Phần 4. Kết quả nghiên cứu và thảo luận
4.3. Tình hình thực hiện phương án quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình
4.3.5. Những nguyên nhân tác động đến kết quả thực hiện phương án QHSDĐ
a. Về quy trình lập quy hoạch sử dụng đất
Tại mỗi thời điểm phát triển kinh tế xã hội, cơ chế chính sách về phát triển các ngành có sự khác nhau, mục tiêu xây dựng quy hoạch cũng khác nhau. Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2010 - 2020 của huyện Đông Hưng được xây dựng trên cơ sở công văn số 2778/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 04/8/2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về kế hoạch tổ chức thực hiện lập quy hoạch sử dụng đất
đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011-2015.
b. Về các chỉ tiêu kỹ thuật ngành
Việc xác định nhu cầu và định mức sử dụng đất của các ngành trên địa bàn còn có sự chồng chéo, dẫn đến một số loại đất phi nông nghiệp xác định diện tích thường lớn hơn so với nhu cầu thực tế, khả năng dự báo có độ an toàn không cao, nên các chỉ tiêu quy hoạch đất phi nông nghiệp đạt kết quả không cao. Mặt khác, các tiêu chí loại đất không thống nhất nên dẫn đến một số công trình xây dựng trong quy hoạch sử dụng đất thường phải bóc tách thành nhiều hạng mục khác nhau.
c. Về đánh giá hiện trạng sử dụng đất và khả năng thực hiện công trình
Thực tế sử dụng đất tại địa phương, hầu hết các công trình quy hoạch sử dụng đất được tập trung tại các khu trung tâm huyện, xã, hoặc các khu dân cư, hiện trạng sử dụng đất hầu như khép kín. Công tác thỏa thuận giữa cơ quan quản lý nhà nước và và người có đất nằm trong quy hoạch thường không đạt kết quả cao do giá đền bù về đất, do yêu cầu tái định cư hoặc do chính sách tại thời điểm thỏa thuận. Từ đó làm cho công trình quy hoạch bị thay đổi về diện tích, không thực hiện được hoặc phải thay đổi vị trí.
Thực trạng công tác lập quy hoạch trên địa bàn, đặc biệt là những năm trước khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành, công tác đánh giá tiềm năng đất đai chưa thật sự đúng với tiềm năng của địa phương, đặc biệt là đối với nhóm đất nông nghiệp dẫn đến thường đánh giá theo thực tế sử dụng đất, nên dự báo nhu cầu mở rộng, bố trí các loại đất nông nghiệp không sát với tiềm năng.
d. Về bố trí nguồn vốn đầu tư
Một nguyên nhân rất quan trọng là thiếu vốn để thực hiện quy hoạch. Mặc dù trong báo cáo quy hoạch sử dụng đất đã xây dựng kế hoạch sử dụng đất hàng năm, nhưng trong quá trình thực hiện chưa có sự phối hợp giữa ngành Kế hoạch – Tài chính, ngành Tài nguyên – Môi trường và UBND cấp xã (nơi có công trình quy hoạch) nên một số công trình quy hoạch không được bố trí nguồn vốn để thực hiện, đặc biệt là các công trình trụ sở các thôn, các công trình thể dục thể thao,... Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến một số chỉ tiêu sử dụng đất đạt được ở mức rất thấp so với chỉ tiêu quy hoạch được duyệt.
e. Về chất lượng phương án quy hoạch sử dụng đất
Quy hoạch còn thiếu cơ sở khoa học: điều này thể hiện ngay trong phương
án quy hoạch sử dụng đất, luận cứ để quyết định phương án bố trí quỹ đất thế nào nhằm mang lại hiệu quả cao về kinh tế, xã hội và môi trường vẫn chưa được luận giải một cách thuyết phục bằng những phân tích định tính và định lượng.
Tính toán nhu cầu sử dụng đất khi lập quy hoạch còn phiến diện, chưa sát với thực tế: khi lập quy hoạch, mặc dù các nhà quy hoạch có điều tra, thu thập nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực và các xã, thị trấn, nhưng thường nhiều ngành chưa xây dựng được định hướng chiến lược phát triển dài hạn mà chỉ có kế hoạch ngắn hạn, theo kế hoạch chung phát triển kinh tế - xã hội nên rất khó xác định được nhu cầu sử dụng đất về quy mô diện tích lẫn vị trí của từng công trình, dự án cho cả thời kỳ 10 năm, trong khi công tác dự báo lại chưa đánh giá hết được những tác động do quá trình phát triển kinh tế - xã hội, những thay đổi về chủ trương, chính sách, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, vì vậy chưa lường hết được những khả năng có thể xảy ra trong tương lai nên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng và nội dung của phương án quy hoạch sử dụng đất ngay từ thời điểm xác lập quy hoạch cũng như khi thực hiện.
Tính logic trong quy hoạch còn thấp, chưa thể hiện được tầm nhìn:
phương án quy hoạch còn nặng về phân bổ đất cho những công trình nhỏ lẻ, nhưng lại thiếu tầm nhìn chiến lược lâu dài, chưa thể hiện được vai trò điều tiết vĩ mô của quy hoạch trong trường hợp kinh tế - xã hội có sự biến động nên còn lúng túng trong khâu triển khai thực hiện, bị động khi quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội khi có sự điều chỉnh.
Các giải pháp thực hiện phương án quy hoạch còn chung chung, thiếu những giải pháp cụ thể, thiếu những quy định bắt buộc thể hiện tính pháp lý cao theo quy định của Luật Đất đai.
Việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phần nào đó còn mang tính đối phó để có đủ căn cứ giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất...
f. Vấn đề quản lý quy hoạch, giám sát thực hiện quy hoạch và ý thức chấp hành pháp luật đất đai
Công tác tuyên truyền, phổ biến, công khai quy hoạch sử dụng đất còn mang nặng tính hình thức, chưa thực chất; sự tiếp cận, tham gia của người dân từ khâu lập quy hoạch đến thực hiện quy hoạch và giám sát quy hoạch chưa thực chất; sự phản hồi của người dân và các nhà phản biện về phương án xây dựng quy hoạch còn chưa được quan tâm đúng mức.
Trình độ quản lý quy hoạch còn nhiều hạn chế; tình trạng quy hoạch bị áp đặt theo ý chí chủ quan của nhà lãnh đạo vẫn còn tồn tại; tư tưởng, tư duy quy hoạch và tầm nhìn quy hoạch còn lạc hậu.
Còn có sự nhượng bộ khi chấp thuận đầu tư: trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã cố gắng phân bổ sử dụng đất cho từng ngành, từng lĩnh vực. Nhưng trên thực tế triển khai, một số công trình bị thay đổi vị trí chuyển vào địa điểm khác. Điều này đã gây ra không ít xáo trộn trong quy hoạch, đồng thời làm phát sinh nhiều công trình nằm ngoài quy hoạch được duyệt.
4.4. MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ THỰC HIỆN QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT HUYỆN ĐÔNG HƯNG
Để thực hiện có hiệu quả phương án quy hoạch sử dụng đất trong kỳ quy hoạch tới, cần triển khai một cách đầy đủ, kịp thời, có hiệu quả nhiều giải pháp, trong đó thực hiện tốt một số giải pháp chính sau: