4.3. Tình hình thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ trên thành phố Bắc Giang
4.3.1. Trình tự, thủ tục thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất
Hiện nay trình tự thủ tục công tác bồi thường, hỗ trợ được thực hiện trên địa bàn thành phố Bắc Giang gồm các bước sau:
Bước 1: Xây dựng kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm:
Phòng TN và MT thành phố xây dựng kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm trình UBND thành phố phê duyệt đối với các dự án thuộc thẩm quyền thu hồi đất của UBND thành phố.
Nội dung kế hoạch theo Khoản 1 Điều 17-Nghị định 43/2014/NĐ-CP cụ thể như sau:
- Lý do thu hồi đất;
- Diện tích, vị trí khu đất thu hồi trên cơ sở hồ sơ địa chính hiện có hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
trường hợp thu hồi đất theo tiến độ thực hiện dự án thì ghi rõ tiến độ thu hồi đất;
- Kế hoạch điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm;
- Dự kiến về kế hoạch di chuyển và bố trí tái định cư;
- Giao nhiệm vụ lập, thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ và TĐC.
Bước 2: Thông báo thu hồi đất:
- Trước khi có quyết định thu hồi đất, chậm nhất là 90 ngày đối với đất nông nghiệp và 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thông báo thu hồi đất cho người có đất bị thu hồi biết. Nội dung thông báo thu hồi đất bao gồm kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm.
- Trường hợp người sử dụng đất trong khu vực thu hồi đất đồng ý để cơ quan Nhà nước thu hồi đất trước thời hạn quy định nêu trên thì UBND thành phố Quyết định thu hồi đất mà không phải chờ đến hết thời hạn thông báo thu hồi đất.
- Nội dung thông báo thu hồi đất bao gồm các mục a, b, c, d của kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm.
- Hồ sơ trình UBND thành phố thông báo thu hồi đất đối với từng hộ gia đình được thực hiện theo quy định tại Điều 9 Thông Tư số 30 gồm:
- Tờ trình kèm theo dự thảo thông báo thu hồi đất. Theo mẫu số 07- ban hành kèm theo Thông tư 30/2014/TT-BTNMT.
Trường hợp dự án sử dụng đất trồng lúa mà không thuộc trường hợp được Quốc hội quyết định đầu tư hoặc Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư thì phải có văn bản cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của Thủ tướng Chính phủ hoặc Nghị quyết HĐND tỉnh cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định tại Khoản 1 Điều 58 của Luật Đất đai và khoản 2 Điều 68 của Nghị định 43;
- Bản vẽ, vị trí, ranh giới, diện tích khu đất thu hồi để thực hiện dự án - Trích lục bản đồ địa chính thửa đất hoặc trích đo địa chính thửa đất đối với các thửa đất nằm trong ranh giới khu đất thu hồi để thực hiện dự án.
Bước 3: Thực hiện thông báo thu hồi đất.
UBND cấp phường, xã nơi có đất bị thu hồi có trách nhiệm phối hợp với Trung tâm phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp thành phố triển khai kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, như sau:
- Gửi thông báo thu hồi đất đến từng người bị thu hồi đất - Họp phổ biến đến người dân trong khu vực có đất thu hồi
- Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng
- Niêm yết công khai tại trụ sở UBND phường, xã và khu dân cư nơi có đất thu hồi thông báo thu hồi đất và các văn bản có liên.
Bước 4: Triển khai thực hiện điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm.
- Trung tâm phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp thành phố phối hợp với các phòng: Tài nguyên và Môi trường, Quản lý Đô thị, Tài chính Kế hoạch, UBND các xã, phường và tổ dân phố, thôn, xóm nơi có đất thu hồi tổ chức điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm. Biên bản kê khai kiểm đếm thực hiện theo mẫu thống nhất trên địa bàn thành phố;
- Người sử dụng đất có trách nhiệm phối hợp với Trung tâm phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp thành phố thực hiện việc điều tra, khảo sát, đo đạc xác định diện tích đất, thống kê nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất để lập phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB;
- Trường hợp người sử dụng đất trong khu vực có đất thu hồi không phối hợp với Trung tâm phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp thành phố trong việc điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm:
- UBND xã, phường, Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã, các tổ chức chính trị xã hội cùng tổ dân phố nơi có đất thu hồi và Trung tâm phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp thành phố đến tuyên truyền, vận động thuyết phục người có đất bị thu hồi để thực hiện dự án.
- Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày được tuyên truyền, vận động thuyết phục mà người có đất bị thu hồi vẫn không phối hợp với Trung tâm phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp thành phố để kê khai kiểm đếm thì Chủ tịch UBND thành phố ban hành Quyết định kiểm đếm bắt buộc.
- Người có đất bị thu hồi có trách nhiệm thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc. Trường hợp người có đất bị thu hồi không chấp hành thì Chủ tịch UBND thành phố ban hành Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc và tổ chức thực hiện cưỡng chế theo quy định tại Điều 70 của Luật Đất đai.
- Hồ sơ trình cơ quan ban hành Quyết định kiểm đếm bắt buộc, Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc thực hiện theo Điều 10 Thông tư 30;
Bước 5: Lập phương án bồi thường, hỗ trợ.
- Trung tâm phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp thành phố có trách nhiệm lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, gồm:
+ Tổ chức phân loại, xét duyệt diện tích đất bồi thường, hỗ trợ.
+ Phương án bồi thường, hỗ trợ chi tiết đối với từng hộ theo quy định tại Điều 28 Nghị định 47/2014/NĐ-CP.
+ Phương án bố trí tái định cư thực hiện theo quy định tại Điều 86- Luật Đất đai 2013.
Bước 6: Thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ (lần 1)
Trung tâm phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp thành phố Trung tâm phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp thành phố tổ chức thẩm định trước khi công khai, lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ. Các phòng, ban của UBND thành phố có trách nhiệm thẩm định như sau:
- Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố là cơ quan chủ trì và trực tiếp thẩm định giá bồi thường, hỗ trợ về đất, phương án giao đất tái định cư nếu có.
- Phòng Quản lý Đô thị: Thẩm định phần bồi thường, hỗ trợ về tài sản vật kiến trúc, cây cối hoa mầu.
- Phòng Tài chính Kế hoạch: Thẩm định về các chế độ chính sách hỗ trợ có liên quan.
Bước 7: Tổ chức lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ, thực hiện theo các hình thức sau:
- Trung tâm phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp thành phố chủ trì phối hợp với các phòng, ban của thành phố và UBND xã, phường nơi có đất thu hồi tổ chức họp với người dân trong khu vực có đất thu hồi.
Việc tổ chức lấy ý kiến phải được lập thành biên bản có xác nhận của đại diện UBND xã, phường, Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã, phường tổ dân phố có liên quan và đại diện những người có đất thu hồi.
- Niêm yết công khai tại Trụ sở UBND xã, phường và nhà văn hoá thôn, tổ dân phố nơi có đất thu hồi và gửi cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức có đất thu hồi phương án bồi thường, hỗ trợ; thời gian niêm yết công khai 20 ngày.
Bước 8: Tổng hợp ý kiến kiến nghị, đề nghị:
Trung tâm phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp thành phố có trách
nhiệm tổng hợp ý kiến đóng góp bằng văn bản, ghi rõ số lượng ý kiến đồng ý, số lượng ý kiến không đồng ý, số lượng ý kiến khác đối với phương án bồi thường, hỗ trợ.
Bước 9: Tổ chức đối thoại với các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức có ý kiến kiến nghị.
Trung tâm phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp thành phố chủ trì phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của thành phố và UBND xã, phường tổ chức hội nghị đối thoại đối với các trường hợp còn có ý kiến không đồng ý về phương án bồi thường, hỗ trợ.
Bước 10: Hoàn chỉnh phương án bồi thường.
Trên cơ sở kết quả lấy ý kiến và kết quả đối thoại về phương án bồi thường, hỗ trợ. Trung tâm phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp thành phố hoàn thiện phương án bồi thường, hỗ trợ để trình phòng Tài Nguyên và Môi trường thẩm định, trình Chủ tịch UBND thành phố phê duyệt.
