Phần 4. Kết quả nghiên cứu và thảo luận
4.1. Đặc điểm điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội huyện đông hưng
4.1.1. Điều kiện tự nhiên, tài nguyên
Huyện Đông Hưng có vị trí trung chuyển giữa thành phố Thái Bình và các huyện phía Bắc. Thị trấn Đông Hưng là trung tâm chính trị, kinh tế văn hoá của huyện, cách thành phố Thái Bình 12 km, rất thuận lợi cho việc giao lưu phát triển kinh tế - xã hội và trao đổi khoa học kỹ thuật công nghệ. Theo thống kê đất đai năm 2015, huyện Đông Hưng có diện tích đất tự nhiên là 19604,93 ha, gồm 44 xã, thị trấn. Huyện Đông Hưng nằm ở phía bắc thành phố Thái Bình có vị trí địa lý như sau:
Phía Bắc giáp huyện Quỳnh Phụ;
Phía Đông giáp huyện Thái Thuỵ;
Phía Tây giáp huyện Hưng Hà;
Phía Đông Nam và Nam giáp huyện Vũ Thư, Thành Phố Thái Bình và huyện Kiến Xương.
Đây là điều kiện thuận lợi để huyện phát triển kinh tế xã hội.
4.1.1.2. Đặc điểm địa hình
Địa hình huyện Đông Hưng tương đối bằng phẳng, sông ngòi chảy theo nhiều hướng. Cùng với sự khai thác tài nguyên đất đai và xây dựng hệ thống đê điều từ lâu đời đã phân chia thành nhiều ô lớn nhỏ, đê điều là ranh giới phân chia giữa các ô và sông. Phần đất ngoài đê có địa hình cao thấp khác nhau. Phần đất trong đê tương đối bằng phẳng. Nhìn chung điều kiện địa hình của Đông Hưng thuận lợi cho việc khai thác triệt để quỹ đất đai, xây dựng cơ sở hạ tầng, bố trí khu dân cư, phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo ra hệ sinh thái động, thực vật khá đa dạng, phong phú, thuận lợi cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
4.1.1.3. Khí hậu
Khí hậu huyện Đông Hưng mang tính chất chung của khí hậu đồng bằng
Bắc Bộ là khí hậu chí tuyến gió mùa ẩm có bốn mùa rõ rệt (xuân, hạ, thu, đông), mùa đông khô do tác động của gió mùa đông bắc.
- Nhiệt độ: Nhiệt độ trung bình hàng năm từ 23-24oC, số tháng có nhiệt độ trung bình lớn hơn 20oC từ 8-9 tháng. Mùa đông, nhiệt độ trung bình là 18,9oC, tháng lạnh nhất là tháng 1 và tháng 2. Mùa hạ, nhiệt độ trung bình là 27oC, tháng nóng nhất là tháng 7 và tháng 8. Tổng tích ôn nhiệt từ 8.550-8.650oC/năm.
- Độ ẩm: Độ ẩm không khí tương đối cao, trung bình năm 80-85%, giữa tháng có độ ẩm lớn nhất và nhỏ nhất không chênh lệch nhiều, tháng có độ ẩm cao nhất là 90% (tháng 3), thấp nhất là 81% (tháng 11).
- Chế độ mưa: Lượng mưa trung bình trong năm từ 1.700- 1.800 mm, phân bố tương đối đồng đều trên toàn bộ lãnh thổ của huyện. Lượng mưa phân bổ không đều trong năm, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, lượng mưa chiếm gần 80% lượng mưa cả năm, các tháng mưa nhiều là tháng 7, 8, 9. Do lượng mưa nhiều, tập trung nên gây ngập úng, làm thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, nhất là khi mưa lớn kết hợp với triều cường, nước sông lên cao. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, lượng mưa chiếm 20% lượng mưa cả năm. Các tháng ít mưa nhất là tháng 12, 1, 2, có tháng hầu như không có mưa. Tuy nhiên, có những năm mưa muộn ảnh hưởng đến việc gieo trồng cây vụ đông và mưa sớm ảnh hưởng đến thu hoạch vụ chiêm xuân.
