CHƯƠNG II: THỰC TIỄN XÁC ĐỊNH PHẠM VI BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI THEO CÔNG ƯỚC VIENNA 1980 VÀ MỘT SỐ ĐỀ XUẤT
2.1 Xác định mức bồi thường thiệt hại thực tế
2.1.1 Xác định mức bồi thường thiệt hại vật chất
BTTH vật chất là trách nhiệm mang tính khả quan nhất trong các loại tranh chấp trong thương mại. Bởi tính xác định rõ ràng, cách thức chứng minh cũng logic và có nhiều quy định cụ thể hơn so với những loại thiệt hại khác. Điều 74 không đề cập rõ ràng đến mức độ nào thì bên bị thiệt hại phải chứng minh tổn thất họ gánh chịu để phục hồi thiệt hại theo quy định đó. Tuy nhiên, để được phục hồi thiệt hại do vi phạm hợp đồng, bên bị thiệt hại phải chứng minh rằng họ đã bị thiệt hại do vi phạm. Điều 74 CISG cũng không có quy định rõ ràng về mức độ chứng minh thiệt hại mà các bên phải đáp ứng. Ở các quốc gia luật phổ biến, mức độ chứng minh cần thiết thường được tìm thấy trong yêu cầu mà người yêu cầu chứng minh “sự chắc chắn của các thiệt hại”. Các khoản thiệt hại phải được tính toán và chứng minh một cách hợp lý. Tính hợp lý ở đây được đánh giá một cách khách quan, dựa trên thực tiễn các yếu tố của tranh chấp và của thị trường. Nguyên tắc này không cho phép các bên thổi phồng thiệt hại của mình lên một cách vô căn cứ, bất hợp lý. Bồi thường thiệt hại vật chất đối với một số quốc gia trên thế giới chủ yếu là bồi thường tài sản. Song, việc bồi thường tài sản chung quy lại là quy đổi thành tiền và bồi thường ngang giá vật chất tại thời điểm thẩm định phù hợp với giá cả thị trường, sự hao mòn tự nhiên cũng như giá trị sử dụng hiện tại. Bởi giả sử vật chất hao mòn và giá trị sử dụng kém hơn so với ban đầu dẫn đến việc bên vi phạm bồi thường lại một tài sản mới cho bên bị thiệt hại là không hợp lí. Vì vậy, nhiều quốc gia sẽ lựa chọn việc bồi thường vật chất là bù đắp khoản tiền hợp lí cho tổn thất vật chất mà bên vi phạm đã gây ra. Theo quy định của CISG, cụ thể là Điều 74 “Tiền BTTH xảy ra do một bên phạm hợp đồng là một khoản tiền bao gồm tổn thất và khoản lợi bị bỏ lỡ mà bên kia đã phải chịu do hậu quả của sự vi phạm hợp đồng”. Vậy CISG thống nhất trách nhiệm bồi thường là bù đắp khoản tiền. Để làm rõ hơn về vấn đề bồi thường là bù khoản tiền thiệt hại người viết phân tích vụ tranh chấp về việc giao
hàng thiếu trong vụ mua bán quần áo em bé giữa người mua (nguyên đơn) Cuba và người bán (bị đơn) Trung Quốc32 như sau:
Nguyên đơn và bị đơn ký kết một hợp đồng mua bán theo đó bị đơn phải cung cấp 19.500 tá quần áo trẻ em sợi hỗn hợp với số lượng và giá cả khác nhau với tổng trị giá hợp đồng là 404.415 USD. Số hàng này đã được bốc lên tàu và khi đến nơi nguyên đơn đã xác nhận rằng bề ngoài của số thùng giấy là không có vấn đề gì nhưng có một số thùng có trọng lượng không đủ. Nguyên đơn đã nhờ Cơ quan giám định sở và xác nhận thiếu 606 quần/áo trong 19 thùng hàng được giám định (trong số 300 thùng) so với NQ 9114, B/L52, hoá đơn SUL 30047 được giao. Kết quả giám định 61 thùng hàng theo NQIOO58-4, B/L53, hoá đơn SUL 30048 xác định thiếu 1.845 quần/áo. nguyên đơn và bị đơn đã có một cuộc đàm phán, nhưng bị đơn đã không chấp nhận đàm phán. Căn cứ vào Điều 42 Các điều kiện chung về giao hàng, nguyên đơn cho rằng bị đơn phải chịu trách nhiệm cho số hàng thiếu và yêu cầu bị đơn bồi thường cho các thiệt hại về kinh tế với khoản tiền 4.245,01 USD thanh toán cho số hàng giao thiếu, bao gồm: 606 quần/áo, tương đương với 50,5 tá theo NQ9114 với giá 22,29 USD/tá, là 1.125,65 USD; 1.854 quần/áo, tương đương với 154,5 tá theo NQ10058-4 với giá 20,19 USD/tá, là 3.119,36 USD và phí giám định 180 USD. Như vậy, vấn đề ở đây là nguyên đơn phải chứng minh được số hàng bị thiếu thì mọi vấn đề bồi thường mới được xem xét. Trọng tài trong vụ này đã đưa ra phán quyết rằng: “bị đơn phải bồi thường cho nguyên đơn 4.425,01 USD là khoản tiền đã trả cho số hàng thiếu, và 180 USD phí giám định”.
