Phần 2. Tổng quan nghiên cứu
2.2. Cơ sở lý luận về đánh giá tính khả thi và hiệu quả của phương án quy hoạch sử dụng đất
2.2.1. Khái niệm và tiêu chí đánh giá tính khả thi và hiệu quả của phương án quy hoạch sử dụng đất
Khái niệm của “tiêu chí” (hay tiêu chuẩn) đánh giá trong phạm vi nghiên cứu là vấn đề khó, còn nhiều tranh luận và chưa có một định nghĩa chính thống nào. Theo từ điển tiếng Việt: “Tiêu chí là tính chất, dấu hiệu làm căn cứ để nhận biết, xếp loại sự vật, một khái niệm...”. Như vậy, đối với tiêu chí đánh giá tính khả thi và hiệu quả của phương án QHSDĐ có thể nhìn nhận như sau:
- Để nhận biết, cần có một hệ thống các chỉ tiêu: có thể là chỉ tiêu tổng hợp hay theo từng yếu tố, chỉ tiêu định tính hoặc định lượng;
- Còn để xếp loại (phân mức đánh giá) cần có chuẩn để so sánh: có thể là một chuẩn mực hay ngưỡng để đánh giá dựa trên các định mức, chỉ số cho phép, đơn giá hoặc quy ước nào đó được chấp nhận...
2.2.2. Bản chất và phân loại tính khả thi của phương án quy hoạch sử dụng đất Về mặt bản chất, tính khả thi biểu thị khả năng thực hiện của phương án
quy hoạch sử dụng đất khi hội tụ một số điều kiện hoặc yếu tố nhất định cả về phương diện tính toán, cũng như trong thực tiễn.
Để nhìn nhận một cách đầy đủ về góc độ lý luận, tính khả thi của phương án quy hoạch sử dụng đất sẽ bao hàm “Tính khả thi lý thuyết – được xác định và tính toán thông qua các tiêu chí với những chỉ tiêu thích hợp ngay trong quá trình xây dựng và thẩm định phương án quy hoạch sử dụng đất; “Tính khả thi thực tế - chỉ có thể xác định dựa trên việc điều tra, đánh giá kết quả thực tế đã đạt được khi triển khai thực hiện phương án quy hoạch sử dụng đất trong thực tiễn. Khi triển khai thực hiện phương án quy hoạch sử dụng đất trong điều kiện bình thường, sự khác biệt giữa “Tính khả thi lý thuyết” và “Tính khả thi thực tế”
thường không đáng kể.
Tính khả thi của phương án quy hoạch có thể được đánh giá và luận chứng thông qua 5 nhóm tiêu chí (Võ Tử Can, 2006).
(1) Khả thi về mặt pháp lý, có thể bao gồm các tiêu chí đánh giá về:
- Căn cứ và cơ sở pháp lý để lập quy hoạch sử dụng đất bao gồm các chỉ tiêu:
+ Các quy định trong văn bản quy phạm pháp luật;
+ Các quyết định, văn bản liên quan đến triển khai thực hiện dự án...
- Việc thực hiện các quy định thẩm định, phê duyệt phương án QHSDĐ:
+ Thành phần hồ sơ và sản phẩm;
+ Trình tự pháp lý...
(2) Khả thi về phương diện khoa học – công nghệ, bao gồm:
+ Tính khách quan của các yếu tố tác động đến việc sử dụng đất: điều kiện tự nhiên, định hướng phát triển kinh tế - xã hội;
+ Sử dụng các định mức, tiêu chuẩn;
+ Xây dựng các dự báo theo quy luật phát triển khách quan; căn cứ theo mô hình mẫu...
- Phương pháp công nghệ được áp dụng để xử lý tài liệu, số liệu và xây dựng tài liệu bản đồ...
(3) Khả thi về yêu cầu chuyên môn – kỹ thuật, gồm các tiêu chí đánh giá về:
- Mức độ đầy đủ các nội dung chuyên môn theo các bước thực hiện quy hoạch và các nội dung cụ thể của phương án quy hoạch sử dụng đất...
- Nguồn tư liệu và độ tin cậy của các thông tin phụ thuộc vào cách thức thu
thập, điều tra, xử lý và đánh giá;
- Tính phù hợp, liên kết (từ trên xuống dưới) của các chỉ tiêu sử dụng đất theo quy định trong hệ thống quy hoạch sử dụng đất các cấp.