- Nắng: Hàng năm trung bình có tới 250 ngày nắng, tổng số giờ nắng từ 1650-1700 giờ. Vụ hè thu có số giờ nắng cao khoảng 1.100-1.200 giờ, chiếm 70% số giờ nắng trong năm.
- Gió: Hướng gió thịnh hành thay đổi theo mùa, tốc độ gió trung bình cả năm là 2- 2,3 m/s. Mùa đông hướng gió thịnh hành là gió đông bắc với tần suất 60-70%, tốc độ gió trung bình 2,4 -2,6 m/s, những tháng cuối mùa đông, gió có xu hướng chuyển dần về phía đông. Mùa hè hướng gió thịnh hành là gió đông nam, với tần suất 50 -70%, tốc độ gió trung bình 1,9 -2,2 m/s, tốc độ gió cực đại (khi có bão) là 40 m/s, đầu mùa hạ thường xuất hiện các đợt gió tây khô nóng gây tác động xấu đến cây trồng.
- Bão: Do nằm trong vùng Vịnh Bắc Bộ, mùa bão tại huyện Đông Hưng từ tháng 7 đến tháng 9, cực đại vào tháng 8, nên hàng năm thường chịu ảnh hưởng của bão hoặc áp thấp nhiệt đới, bình quân từ 2-3 cơn/năm. Nhìn chung khí hậu
Đông Hưng rất thuận lợi cho môi trường sống của con người, sự phát triển của hệ sinh thái động, thực vật.
4.1.1.4. Thủy văn
- Hệ thống sông ngòi: huyện Đông Hưng thuộc đồng bằng châu thổ Sông Hồng có khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm nên nguồn nước của huyện rất phong phú nhưng biến đổi theo mùa và chịu ảnh hưởng của thuỷ triều sông. Mật độ hệ thống sông ngòi huyện Đông Hưng chưa đủ để tiêu hết lượng nước dư thừa trong mùa mưa lũ, khiến cho một số nơi có vùng úng ngập tạm thời. Có 4 sông lớn chảy qua huyện là Trà Lý, Tiên Hưng, Sa Lung, Thống Nhất với chiều dài khoảng 82,5 km. Hệ thống đê dài khoảng 23,5 km.
- Thuỷ triều: Chế độ thuỷ văn của huyện Đông Hưng phụ thuộc vào chế độ của sông. Ảnh hưởng của chế độ thuỷ văn tác động đến hướng chảy của sông ngòi và độ cao thấp của mực nước sông vào lúc triều cường và triều ròng. Điều này ảnh hưởng đến giao thông và việc đóng mở cống tưới tiêu. Thông qua hệ thống sông ngòi, kênh mương, chế độ nhật triều đã tạo nên sự bồi tụ phù sa màu mỡ, đồng thời đáp ứng đủ nước tưới tiêu cho toàn bộ diện tích đất canh tác.
4.1.1.5. Các nguồn tài nguyên a. Tài nguyên đất
Đất huyện Đông Hưng thuộc loại phù sa trẻ do hệ thống sông Hồng bồi tụ.
Tầng đất nông nghiệp dày 60-80 cm, nằm trên xác sú vẹt, vỏ sò, vỏ hến, tầng canh tác dày 13 - 15 cm.
Theo nguồn gốc phát sinh, đất đai của huyện Đông Hưng được chia làm 2 nhóm chính:
- Đất phèn (S): Đất phèn của huyện thuộc loại đất phèn trung bình và ít, chiếm tỷ lệ diện tích nhỏ, tập trung ở các xã phía đông của huyện.
- Đất phù sa: Gồm đất ngoài đê được bồi tụ thường xuyên và trong đê không được bồi tụ do đó biến đổi theo hướng glây hoá, loang lổ đỏ vàng, glây ở địa hình thấp, loang lổ đỏ vàng ở địa hình cao. Với đất phù sa hầu như độ phì nhiêu thực tế được thể hiện rõ qua thâm canh khai thác. Do bồi tụ của hệ thống sông Trà Lý hoặc 2 hệ phủ lên nhau nên chia thành nhiều loại, cơ bản chia thành 7 loại sau:
+ Đất phù sa được bồi thường xuyên, không glây hoặc glây yếu của sông Trà Lý (Ph).
+ Đất phù sa không bồi tụ, không glây hoặc glây yếu phủ trên nền phù sa của sông Trà Lý, sông Tiên Hưng (Pht).
+ Đất phù sa không được bồi tụ, không glây hoặc glây yếu của sông Trà Lý, sông Tiên Hưng (Pt).
+ Đất phù sa không được bồi tụ, không glây phủ trên nền cát (Ptc).
+ Đất phù sa được bồi thường xuyên, glây trung bình hoặc mạnh của sông Trà Lý (Phg).
+ Đất phù sa được bồi thường xuyên, glây trung bình hoặc mạnh phủ trên nền phèn (Phgs).
+ Đất phù sa được bồi thường xuyên, glây trung bình hoặc mạnh phủ trên nền phèn (Ptgs).
Đất huyện Đông Hưng do hệ thống sông Trà Lý bồi đắp nhưng có tính chất và đặc điểm rất khác nhau. Đất thường có màu nâu tươi, kết cấu đất tơi xốp thành phần cơ giới phần lớn là thịt nhẹ đến thịt trung bình. Địa hình nghiêng từ phía sông vào nội đồng, đất ít chua hơn đất phù sa sông Thái Bình, các yếu tố thường từ trung bình đến tốt.
Cơ cấu diện tích các loại đất của huyện Đông Hưng như sau:
* Theo phân cấp địa hình: địa hình cao chiếm 7,3%; Vàn cao chiếm 26,5%; Vàn chiếm 48%; Vàn thấp chiếm 16%; Thấp chiếm 2,2%.
* Theo thành phần cơ giới: Đất cát: 0,5%; Đất cát pha: 2,86%; Đất thịt nhẹ 28,35%; Đất thịt trung bình: 37,2%; Đất thịt nặng : 31,09%.
* Theo hàm lượng dinh dưỡng trong đất:
- Theo hàm lượng dễ tiêu NH4+: Nghèo (<2,5mg/100g đất) chiếm 79,3%;
Trung bình (2,5-7,5 mg/100 gam đất) chiếm 20,25%; Giàu (>7,5 mg/100 gam đất) chiếm 0,45%.
- Hàm lượng lân dễ tiêu P2O5: Nghèo (2-50mg/100 gam đất) chiếm 79,45%; Trung bình (10 - 20 mg/100 gam đất) chiếm 18,8%; Giàu (>20 mg/100 gam đất) chiếm 1,75%.
- Mức độ mặn Cl-: Mặn vừa (0,15-0,25%) chiếm 0,7%; ít mặn (0,01- 0,15%) chiếm 37,2%, không mặn (<0,05%) chiếm 62,1%.
b. Tài nguyên nước
- Nguồn nước mặt: huyện Đông Hưng có hệ thống sông ngòi quan trọng
cung cấp nước, đó là:
- Sông Diêm Hộ: chảy qua một phần huyện Đông Hưng, huyện Thái Thụy và chảy ra biển qua cống Trà Linh. Đây là con sông tiêu nước quan trọng nhất trong hệ thống thủy nông ở khu vực bắc Thái Bình nói chung và huyện Đông Hưng nói riêng.
- Sông Tiên Hưng: Vốn là con sông tự nhiên chạy uốn quanh các huyện Đông Hưng, Hưng Hà. Sông dài 51km, rộng 50-100m, tưới tiêu cho các vùng đất ven sông và là đường giao thông thủy quan trọng của vùng này.
- Sông Sa Lung: Sông đào dài khoảng 40km.
