Giải pháp về thực hiện cơ chế quản lý “một cửa, tại chỗ” ở Hải Phòng

Một phần của tài liệu Phân tích thực trạng và đề xuất một số giải pháp nhằm thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp tại Hải Phòng (Trang 90 - 93)

Phần III MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM ĐẨY MẠNH VÀ THU HÚT ĐẦU TƯ

III.2 MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM ĐẨY MẠNH VÀ THU HÚT ĐẦU TƯ VÀO CÁC KCN CỦA HẢI PHÒNG

2.2 Giải pháp về thực hiện cơ chế quản lý “một cửa, tại chỗ” ở Hải Phòng

Những đề xuất cụ thể: Kiên trì cơ chế quản lý “một cửa – tại chỗ”; để hoàn thiện cơ chế “một cửa – tại chỗ”, BQL các KCN Hải Phòng đã ký và cần tiếp tục thực hiện quy chế phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan ở thành phố như quy chế phối hợp giữa BQL với sở Kế hoạch và đầu tư, sở Thương mại, sở Lao động Thương binh và Xã hội…

Uỷ ban nhân dân (UBND) thành phố và đặc biệt là Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp (HEPIZA) cần tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ công chức thạo việc, đảm nhận được công việc phục vụ các nhà đầu tư khó tính, xây dựng chế độ công tác, chế độ trách nhiệm cá nhân đối với từng phần công việc được giao.

UBND thành phố cần cho nghiên cứu một đề tài khoa học thể chế hóa các quy chế phối hợp giữa BQL với các sở, ban, ngành thành phố thành một văn bản pháp quy của UBND thành phố. Các Bộ, ban, ngành có liên quan đến việc quản lý nhà nước các doanh nghiệp hoạt động trong các KCN cũng như UBND thành phố cần tiếp tục ủy quyền đầy đủ, giao một số quyền có liên quan đến các thủ tục xây dựng và môi trường cho BQL

các KCX và CN Hải Phòng nhằm tạo nên cơ chế quản lý “một cửa, tại chỗ” thực sự trong khâu quản lý nhà nước về hoạt động của các KCN trên địa bàn thành phố. Với cơ chế giao quyền, ủy quyền và phối hợp này, các bộ phận của BQL đều công khai hóa quy trình, thủ tục và thời gian giải quyết công việc. Những việc làm này rất cần thiết để phục vụ nhà đầu tư theo tiêu chuẩn ISO 9000, cán bộ công nhân viên BQL quyết tâm vươn lên nâng cao trình độ để được công nhận đạt tiêu chuẩn quản lý nhà nước theo phiên bản ISO 9001:2000. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa BQL các KCN Hải Phòng với các ngành trong thành phố và ngược lại, để giải quyết công việc một cách nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng đối với nhà đầu tư vào các KCN – giúp họ giảm tối đa các chi phí quản lý hành chính sản xuất, nâng cao lợi nhuận và hiệu quả sản xuất kinh doanh, cụ thể ở các vấn đề sau đây:

- Bộ Xây dựng nên xem xét ủy quyền thẩm định thiết kế kỹ thuật các công trình xây dựng trong KCN cho Ban quản lý các KCN thực hiện (hiện nay công việc này đang do sở Xây dựng và Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện; Ban quản lý chỉ quản lý phần thẩm định về thiết kế kiến trúc trong KCN);

- Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nên xem xét ủy quyền cho Ban quản lý thực hiện chức năng cấp Giấy phép cho người lao động trong KCN (hiện nay Ban quản lý chỉ phụ trách quy trình cấp Giấy phép cho người lao động nước ngoài trong KCN);

- Bộ Tài nguyên và Môi trường nên xem xét ủy quyền cho Ban quản lý thẩm định và cấp Giấy phép sử dụng đất và Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường cho các doanh nghiệp thuê lại đất và hoạt động trong KCN và tham gia công tác đền bù giải phóng mặt bằng khi xây dựng các KCN (những chức năng này Ban quản lý hiện chưa được tham gia quản lý);

- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nên mở rộng việc ủy quyền cho Ban quản lý thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ sản phẩm (C/O) do các doanh nghiệp trong KCN sản xuất (hiện nay

Ban quản lý chỉ quản lý việc cấp C/O form D - cho hàng hóa xuất sang các nước Asean).

