Phần III MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM ĐẨY MẠNH VÀ THU HÚT ĐẦU TƯ
III.2 MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM ĐẨY MẠNH VÀ THU HÚT ĐẦU TƯ VÀO CÁC KCN CỦA HẢI PHÒNG
2.1 Một số giải pháp vĩ mô
Cơ sở đề xuất giải pháp: Từ năm 1997 đến nay, tình hình trong nước cũng như và thế giới có nhiều biến động ảnh hưởng nhiều đến việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài nói chung, đầu tư vào KCN nói riêng, đặc biệt là đối với khu vực phía Bắc; Bên cạnh đó, sự nghiệp đổi mới của đất nước yêu cầu nền kinh tế tiếp tục được đổi mới toàn diện, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới… Để tạo điều kiện cho công tác thu hút đầu tư, đặc biệt là vào các KCN ngày một tốt hơn, cần phải có những chính sách chỉ đạo thống nhất từ trung ương đến địa phương. Những yêu cầu đó đã và đang đặt ra những đòi hỏi khách quan về hoàn thiện môi trường pháp lý và những sửa đổi bổ sung về cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư phù hợp với tình hình mới của quốc tế cũng như trong nước.
Phương hướng chung: Trước hết, quán triệt hơn nữa quan điểm của Đảng về tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả thu hút FDI thực sự coi FDI là một thành phần kinh tế, một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân được khuyến khích phát triển lâu dài và bình đẳng với các thành phần kinh tế khác. Trên cơ sở đó, thống nhất nhận thức giữa các bộ, ngành Trung ương với thành phố Hải Phòng trong việc thu hút vốn đầu tư, cụ thể: Chính sách về FDI phải thống nhất, ổn định, minh bạch và dự đoán trước được, các chính sách ban hành sau phải bảo đảm nguyên tắc kế thừa, không hồi tố và hấp dẫn hơn trước. Nhà nước chỉ nên bảo hộ sản xuất trong nước có thời hạn và có điều kiện đối với những ngành cần phát triển và có khả năng cạnh tranh, hoạt động có hiệu quả, bảo đảm nguồn vốn đầu tư; đồng thời phải phối hợp với lộ trình cam kết hội nhập kinh tế quốc tế.
Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các thể chế kinh tế của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là công việc thuộc chức năng của nhiều bộ, ngành dưới sự chỉ đạo của Chính phủ (như việc huy động
vốn thông qua thị trường chứng khoán; quy định mới về giá cho thuê đất KCN, giá đất xây dựng cơ sở sản xuất trong cụm công nghiệp ở nông thôn; cơ chế chuyển giao khoa học và công nghệ; quy định cụ thể về tuyển dụng, sử dụng lao động và các chế độ khác theo luật Lao động – nhất là trong các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài. Các Bộ, ngành Trung ương có liên quan cần rà soát toàn bộ các thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của mình để sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ những quy định gây phiền hà cản trở hoạt động của doanh nghiệp và các nhà đầu tư.
Các lĩnh vực ưu tiên là thuế, hải quan, đầu tư xây dựng cơ bản, đầu tư nước ngoài, cấp giấy phép xây dựng... Việc thể chế hóa cụ thể các lĩnh vực cần theo hướng minh bạch, ổn định và công bằng giữa doanh nghiệp có vốn nước ngoài và doanh nghiệp trong nước, có chính sách ưu đãi cụ thể cho các loại hình đầu tư phát triển công nghiệp, làng nghề...
Các Bộ, ngành Trung ương cần tổ chức phối hợp nghiên cứu tình hình kinh tế, thị trường đầu tư, chính sách của các nước, các tập đoàn và công ty lớn để có chính sách thu hút đầu tư phù hợp; nghiên cứu luật pháp, chính sách, biện pháp thu hút FDI của các nước trong khu vực để kịp thời có đối sách thích hợp. Tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền, phát hành các ấn phẩm giới thiệu hình ảnh đất nuớc, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và FDI của Việt Nam. Xúc tiến đầu tư sơ cấp phải ở cấp xúc tiến đầu tư của Nhà nước. Hiện tại xúc tiến đầu tư sơ cấp chưa có chiều sâu, chỉ dừng lại ở các hình thức như giới thiệu một số chính sách ưu đãi đầu tư, trang tin điện tử, danh mục các ngành nghề, dự án kêu gọi đầu tư, tổ chức các cuộc tiếp xúc, hội thảo tìm hiểu thị trường.
