Phần 2. Tổng quan nghiên cứu
2.3. Tình hình nghiên cứu quy hoạch sử dụng đất
2.3.1. Tình hình nghiên cứu quy hoạch sử dụng đất của một số nước trên thế giới
Quy hoạch sử dụng đất luôn có vị trí quan trọng trong thực hiện công tác quản lý đất đai của mỗi quốc gia và được tiến hành từ lâu. QHSDĐ mang tính đặc thù riêng ở mỗi nước, song đều có những quy định về nội dung, phương pháp tiến hành... phân ra các cấp, kiểu quy hoạch. Có 2 loại hình quy hoạch này dù ở đâu trên thế giới thì cũng có những mối quan hệ nhất định. Trên cơ sở quy hoạch
không gian người ta tiến hành phân vùng sử dụng đất sau đó tiến hành quy hoạch chi tiết cho từng khu vực. Quy hoạch chi tiết phát triển từng vùng thông thường được đấu thầu cho các cơ quan phát triển bất động sản tư nhân. Tuy nhiên, mỗi phương án quy hoạch chi tiết đều phải tuân thủ chặt chẽ các quy định về xây dựng và môi trường; các phương án quy hoạch chi tiết phải được công bố công khai và trưng cầu ý kiến của cộng đồng dân cư nơi có quy hoạch ít nhất là ba tháng trước khi phê duyệt và triển khai.
a. Quy hoạch sử dụng đất ở nước Cộng hòa liên bang Đức
Ở Cộng hoà Liên bang Đức, vị trí của quy hoạch sử dụng đất được xác định trong hệ thống quy hoạch phát triển không gian (theo 4 cấp): Liên bang, vùng, tiểu vùng và đô thị. Trong đó, quy hoạch sử dụng đất được gắn liền với quy hoạch phát triển không gian ở cấp đô thị.
Trong quy hoạch sử dụng đất ở Cộng hoà Liên bang Đức, cơ cấu sử dụng đất: Đất nông nghiệp và lâm nghiệp vẫn là chủ yếu, chiếm khoảng 85% tổng diện tích; diện tích mặt nước, đất hoang là 3%; đất làm nhà ở, địa điểm làm việc, giao thông và cơ sở hạ tầng cung cấp dịch vụ cho dân chúng và nền kinh tế - gọi chung là đất ở và đất giao thông chiếm khoảng 12% tổng diện tích toàn Liên bang. Tuy nhiên, cũng giống như bất kỳ quốc gia công nghiệp nào có mật độ dân số cao, diện tích đất ở và giao thông ở Đức đang ngày càng gia tăng. Diện tích đất giao thông tăng đặc biệt cao từ trước tới giữa thập kỷ 80, trong khi đó, diện tích nhà chủ yếu tăng trong hai thập kỷ vừa qua. đặc biệt là đất dành làm địa điểm làm việc như thương mại, dịch vụ, quản lý hành chính phát triển một cách không cân đối. Quá trình ngoại ô hoá liên tục và tốn kém về đất đai cũng góp phần quan trọng vào thực tế này (Đặng Văn Minh và cs., 2010).
b. Quy hoạch sử dụng đất ở nước Cộng hòa liên bang Nga
Quy hoạch sử dụng đất đai ở Cộng hòa Liên bang Nga chú trọng việc tổ chức lãnh thổ, các biện pháp bảo vệ và sử dụng đất với các nông trang và các đơn vị sử dụng đất nông nghiệp. Quy hoạch sử dụng đất của Nga được chia thành hai cấp: quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết.
Quy hoạch chi tiết với mục tiêu cơ bản là tổ chức sản xuất lãnh thổ trong các xí nghiệp hàng đầu về sản xuất nông nghiệp như các nông trang, nông trường. Nhiệm vụ cơ bản của quy hoạch chi tiết là tạo ra những hình thức tổ chức lãnh thổ sao cho đảm bảo một cách đầy đủ, hợp lý, hiệu quả việc sử dụng từng
khoanh đất cũng như tạo ra những điều kiện cần thiết để làm tăng tính khoa học của việc tổ chức lao động, việc sử dụng những trang thiết bị sản xuất với mục đích là tiết kiệm thời gian và tài nguyên.
