QUỸ TÍN DỤNG NHÂN DÂN
1.3. Nội dung tổ chức và hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân
1.3.1.1. Thành viên và Đại hội thành viên
- Thành viên: Trong quỹ tín dụng nhân dân, thì thành viên đóng vai trò quan trọng nhất trong quá trình thành lập, vận hành và phát triển hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân. Bởi vì thành viên vừa là chủ sở hữu, vừa là khách hàng, vừa là người quản lý, điều hành và lại là người kiểm soát hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân.
- Đại hội thành viên: Đối với quỹ tín dụng nhân dân, thì Đại hội thành viên luôn được xác định là cơ quan có thẩm quyền quyết định cao nhất. Tuỳ theo số lượng của thành viên quỹ tín dụng nhân dân có thể quyết định triệu tập Đại hội tổng
20
thể hoặc Đại hội đại biểu thành viên. Đại hội tổng thể hoặc Đại hội đại biểu thành viên được thực hiện theo quy trình, nội dung và thẩm quyền Đại hội là như nhau.
+ Đại hội thành viên thường niên: Là Đại hội được tổ chức hàng năm sau khi kết thúc năm tài chính;
+ Đại hội thành viên nhiệm kỳ: là Đại hội mà hết một nhiệm kỳ (tối thiểu là 2 năm và tối đa là 5 năm, tùy theo quy định cụ thể tại Điều lệ của từng quỹ tín dụng nhân dân) để bầu ra các các chức danh Chủ tịch và các thành viên Hội đồng quản trị, Trưởng ban và các thành viên Ban kiểm soát của quỹ tín dụng nhân dân.
+ Đại hội thành viên bất thường: Là Đại hội do Hội đồng quản trị hoặc do Ban kiểm soát hoặc do 2/3 tổng số thành viên của quỹ tín dụng nhân dân làm đơn yêu cầu, để giải quyết hoặc quyết định những vấn đề vượt thẩm quyền của Hội đồng quản trị.
- Thẩm quyền cơ bản của Đại hội thành viên, bao gồm:
+ Quyết định việc sửa đổi, bổ sung và thông qua Điều lệ, quy chế, quy định nội bộ của quỹ tín dụng nhân dân;
+ Bầu, bổ sung hoặc miễn nhiệm các chức danh Chủ tịch và các thành viên Hội đồng quản trị, Trưởng ban và các thành viên Ban kiểm soát;
+ Thông qua báo cáo kết quả hoạt động định kỳ năm trước và chương trình hoạt động, kế hoạch tài chính của năm tiếp theo;
+ Quyết định thông qua phân bổ (tỷ lệ %) của lợi nhuận vào các quỹ, mức trả lợi tức đối với vốn góp cổ phần; mức thưởng cho ban quản lý, ban điều hành…v.v.
và các vấn đề khác có liên quan đến hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân.
1.3.1.2. Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát
- Hội đồng quản trị: Do Đại hội thành viên bầu ra (theo thể thức bỏ phiếu kín); có chức năng đảm bảo việc thực hiện các mục tiêu của quỹ tín dụng nhân dân và quản trị quỹ tín dụng nhân dân hoạt động một cách tốt nhất. Để thực hiện chức năng đó, Hội đồng quản trị có các nhiệm vụ chủ yếu như:
+ Đảm bảo các hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân tuân thủ đúng pháp luật, điều lệ, quy chế, quy định nội bộ, các chuẩn mực, quy tắc đạo đức, các văn bản quy định của pháp luật đối với hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân;
+ Thực thi các quyết định của Đại hội thành viên, đảm bảo rằng quỹ tín dụng nhân dân thực hiện đúng các thông lệ quản lý lành mạnh và thận trọng;
+ Cung cấp các tài liệu và thông tin xác thực liên quan đến quỹ tín dụng nhân dân cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;
+ Quy định chính sách lãi suất tiền gửi, tiền vay và quyết định thực hiện các sản phẩm dịch vụ do quỹ tín dụng nhân dân cung cấp;
21
+ Xét duyệt đơn xin gia nhập thành viên, danh sách thành viên xin ra khỏi thành viên, thành viên bị đình chỉ hoặc khai trừ trình Đại hội thành viên gần nhất;
+ Thực hiện hoặc kiểm soát việc thực hiện các khoản đầu tư của quỹ tín dụng nhân dân;
+ Quyết định và lên kế hoạch thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của quỹ tín dụng nhân dân;
+ Chỉ định những người được uỷ quyền nhân danh quỹ tín dụng nhân dân để ký kết hợp đồng và các văn bản khác của quỹ tín dụng nhân dân;
+ Báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ và trình bày báo cáo thường niên trước Đại hội thành viên;
+ Giám sát tình hình thực thi nhiệm vụ của Ban điều hành và các bộ phận chuyên môn của quỹ tín dụng nhân dân theo quy định của pháp luật, các chuẩn mực và quy tắc đạo đức nghề nghiệp;
+ Bổ nhiệm, quyết định thuê hoặc miễn nhiệm Giám đốc điều hành và một số chức danh khác theo quy định của Điều lệ;
+ Quy định về quy trình tuyển dụng nhân viên làm việc tại quỹ tín dụng nhân dân;
+ Triệu tập và chuẩn bị các tài liệu cần thiết cho Đại hội thành viên;
+ Hội đồng quản trị họp theo định kỳ mỗi tháng một lần hoặc theo yêu cầu của của Chủ tịch Hội đồng quản trị. Khi quyết định Hội đồng quản trị quyết định theo nguyên tắc đa số.