Ủy ban nhân dân thành phố cần quy định rõ ràng, minh bạch các thủ tục hành chính, công khai các quy trình, thời hạn, trách nhiệm xử lý nhằm tạo nên sự chuyển biến cơ bản về cải cách hành chính trong FDI, ngăn chặn, xử lý nghiêm khắc các hiện tượng sách nhiễu, cửa quyền ở các cơ quan quản lý nhà nước. Cần sớm có những quy định cụ thể chế độ thanh tra, kiểm tra để tránh sự kiểm tra tuỳ tiện, chồng chéo của các ngành đối với các doanh nghiệp FDI, tránh hình sự hoá các quan hệ kinh tế.

Mở rộng phạm vi các dự án thuộc diện đăng ký cấp giấy phép đầu tư và có thể tranh thủ sự ủng hộ của Trung ương để thực hiện thí điểm cơ chế đăng ký đầu tư.

Hiện nay, Ban quản lý các KCN của Hải Phòng đã bước đầu nối mạng tin học với UBND thành phố và qua đường truyền Internet tới được các Bộ, ngành Trung ương, các dự án đầu tư có thể trực tiếp đăng ký qua mạng, tạo điều kiện đổi mới công nghệ hành chính theo đề án tin học hóa quản lý hành chính nhà nước. Về công tác chỉ đạo các KCN:

- Phối hợp và chỉ đạo Công ty phát triển khu công nghiệp Nomura-Hải Phòng trong việc chăm lo, hỗ trợ các doanh nghiệp đang hoạt động, các dự án đang triển khai nhằm tạo môi trường đầu tư ngày càng hấp dẫn hơn. Tiếp tục rút ngắn thời gian xem xét cấp Giấy phép đầu tư cho các dự án đăng ký đầu tư vào khu công nghiệp này.

- Phối hợp và chỉ đạo Công ty liên doanh TNHH phát triển Đình Vũ khẩn trương hoàn thành việc chỉnh sửa để phê duyệt Quy hoạch chi tiết khu công nghiệp, điều chỉnh chỉ giới đất giai đoạn 1 (164 ha), đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1 đúng tiến độ; trên cơ sở đó kêu gọi xúc tiến các dự án đầu tư có quy mô và ngành nghề tương xứng với tiềm năng Khu công nghiệp, đặc biệt các dự án công nghiệp nặng, công nghiệp hoá dầu.

- Chỉ đạo Công ty liên doanh khu chế xuất Hải Phòng-96 khẩn trương hoàn thành Quy hoạch chi tiết gắn liền với việc điều chỉnh Giấy phép đầu tư – đổi tên khu chế xuất thành khu công nghiệp; trên cơ sở đó, đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, kết hợp xúc tiến đầu tư đa dạng các dự án công nghiệp sạch.

Kết quả mong đợi sau thực hiện giải pháp: Ban quản lý các KCN Hải Phòng sẽ được ủy quyền nhiều hơn, rộng hơn, thuận tiện trong việc quản lý và chỉ đạo các KCN thực hiện tốt các quy định của nhà nước. Các thủ tục hành chính được thực hiện ngay tại BQL sẽ được tiến hành nhanh, gọn hơn; nhà đầu tư trong KCN sẽ không phải mất thời gian và chi phí đi lại, liên hệ nhiều cơ quan quản lý nhà nước như hiện nay; tránh được quan liêu, gây phiền hà cho các doanh nghiệp. Khi các nhà đầu tư hiện tại trong KCN cảm thấy hài lòng về các thủ tục hành chính của địa phương – tạo điều kiện thuận lợi cho công việc kinh doanh của họ, đây sẽ là tiếng vang lớn, ảnh hưởng rất nhiều đến các nhà đầu tư tiềm năng.

Một phần của tài liệu Phân tích thực trạng và đề xuất một số giải pháp nhằm thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp tại Hải Phòng (Trang 90 - 93)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)