Tăng cường xúc tiến thương mại hàng hóa và dịch vụ

Một phần của tài liệu Đẩy mạnh quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc VKFTA (Trang 155 - 160)

CHƯƠNG 5: ĐỊNH HƯỚNG, GIẢI PHÁP VÀ KIẾN NGHỊ THÚC ĐẨY

5.4. Kiến nghị đối với Nhà nước

5.4.5. Tăng cường xúc tiến thương mại hàng hóa và dịch vụ

Đối với hàng hóa hữu hình, các hoạt động về xúc tiến thương mại đã diễn ra từ khá lâu và có rất nhiều hoạt động từ các cấp Trung ương đến địa phương và các ban ngành để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa trên nhiều thị trường, trong đó có Hàn Quốc. Song, các hoạt động xúc tiến thương mại dịch vụ dường như chưa có một chiến lược xúc tiến đồng bộ và dài hạn. Trong từng ngành khác nhau lại có các chính sách khác nhau nhằm thúc đẩy hoạt động dịch vụ trong nước, một phần hỗ trợ thúc đẩy mở rộng cung cấp dịch vụ ra nước ngoài. Ví dụ như các dịch vụ ngân hàng, tài chính và bảo hiểm cũng có các chính sách xúc tiến riêng. Ngành du lịch có các chính sách riêng về thu hút khách du lịch nước ngoài, bao gồm khách du lịch đến từ Hàn Quốc. Ngành văn hóa, thông tin và truyền thông cũng có các kế hoạch khác nhau về từng mảng. Các hoạt động này diễn ra độc lập, mạnh ngành nào ngành đó thực hiện, thiếu sự liên kết và không theo một quy chuẩn hoặc kế hoạch tổng thể chung, dẫn tới gây lãng phí nguồn nhân lực và vật lực của Nhà nước.

Bởi vậy, Nhà nước cần có kế hoạch tổng thể nhằm quy hoạch lại các dịch vụ, đồng thời đưa ra chiến lược phát triển thương mại dịch vụ chung của Việt Nam trong một giai đoạn nhất định. Trên cơ sở quy hoạch chung tổng thể của Nhà nước, các ngành có kế hoạch phát triển cụ thể nhằm tạo ra sự đồng bộ trong thực hiện.

Hoạt động xúc tiến đầu tư và xúc tiến thương mại có thể được thực hiện theo các hướng như sau:

(i) Tăng cường kêu gọi, xúc tiến đầu tư của Hàn Quốc trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Giá trị xuất khẩu trong các sản phẩm sản xuất nông nghiệp của Việt Nam

sang Hàn Quốc còn thấp, do phần lớn Việt Nam chỉ xuất khẩu dưới hình thức thô, sơ chế, các điều kiện về bảo quản, bao bì, cũng như các kỹ thuật.

(ii) Tăng cường liên kết giữa các Hiệp hội và tổ chức của Việt Nam và các Hiệp hội, tổ chức xúc tiến thương mại và đầu tư của Hàn Quốc để tạo ra các kênh cầu nối giữa doanh nghiệp hai nước, thúc đẩy giao thương và đầu tư song phương. VCCI hiện nay đang thực hiện khá tốt vai trò là đại diện của các doanh nghiệp Việt Nam trong các cuộc đối thoại với các cơ quan quản lý nhà nước ở trong nước và là kênh giao tiếp của các doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài. Bởi vậy, thay vì có quá nhiều kênh cầu nối, nhà nước nên có cơ chế giao quyền thành một đầu mối xúc tiến thương mại và đầu tư cho VCCI trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được với các cơ hội kinh doanh và đầu tư ở trong và ngoài nước, trong đó có các doanh nghiệp Hàn Quốc. Việc kết nối giữa VCCI và KOTRA, hay KOICA, KITA của Hàn Quốc sẽ giúp tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hai nước, đồng thời cũng giảm thiểu các hạn chế trong các hoạt động quản lý của các cơ quan nhà nước.