- Ban kiểm soát: Cũng như Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát được Đại hội thành viên bầu ra (nhiệm kỳ của Ban kiểm soát trùng với nhiệm kỳ của Hội đồng quản trị), để thay mặt các thành viên thực hiện chức năng giám sát mọi mặt hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân. Hoạt động của Ban kiểm soát nhằm mục đích đảm bảo cho quỹ tín dụng nhân dân hoạt động tuân thủ đúng pháp luật, điều lệ và nghị quyết của Đại hội thành viên, bao gồm các nhiệm vụ chủ yếu như:
+ Đảm bảo sự tuân thủ các quy tắc đạo đức nghề nghiệp;
+ Đảm bảo những người quản lý, điều hành quỹ tín dụng nhân dân thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của mình một cách phù hợp nhất, tôn trọng các quyền và nghĩa vụ của thành viên;
+ Đảm bảo cho quỹ tín dụng nhân dân tạo điều kiện thuận lợi cho việc tương trợ giữa các thành viên, tham gia vào việc phát triển cộng đồng có hiệu quả;
+ Việc kết nạp hoặc cho ra khỏi thành viên được tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật và quy định của quỹ tín dụng nhân dân;
22
+ Báo cáo kết quả giám sát cho Hội đồng quản trị và trình bày trước Đại hội thành viên;
+ Tiếp nhận, xử lý hoặc chuyển cho bộ phận có trách nhiệm liên quan trả lời những kiến nghị, khiếu nại của thành viên.
1.3.2. Hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân 1.3.2.1. Hoạt động huy động vốn
Cũng giống như các Ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng nhân dân huy động nguồn vốn thông qua các hình thức sau:
a) Huy động vốn chủ sở hữu:
- Vốn điều lệ: Gồm các phần vốn góp xác lập tư các thành viên và vốn góp thường xuyên của thành viên. Khi gia nhập thành viên quỹ tín dụng nhân dân, người ra nhập thành viên phải góp vốn cổ phần xác lập tư cách thành viên (mức vốn góp tối thiểu được quy định cụ thể tuỳ theo từng quỹ tín dụng nhân dân) và theo quy định của ngân hàng nhà nước; trong quá trình hoạt động tuỳ thuộc vào quy mô hoạt động mà quỹ tín dụng nhân dân đặt ra việc cần phải tăng vốn điều lệ và mức tăng vốn điều lệ, nên việc huy động vốn góp thường xuyên từ thành viên để tăng vốn điều lệ. Tuy nhiên việc tăng vốn góp điều lệ phải được chấp thuận từ cơ quan quản lý là Ngân hàng nhà nước nơi cấp phép hoạt động cho quỹ tín dụng nhân dân đó, và việc rút phần vốn góp thường xuyên được quy định chặt chẽ và thành viên được quyền chuyển nhượng phần vốn góp cho nhau.
- Quỹ bổ sung vốn điều lệ, quỹ dự phòng tài chính và quỹ đầu tư phát triển:
Hàng năm từ kết quả lợi nhuận trong hoạt động mang lại quỹ tín dụng nhân dân bắt buộc phải trích lập bổ sung vào các quỹ theo tỷ lệ % quy định (trước khi chia lợi tức vốn góp cho thành viên), để nâng cao năng lực tài chính của chính quỹ tín dụng nhân dân.
b) Huy động tiền gửi, tiền tiết kiệm:
Cũng tương tự như các Ngân hàng thương mại, phần vốn chủ sở hữu chỉ là một phần rất nhỏ trong hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân. Nên việc để có đủ nguồn vốn cần thiết đáp ứng nhu cầu vay vốn của thành viên, thì quỹ tín dụng nhân dân phải huy động vốn cả trong và ngoài thành viên, trong và ngoài địa bàn hoạt động thông qua kênh huy động tiền gửi và tiền tiết kiệm. Tuỳ theo nhu cầu sử dụng vốn và mục đích của mình, quỹ tín dụng nhân dân đưa ra quyết định loại hình huy động các loại hình tiền gửi và tiền gửi tiết kiệm cho phù hợp.