- Nguồn nước ngầm
Đến nay chưa có điều tra nguồn nước ngầm một cách hệ thống tại huyện Đông Hưng, nhưng qua thực tế cho thấy các giếng nước đào của người dân trong vùng thường không quá sâu, khoảng 7 - 9 m, chất lượng nước khá tốt có thể phục vụ cho sinh hoạt và hỗ trợ nước tưới cho thâm canh nông nghiệp.
Tóm lại nguồn nước mặt và nước ngầm ở huyện Đông Hưng khá phong phú, vấn đề ở chỗ cần quy hoạch khai thác nguồn nước cho hiệu quả, cần cải tạo hệ thống thủy lợi để phục vụ thâm canh, tăng diện tích tưới tiêu chủ động, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của thiên tai.
c. Tài nguyên nhân văn
Huyện Đông Hưng là vùng đất được hình thành muộn trong đồng bằng châu thổ sông Hồng (cách đây khoảng 2000 năm). Người dân huyện Đông Hưng có truyền thống cần cù trong lao động, anh dũng trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, sáng tạo và thông minh trong xây dựng quê hương, đất nước. Trong phong trào chống Pháp tiêu biểu là phong trào nổi dậy đấu tranh của du kích làng Nguyễn với hàng nghìn, hàng vạn các chiến sỹ đã anh dũng tham gia chiến đấu chống Pháp, chống Mỹ trên khắp mặt trận để bảo vệ quê hương đất nước. Đông Hưng cũng là huyện có nhiều di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng. Cùng với sự phong phú của các lễ hội truyền thống, văn hóa dân gian… sẽ tạo ra nguồn lực đáng kể để phát triển ngành du lịch dịch vụ thương mại, trong đó thị trấn Đông Hưng là trung tâm phát triển kinh tế xã hội toàn diện của huyện.
Ngày nay huyện Đông Hưng vẫn là một trong những huyện có số lượng lao động, lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật đông đảo của tỉnh Thái Bình.
Huyện có nguồn tài nguyên nhân văn lớn và phong phú, đây là thế mạnh cần
được bảo vệ, phát triển trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 và những thời kỳ tiếp theo.
4.1.1.6. Thực trạng môi trường
Nhìn chung hiện trạng môi trường hiện nay của huyện còn tương đối tốt, các yếu tố ô nhiễm chỉ mang tính cục bộ, nhất thời. Tuy nhiên cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh, trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa cùng với sự phát triển của nền kinh tế đã kéo theo những thách thức về môi trường như:
- Trong sản xuất nông nghiệp ở một số địa phương người dân đã lạm dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật làm ảnh hưởng đáng kể đến các thành phần môi trường, nhất là môi trường đất và nước. Tình trạng đốt rơm rạ, cây màu vụ đông sau khi thu hoạch gây ô nhiễm môi trường không khí. Tại các khu chăn nuôi tập trung, môi trường đang ở mức báo động (đặc biệt là nước thải).
- Tốc độ phát triển ngành công nghiệp- xây dựng luôn ở mức khá cao phát sinh nhiều chất thải rắn nên các bãi chôn lấp rác bị quá tải.
- Ô nhiễm môi trường do hoạt động của các làng nghề đang là vấn đề rất bức xúc do công nghệ sản xuất thủ công lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ, phân tán, nằm xem kẽ trong dân cư và hầu hết không có hệ thống xử lý nước thải, khí thải.
- Tại một số khu trung tâm cụm xã, chợ cóc, chợ thị trấn Đông Hưng, các cụm công nghiệp tập trung đã thải ra môi trường nhiều loại phế thải khác nhau, tuy chưa trầm trọng, nhưng cũng cảnh báo trong tương lai cần có các biện pháp quản lý nguồn phế thải, nước thải này, đồng thời cần có công nghệ xử lý chống ô nhiễm môi trường giữ cho cảnh quan đô thị và nông thôn trong sạch và bền vững.