(iii) Thực hiện chương trình tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu, cung cấp thông tin về môi trường đầu tư, tiềm năng và cơ hội đầu tư kinh doanh. Xây dựng danh mục các dự án kêu gọi đầu tư, danh mục các dự án tổ chức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư, danh mục các lĩnh vực dịch vụ đẩu tư trọng điểm. Hợp tác với các tổ chức xúc tiến đầu tư trong nước và nước ngoài, đào tạo và nâng cao năng lực cho các cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư. Hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin thị trường, về đăng ký, bảo hộ và phát triển thương hiệu, về áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế.

(iv) Thực hiện khuyến khích đặc biệt đối với các dự án đầu tư có giải pháp hiệu quả đối với môi trường và các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghệ sạch, công nghệ trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo. Các ưu đãi có thể bao gồm các chính sách về tín dụng, thuế, cơ sở hạ tầng giao thông và thông tin liên lạc.

(v) Xây dựng bộ chỉ số về môi trường, làm cơ sở để đánh giá các hoạt động, các dự án đầu tư và xây dựng các kế hoạch, cũng như chiến lược đầu tư dài hạn cho việc phát triển nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh.

(vi) Tăng cường đàm phán hợp tác giữa các chính phủ trong các các lĩnh vực dịch vụ mà Việt Nam có thế mạnh trên cơ sở kết hợp lợi thế so sánh của Việt Nam và Hàn Quốc như du lịch, hàng hải….

KẾT LUẬN

Hàn Quốc đã trở thành đối tác chiến lược của Việt Nam. Trong nhiều mặt của đời sống kinh tế tại Việt Nam đều có thể thấy bóng dáng của con người, văn hóa, doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ có nguồn gốc từ Hàn Quốc. Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đã tận dụng tốt các cơ hội để thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Ở phía ngược lại, chính phủ Việt Nam cũng đã thực hiện nhiều biện pháp để giúp đỡ các doanh nghiệp Việt Nam, giúp họ tiếp cận được với thị trường Hàn Quốc, giảm bớt tính trạng nhập siêu cả về hàng hóa và dịch vụ từ thị trường Hàn Quốc. Hiệp định VKFTA được ký kết năm 2015 với hy vọng mở ra một chương mới trong quan hệ hợp tác thương mại giữa doanh nghiệp hai nước. Việc nghiên cứu đề tài: Đẩy mạnh quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn. Trên cơ sở phân tích tình hình thương mại và đánh giá các yếu tố tác động đến thương mại hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam, trong đó bao gồm yếu tố Hiệp định thương mại VKFTA, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong tương lai.

Mô hình trọng lực được sử dụng nhằm đo lường tác động của VKFTA và các yếu tố khác đối với thương mại hai chiều Việt Nam – Hàn Quốc. Trên cơ sở các kết quả và các kết luận được đưa ra, nhiều giải pháp đang và sẽ được đưa ra nhằm giúp Việt Nam có thể giảm thiểu nhập siêu hàng hóa và dịch vụ từ thị trường Hàn Quốc.

Các kết luận rút ra từ nghiên cứu có thể tổng kết như sau:

Thứ nhất, Luận án đã cung cấp hệ thống các vấn đề lý luận về quan hệ thương mại giữa hai quốc gia, trong đó, bao gồm cả thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ. Tác giả đã đề xuất áp dụng mô hình trọng lực vào phân tích tác động của các yếu tố (bao gồm cả yếu tố Hiệp định VKFTA) đến thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Thứ hai, Luận án phân tích thực trạng thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong bối cảnh trước và sau khi VKFTA được ký kết. Theo đó, kết quả cho thấy, Việt Nam trong nhiều năm vẫn nhập siêu cả trong thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ. VKFTA có tác động tích cực đối với thương mại hàng hóa, song lại có tác động ngược chiều đối với thương mại dịch

vụ, do độ trễ trong tác động của VKFTA đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ, bên cạnh đó, vẫn còn nhiều rào cản đối với lĩnh vực dịch vụ bởi đây là lĩnh vực có phạm vi rộng khắp nền kinh tế.

