Chương 3: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.2. Thực trạng giải quyết việc làm cho lao động nữ trên địa bàn huyện Tân Phú giai đoạn 2019-2021
3.2.1. Tạo việc làm thông qua phát triển kinh tế, xã hội
Giai đoạn 2019-2021, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam trên 3 tác động chính đó là tăng trưởng kinh tế, đầu tư và thương mại đều giảm mạnh. Huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên huyện vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng khá, bình quân đạt 5,3%.
Nhằm khai thác những lợi thế của địa phương, thời gian qua Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện đã tranh thủ sự quan tâm, ủng hộ của tỉnh nên hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng được đầu tư nâng cấp, cải thiện, môi trường đầu tư thuận lợi, thủ tục hành chính được cải cách, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân được khuyến khích đã thúc đẩy lực lượng sản xuất, nhiều dự án đầu tư mới được triển khai đã tạo ra nhiều việc làm mới cho lao động và đặc biệt là lao động nữ.
Huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai cũng đẩy mạnh quảng bá những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính tạo ra sự tin tưởng đối với nhà đầu tư. Thông qua tuyên truyền đã làm thay đổi nhận thức của nhân dân toàn huyện và mọi người đồng thuận, ủng hộ và dành quỹ đất giải phóng mặt bằng, bàn giao đất cho nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Khu Công nghiệp của huyện do Công ty TNHH MTV Tín nghĩa làm chủ đầu tư, đã xây dựng xong các công trình hạ tầng bên trong
hàng rào khu công nghiệp, các công trình cấp điện, cấp thoát nước đã và đang được đầu tư. Hiện nay đã có 01 doanh nghiệp nước ngoài đầu tư xây dựng xí nghiệp may, diện tích thuê đất 4,2ha, sử dụng 1200 lao động và dự kiến sẽ thu hút 3000 công nhân tại địa phương làm việc trong khu công nghiệp trong giai đoạn 2020-2025.
Khu dịch vụ thương mại và nhà ở công nhân 55ha, phục vụ khu công nghiệp do công ty TNHH MTV Tín nghĩa làm chủ đầu tư đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết và đang tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, khu công nghiệp Tân Phú đi vào hoạt động cũng đã thu hút các nhà đầu tư trong các lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông sản, thực phẩm, gia công cơ khí, … tạo ra nhiều việc làm cho người lao động.
Hiện nay trên địa bàn huyện có 1.166 cơ sở sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, trong đó có 1 nhà máy chế biến hạt điều của Công ty Donafoods thuộc doanh nghiệp nhà nước, còn lại chủ yếu là các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, phân tán của các hộ gia đình quy mô nhỏ. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp năm 2021 đạt khoảng 93,571 tỷ đồng. Sản lượng công nghiệp chủ yếu là khai thác vật liệu xây dựng, khai thác cát, đá, gạch và các ngành chế biến nông sản thực phẩm, gia công cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Việc đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển khu công nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện Tân Phú thời gian qua đã tạo ra nhiều việc làm hơn cho người lao động của huyện, thu hút lực lượng lao động trên địa bàn, quy mô lao động làm việc trong khu công nghiệp, các nhà máy ngày càng tăng cao và khá nhanh trong giai đoạn này, đặc biệt là lao động nữ thể hiện qua bảng số liệu sau đây:
Bảng 3.5: Quy mô lao động nữ làm việc trong khu công nghiệp huyện Tân Phú giai đoạn 2019-2021
Chỉ tiêu Năm 2019 Năm 2020 Năm 2021
Tổng số lao động làm việc trong KCN (người)
2.139 2.940 3.086
Lao động nữ (người) 912 1.834 1.945
Tỷ trọng (%) 42,66 62,39 63,03
Nguồn: Phòng Lao động huyện Tân Phú
Nhìn chung, số lượng lao động làm việc trong khu công nghiệp ở huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai hiện nay chưa nhiều. Nhưng những năm gần đây quy mô lao động làm việc trong khu công nghiệp của huyện ngày càng tăng cao. Năm 2019 số lao động nữ của huyện làm trong khu công nghiệp là 912 người, chiếm 42,66% tổng số lao động làm việc trong khu công nghiệp của huyện và tỷ lệ lao động nữ thấp hơn so với nam nhưng đến năm 2021 đã tăng thêm 1.033 người lên 1.945 người và chiếm 63,03% tổng số lao động của huyện làm trong khu công nghiệp và cao hơn tỷ lệ lao động nam. Nguyên nhân dẫn đến quy mô và tỷ lệ lao động nữ làm trong khu công nghiệp tăng là do thời gian qua huyện Tân Phú hoàn thiện khu công nghiệp Tân Phú, đang triển khai hoạt động của Cụm công nghiệp 30ha tại xã Phú Thanh để phát huy những tiềm năng, lợi thế của địa phương nhằm thu hút đầu tư, tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng đầu tư, nhất là những doanh nghiệp trong ngành gỗ, dệt may, chế biến nông sản, phân bón, vật liệu xây dựng, … góp phần tạo thêm nhiều việc làm cho lao động nữ trên địa bàn huyện.