Khi đến vận động đầu tư ở các nước lớn, số người hiểu về Việt Nam, về môi trường đầu tư của Việt Nam là vô cùng ít ỏi. Tại sao nhiều người Nhật Bản đến Trung Quốc đầu tư và du lịch. Vì trên chương trình truyền hình quốc gia Nhật Bản hàng tuần đều đặn có các buổi giới thiệu về văn hóa Trung Quốc, môi trường đầu tư của Trung Quốc, dạy tiếng Trung Quốc. Việc làm này phải thuộc tầm quốc gia có sự tham gia của các Đại sứ quán, các Thương vụ của Việt Nam ở các nước. Xúc tiến đầu tư thứ cấp của địa phương, của Ban quản lý là rất hạn chế về nhiều mặt đặc biệt
là về kinh phí và điều kiện hoạt động, mà cơ bản là nhờ vào hiệu quả của xúc tiến đầu tư sơ cấp. Càng nhiều nhà đầu tư, nhiều khách du lịch vào Việt Nam do kết quả xúc tiến đầu tư sơ cấp thì càng có nhiều cơ hội cho việc xúc tiến đầu tư của các địa phương.
Chính phủ có phương án giảm một số chi phí giao dịch kinh doanh của các doanh nghiệp phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam. Xoá bỏ sự phân biệt về giá, phí một số hàng hoá, dịch vụ giữa các đối tượng trong nước và nước ngoài nhằm thực hiện mục tiêu xoá bỏ hoàn toàn chế độ hai giá. Giảm dần cước viễn thông quốc tế xuống mức ngang bằng với các doanh nghiệp trong khu vực. Có phương án giải quyết dứt điểm việc hoàn trả kinh phí xây dựng công trình ngoài hàng rào của các doanh nghiệp FDI. Các Bộ, ngành rà soát cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản về cải thiện môi trường đầu tư và tăng cường năng lực cạnh tranh của Việt Nam để xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch thực hiện của Bộ, ngành mình, tập trung vào các nhóm giải pháp mà ta đã cam kết liên quan đến: xây dựng và thực hiện chiến lược xúc tiến đầu tư nước ngoài; rà soát lại các quy định pháp luật có liên quan đến đầu tư; nâng cao năng lực của các cơ quan thực thi; xây dựng cơ sở hạ tầng phần mềm liên quan đến đầu tư; xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế; các biện pháp hỗ trợ các nhà đầu tư đã đầu tư vào Việt Nam.
Đề xuất cụ thể: Hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về đầu tư Các Bộ, ngành liên quan cần khẩn trương nghiên cứu, hoàn tất (đã có văn bản dự thảo lấy ý kiến đóng góp từ cơ sở), trình Chính phủ: Luật đầu tư chung cho đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài và Luật doanh nghiệp áp dụng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Theo đó, Luật đầu tư chung quy định các biện pháp bảo đảm đầu tư, lĩnh vực và địa bàn khuyến khích đầu tư, các ưu đãi, hỗ trợ đầu tư,... không phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài; Luật doanh nghiệp quy định hình thức và thủ tục thành lập, tổ chức quản lý,
giải thể doanh nghiệp... áp dụng chung cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
Tiếp tục đề xuất phương án sửa đổi Nghị định 164/2003/NĐ - CP và Nghị định 158/2003/NĐ-CP để giải quyết các vướng mắc trong việc thực hiện các văn bản mới về thuế TNDN và thuế VAT theo hướng: Duy trì ưu đãi về thuế suất và thời gian miễn, giảm thuế TNDN đối với một số dự án đầu tư vào KCN đã áp dụng (10% suốt đời dự án đầu tư vào KCN, nay chỉ được áp dụng trong thời hạn nhất định và đối với từng loại hình doanh nghiệp khác nhau) trước khi các văn bản nói trên có hiệu lực thi hành; Sửa đổi các quy định về thuế VAT đối với hàng hoá, dịch vụ cung ứng cho các doanh nghiệp KCN theo hướng không thay đổi các quy định được áp dụng trước khi Nghị định 158 có hiệu lực thi hành (5% đối với hàng hóa bán cho doanh nghiệp trong KCN nay là 10%); đảm bảo cho các dự án mở rộng quy mô sản xuất được hưởng các ưu đãi như đã quy định tại Giấy phép đầu tư…
Đề xuất phương án sửa đổi Nghị định 105/2003/NĐ-CP theo hướng nới lỏng hạn chế về số lượng lao động nước ngoài (hiện tại là 3% tổng số lao động) được phép tuyển dụng trong các trong các doanh nghiệp, nhất là đối với các doanh nghiệp đặc thù hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao.
Chính phủ có chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng nhà ở để bán và cho thuê phục vụ người lao động tại các KCN, về sở hữu nhà và quyền sử dụng đất đô thị, quyền sử dụng đất của các doanh nghiệp trong KCN;
hướng dẫn việc xử lý đối với đất góp vốn liên doanh trong trường hợp phá sản, giải thể hoặc chuyển đổi hình thức đầu tư.
Chính phủ cần sớm ban hành văn bản bổ sung và sửa đổi một số điều của Nghị định 36/CP nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới, xác định rõ thể chế về tổ chức và hoạt động của hệ thống quản lý các KCN. Xác định đối tượng quản lý và nội dung quản lý đúng với phạm vi trách nhiệm trong từng việc, phân định rõ trách nhiệm của từng cơ quan đối với mặt hoạt động
Bộ Thương mại hướng dẫn việc đầu tư trong lĩnh vực nhập khẩu, dịch vụ phân phối trong nước.