Thứ nhất, xét theo các quy định tại Điều 14 Các điều kiện chung về giao hàng của hợp đồng, số lượng và khối lượng của hàng hoá được xác định theo vận đơn đường biển. Sau khi hàng đã được bốc lên tàu, bị đơn nhận vận đơn sạch do thuyền trưởng phát hành xác nhận hàng hoá hợp lệ và phù hợp với số lượng ghi trong hoá đơn và bản chứng nhận số thùng hàng với các chi tiết ghi trên vận đơn.
Ngoài ra, từ các tài liệu do nguyên đơn trình, 71 thùng thiếu về số lượng, như vậy nhiều thùng hàng bị rỗng hoặc đã bị mở và thuyền trưởng chắc chắn đã không ký vận đơn sạch. Hơn nữa, nguyên đơn cũng đã xác nhận rằng khi được chuyển đến, các thùng hàng vẫn hợp lệ, nguyên đơn đã không trình được chứng nhận giám định hàng hoá để chứng minh hàng bị thiếu về khối lượng và trong thùng có nhiều thứ
32 Tranh chấp về giao hàng thiếu trong hợp đồng mua bán quàn áo trẻ em http://hocvientuphap.edu.vn/tttuvanphapluat/gocnghiepvu/Pages/phan-quyet-tieu-bieu.aspx?ItemID=15
khác không phải là hàng hoá. Do đó yêu cầu của nguyên đơn có thể bị bác bỏ. Thứ hai, xét theo Điều 15 Các điều kiện chung về giao hàng quy định: “Đơn vị khối lượng và đơn vị đo của bản giám định và xác nhận hàng hoá cung cấp phụ thuộc vào các tài liệu của bên bán”. Xác nhận về số thùng hàng do bị đơn cung cấp chứng minh rằng số hàng được giao phù hợp với các quy định của hợp đồng và cần phải dựa vào bản xác nhận này để xác định số hàng đã giao. Hợp đồng được ký theo điều kiện FOB. Theo các quy định trong INCOTERMS, một khi hàng hoá đã được chuyển qua lan can tàu tại cảng bốc hàng, mọi rủi ro về mất mát hoặc tổn thất đối với hàng hoá cũng được chuyển cho bên mua. Vì vậy, yêu cầu của nguyên đơn lại trở nên không có cơ sở. Nếu dừng lại ở đó, có thể yêu cầu của nguyên đơn hoàn toàn không thể được bồi thường. Song, cũng theo Điều 14 Các điều kiện chung về giao hàng, số lượng hàng do bị đơn giao được xác định theo vận đơn đường biển.
Trong các thùng hàng trên vận đơn đường biển có ghi tổng trọng lượng của hàng hoá, nhưng không ghi số hàng trong từng thùng hoặc khối lượng của mỗi thùng hàng. Theo chứng nhận giám định của Cục giám định hàng hoá tất cả các thùng hàng đều hợp lệ. Có tổng số 2.460 quần/áo thiếu trong 71 thùng. bị đơn đã trình chứng nhận về hàng hoá được đóng vào thùng khi số hàng này còn ở trong nhà máy, nhưng hàng đã không được bốc trực tiếp lên tàu sau khi rời nhà máy mà được vận chuyển bằng nhiều phương tiện, rồi cuối cùng mới được bốc lên tàu. Vì vậy, không loại trừ khả năng việc thiếu hàng xảy ra trước khi số hàng này được bốc lên tàu. Uỷ ban Trọng tài cho rằng Điều 42 Các điều kiện chung về giao hàng đã quy định rõ quyền của các bên được khiếu nại về việc thiếu hàng hoá và do đó bị đơn phải chịu trách nhiệm về việc thiếu hàng này. Từ đó, có thể thấy việc Trọng tài đã đưa ra phán quyết rằng: “Bị đơn phải bồi thường cho nguyên đơn 4.425,01 USD là khoản tiền đã trả cho số hàng thiếu, và 180 USD phí giám định” là có căn cứ.
