Chương 2: LÝ LUẬN VỀ NHU CẦU HỌC TẬP CỦA SINH VIÊN NGƯỜI
2.3. Nhu cầu học tập
2.3.1. Khái niệm nhu cầu học tập
Nhu cầu gắn liền với hoạt động, nhu cầu học tập là loại nhu cầu tinh thần gắn với hoạt động học tập. Có 2 cách hiểu về nhu cầu học tập.
(1) Nhu cầu học tập là sự nhận thức về tình trạng thiếu thốn tri thức, kỹ năng, kỹ xảo. Nguyễn Văn Lũy (2001) xem nhu cầu học tập là trạng thái thiếu hụt một cái gì đó trong lĩnh vực nhận thức. Nhu cầu này được phản ánh dưới dạng thiếu hụt thông tin. Đối tượng của nhu cầu là những kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo mới chưa từng có trong kinh nghiệm cá nhân [64, 35]. Hoàng Thị Thu Hà (2003) khẳng định nhu cầu học tập “là đòi hỏi của người học đối với sự lĩnh hội nội dung kiến thức, phương pháp học nhằm làm giàu vốn kinh nghiệm, phát triển và hoàn thiện nhân cách của bản thân: là tình trạng thiếu hụt về kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo mới được phản ánh trong não của người học. Nhu cầu học tập là thành phần cơ bản
Luận án tiến sĩ Tâm lý học
của động cơ học tập, thúc đẩy tính tích cực và có ảnh hưởng quyết định đến kết quả học tập” [30, 53]. Theo các quan điểm này nhu học tập là trạng thái mà chủ thể nhận thức rõ tình trạng thiếu thốn tri thức, kỹ năng và mong muốn bổ sung vào kinh nghiệm cá nhân để đảm bảo cho sự phát triển của cá nhân. Chính sự nhận thức về tình trạng thiếu thốn tri thức, kỹ năng, kỹ xảo mà có thể thúc đẩy tính tích cực của cá nhân trong hoạt động học tập. Người học không những nhận rõ sự thiếu thốn của tri thức, kỹ năng, kỹ xảo mà người học còn nhận thức được tình trạng thiếu thốn của phương pháp học. Chính sự thiếu hụt về phương pháp học nên người học gặp khó khăn trong quá trình tìm kiếm tri thức, kỹ năng, kỹ xảo.
(2) Trường Đại học Toronto định nghĩa nhu cầu học tập“nhu cầu học tập là sự thiếu hụt tồn tại giữa thực tiễn hiện tại và thực tiễn mong muốn. Nhu cầu có thể không nhận thức được, nhận thức được, nhận thức nhầm hoặc được biết đến” [126], [134].
Theo cách hiểu này nhu cầu học tập được xác định là sự thiếu hụt giữa thực tiễn hiện tại và thực tiễn mong muốn. Sự thiếu hụt này có thể được cá nhân nhận thức hoặc không được nhận thức, thậm chí là có khi nhận thức nhầm.