Song song với việc hoàn thiện hạ tầng khu công nghiệp để thu hút đầu tư, huyện Tân Phú còn ưu tiên, khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn góp phần tạo thêm nhiều việc làm cho lao động, trong đó có lao động nữ.
Những năm gần đây, huyện Tân Phú đã chú trọng phát triển ngành công nghệp và xây dựng, đây là ngành đã thu hút khá lớn lượng lao động nữ của huyện, cụ thể:
* Đối với ngành công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm:
Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm, sử dụng nguyên liệu tại chỗ từ sản phẩm nông nghiệp như: Cà phê, hạ điều, đậu nành, trái cây sấy khô đóng gói.
Khuyến khích và hỗ trợ áp dụng khoa học công nghệ vào khâu sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nhằm làm gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Triển khai các đề án cây trồng chủ lực, phát triển các vùng chăn nuôi và giết mổ tập trung nhằm tạo ra vùng nguyên liệu ổn định cho các nhà máy xí nghiệp.
Khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thức ăn gia súc, gia cầm trong khu công nghiệp và cụm công nghiệp của huyện, đảm bảo cho ngành công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm phát triển bền vững.
Tăng cường công tác liên kết giữa 4 nhà gồm: Nhà nước; Nhà khoa học; Nhà Nông; Nhà Doanh nghiệp trong việc ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và vai trò của các cơ quan nghiên cứu chuyển giao KHCN vào sản xuất và chế biến, và sự đồng hành của nhà nước trong viện quản lý và hoạch định các chính sách phát triển công nghiệp.
Hỗ trợ công tác nghiên cứu thị trường trong và ngoài tỉnh, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng giúp các doanh nghiệp định hướng phát triển các ngành nghề, sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, tham gia các hội chợ triển lãm giới thiệu sản phẩm trong và ngoài tỉnh.
* Đối với ngành công nghiệp cơ khí; gỗ; dệt may:
Khuyến khích các cơ sở sản suất cơ khí đầu tư máy móc, thiết bị công nghệ mới để phát triển các sản phẩm cơ khí, vật liệu xây dựng (tole, xà gồ, vì kèo, cấu kiện kim loại…) phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
Đẩy mạnh công tác khuyến công tới các cơ sở sản xuất và các đối tượng trực tiếp sản xuất làm ra sản phẩm đối với các cơ sở sửa chữa cơ khí vừa và nhỏ phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn, các cơ sở chế biến gỗ mỹ nghệ, trang trí nội thất, mây tre lá, nhằm phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp gắn với giải quyết việc làm tại chỗ.
Phối hợp với các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp của huyện, có kế hoạch mở rộng các loại hình đào tạo và quy mô của các cơ sở dạy nghề dệt, may trên địa bàn. Thực hiện liên danh, liên kết với các tổ chức xã hội; trường học, doanh nghiệp đào tạo nghề và nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề cao của Khu Công nghiệp.
Tiếp tục triển khai thực hiện đề án “Khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm của người Châu Mạ huyện Tân Phú. Phối hợp Trung Tâm Khuyến Công trong việc
đào tạo nghề, truyền nghề, cho thợ thủ công làm nghề dệt truyền thống thông qua các thợ giỏi, các nghệ nhân có nhiều kinh nghiệm.
* Đối với ngành công nhiệp khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng:
Trên cơ sở tiềm năng nguồn vật liệu xây dựng của địa phương, quy hoạch vùng nguyên liệu, khu vực khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng. Đồng thời tổ chức quản lý, khai thác sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên vật liệu xây dựng như: cát; đất; đá sỏi.
Chú trọng khuyến khích đầu tư công nghệ mới để sản xuất vật liệu xây dựng như: Đá, gạch ốp lát; Gạch không nung; Gạch lò tuy nel… giảm dần các lò gạch đốt thủ công, các nhà máy sử dụng công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường.
Hỗ trợ áp dụng công nghệ mới trong sản xuất vật liệu composite; gạch block lát vỉa hè từ nguồn chất thải rắn của Nhà máy thu gom và xử lý rác thải, góp phần bảo vệ môi trường.
Bảng 3.6: Lao động nữ của huyện Tân Phú trong các ngành kinh tế
Ngành Năm 2019 Năm 2020 Năm 2021
Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản
24.468 24.449 23.984
Công nghiệp và xây dựng 7.659 8.741 9.983
Dịch vụ, thương mại 18.935 19.223 20.019
Tổng 51.062 52.413 53.986
Nguồn: Phòng Lao động huyện Tân Phú Theo thống kê, đến năm 2021, có gần 30 nghìn lao động nữ làm việc trong ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ và thương mại. Trong đó các ngành dệt may, chế biến nông sản thực phẩm, chế biến thức ăn gia súc, thương mại bán lẻ, du lịch, … thu hút được nhiều lao động nữ. Qua bảng 2.6 cho thấy, lao động nữ trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản vẫn lớn nhất nhưng có xu hướng giảm dần trong những năm gần đây, lao động trong ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, thương mại tăng, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực (tăng tỷ trọng trong ngành công nghiêp, dịch vụ; giảm tỷ trọng trong ngành nông nghiệp).