Quy hoạch chi tiết đưa ra phương án sử dụng đất nhằm bảo vệ và khôi phục độ phì của đất, ngăn chặn hiện tượng xói mòn đất, ngăn chặn việc sử dụng đất không hiệu quả, làm tăng điều kiện lao động, điều kiện sinh hoạt, điều kiện nghỉ ngơi của người dân (Đặng Văn Minh và cs., 2010).
c. Quy hoạch sử dụng đất ở nước Nhật Bản
Quy hoạch sử dụng đất ở Nhật Bản được phát triển từ rất lâu, đặc biệt được đẩy mạnh vào đầu thập kỷ 70 của thế kỷ 20. Quy hoạch sử dụng đất ở Nhật Bản không những chú ý đến hiệu quả kinh tế, xã hội, mà còn rất chú trọng đến bảo vệ môi trường, tránh các rủi ro của tự nhiên như động đất, núi lửa…Quy hoạch sử dụng đất ở Nhật bản chia ra: Quy hoạch sử dụng đất tổng thể và Quy hoạch sử dụng đất chi tiết.
- Quy hoạch sử dụng đất tổng thể được xây dựng cho một vùng lãnh thổ rộng lớn tương đương với cấp tỉnh, cấp vùng trở lên. Mục tiêu của Quy hoạch sử dụng đất tổng thể được xây dựng cho một chiến lược sử dụng đất dài hạn khoảng từ 15 - 30 năm nhằm đáp ứng các nhu cầu sử dụng đất cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội. Quy hoạch này là định hướng cho quy hoạch sử dụng đất chi tiết.
Nội dung của quy hoạch này không quá đi vào chi tiết từng loại đất mà chỉ khoanh định cho các loại đất lớn như: Đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất khu dân cư, đất cơ sở hạ tầng, đất khác.
- Quy hoạch sử dụng đất chi tiết được xây dựng cho vùng lãnh thổ nhỏ hơn tương đương với cấp xã. Thời kỳ lập quy hoạch chi tiết là 5-10 năm về nội dung quy hoạch chi tiết rất cụ thể, không những rõ ràng cho từng loại đất, các thửa đất và các chủ sử dụng đất, mà còn có những quy định chi tiết cho các loại đất như về hình dáng, quy mô diện tích, chiều cao xây dựng... Đối với quy hoạch sử dụng đất chi tiết ở Nhật Bản hết sức coi trọng đến việc tham gia ý kiến của các chủ sử dụng đất, cũng như tổ chức thực hiện phương án khi đã được phê duyệt.
Do vậy tính khả thi của phương án cao và người dân cũng chấp hành quy hoạch sử dụng đất rất tốt (Đặng Văn Minh và cs., 2010).
d. Quy hoạch sử dụng đất ở nước Trung Quốc
Trung Quốc là nước nằm trong vùng Đông Á có diện tích tự nhiên là
9.597 nghìn km2, dân số 1,3 tỷ người. Trung Quốc coi trọng việc phát triển kinh tế - xã hội bền vững, công tác bảo vệ môi trường luôn được quan tâm lồng ghép và thực hiện đồng thời với phát triển kinh tế - xã hội. Trong kế hoạch hàng năm, kế hoạch dài hạn của Nhà nước, của các địa phương đều được dành một phần hoặc một chương mục riêng về phương hướng, nhiệm vụ và biện pháp để phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sử dụng tiết kiệm và hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên đặc biệt là tài nguyên đất. Đến nay Trung Quốc đã tiến hành lập quy hoạch sử dụng đất từ tổng thể đến chi tiết cho các vùng và địa phương theo hướng phân vùng chức năng (khoanh định sử dụng đất cho các mục đích) gắn với nhiệm vụ bảo vệ môi trường.
Để quy hoạch tổng thể phù hợp với phân vùng chức năng, các quy định liên quan của pháp luật Trung Quốc đã yêu cầu mọi hoạt động phát triển các nguồn tài nguyên phải nhất quán với phân vùng chức năng.
Một trong những ảnh hưởng tích cực của quy hoạch tổng thể và sơ đồ phân vùng chức năng là việc giảm thiểu xung đột đa mục đích nhờ xác định được các mục đích sử dụng tương thích cho phép ưu tiên ở các khu vực cụ thể (Đặng Văn Minh và cs., 2010).