Quay lại vấn đề, sau khi chứng minh mức độ thiệt hại thì tòa án sẽ xác định mức bồi thường. Cơ quan chuyên môn sẽ đánh giá mức độ thiệt hại và tòa án sẽ xem xét để đưa ra mức bồi thường hợp lí cho hai bên trong hợp đồng. Điều 74 thiết lập các quy tắc chung cho việc tính toán thiệt hại. Quy tắc này áp dụng khi một bên trong hợp đồng vi phạm nghĩa vụ theo CISG. Hội đồng tư vấn CISG cũng đưa ra một số hướng dẫn chung nhất cho việc xác định mức bồi thường. Theo đó, bên bị vi phạm được BTTH do hành vi vi phạm hợp đồng được tính toán dựa trên các giá trị thị trường của lợi ích mà bên bị vi phạm đã bị tước đoạt; hoặc các chi phí hợp lý để có thể đạt được vị trí mà lẽ ra bên này đạt được nếu hợp đồng được thực hiện đúng.
Để chỉ ra cách tính toán thiệt hại, Ban thư ký CISG cung cấp một ví dụ minh họa33 sau đây:
“Hợp đồng mua bán 100 tấn ngũ cốc giá 50.000 USD theo điều kiện FOB.
Do bên bán cung cấp ngũ cốc có độ ẩm nhiều hơn mức hợp đồng cho phép, vì vậy, chất lượng hàng đã bị suy giảm. Bên mua phải mất thêm 1.500 USD cho chi phí làm khô hạt. Nếu hàng được giao đúng chất lượng theo hợp đồng thì giá trị mà bên mua có được sẽ là 55.000 USD, nhưng vì độ ẩm quá cao nên dù đã tiến hành sấy khô hạt thì giá trị của hàng cũng chỉ còn 51.000 USD. Như vậy mức thiệt hại thực tế được bồi thường sẽ là: Sự suy giảm giá trị hàng hóa 4000 USD (55.000 – 51.000) + chi phí thực tế để làm khô 1.500 USD = 5.500 USD”.
Đi vào trường hợp tranh chấp thực tế về việc tính toán bồi thường chi phí hàng hóa kém chất lượng. Vụ việc xảy ra giữa người mua (nguyên đơn) Trung Quốc và người bán (bị đơn) Hong Kong34 như sau:
Nguyên đơn và bị đơn ký hợp đồng số bán cho nguyên đơn một máy đóng gói với giá 80.000 USD. Máy này sẽ được chuyển đến Wuhan theo hai đợt giao hàng. Lần thứ nhất gồm giao bộ phận chính của máy và đợt giao hàng thứ hai gồm các bộ phận phụ của máy. Lần giao hàng đầu tiên bị đơn giao đúng hạn tuy nhiên bị thiếu một bộ phận nhỏ và có một bộ phận bị gỉ toàn bộ, các bộ phận khác han gỉ một phần, thân máy có nước (có giám định của Cục giám định hàng hóa bị đơn giao bộ phận còn thiếu và gửi các kỹ sư đến nhà máy là khách hàng của nguyên đơn để sửa chữa máy. Sau khi lắp đặt xong, do còn thiếu một số bộ phận nên chỉ một phần của máy là có thể hoạt động được. Sau khi tất cả các bộ phận đã được chuyển đến Wuhan, các bên đã ký một thoả thuận theo đó bị đơn bảo đảm sẽ gửi kỹ sư đến nhà máy để lắp đặt, sửa chữa máy và đào tạo công nhân. Sau khi đã trao đổi giữa các bên, nguyên đơn trả 7.125 USD, 50% trị giá lô hàng thứ hai cho bị đơn. Sau đó các kỹ sư của bị đơn đã đến nhà máy để sửa chữa lần thứ hai. Các bên ký một văn bản liên quan đến việc sửa chữa máy lần thứ hai, văn bản này ghi nhận rằng máy không thể hoạt động được do các bộ phận trước khi hoạt động không đạt tiêu chuẩn. Song, nguyên đơn thường xuyên liên hệ với bị đơn lại không nhận được trả lời rõ ràng vì vậy nguyên đơn khởi kiện ra Trọng tài kiện bị đơn không những vi phạm hợp đồng do giao hàng lần thứ hai chậm, giao hàng thiếu, máy bị han gỉ cũng như trì hoãn
33 Bồi thường thiệt hại theo CISG https://cisgw3.law.pace.edu/cisg/CISG-AC-op6.html
34 Vụ tranh chấp chất lượng máy đóng gói
http://hocvientuphap.edu.vn/tttuvanphapluat/gocnghiepvu/Pages/phan-quyet-tieu-bieu.aspx?ItemID=14
trong việc sửa chữa máy làm cho máy không thể hoạt động được sau hai lần sửa chữa. Vấn đề nghiêm trọng này cùng với thực trạng của máy khiến cho nguyên đơn phải chịu tổn thất lớn về kinh tế. Do đó nguyên đơn yêu cầu trả lại máy và các bộ phận phụ của máy cho bị đơn và một trong những yêu cầu của bị đơn là đòi hoàn trả 72.785 USD và lãi ngân hàng.