Tuy chưa có sự thống nhất với nhau trong cách hiểu nhu cầu học tập giữa hai quan điểm trên, song các tác giả nghiên cứu về nhu cầu học tập đi đến quan điểm chung xem nhu cầu học tập là sự nhận thức về tình trạng thiếu hụt về tri thức, kỹ năng, phẩm chất. Nhu cầu học tập là những đòi hỏi tất yếu trở nên bức thiết trong hoạt động học tập và cần được thỏa mãn để tồn tại và phát triển. Người học có nhu cầu học tập luôn nhận thức rõ tình trạng thiếu thốn của đối tượng học tập, ý nghĩa của đối tượng học tập với sự tồn tại và phát triển của cá nhân người học. Chính yếu tố này làm cho cá nhân nhận thức tính bức thiết của nhu cầu học tập là phải tích cực tham gia hoạt động, tìm kiếm phương thức thỏa mãn nhu cầu học tập. Sự thiếu hụt càng lớn và đối tượng thỏa mãn nhu cầu càng có ý nghĩa với cá nhân thì tính bức thiết càng cao. Tính bức thiết trở thành động lực thúc đẩy tính tích cực của cá nhân trong hoạt động học tập. Trong quá trình học tập SV chỉ thực sự chủ động, tích cực khi bản thân nhận thức rõ tình trạng thiếu thốn tri thức, kỹ năng, phẩm chất nghề nghiệp và phương thức chiếm lĩnh chúng đối với sự phát triển của cá nhân. Mặt khác, nhu cầu học tập luôn gắn bó với xúc cảm – ý chí. Khi nhu cầu học tập được thỏa mãn
Luận án tiến sĩ Tâm lý học
người học nảy sinh những xúc cảm dễ chịu, thoải mái và ngược lại, cảm xúc khó chịu, không hài lòng nảy sinh khi nhu cầu học tập chưa được đáp ứng. Từ những phân tích trên đây, chúng tôi đưa ra khái niệm nhu cầu học tập như sau: Nhu cầu học tập là những đòi hỏi bức thiết về tri thức, về kỹ năng học tập, về phẩm chất của người học để đáp ứng yêu cầu học tập.
Nhu cầu học tập là những đòi hỏi về tri thức, về kỹ năng học tập, về phẩm chất của người học trở nên bức thiết khi người học nhận thức rất rõ tình trạng thiếu thốn của tri thức, kỹ năng, phẩm chất, phương thức chiếm lĩnh và mong muốn được thỏa mãn chúng. Nhu cầu học tập thực chất là nhu cầu về tri thức, về sự mở mang vốn hiểu biết của bản thân, hình thành những kỹ năng chuyên nghiệp và những phẩm chất, giá trị xã hội có liên quan đến sự tồn tại và phát triển của họ trong xã hội và cho cả sự phát triển của xã hội. Trên cơ sở nhu cầu học tập sẽ làm nảy sinh nhu cầu nhận thức, nhu cầu về sự thành đạt, tự khẳng định bản thân trong cuộc sống và công việc.
Nhu cầu học tập là những đòi hỏi về tri thức, kỹ năng, phẩm chất, phương thức chiếm lĩnh chúng trở nên bức thiết thúc đẩy tính tích cực của cá nhân trong hoạt động học tập để giải quyết nhiệm vụ học tập thỏa mãn nhu cầu. Nhu cầu học tập giữ vai trò quan trọng trong phát huy tính tích cực học tập của người học. Nhu cầu học tập là nguồn gốc của tính tích cực trong hoạt động học tập. Hoạt động học tập được thúc đẩy bởi nhu cầu học tập giúp người học luôn say mê trong học tập, đấu tranh vượt qua mọi khó khăn để giải quyết các nhiệm vụ học tập. Nhu cầu học tập là thành phần cơ bản của động cơ học tập, thúc đẩy tính tích cực và có ảnh hưởng quyết định đến hoạt động học tập nâng cao trình độ của con người, giúp người học thích nghi với sự phát triển nhanh chóng của xã hội.
Nhu cầu học tập gắn với trạng thái xúc cảm [9, 11], [34, 167], [102, 172], [109, 159]. Nhu cầu học tập gắn với cảm xúc thỏa mãn hay không thỏa mãn về tri thức, về kỹ năng, về phẩm chất, phương thức chiếm lĩnh chúng. Nhu cầu học tập được thỏa mãn người học nảy sinh những cảm xúc hài lòng, phấn trấn khi lĩnh hội được những tri thức, kỹ năng, phẩm chất, phương thức chiếm lĩnh chúng. Trạng thái cảm xúc nảy sinh chính là yếu tố thúc đẩy con người vượt qua khó khăn trở ngại trong quá trình tham gia hoạt động học tập [34, 171], [102, 181]. Chính những xúc cảm âm tính hoặc dương tính làm
Luận án tiến sĩ Tâm lý học
tăng cường nghị lực, quyết tâm của chủ thể trong hoạt động học tập. Khi nhu cầu học tập không được thỏa mãn cá nhân nảy sinh cảm xúc đau khổ, chán nản.