(4) Khả thi về các biện pháp cần thiết để phương án quy hoạch thực hiện được. Theo kinh nghiệm, tiêu chí này có thể được đánh giá căn cứ theo đặc điểm hoặc tính chất đầu tư của nhóm các biện pháp sau đây:
- Nhóm 1: Là các biện pháp về tổ chức lãnh thổ (cần đầu tư kinh phí) nhằm tạo điều kiện không gian phù hợp với cơ cấu tổ chức sản xuất kinh doanh và mục đích sử dụng đất của doanh nghiệp và người sử dụng đất.
- Nhóm 2: Bao gồm các biện pháp về xây dựng các hạng mục và thiết bị công trình trên lãnh thổ (xác định theo đặc điểm của khu vực và định hướng phát triển của doanh nghiệp và người sử dụng đất), cần lượng vốn đầu tư khá lớn (gồm cả chi phí điều tra khảo sát, thiết kế cũng như vốn đầu tư để thực hiện công trình) và thực hiện theo dự án đầu tư hoặc luận chứng kinh tế - kỹ thuật.
- Nhóm 4: Bao gồm các biện pháp không đòi hỏi vốn đầu tư cơ bản nhưng được thực hiện bằng dự toán chi phí sản xuất bổ sung hàng năm của doanh nghiệp hoặc người sử dụng đất.
(5) Khả thi về các giải pháp tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch, được đánh giá theo nhóm các giải pháp gồm:
- Các giải pháp về nguồn lực và kinh tế;
- Các giải pháp về quản lý và hành chính.
2.2.3. Bản chất và phân loại hiệu quả của phương án quy hoạch sử dụng đất Hiệu quả là tổng hòa các lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường mà quy hoạch sử dụng đất sẽ đem lại khi có thể triển khai thực hiện phương án trong thực tiễn.
Quy hoạch sử dụng đất là một bộ phận hợp thành trong hệ thống kinh tế của xã hội. Quá trình lập phương án quy hoạch sử dụng đất khá phức tạp, liên quan đến nhiều vấn đề và chịu tác động của nhiều yếu tố khác nhau như các mối quan hệ sản xuất; hình thức sở hữu đất đai và các tư liệu sản xuất khác. Với cách tiếp cận như trên, cần phải lưu ý một số vấn đề khi xem xét hiệu quả quy hoạch sử dụng đất như sau (Võ Tử Can, 2006):
- Hiệu quả của quy hoạch sử dụng đất phải được đánh giá trên cơ sở hệ thống
các mối quan hệ về kinh tế cùng với việc sử dụng các chỉ tiêu đánh giá phù hợp;
- Khi xác định hiệu quả của quy hoạch sử dụng đất cần phải xem đồng thời giữa lợi ích của những người sử dụng đất với lợi ích của toàn xã hội;
- Đất đai là yếu tố của môi trường tự nhiên, vì vậy cần phải chú ý đến các yêu cầu bảo vệ và nâng cao độ phì nhiêu của đất cũng như giữ gìn các đặc điểm sinh thái của đất đai;
- Khi tính toán các chỉ tiêu hiệu quả cần tách bạch rõ phần hiệu quả đem lại của quy hoạch sử dụng đất thông qua các chỉ tiêu đồng nhất về chất lượng và có thể so sánh được về mặt số lượng (cần xác định hiệu quả theo từng nội dung của phương án quy hoạch sử dụng đất và từng đối tượng sử dụng đất);
- Phương án quy hoạch sử dụng đất là cơ sở để thực hiện các biện pháp do đó cần tính đến hiệu quả tất cả các biện pháp có liên quan được thực hiện cho đến khi định hình phương án quy hoạch sử dụng đất.
Do đặc điểm tổng hợp nên việc đánh giá và luận chứng phương án quy hoạch sử dụng đất khá phức tạp. Thông thường khi đánh giá về góc độ kinh tế luôn chứa đựng cả vấn đề môi trường cũng như yếu tố xã hội của phương án. Ngoài ra, khi xây dựng, phương án QHSDĐ sẽ giải quyết đồng thời nhiều vấn đề riêng nhìn từ góc độ kỹ thuật, cũng như về mặt quy trình sản xuất. Như vậy, nội dung luận chứng tổng hợp và đánh giá phương án QHSDĐ sẽ bao gồm các hợp phần sau:
- Luận chứng và đánh giá về kỹ thuật;
- Luận chứng và đánh giá về quy trình công nghệ;
- Luận chứng và đánh giá về kinh tế;
- Luận chứng và đánh giá tổng hợp (chứa đựng đồng thời các yếu tố kinh tế - xã hội – môi trường).