Từ các ý kiến và tình tiết ghi trong bản báo cáo kết quả sửa chữa lần hai do cả nguyên đơn và bị đơn, trên cơ sở xem xét các thiệt hại mà nguyên đơn phải chịu, Uỷ ban Trọng tài quyết định rằng việc giảm 35% giá máy đóng gói là hợp lý. Uỷ ban Trọng tài quyết định như sau: Giá của máy đóng gói theo Hợp đồng số 5009 ký kết giữa nguyên đơn và bị đơn phải được giảm xuống 35%, tức là 80.000 USD x 35% = 28.000 USD để giải quyết các nghĩa vụ theo hợp đồng giữa các bên. Bị đơn phải hoàn trả khoản tiền này cho nguyên đơn cộng với tiền lãi tính từ ngày 4 tháng 4 năm 1986 đến ngày thanh toán thực tế với lãi suất là 8%/năm. Bị đơn phải trả một khoản tiền phạt là 4.000 USD do giao chậm lô hàng thứ hai. Khoản tiền 7.125 USD nguyên đơn chưa thanh toán cho bị đơn sẽ được khấu trừ vào khoản tiền bị đơn phải trả cho nguyên đơn.
Từ đó rút ra là tiền để trả cho thiệt hại về hàng hóa được tính bằng công thức cụ thể minh bạch và rõ ràng, vì vậy mọi vấn đề sẽ được giải quyết nhanh chóng hơn. Còn trong trường hợp hợp đồng bị hủy thì Công ước Vienna 1980 và Bộ nguyên tắc Unidroit có phương thức tính toán thiệt hại gần giống nhau đó là tính toán thiệt hại trong trường hợp hợp đồng bị hủy và bên bị vi phạm đã ký một hợp đồng thay thế. Lúc này bên bị thiệt hại sẽ được bồi thường khoản chênh lệch giữa giá theo hợp đồng và giá của giao dịch thay thế. Điều 76 đưa ra cách tính toán thiệt hại trong trường hợp hủy hợp đồng nhưng bên bị thiệt hại đã không ký hợp đồng thay thế. Bộ nguyên tắc Unidroit cũng có những điều khoản tương tự là Điều 7.4.5 và 7.4.6.
Tóm lại, BTTH vật chất được quy định cụ thể và khả năng phục hồi chi phí tổn thất của bên thiệt hại khá cao. Không đòi hỏi mức độ chính xác tuyệt đối và việc chứng minh có tính khả thi vì loại thiệt hại này hữu hình. Mọi trường hợp tranh chấp đều có căn cứ để giải quyết, do đó nếu hợp lí nguyên đơn dễ dàng lấy lại những tổn thất mà mình đã mất. Không giống những loại thiệt hại khác, việc chứng minh thiệt hại vật chất dễ dàng hơn nhiều. Với những loại thiệt hại vô hình, việc chứng minh thiệt hại đã khó huống gì việc tính toán mức thiệt hại. Từng loại thiệt
hại sẽ còn phụ thuộc vào nhiều yến tố khác nhau và sẽ được phân tích ở những phần tiếp theo.