2.3.2. Đặc điểm nhu cầu học tập
Nhu cầu học tập cũng có những đặc điểm như nhu cầu chung. Tuy nhiên, xuất phát từ khái niệm nhu cầu học tập là những đòi hỏi về tri thức, về kỹ năng, phẩm chất và phương thức chiếm lĩnh chúng của cá nhân thể hiện ở tính bức thiết, tính thúc đẩy và tính hài lòng nhằm thực hiện hoạt động học tập đạt kết quả tốt và được biểu hiện qua nhận thức, thái độ và hành vi có thể nhận thấy nhu cầu học tập có những đặc điểm cụ thể:
- Đối tượng của nhu cầu học tập là hệ thống tri thức, kỹ năng, phẩm chất và phương thức chiếm lĩnh chúng được sinh viên nhận thức được tình trạng thiếu thốn và mong muốn thỏa mãn chúng. Nhu cầu học tập không tồn tại tự thân mà được biểu hiện cụ thể trong hoạt động học tập. Tìm hiểu nhu cầu học tập phải tìm hiểu chính bản thân hoạt động học tập. Đối tượng của hoạt động học tập cũng chính là đối tượng của nhu cầu học tập. Người học có nhu cầu học tập luôn nhận thức được tình trạng thiếu hụt tri thức, kỹ năng, phẩm chất và phương thức chiếm lĩnh chúng và ý nghĩa của nó đối với sự tồn tại và phát triển của bản thân.
Phương thức thỏa mãn nhu cầu học tập là thông qua hoạt động học tập. Để tồn tại và phát triển, con người luôn luôn phải hoạt động nhằm đáp ứng những đòi hỏi nhất định, những đòi hỏi ấy chính là nhu cầu [32, 183], [102, 224]. Cùng một nhu cầu có thể thỏa mãn bằng nhiều phương thức khác nhau. Nhu cầu học tập có thể thỏa mãn thông qua hoạt động vui chơi, giải trí, giao tiếp, lao động… Tuy nhiên, nhu cầu học tập là nhu cầu tinh thần nhằm thỏa mãn tri thức khoa học, kỹ năng, phẩm chất và phương thức chiếm lĩnh chúng. Chính vì vậy, nhu cầu học tập được thỏa mãn chủ yếu thông qua hoạt động học tập bao gồm: học độc lập và học có sự phối hợp, học trong lớp và học ngoài lớp. Dù là học độc lập hay học có phối hợp, học trong lớp hay ngoài lớp thì bản thân người học cũng phải tích cực, độc lập trong mọi hoạt động học tập của bản thân.
Nhu cầu học tập có tính ổn định. Tính ổn định của nhu cầu học tập được thể hiện ở độ bền vững của nhu cầu học tập được đặc trưng bằng chu kỳ xuất hiện của
Luận án tiến sĩ Tâm lý học
nó. Chu kỳ xuất hiện càng liên tục, mật độ càng dày phản ánh độ bền vững càng cao.
Khi những mong muốn về tri thức, kỹ năng, phẩm chất và phương thức chiếm lĩnh chúng được thỏa mãn sẽ không ngừng lại mà tiếp tục nảy sinh nhu cầu về tri thức, kỹ năng, phẩm chất và phương thức chiếm lĩnh chúng ở mức độ cao hơn và ngày càng trở nên ổn định. Mong muốn học tập suốt đời cũng là một trong những biểu hiện tính ổn định của nhu cầu học tập.
Nhu cầu học tập gắn với trạng thái xúc cảm – ý chí. Tất cả những rung cảm của con người đối với sự vật hiện tượng của hiện thực khách quan đều liên quan đến nhu cầu và động cơ [9, 11], [34, 167], [102, 172], [109, 159]. Cảm xúc nảy sinh khi nhu cầu học tập (mong muốn về tri thức, kỹ năng, phẩm chất và phương thức chiếm lĩnh chúng) được thỏa mãn hoặc không thỏa mãn. Khi nhu cầu học tập được thỏa mãn thì cá nhân nảy sinh cảm xúc dễ chịu, hài lòng và ngược lại nhu cầu học tập không được thỏa mãn thì cá nhân nảy sinh những cảm xúc khó chịu, không hài lòng.