Bước 11: Thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ (lần 2)
Sau khi lấy ý kiến và hoàn thiện phương án bồi thường, hỗ trợ. Trung tâm phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp thành phố và các phòng ngành có liên quan tổ chức thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ lần 2 trước khi trình Chủ tịch UBND thành phố Quyết định phê duyệt.
Bước 12: Hoàn chỉnh hồ sơ thu hồi đất và trình Chủ tịch UBND thành phố ban hành quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ.
Đồng thời với việc trình phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ. Phòng Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm hoàn chỉnh hồ sơ thu hồi đất, trình Chủ tịch UBND thành phố ban hành quyết định thu hồi đất theo thẩm quyền.
Chủ tịch UBND thành phố ban hành quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ trong cùng một ngày.
Hồ sơ trình UBND thành phố ban hành Quyết định thu hồi đất thực hiện theo Khoản 1 Điều 11 Thông tư 30/2014/TT-BTNMT ngày 02/6/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Bước 13: Tổ chức thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ.
Trung tâm phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp thành phố tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ theo phương án được phê duyệt, cụ thể như sau:
- Phổ biến và niêm công khai quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tại trụ sở UBND xã, phường và nhà văn hóa tổ dân phố, thôn nơi có đất thu hồi.
- Thông báo trên đài truyền thanh của xã, phường nơi có đất thu hồi - Gửi Quyết định phê duyệt bồi thường, hỗ trợ đến cho từng người có đất thu hồi; Gửi Quyết định bồi thường, bố trí nhà hoặc đất tái định cư (nếu có)
- Thông báo thời gian, địa điểm chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ; thời gian bố trí nhà hoặc đất tái định cư (nếu có) và thời gian bàn giao đất đã thu hồi cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường GPMB.
Bước 14: Tổ chức Chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ theo phương án đã được phê duyệt.
- Hồ sơ chi trả tiền bao gồm (02 bộ: 01 lưu, 01 bộ trả hộ gia đình) - Phiếu chi.
- Bản cam kết nhận tiền và bàn giao mặt bằng cho Nhà nước.
- Phương án chi tiết của từng hộ.
- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày quyết định thu hồi đất có hiệu lực thi hành, Trung tâm phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp thành phố phải chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho người có đất thu hồi.
- Trường hợp cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường chậm chi trả thì khi thanh toán tiền bồi thường, hỗ trợ cho người có đất thu hồi, ngoài tiền bồi thường, hỗ trợ theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì người có đất thu hồi còn được thanh toán thêm một khoản tiền bằng mức tiền chậm nộp theo quy định của Luật quản lý thuế tính trên số tiền chậm trả và thời gian chậm trả.
- Trường hợp người có đất không nhận tiền bồi thường, hỗ trợ theo phương án bồi thường, hỗ trợ được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì tiền bồi thường, hỗ trợ được gửi vào tài khoản tạm giữ của Kho bạc Nhà nước.
- Người sử dụng đất được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất mà chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với Nhà nước theo quy định của pháp luật thì phải trừ đi khoản tiền chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính vào số tiền bồi thường để hoàn trả ngân sách nhà nước.
Bước 15: Giao đất tái định cư (nếu có)
- Giao đất tái định cư theo phương án được phê duyệt thực hiện như sau:
+ Các hộ gia đình tự thống nhất vị trí nhận đất tái định cư.
+ Trường hợp các hộ không tự thống nhất vị trí giao đất tái định cư thì tổ chức cho các hộ bốc thăm để chọn vị trí lô đất tái định cư.
- Ưu tiên vị trí thuận lợi cho người có đất thu hồi sớm bàn giao mặt bằng, người có đất bị thu hồi là người có công với cách mạng.
- Tổ chức giao đất tái định cư tại thực địa
Bước 16: Nhận bàn giao mặt bằng và bàn giao mặt bằng cho Chủ đầu tư:
Trung tâm phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp thành phố có trách nhiệm quản lý đất đã được GPMB.
- Biên bản nhận bàn giao mặt bằng của người bị thu hồi đất.
- Biên bản bàn giao toàn bộ mặt bằng (hoặc giai đoạn) cho Chủ đầu tư.
- Đối với diện tích đất thu hồi ngoài phạm vi thực hiện dự án bàn giao cho UBND xã, phường quản lý theo quy định.