Trong ba ngành kinh tế của huyện Tân Phú đó là: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; Công nghiệp và xây dựng; Dịch vụ, thương mại thì những năm gần đây huyện đã và đang khuyến khích phát triển công nghiệp và dịch vụ, hướng vào khai thác những lợi thế của mình.
* Thương mại - Dịch vụ
Tập trung nguồn lực của huyện, tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh, kêu gọi đầu tư xây dựng mạng lưới chợ theo quy hoạch, tập trung tạo mọi điều kiện thuận lợi để kêu gọi thu hút đầu tư xây dựng chợ Trung tâm thị trấn Tân Phú, tranh thủ lồng ghép các nguồn vốn để xây dựng các chợ Trung tâm xã của các xã điểm xây dựng nông thôn mới. Phối hợp nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Khu Thương mại dịch vụ và tái định cư 55 ha tại thị trấn Tân Phú, để phục vụ cho khu công nghiệp của huyện.
Đầu tư hoàn chỉnh mạng lưới cung ứng xăng dầu trên địa bàn huyện theo quy hoạch đã được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt. Phát triển mở rộng các hoạt động cung ứng vật tư phục vụ nông nghiệp và tiêu thụ nông sản cho nông dân. Thực hiện tốt chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân vùng sâu, vùng xa góp phần vào việc bình ổn giá trên địa bàn huyện.
Huyện đã bố trí sắp xếp các gian hàng kinh doanh trong các chợ khoa học hợp lý, phát huy hiệu quả đầu tư, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn phòng chống cháy nổ. Thực hiện tốt công tác duy tu, bảo trì để đảm bảo tuổi thọ công trình. Xây dựng các mô hình quản lý chợ tiên tiến, văn minh.
* Về du lịch
Phát huy lợi thế nằm trên trục Thành phố Hồ Chí Minh – Đà Lạt cùng với điều kiện tự nhiên, địa lý của huyện. UBND huyện phối hợp với Trung tâm xúc tiến Du lịch của tỉnh và các đơn vị quản lý, khai thác du lịch trong và ngoài tỉnh hình thành xây dựng các loại hình du lịch sinh thái; kết hợp du lịch và nghỉ dưỡng.
Gắn kết các điểm du lịch, và thương mại dịch vụ trên địa bàn gồm: Trạm dừng chân nghỉ dưỡng xã Phú Sơn, Khu du lịch Thác Hòa Bình - Chùa Linh Phú;
Khu Du lịch Suối mơ; Vườn Quốc gia Cát tiên…thành các tour du lịch phong phú,
đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn của du khách.
Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo, đài, Internet về các khu du lịch trên địa bàn huyện nên đã thu hút khách tham quan trong và ngoài tỉnh. Đồng thời phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Du lịch của tỉnh để quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch của huyện Tân Phú nhằm kêu gọi đầu tư.
Phối hợp với Vườn Quốc gia Cát Tiên xây dựng ấp 4 (vùng đồng bào dân tộc) hình thành tour du lịch phục vụ khách tham quan du lịch về văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc của huyện Tân Phú, phát triển loại hình du lịch cộng đồng gắn kết với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng của Vườn Quốc gia Cát Tiên, Trung tâm sinh hoạt văn hóa truyền thống thanh thiếu niên. Có kế hoạch lưu giữ, phát triển các loại hình văn hóa phi vật thể, các ngành nghề truyền thống nhằm thu hút khách thăm quan du lịch và phục vụ công tác nghiên cứu.
Tranh thủ sự đầu tư hợp tác của các tổ chức trong và ngoài nước để phát triển đề án du lịch sinh thái cộng đồng của vườn Quốc gia Cát Tiên, xây dựng khu đồng bào dân tộc dân tộc thiểu số ấp 4 xã Tà Lài trở thành điểm du lịch hấp dẫn thu hút khách tới tham quan du lịch và nghiên cứu. Có kế hoạch mở các lớp tập huấn nghiệp vụ chuyên ngành cho cán bộ từ huyện đến cơ sở nhằm nâng cao trình độ nghiệp vụ, đáp ứng nhiệm vụ phát triển du lịch trong thời gian tới.
Đôn đốc Công ty Phú Lạc khẩn trương hoàn thành và đưa vào khai thác Khu Du lịch Suối mơ. Hoàn thành hồ sơ đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai; Sở Văn hóa TT- DL công nhận quần thể Thác Hòa Bình – Chùa Linh Phú là Di tích danh thắng cấp tỉnh để có cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư.
Có thể thấy ngành dịch vụ, thương mại đã có những đóng góp hết sức quan trọng trong việc giải quyết việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho lao động nữ ở địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, còn tồn tại một số hạn chế như quy mô nhỏ, số lượng lao động thu hút chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của ngành, chất lượng lao động cải thiện chậm, việc sử dụng lao động không ổn định nên không đảm bảo quyền lợi của người lao động, vẫn còn xảy ra tình trạng bất bình đẳng giới trong thu nhập và việc làm, các tệ nạn xã hội có xu
hướng gia tăng ảnh hưởng đến an ninh, trật tự của huyện.