Trong thực tế cho thấy không một chính sách nào là hoàn thiện và chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cũng vậy. Những quy định điều chỉnh, bổ sung được ban hành không phải là quá muộn so với các quy định khác nhưng
cũng như những bất cập trong công tác quản lý đất đai cũng cần được điều chỉnh, bổ sung thường xuyên cho phù hợp với thực tế.
Trình tự, thủ tục thực hiện còn có điểm chưa phù hợp với thực tế. Từ đó khi thực hiện giải quyết công việc còn bỏ qua nhiều thủ tục, làm tắt dẫn đến triển khai không đúng, đủ theo chính sách đã gây nên bức xúc trong nhân dân. Công tác quản lý đất đai cấp cơ sở nhất là cấp xã còn nhiều hạn chế, tồn tại làm ảnh hưởng nhiều đến tiến độ bồi thường GPMB.
Để đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và phát triển nền kinh tế, trên địa bàn thành phố Bắc Giang nói riêng và tỉnh Bắc Giang nói chung, trong những năm tới cần thực hiện một số giải pháp sau:
4.5.1. Nhóm giải pháp về chế độ chính sách
Thực hiện tốt công tác bồi thường, hỗ trợ theo Luật Đất đai 2013 và các Nghị định, thông tư, hướng dẫn ban hành hiện nay đang được triển khai nhằm.
Từng bước hoàn thiện chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, đảm bảo giá bồi thường đất, giá bồi thường các loại tài sản trên đất tương đương với giá thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường, tương quan với các tỉnh lân cận và đạt mức trung bình trong khung của Chính phủ.
Thành lập Quỹ phát triển đất (trích 30%-40% nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền đấu giá quyền sử dụng đất hàng năm để thực hiện thu hồi đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất) tranh thủ các nguồn lực, tạo quỹ đất sạch thu hút nhà đầu tư. Tăng cường công tác quản lý giá đất, từng bước hoàn thiện bảng giá các loại đất trên địa bàn tỉnh; kịp thời điều chỉnh bảng giá đất khi có biến động lớn, khắc phục tình trạng giá bồi thường về đất thấp hơn nhiều so với giá đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường. Xây dựng cơ chế giải quyết việc làm cho các độ tuổi, phát huy tính chủ động, sáng tạo của người dân trong việc tự giải quyết việc làm, chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, nâng cao thu nhập, đảm bảo ổn định đời sống trước mắt cũng như lâu dài.
- Phân loại rõ nguồn gốc đất để xác định đối tượng được bồi thường, hỗ trợ theo quy định. Với mỗi dự án, cần thực hiện nghiêm chỉnh việc tuyên truyền và phổ biến thông tin, chính sách của dự án đến người bị ảnh hưởng. Cần có quy định cụ thể về xử phạt những hành vi làm trái với quy định của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất.
- Đề xuất với UBND tỉnh Bắc Giang các đề án hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo hài hoà 3 lợi ích: Nhà nước, nhân dân và chủ đầu tư.
4.5.2. Nhóm giải pháp về tổ chức triển khai thực hiện
- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai, chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức và nhân dân trong quản lý và sử dụng đất đai.
- Công tác bồi thường, hỗ trợ phải xác định là nhiệm vụ chung của toàn bộ hệ thống chính trị từ cấp uỷ, chính quyền địa phương đến các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân. Trước khi triển khai thực hiện công tác bồi thường GPMB, cấp uỷ các cấp phải có Nghị quyết cụ thể về công tác bồi thường GPMB trên cơ sở đó để chỉ đạo thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống chính trị. UBND các cấp (thành phố, các phường xã) phải xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết (thành lập các Ban chỉ đạo hoặc tổ công tác để chỉ đạo thống nhất) trong đó phân định rõ trách nhiệm của từng ban, ngành chuyên môn, các tổ chức chính trị xã hội cũng như các cá nhân trên cơ sở đó để chỉ đạo thực hiện thống nhất tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân.
Thành phố Bắc Giang quan tâm sớm hoàn thiện cơ sở hạ tầng các khu đất tái định cư, khu đất ở kinh doanh dịch vụ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Cần xây dựng cơ chế riêng hoặc áp dụng các biện pháp hỗ trợ khác (bằng tiền hoặc bằng đất) đối với khu đất thu hồi làm đất ở dịch vụ. Về tài chính cần tạo cơ chế tranh thủ các nguồn vốn từ các nhà đầu tư để xây dựng hạ tầng khu đất tái định cư, khu đất ở kinh doanh dịch vụ hoặc trích ngân sách cho chính quyền địa phương vay để thực hiện.
- Trước khi thu hồi đất cần làm tốt một số công việc sau:
+ Tổ chức điều tra, khảo sát đời sống, việc làm của người dân có đất thu hồi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; tổ chức thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, có giải pháp hợp lý, hiệu quả để hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tổ chức đào tạo nghề, tạo việc làm, khuyến khích các doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng lao động là người địa phương có đất thu hồi nhằm ổn định đời sống nhân dân. Trên cơ sở cân đối các nguồn thu của địa phương, ưu tiên sử dụng nguồn thu từ tiền sử dụng đất để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu tái định cư, các dự án đất ở, kinh doanh dịch vụ, hỗ trợ một số công trình phúc lợi tại các địa phương có đất bị thu hồi
+ Quan tâm thực hiện tốt công tác chuẩn bị thu hồi đất ngay từ ban đầu, bảo đảm thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch, có sự tham gia giám sát của nhân dân. Xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, phân công và quy định rõ trách nhiệm các cá nhân có liên quan theo từng nội dung phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Nâng cao chất lượng công tác đo đạc, khảo sát, kiểm kê tài sản. Thiết lập chặt chẽ hồ sơ, khi phát hiện có sai sót phải khẩn trương sửa chữa và kịp thời công khai kết quả để nhân dân biết và giám sát thực hiện.
+ Xây dựng kế hoạch cụ thể định hướng giải quyết công ăn việc làm, định hướng sử dụng tiền bồi thường cho người dân có đất bị thu hồi. Hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp còn lại và năng suất cây trồng để người dân yên tâm sản xuất và đảm bảo an ninh lương thực.
- Cần đổi mới công tác lãnh đạo chỉ đạo, lề lối làm việc cũng như tăng cường bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ (nhất là cấp phường, xã), từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác bồi thường hỗ trợ và tái định cư chuyên sâu; tăng thêm cán bộ làm công tác quản lý đất đai cho 03 cấp tỉnh, huyện và xã, giữ ổn định đội ngũ làm công tác này.
- Nâng cao năng lực, xây dựng cơ chế tài chính cho hoạt động của Trung tâm phát triển quỹ đất và Cụm công nghiệp thành phố nhằm thực hiện tốt việc chuyên nghiệp hóa công tác bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất.
4.5.3. Giải pháp về kinh phí
Cần đảm bảo bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách hoặc ứng trước từ nhà đầu tư.
Nguồn kinh phí ứng trước có thể chuyển đến ngân hàng hoặc Tài khoản của tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ để chủ động thực hiện việc chi trả bồi thường, hỗ trợ. Ngoài ra trong phương án tổng thể bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cần xây dựng nội dung tiến độ thực hiện kinh phí bồi thường, hỗ trợ chi trả một lần hay nhiều lần sau khi có quyết định phê duyệt phương án bồi thường.
Về kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường: được trích không quá 2% tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ, trừ các dự án được thực hiện trên địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, cần có quy định cụ thể về tỷ lệ phân chia mức kinh phí tổ chức thực hiện cho các nội dung chi.