Xây dựng quy chế cán bộ Việt Nam tham gia Hội đồng quản trị và quản lý doanh nghiệp liên doanh.
Xây dựng đề án đào tạo nghề cho các doanh nghiệp FDI...
Mở rộng lĩnh vực thu hút FDI và đa dạng hoá các hình thức đầu tư.
Các Bộ, ngành và địa phương cần khẩn trương hoàn thành việc xây dựng đề án khoán chi hành chính nhằm tạo điều kiện tự chủ về kinh phí đối với các Ban quản lý (BQL) các KCN theo Nghị định của Chính phủ về chế độ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp có thu, về phân cấp quản lý biên chế hành chính, sự nghiệp.
Kết quả mong đợi sau thực hiện giải pháp: Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách đầu tư nhất quán sẽ tạo ra môi trường pháp lý chung ổn định, minh bạch sẽ phát huy được nội lực, khuyến khích được đầu tư nước ngoài, làm cho các nhà đầu tư tin tưởng và yên tâm hơn trong việc kinh doanh và mở rộng đầu tư; thu hẹp cách biệt giữa đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, tránh chồng chéo về thủ tục hành chính từ đó cũng bớt phức tạp và hạn chế được việc các cơ quan quản lý nhà nước can thiệp sâu và tùy tiện vào các công việc của doanh nghiệp. Các chính sách thương mại, thuế, tài chính… rõ ràng, minh bạch sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng cho mọi loại hình doanh nghiệp, phát huy được cả nguồn lực trong và ngoài nước.
Đặc biệt là khi Nghị định 36/CP được sửa đổi, bổ sung sẽ đáp ứng yêu cầu đổi mới, việc xác định thể chế về tổ chức và hoạt động của hệ thống quản lý các KCN sẽ rõ ràng hơn, thuận lợi hơn cho các tỉnh trong việc xác định đối tượng quản lý và nội dung quản lý đúng với phạm vi trách nhiệm trong từng việc, phân định rõ trách nhiệm của từng cơ quan địa phương đối với mặt hoạt động liên quan đến hoạt động chung của KCN.
Cụ thể là tại Hải Phòng, một số lĩnh vực quản lý liên quan đến hình
thành và hoạt động của các cụm, khu công nghiệp sắp tới sẽ được phân định rõ ràng hơn ngay từ khi mới hình thành, tránh việc KCN hay cụm công nghiệp khi thành lập ra không biết cơ quan nào là cơ quan quản lý chính.
Chế độ tự bảo đảm kinh phí hoạt động của BQL: cho phép các BQL được thu từ các nguồn thu phí và lệ phí. Đây là chế độ tài chính đầu tiên triển khai chủ trương xã hội hóa kinh phí hoạt động ở một cơ quan quản lý nhà nước có nguồn thu. Điều này có tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động của BQL, cải thiện môi trường đầu tư và tiết kiệm chi ngân sách nhà nước. Chế độ tự bảo đảm kinh phí hoạt động cho phép BQL hoàn toàn chủ động trong kế hoạch chi tiêu, nhu cầu chi tiêu được đảm bảo kịp thời do thủ tục chi đơn giản hơn trước; cơ sở vật chất cho hoạt động của Ban được tăng cường đáng kể. Mặt khác, chế độ đảm bảo kinh phí đã cải thiện tâm lý làm việc và góp phần nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ của BQL, cải thiện được thu nhập cho cán bộ công nhân viên BQL, gắn liền trách nhiệm của cán bộ công nhân viên BQL với việc phục vụ các nhà đầu tư, những người đã đóng góp kinh phí.
Khi có cơ chế chính sách cụ thể khuyến khích đầu tư xây dựng nhà ở để bán và cho thuê phục vụ người lao động tại các KCN, việc triển khai xây dựng các khu nhà ở tập trung, khu đô thị, thương mại… phục vụ các đối tượng lao động trong khu công nghiệp tại các tỉnh cũng như thành phố Hải Phòng sẽ được thuận lợi hơn, người lao động sẽ được hưởng lợi nhiều hơn qua các cơ sở hạ tầng, tiện ích xã hội, họ sẽ lao động tích cực hơn tạo điều kiện cho doanh nghiệp thành công hơn trong kinh doanh tạo nguồn thu cho ngân sách và người lao động cũng sẽ có thu nhập cao hơn bớt gánh nặng cho xã hội…
Hy vọng trong những năm tiếp theo, với những chính sách thu hút và ưu đãi đầu tư được cải thiện, các hình thức đầu tư vào các KCN sẽ được mở rộng và đa dạng hơn, các tập đoàn lớn với công nghệ cao từ các quốc gia cũng như các nhà đầu tư lớn trong nước sẽ chú ý nhiều hơn đến các KCN của chúng ta.