c) Vốn đi vay:
Trong quá trình hoạt động, nếu nguồn vốn chủ sở hữu và nguồn vốn huy động không đủ để đáp ứng nhu cầu vốn cho vay, thì quỹ tín dụng nhân dân được
23
vay vốn thông qua trung tâm đầu mối điều hoà vốn là Ngân hàng hợp tác xã (tại chi nhánh các tỉnh, thành nơi mà quỹ tín dụng nhân dân hoạt động). Để đảm bảo việc điều hoà vốn trong hệ thống thì quỹ tín dụng nhân dân khi thừa vốn phải gửi vào Ngân hàng hợp tác xã và khi thiếu vốn thì vay tại Ngân hàng hợp tác xã, không được trực tiếp gửi hoặc cho vay lẫn nhau.
1.3.2.2. Hoạt động cho vay
Hoạt động cho vay theo nghĩa phổ biến là quan hệ vay mượn về vốn giữa quỹ tín dụng nhân dân với các cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp vừa và nhỏ theo nguyên tắc hoàn trả cả vốn và lãi trong một khoảng thời gian nhất định. Hoạt động cho vay là một trong những hoạt động quan trọng nhất của quỹ tín dụng nhân dân và cũng là hoạt động luôn gắn với rủi ro cao nhất, do vậy việc hoạt động cho vay luôn phải đảm bảo an toàn nguồn vốn và đảm bảo khả năng sinh lời của nguồn vốn đó.
Đối tượng vay vốn của quỹ tín dụng nhân dân chủ yếu phải là thành viên của mình, ngoài ra quỹ tín dụng nhân dân cũng cho vay khách hàng không phải là thành viên nhưng phải là hộ nghèo có hộ khẩu thường trú trên địa bàn hoạt động của mình. Đây là một điểm khác biệt lớn nhất trong hoạt động cho vay của quỹ tín dụng nhân dân so với hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng khác.
Hoạt động cho vay của quỹ tín dụng nhân dân nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn của thành viên để phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và phục vụ đời sống. Về cơ bản, hoạt động cho vay của quỹ tín dụng nhân dân cũng tuân theo quy trình tín dụng tương tự như các Ngân hàng thương mại, tuy nhiên, do lợi thế của quỹ tín dụng nhân dân hoạt động gần dân, sát với dân, đồng thời trước khi xem xét cho vay thì điều kiện đầu tiên khách hàng phải là thành viên nên những tố về pháp lý (tư cách là thành viên) đã được quỹ tín dụng nhân dân thẩm định và xét duyệt đầy đủ.
Chính vì vậy, việc thẩm định và quyết định cho vay chủ yếu chỉ tập trung vào các yếu tố như: Phương án sản xuất, tài sản thế chấp vay vốn (đối với những món vay lớn), nên quy trình, thủ tục và điều kiện quyết định cho vay thường rất đơn giản, thời gian để phê duyệt cho một khoản vay rất ngắn và nhanh gọn, chi phí về thủ tục hồ sơ cũng rất nhỏ, người dân có nhu cầu vốn nhỏ lẻ, thời gian ngắn hoặc đột xuất cũng dễ dàng tiếp cận được. Đây cũng chính là lợi thế của quỹ tín dụng nhân dân so với các Ngân hàng thương mại trong việc chiếm thị phần số lượng người dân ở khu vực nông nghiệp, nông thôn tham gia giao dịch.
1.3.2.3. Hoạt động cung ứng dịch vụ
Ngoài hai nghiệp vụ hoạt động chính được nêu ở trên, quỹ tín dụng nhân dân còn tham gia một số nghiệp vụ Ngân hàng khác như: dịch vụ chuyển tiền trong
24
nước và làm đại lý chi trả kiều hối (ngoại tệ từ nước ngoài về), các nghiệp vụ thu hộ, chi hộ cho các thành viên; tuy nhiên để thực hiện những nghiệp vụ này thì tùy thuộc vào điều kiện của từng quỹ tín dụng nhân dân phải đáp ứng được đầy đủ về cơ sở vật chất, con người và phải được Ngân hàng nhà nước chấp thuận.
1.3.2.4. Các hoạt động khác
- Tiếp nhận vốn uỷ thác cho vay của Chính phủ, tổ chức, cá nhân;
- Vay vốn của tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính khác;
- Tham gia góp vốn vào Ngân hàng hợp tác xã;
- Mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
- Nhận uỷ thác và làm đại lý một số lĩnh vực liên quan đến hoạt động ngân hàng, quản lý tài sản theo quy định của Ngân hàng nhà nước;
- Làm đại lý kinh doanh bảo hiểm;
- Cung ứng dịch vụ tư vấn về ngân hàng tài chính cho các thành viên.