Thứ ba, các yếu tố khác có thể tác động tới kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam bao gồm đầu tư trực tiếp của Hàn Quốc vào Việt Nam, năng lực về cơ sở hạ tầng, tốc độ tăng trưởng kinh tế, các chính sách kinh tế vĩ mô như tỷ giá hối đoái và lạm phát. Trong đó các yếu tố tác động ngược chiều đến thương mại như tỷ giá hối đoái và lạm phát.

Thứ tư, các giải pháp thúc đẩy quan hệ thương mại hàng hóa và dịch vụ Việt Nam và Hàn Quốc cần phải được thực hiện song song ở cả góc độ của nhà nước và doanh nghiệp, trong đó tập trung vào các vấn đề như cải thiện môi trường kinh tế vĩ mô, cải cách thủ tục hành chính, cũng như vấn đề về hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông và viễn thông, thực hiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam nhằm nâng cao năng lực tự thân của các doanh nghiệp. Bản thân các doanh nghiệp cũng cần phải chủ động nghiên cứu sâu hơn về Hiệp định VKFTA, các cơ hội và thách thức mà doanh nghiệp có thể phải đối mặt, từ đó xây dựng các chiến lược và kế hoạch nghiên cứu thị trường, đổi mới sáng tạo và các kế hoạch xúc tiến thương mại hiệu quả.

Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong việc nghiên cứu các tác động từ VKFTA đến hoạt động thương mại hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam, song trong điều kiện hạn chế về mặt dữ liệu, cũng như thời gian nghiên cứu và do mức độ phức tạp của vấn đề nghiên cứu, tác giả chưa phân tích được tác động của một số yếu tố khác như vấn đề về du lịch, nhân lực có tác động đến thương mại dịch vụ song phương Việt Nam – Hàn Quốc. Về mô hình, tác giả cũng mới chỉ sử dụng mô hình trọng lực để phân tích, chưa kiểm nghiệm các mô hình khác như mô hình VAR để phân tích tác động hai chiều của các yếu tố khác đến thương mại hàng hóa và dịch vụ. Bản thân thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ cũng có sự tác động qua lại lẫn nhau.

Trong thời gian tới, tác giả sẽ đi sâu vào những hướng nghiên cứu trên để làm sâu hơn mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

DANH MỤC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU CỦA TÁC GIẢ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN

1. Hoàng Hải (2017), Đẩy mạnh quan hệ hợp tác đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc trong bối cảnh Việt Nam tham gia Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA), Chủ nhiệm đề tài NCKH cấp cơ sở, Trường Đại học Ngoại thương, 2016-2017

2. Hoàng Hải, Vũ Thị Minh Ngọc (2017), Tăng cường đầu tư trực tiếp của Việt Nam sang Hàn Quốc, Tạp chí Kinh tế đối ngoại, số 95/2017, trang 3 – 14.

3. Hoàng Hải, Vũ Thị Minh Ngọc (2017), Tác động của ODA đến thu hút FDI của Hàn Quốc và thương mại song phương Việt – Hàn, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, tháng 10/2017, số 30 (670), trang 7-10.

4. Hoàng Hải (2017), Dự báo tác động của thuế quan trong VKFTA tới giá trị xuất nhập khẩu của mặt hàng rau quả Việt Nam sang Hàn Quốc, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, tháng 02/2017, số 06, trang 7-10.

5. Vũ Thị Minh Ngọc, Hoàng Hải, Đặng Hương Giang, Hồng Thị Minh (2019), Một số vấn đề về quan hệ hợp tác đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc trong bối cảnh thực thi Hiệp định thương mại tư do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA), Sách chuyên khảo, Nhà xuất bản Hàng Hải.

Một phần của tài liệu Đẩy mạnh quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc VKFTA (Trang 155 - 160)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(194 trang)