PHẦN 2. TỔNG QUAN CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
2.3. Cách tiếp cận lồng ghép yếu tố môi trường trong quy hoạch sử dụng đất
2.3.1. Cách tiếp cận hệ thống
Cho phép phân tích các vấn đề về quản lý, sử dụng đất, tài nguyên thiên nhiên và các yếu tố môi trường trong mối quan hệ tác động qua lại giữa các hợp phần trong một hệ thống chung, đó là phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và đảm bảo phát triển bền vững; đảm bảo tính bền vững theo các đặc trưng do Viện quốc tế về Môi trường và Phát triển (International Institute for Environmental and Development - IIED) “phát triển bền vững là quá trình dàn xếp thỏa hiệp giữa các hệ thống tự nhiên, kinh tế và xã hội” (IIED, 1995), (minh họa theo hình 1.2).
Hình 2.2. Sơ đồ phát triển bền vững
Nguồn: IIED (1995)
2.3.2. Cách tiếp cận sinh thái
Xuất phát từ quan điểm cho rằng mục đích của việc quy hoạch, quản lý và sử dụng lãnh thổ dựa trên hệ sinh thái là tìm cách tốt nhất, hợp lý nhất để con người khi sử dụng hệ sinh thái có thể đạt được sự hài hoà giữa lợi ích thu được từ tài nguyên của hệ sinh thái với việc duy trì khả năng của hệ sinh thái tiếp tục cung cấp được những lợi ích đó ở mức độ bền vững lâu dài. Mỗi vùng lãnh thổ được xem là một hệ sinh thái lớn, trong đó phản ảnh các điều kiện tự nhiên, chứa đựng các dạng tài nguyên và các thành tố môi trường, các hoạt động sống của sinh vật và hoạt động kinh tế của con người, tác động qua lại bởi các dòng năng lượng và vật chất. Vấn đề quan trọng nhất trong quy hoạch phát triển là đảm bảo cân bằng sinh thái, sử dụng tài nguyên trong giới hạn cho phép, sử dụng môi trường trong ngưỡng của sức chịu tải của nó. Quy hoạch sử dụng lãnh thổ theo cách tiếp cận sinh thái về bản chất là sự lồng ghép khôn khéo vấn đề môi trường, sinh thái với quy hoạch sử dụng đất của lãnh thổ đó.
2.3.3. Cách tiếp cận về phân vùng lãnh thổ
Coi phân vùng lãnh thổ là tiền đề của quy hoạch. Mỗi khu vực lãnh thổ có những nét đặc thù về tự nhiên, sinh thái mà ít nơi khác có được, vì vậy nhận biết đặc điểm và sự phân hoá tự nhiên của khu vực lãnh thổ này để định hướng phát triển, quy hoạch và quản lý là việc làm vô cùng quan trọng. Phân chia một khu vực lãnh thổ thành những vùng đất tiềm năng theo những tiêu chí về tự nhiên và sinh thái là nhằm tạo dựng cơ sở khoa học cho việc quy hoạch, lựa chọn các hoạt động phát triển kinh tế xã hội và tổ chức quản lý phù hợp, đồng thời bảo vệ được môi trường, phòng chống suy thoái tài nguyên, đảm bảo phát triển bền vững.
2.3.4. Cách tiếp cận liên ngành
Quy hoạch sử dụng đất tuy là quy hoạch phát triển theo ngành, nhưng đối với một vùng lãnh thổ cụ thể thì nó lại liên quan chặt chẽ với quy hoạch phát triển của nhiều ngành khác, vì vậy không thể xem quy hoạch sử dụng đất là quy hoạch ngành đơn thuần, mà phải xem nó như một quy hoạch mang tính tổng hợp và liên ngành - những ngành mà sự phát triển của nó không thể tách rời với tư liệu đất đai như nông lâm nghiệp, giao thông, thậm chí công nghiệp, du lịch, v.v... Như vậy vừa lồng ghép yếu tố môi trường với quy hoạch sử dụng đất đồng thời cũng là lồng ghép vào quy hoạch khác của vùng nghiên cứu.
2.3.5. Cách tiếp cận đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và đánh giá môi trường chiến lược (ĐCM)
Các nghiên cứu cho thấy cách tiếp cận vấn đề môi trường trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cũng như trong quy hoạch sử dụng đất ở Việt Nam cơ bản theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Việc đánh giá tác động của yếu tố môi trường trong quy hoạch sử dụng đất ở nước ta trong những năm gần đây cho thấy phần lớn sử dụng cách tiếp cận đánh giá môi trường chiến lược, hoặc báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kết hợp đánh giá tác động môi trường và vấn đề biến đổi khí hậu vào quy hoạch sử dụng đất. Tuy nhiên, theo SEMLA (2009), cách tiếp cận đó trong phạm vi hẹp của địa bàn nghiên cứu thì tác động của môi trường hoặc BĐKH không rõ rệt và không đủ các thông tin, do hiện tại các cơ sở quan trắc của chúng ta chưa được tăng dày và không cập nhật kịp thời.
Mặt khác theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2005, đánh giá môi trường chiến lược chỉ áp dụng ở những địa bàn nhất định, không quy định cho địa bàn có phạm vi hẹp như cấp huyện trở xuống, hoặc các khu vực có diện tích nhỏ.