Biểu hiện trạng thái cảm xúc - ý chí của nhu cầu học tập phát triển theo hướng tích cực tồn tại dưới dạng tính ham học hỏi, khát khao khám phá tri thức khoa học, luôn có biểu hiện lo lắng khi chưa hoàn thành nhiệm vụ học tập do đó mà có sự nỗ lực vượt qua khó khăn trở ngại để giải quyết nhiệm vụ học tập. Người học luôn quan tâm đến việc bồi dưỡng tri thức và cảm thấy phấn trấn khi lĩnh hội được tri thức khoa học. Khi nhu cầu học tập không được thỏa mãn người học cảm thấy không hài lòng.
Trong hoạt động học tập, nhu cầu học tập nảy sinh và phát triển không ngừng. Nhu cầu học tập này nảy sinh và được thỏa mãn thì nhu cầu học tập khác lại nảy sinh ở mức độ cao hơn. Tuy nhiên tính hài lòng của nhu cầu học tập còn tùy thuộc vào sự nhận thức tình trạng thiếu thốn tri thức của bản thân chủ thể.
Tóm lại, nhu cầu học tập là những đòi hỏi về tri thức, về kỹ năng, phẩm chất và phương thức chiếm lĩnh chúng của cá nhân thể hiện ở tính bức thiết, tính thúc đẩy và tính hài lòng nhằm thực hiện hoạt động học tập đạt kết quả tốt và được biểu hiện qua nhận thức, thái độ và hành vi. Nhu cầu học tập có tính đối tượng, nhu cầu học tập phải được thỏa mãn thông qua hoạt động học tập, nhu cầu học tập có tính ổn định, nhu cầu học tập gắn với trạng thái xúc cảm – ý chí. Luận án này nghiên cứu
Luận án tiến sĩ Tâm lý học
học tập của SV người Khmer biểu hiện ở mức độ bức thiết (về tri thức, về kỹ năng, về phẩm chất) và mức độ thực hiện hành vi thỏa mãn nhu cầu học tập.
2.3.3. Phân loại nhu cầu học tập
Nhu cầu học tập là nhu cầu tinh thần gắn với hoạt động học tập. Dưới góc độ tâm lý học, học tập là một quá trình nhận thức tích cực, chủ động hình thành tri thức, kỹ năng, phẩm chất với mục đích nắm vững kỹ năng nghề nghiệp thỏa mãn nhu cầu bản thân.
Nhu cầu học tập là những đòi hỏi về tri thức, về kỹ năng học tập, phẩm chất của người học và phương thức chiếm lĩnh chúng của cá nhân thể hiện ở mức độ bức thiết và mức độ thực hiện hành vi thỏa mãn nhu cầu học tập nhằm thực hiện hoạt động học tập đạt kết quả. Nhu cầu học tập có tính đối tượng, nhu cầu học tập phải được thỏa mãn thông qua hoạt động học tập, nhu cầu học tập có tính ổn định, nhu cầu học tập gắn với trạng thái xúc cảm – ý chí. Nhu cầu học tập được thỏa mãn thông qua hoạt động học tập. Xuất phát từ cách hiểu nhu cầu học tập là những đòi hỏi bức thiết về tri thức, về kỹ năng và về phẩm chất để thực hiện hoạt động học tập đạt kết quả tốt và được biểu hiện qua nhận thức, thái độ và hành vi, chúng tôi nhận thấy nhu cầu học tập có thể phân thành ba loại nhu cầu học tập: nhu cầu về tri thức; nhu cầu về kỹ năng học tập; nhu cầu về phẩm chất của người học.
- Nhu cầu về tri thức
Tri thức là kết quả của quá trình khái quát hóa, hệ thống hóa, tổng hợp hóa những tư tưởng, những quan điểm của nhân loại về một lĩnh vực khoa học nào đó.
