Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VẤN ĐỀ GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CHO LAO ĐỘNG NỮ
1.2. Cơ sở thực tiễn về giải quyết việc làm cho lao động nữ
1.2.2. Bài học kinh nghiệm
Một là, kiên trì thực hiện công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ chủ động, nỗ lực khắc phục khó khăn, vươn lên thoát nghèo; giúp chị em hiểu chỉ có thoát nghèo mới xây dựng được gia đình hạnh phúc, con cái được học hành, bản thân có điều kiện tham gia các hoạt động xã hội...
Hai là, tập trung rà soát, lập danh sách, nắm chắc các hộ nghèo, hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, đặt chỉ tiêu xóa nghèo hàng năm đối với từng hộ; với phương châm 100% phụ nữ nghèo được hội hỗ trợ thoát nghèo bằng nhiều hình thức phù hợp.
Ba là, các cấp Hội tuyên truyền, vận động phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế để nêu cao ý thức trách nhiệm, tinh thần tương thân tương ái. Vận động nguồn lực xã hội giúp phụ nữ phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Đã có nhiều hoạt động sáng tạo, như: hỗ trợ vay vốn, dạy nghề, tạo việc làm, vận động ủng hộ mái ấm tình thương. để hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, thoát nghèo. Hội đã khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội, các nguồn vốn từ chương trình, dự án. Thông qua vay vốn, nhiều chị em đã thoát nghèo bền vững và gắn bó hơn với tổ chức Hội. Cùng với hưởng ứng đợt thi đua đặc biệt
“Hướng về phụ nữ và trẻ em nghèo” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động.
Một trong những điều kiện để giúp hộ gia đình phụ nữ thoát nghèo bền vững đó là: hỗ trợ phụ nữ được đào tạo nghề, nắm bắt khoa học kỹ thuật, công nghệ sản xuất mới nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, có việc làm và thu nhập ổn định.
Các cấp Hội đã phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp tập huấn chuyển giao
khoa học - kỹ thuật và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tổ chức dạy nghề cho lao động nữ, nghề đào tạo chủ yếu là: trồng nấm, lúa, nấu ăn, cắm hoa, nuôi và phòng trị bệnh cho gia súc gia cầm. Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, hướng dẫn phụ nữ chăn nuôi, trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế cao, ... góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn.
Hàng năm, các cấp Hội đã tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị chia sẻ kinh nghiệm về lĩnh vực phát triển kinh tế, khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh để chị em có điều kiện giao lưu, học tập kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình. Tổ chức các cuộc hội nghị biểu dương, tôn vinh và tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về các gương phụ nữ làm kinh tế giỏi, giúp phụ nữ tự tin, mạnh dạn làm ăn, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Bốn là, thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”
do Chính phủ ban hành, các cấp Hội Phụ nữ cần xây dựng và tập trung thực hiện hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh, nhằm hướng đến tiếp sức mô hình kinh tế do phụ nữ thực hiện, hỗ trợ cho nhóm phụ nữ yếu thế vươn lên làm chủ, phát huy lợi thế và tiềm năng của phụ nữ trong sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho phụ nữ đóng góp nhiều hơn cho kinh tế địa phương.
Với vai trò là một tổ chức chính trị - xã hội, đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện nhận thức sâu sắc và luôn tâm huyết với công tác giảm nghèo nói chung và giảm nghèo cho phụ nữ nói riêng. Hội luôn quan tâm, tìm giải pháp xây dựng các mô hình hoạt động hiệu quả, giúp chị em tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống và giảm nghèo bền vững, đáp ứng được nguyện vọng thiết thực, chính đáng của hội viên phụ nữ. Các hoạt động phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, các mô hình giúp phụ nữ nghèo được duy trì bằng nhiều hình thức thiết thực như: Tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật, cho vay không tính lãi, hỗ trợ ngày công, giúp cây con giống ... đã tạo nên nguồn nội lực giúp cho phụ nữ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Để tạo điều kiện cho hội viên phát triển kinh tế gia đình, các cấp Hội trong toàn huyện cũng quan tâm khai thác các nguồn vốn để hội viên vay đầu tư phát
triển. Hoạt động đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho phụ nữ nông thôn cũng được các cấp Hội chú trọng, các cấp Hội Phụ nữ trong huyện đã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tư vấn, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nữ, đây chính là đòn bẩy tạo đà cho hội viên phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng.
Kết luận chương 1
Chương 1 đã hệ thống hóa một số cơ sở lý luận về lao động nữ và giải quyết việc làm cho lao động nữ, đưa ra các khái niệm liên quan, phân tích tầm quan trọng của giải quyết việc làm cho lao động nữ cũng như mục tiêu giải quyết việc làm cho lao động nữ. Để giải quyết việc làm cho lao động nữ cần tập trung vào các nội dung đó là giải quyết việc làm thông qua phát triển kinh tế - xã hội; thông qua xuất khẩu lao động, đào tạo nghề cho lao động nữ và thông qua chương trình mục tiêu quốc gia về giải quyết việc làm. Trong chương 1, tác giả cũng đi phân tích những yếu tố ảnh hưởng đến giải quyết việc làm cho lao động nữ gồm cả những yếu tố chủ quan và yếu tố khách quan. Nghiên cứu kinh nghiệm giải quyết việc làm cho lao động nữ ở một số địa phương, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm có ý nghĩa tham khảo tốt cho huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.