Phần III MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM ĐẨY MẠNH VÀ THU HÚT ĐẦU TƯ
III.2 MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM ĐẨY MẠNH VÀ THU HÚT ĐẦU TƯ VÀO CÁC KCN CỦA HẢI PHÒNG
2.5 Giải pháp về cải thiện chất lượng đội ngũ cán bộ và người lao động trong các KCN
Cơ sở đề xuất giải pháp: Trên cơ sở Chỉ thị số 13/2005/CT-TTg ngày 08 tháng 4 năm 2005 về một số giải pháp nhằm tạo chuyển biến mới trong công tác thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam: “đẩy nhanh công tác xây dựng quy hoạch mạng lưới các trường đại học, dạy nghề cùng với các điều kiện, tiêu chuẩn cấp phép cho các dự án đầu tư vào ngành giáo dục, đào tạo khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phù hợp với lộ trình thực hiện các cam kết quốc tế”.
Căn cứ tình hình thực tế qua điều tra về chất lượng lao động tại các doanh nghiệp đang hoạt động trong các KCN, cũng như chất lượng cán bộ làm công tác quản lý hoạt động của các KCN tại các cơ quan quản lý nhà nước hiện nay là chưa đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu của các nhà
đầu tư. Điều này gây cản trở không ít đến công tác hỗ trợ các nhà đầu tư, cần phải có một số giải pháp trước mắt để khắc phục.
Một số đề xuất: thành phố cần tranh thủ các khoá, các lớp đào tạo của các Bộ, Ngành Trung ương để tổ chức đào tạo chính quy hoặc ngắn hạn cho cán bộ làm công tác quản lý hoạt động của các KCN hoặc làm quản lý nghiệp vụ trong các doanh nghiệp FDI nhằm từng bước nâng cao nghiệp vụ đặc biệt là trình độ ngoại ngữ và tin học quản lý.
Trong chiến lược phát triển, thành phố Hải Phòng cần sớm có kế hoạch cụ thể cho việc nâng cao trình độ dân trí của người dân để làm nền tảng cho việc xây dựng một lực lượng lao động có chất lượng, có trình độ nghiệp vụ và tay nghề cao. Đồng thời phải quan tâm đến việc nâng cao chất lượng của ngành giáo dục, đầu tư và hướng nghiệp, tổ chức đào tạo công nhân lành nghề làm việc cho các doanh nghiệp FDI. Hiện nay tỷ lệ đạt trong tuyển dụng lao động làm cho các doanh nghiệp ĐTNN là rất thấp: 15% đến 30% vì công nhân thường không qua một lớp đào tạo nào hoặc nghề đào tạo không phù hợp. Dựa vào kế hoạch, quy hoạch phát triển các KCN, đón bắt, xây dựng lên kế hoạch đào tạo về các ngành nghề phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của các KCN – tránh đào tạo theo
“mốt” không hiệu quả, không kiểm soát được ngành nghề đào tạo.
Ban quản lý các KCN của thành phố cần xây dựng quy chế phối hợp với các chủ doanh nghiệp trong các KCN tổ chức các lớp học ngắn ngày để phổ biến kiến thức về pháp luật, đặc biệt là Luật lao động: quyền và nghĩa vụ của người lao động, ý thức chấp hành mệnh lệnh của cấp trên, tác phong công nghiệp... cho người lao động đã được trúng tuyển trước khi vào làm việc tại các doanh nghiệp.
Thiết nghĩ, UBND thành phố, Ban quản lý các KCN cũng nên tính đến phương án thu hút nhân tài từ các tỉnh thành lân cận về làm việc tại các KCN của Hải Phòng. Thành lập “ngân hàng lao động” để không bị động về nguồn nhân lực cả về số lượng cũng như chất lượng. Công tác đãi ngộ tiền lương của các chủ doanh nghiệp tại các KCN cần phải điều chỉnh
cho có tính cạnh tranh, mang sức hấp dẫn thực sự. Hơn thế nữa, việc cung cấp nhà ở cho công nhân (như đã trình bày ở phần trên) lại một lần nữa đóng vai trò hết sức quan trọng trong vấn đề này.
Kết quả mong đợi: Lực lượng lao động sẽ được đảm bảo về số lượng cũng như chất lượng đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các nhà đầu tư vào KCN của thành phố. Các nhà đầu tư khi đầu tư vào các KCN của thành phố Hải Phòng sẽ dễ dàng lựa chọn lực lượng lao động có chất lượng, đáp ứng yêu cầu sản xuất và kinh doanh ổn định và ngày càng phát đạt của doanh nghiệp mình.
Trên đây là một số đề xuất về giải pháp nhằm phục vụ công tác đẩy mạnh và thu hút đầu tư vào các KCN của thành phố Hải Phòng.
Chắc chắn còn có rất nhiều giải pháp hữu ích khác nữa có thể sẽ được áp dụng cho công tác này, với điều kiện và mục tiêu đặt ra của thành phố, và trong khuôn khổ của luận văn này, tác giả cho đây là một số giải pháp trong nhóm các giải pháp cần thiết trước mắt và cần được nghiên cứu thực hiện ngay.