điện tử ở Việt Nam.
(v) Tăng cường công tác nghiên cứu thị trường. Hàn Quốc là một quốc gia phát triển, sẽ có nhiều cơ hội để tiến hành đầu tư sản xuất kinh doanh trong những ngành sản xuất mới, các ngành sản xuất thông minh hoặc cung cấp các dịch vụ thông minh dựa trên các sản phẩm lợi thế sẵn có của Việt Nam. Chủ động nghiên cứu kỹ các cơ hội đầu tư sang Hàn Quốc và điều chỉnh các chiến lược kinh doanh phù hợp nhằm tận dụng các ưu
đãi trong Hiệp định VKFTA đã được ký kết để đẩy mạnh đầu tư và xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này.Chủ động tìm hiểu thông tin về các doanh nghiệp FDI của Hàn Quốc mà doanh nghiệp đang có ý định kết nối thông qua các kênh hỗ trợ xúc tiến của Việt Nam hoặc liên hệ trực tiếp với các tổ chức của Hàn Quốc tại Việt Nam như KOTRA, KITA…
(vi) Chủ động nâng cao kiến thức và nhận thức về Hiệp định thương mại tự do VKFTA: Theo một khảo sát gần đây của KOTRA Hà Nội đối với các doanh nghiệp thường xuyên giao dịch với các đối tác Hàn Quốc, hầu hết các doanh nghiệp đều biết về VKFTA, nhưng kiến thức về VKFTA của họ vẫn chưa đầy đủ. Do đó, các doanh nghiệp đã không tận dụng hết các lợi ích mà VKFTA có thể cung cấp.
(vii) Phối hợp với các doanh nghiệp bản địa Hàn Quốc tổ chức các hội chợ triển lãm, festival nhằm tiếp thị những sản phẩm mới lạ, nổi bật của doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ đến với những người tiêu dùng và các doanh nghiệp khác tại nước bản địa.
(viii) Chủ động tìm kiếm những khách hàng tiềm năng thông qua các kênh truyền thông, thông tin. Từ đó liên hệ và nếu có thể thì tiến hành tạo lập nên mối quan hệ hợp tác. Tận dụng cộng đồng người Việt Nam ở Hàn Quốc với hơn 100.000 người để nhận được sự hỗ trợ về pháp lý, về mạng lưới tiêu thụ, về các vấn đề văn hóa xã hội và văn hóa kinh doanh khác khi tiến hành cung cấp dịch vụ tại Hàn Quốc.
(ix) Thực hiện liên kết với các Ngân hàng và các công ty bảo hiểm để đầu tư sang Hàn Quốc nhằm tăng sức mạnh về vốn và phòng tránh các rủi ro từ hoạt động kinh doanh tại thị trường nước ngoài.
Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, không nên trông chờ vào các chính sách của Nhà nước mà cần chủ động thực hiện các giải pháp nhằm phát triển hoạt động thương mại trên cơ sở phân tích và đánh giá các cơ hội và thách thức có thể đến đối với mỗi doanh nghiệp trong từng ngành.
5.3.2.5. Đa dạng hóa các dịch vụ và phương thức cung cấp dịch vụ
(i) Tận dụng các cơ hội mở cửa thị trường mà VKFTA mang lại, đa dạng hóa các hình thức, phương thức thực hiện cung cấp dịch vụ. Thực hiện các chiến lược cung cấp dịch vụ một cách hợp lý, trong đó kết hợp với thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ.
(ii) Xây dựng cơ sở khách hàng nước ngoài cho các dịch vụ trực tuyến của Việt Nam. Hiện nay, nhiều dịch vụ đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong cung
cấp các dịch vụ để tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Chính vì vậy, việc xây dựng cơ sở khách hàng trong các dịch vụ trực tuyến trở nên cần thiết và giúp các doanh nghiệp có thể xây dựng các kế hoạch kinh doanh phù hợp với từng đối tượng khách hàng và từng khu vực thị trường nhất định.
(iii) Kết hợp các dịch vụ tạo thành chuỗi dịch vụ, kết hợp thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ. Các dịch vụ có thể kết hợp với nhau một cách nhuần nhuyễn để đồng thời làm tăng kim ngạch xuất khẩu từ nhiều dịch vụ khác nhau. Các dịch vụ được thiết kế nên dựa trên cơ sở lợi thế so sánh và bản sắc riêng của Việt Nam.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ mà bên mình cung cấp, trực tiếp thông qua nâng cao chất lượng của đội ngũ nhân viên, người lao động. Chất lượng dịch vụ là một trong những tiêu chí tối quan trọng của khách hàng khi tiến hành lựa chọn, một doanh nghiệp cung cấp những dịch vụ tốt, hợp lý thì sẽ thu hút được một lượng khách đáng kể và đồng thời những khách hàng này sẽ chính là những người góp phần quảng bá và giới thiệu các sản phẩm của doanh nghiệp đến những người con lại. Qua đó giúp tăng thêm uy tín cho doanh nghiệp và thu lại lòng tin của các khách hàng sau khi sử dụng dịch vụ.