Hệ thống tri thức bao gồm những sự kiện khoa học, những lý thuyết, học thuyết khoa học, những khái niệm, những phạm trù, những quy luật, quy tắc… [47, 28-30]. Tri thức tồn tại trong hiện thực khách quan, trong vốn kinh nghiệm của lịch sử - xã hội loài người. Người học có nhu cầu về tri thức thể hiện ở sự nhận thức về tình trạng thiếu thốn tri thức đối với bản thân và mong muốn phản ánh vào trong tâm lý cá nhân, nghĩa là muốn học tập để chuyển những kinh nghiệm của loài người thành kinh nghiệm của cá nhân. Nhận thức được sự thiếu thốn của tri thức trong tâm lý cá nhân và ý nghĩa của tri thức đối với sự tồn tại và phát triển của bản thân là động lực giúp người học tìm kiếm tri thức nhằm thỏa mãn những khao khát tri thức.
Luận án tiến sĩ Tâm lý học
- Nhu cầu về kỹ năng học tập
Kỹ năng là khả năng vận dụng kiến thức để giải quyết một nhiệm vụ cụ thể [70, 82]. Tùy theo hoạt động cụ thể mà các kỹ năng được phân thành những loại khác nhau. Có rất nhiều loại kỹ năng cơ bản: nghe, nói, đọc, viết, làm tính toán, làm bài tập lý thuyết, tiến hành các thí nghiệm, thực hành hoặc thực hiện các bài tập có tính sáng tạo… SV có nhu cầu kỹ năng thể hiện cụ thể ở sự nhận thức về tình trạng thiếu thốn kỹ năng chuyên môn và kỹ năng học tập trong của bản thân và khao khát phản ánh những kỹ năng vào trong tâm lý cá nhân. Bất kỳ kỹ năng nào cũng có cơ sở lý thuyết. Để thỏa mãn nhu cầu kỹ năng đòi hỏi người học cần nắm vững kiến thức tương ứng. Mỗi kỹ năng chuyên môn hoặc kỹ năng học tập được cụ thể hóa bằng những thao tác cụ thể. Các nhà tâm lý học sư phạm chỉ ra rằng “quy trình chung rèn luyện kỹ năng học tập bao gồm: quan sát mẫu xây dựng kế hoạch luyện tập thực hành luyện tập tự kiểm tra đối chiếu và tìm cách khắc phục lỗi sai luyện tập lặp đi lặp lại nhiều lần trở thành hành động tự động hóa” [74, 84].
- Nhu cầu về phẩm chất của người học
Phẩm chất là cái làm nên giá trị của một người [71, 633]. Những phẩm chất của cá nhân được các nhà tâm lý học nghiên cứu và chỉ rõ (phẩm chất trị tuệ, phẩm chất ý chí, phẩm chất nhân cách của người lao động…) tùy vào cách tiếp cận của mỗi tác giả [100], [24], [11]. Phẩm chất là thuộc tính tâm lý của con người được hình thành trong quá trình tham gia hoạt động và tương tác với các mối quan hệ xã hội.
Nhu cầu về phẩm chất thực chất là nhu cầu về các giá trị. Theo Phạm Minh Hạc, mỗi người cần định hướng hình thành cho mình những giá trị của bản thân: kiên trì biến tiềm năng thành năng lực; nêu cao tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước; chăm học, chăm làm, nhẫn nại, vượt khó vươn lên; tăng cường học vấn; nâng cao tay nghề và đạo đức nghề nghiệp; nâng cao tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, thích nghi và sáng tạo; nâng cao văn hóa ứng xử, quan hệ với mọi người tốt đẹp (lương thiện, trung thực); có trách nhiệm với gia đình, cộng đồng và xã hội [33, 348]. Người học có nhu cầu về phẩm chất liên quan đến nghề nghiệp biểu hiện cụ thể ở sự nhận thức về tình trạng thiếu thốn những phẩm chất (giá trị) cần thiết cho sự tồn tại và phát
Luận án tiến sĩ Tâm lý học