1.3 Tổng quan vùng nghiên cứu
1.3.3 Các yếu tố địa hình- địa mạo, địa chất, thổ nhưỡng
1) Đặc điểm và quá trình thành tạo môi trường trầm tích vùng ven biển ĐBSCL:
Quá trình địa chất:
ĐBSCL nói chung và vùng nghiên cứu nói riêng nằm ở vị trí tận cùng về phía Đông Nam của khối lục địa Âu – Á. Phần đất này trải qua những quá trình phát triển địa chất lâu dài, bao gồm nhiều giai đoạn khác nhau. Những nghiên cứu cấu trúc địa chất sâu gần đây nhất cho thấy, về thực chất đây là một miền trũng được lấp đầy chủ yếu bằng các trầm tích hỗn hợp sông biển, gọi là miền trũng Kainozoi Mekong.
Móng của trũng Kainozoi là các đá Trung sinh và Cổ sinh, trên đó có các thành tạo Pleistoxen và Neogen (dày khoảng vài trăm đến hai nghìn mét) trên cùng là tầng Holocen (dày khoảng vài chục mét). Bản thân trũng này là một bồn lớn có khả năng chứa nước dưới đất. [7]
Trong quá trình tiến triển ĐBSCL, vai trò quyết định thuộc các đứt gãy trẻ hoặc kế thừa. Nhìn chung, hình dáng của đồng bằng cùng các thủy đạo chính đều đã được xác lập và phân định rõ ràng bởi các đứt gãy chính đã xảy ra cách đây nhiều triệu năm.
Sau đó là các quá trình bồi tích để thành đồng bằng. Theo một số tài liệu, ĐBSCL đã nổi lên trên mặt nước đầy đủ và trở thành một đồng bằng hiện đại chỉ mới cách đây khoảng 2.500 năm.
Luận văn thạc sỹ khóa Q11CS2 – Học viên Phạm Thị Bích Thục
Quá trình thành tạo trầm tích đồng bằng trải qua các giai đoạn Pleistocene muộn, Holocene với các thành tạo trầm tích pleistocene, Holocene, trầm tích vịnh biển, chân châu thổ, tiền châu thổ, tam giác châu dưới nước và tam giác châu trên cạn.
Vùng đồng bằng ven biển được hình thành bởi quá trình lắng đọng các vật liệu trầm tích phù sa sông trong môi trường nước biển. Vì vậy, nó được tạo nên nhóm đất mặn, mà bản chất là đất phù sa. Đất phèn và đất phèn mặn hiện diện ở vùng đồng bằng ven biển thấp, trũng và vùng đồng bằng ven biển ngập triều.
Đặc điểm địa chất trầm tích:
Sự tiến hoá của đồng bằng châu thổ bị chi phối và điều khiển chủ yếu bởi sự thay đổi mực nước biển trong Holocen. Phần lớn các đồng bằng châu thổ của Châu Á được bắt đầu hình thành vào khoảng 8 – 9000 năm trước. Đặc biệt một loạt các đại châu thổ được thành tạo vào khoảng 6 – 7000 năm trước nhờ có sự ổn định hoặc hạ đôi chút của mực nước biển (Saito Yoshiki, 2005).
Châu thổ Mekong được hình thành vào khoảng 7.5 – 9000 năm trước đây ứng với giai đoạn tốc độ biển tiến giảm. Trong suốt khoảng thời gian khoảng 8 nghìn năm qua đồng bằng châu thổ được mở rộng nhanh chóng, với tốc độ rất cao về phía biển. Đặc biệt, sau quá trình biển tiến cực đại trong Holocen cách ngày nay khoảng 6000 – 5000 năm. Sự bành trướng của châu thổ, chủ yếu bởi những bồi tụ trầm tích ngang với tốc độ dịch ra biển, trung bình là 15m/năm trong suốt bốn nghìn năm qua.
Diện tích châu thổ đạt tới 62520 km2, với bề dày trầm tích hình thành trong thời gian này vào khoảng 20 – 30 m. Việt Nam chiếm 75% diện tích châu thổ.
Thềm biển rộng, các quá trình thủy động lực làm hạn chế diện phân bố của châu thổ ngầm, nó phát triển chủ yếu ở khu vực 0 – 30 m nước. Các trầm tích hiện đại từ sông Cửu Long, thay vì được đưa ra phía ngoài thì đã được vận chuyển chủ yếu về phía Tây Nam. Thềm trong và giữa luôn luôn chịu cảnh “đói” trầm tích triền miên và được đặc trưng bởi địa hình sóng cát, dấu vết của các dòng chảy đáy.
Trầm tích Đệ tứ khu vực nghiên cứu bao gồm Phù sa cổ và Phù sa mới. Phù sa cổ (trầm tích Pleistocen) không lộ trên bề mặt và phân bố sâu đến vài chục mét trong
Luận văn thạc sỹ khóa Q11CS2 – Học viên Phạm Thị Bích Thục
khu vực. Các trầm tích phân bố bề mặt của khu vực nghiên cứu là các trầm tích thuộc Phù sa mới (trầm tích Holocen).
Phù sa cổ hay trầm tích Pleistocen muộn thuộc Hệ tầng Long Mỹ, mQ12lm (Cục Địa chất Việt Nam, 1996). Hệ tầng Long Mỹ bị phủ bất chỉnh hợp bởi các trầm tích Holocen. Chiều dày thay đổi từ 20 - 40 m. Phù sa cổ là lớp sét bột, bị laterit hóa nhẹ có màu vàng, nâu hoặc loang lổ đỏ vàng, dẻo chặt. Phù sa cổ có độ dẻo cao, rất dễ phân biệt với lớp sét mặn, mềm nhão nằm bên trên.
Phù sa mới chiếm toàn bộ diện tích bề mặt khu vực nghiên cứu, chiều dày chung từ vài mét đến vài chục mét và được hình thành từ 10.000 năm trở lại đây. Các trầm tích của phù sa mới, bao gồm:
Trầm tích Holocen giữa (Q22): Chủ yếu là trầm tích biển hình thành trong giai đoạn biển tiến (cực đại khoảng 6.000 năm cách đây).
Trầm tích Holocen trên (Q23): Gồm các trầm tích có nhiều nguồn gốc khác nhau, hình thành trong giai đoạn biển lùi (sau 6.000 năm).
Dựa vào các kết quả nghiên cứu về nguồn gốc, thời gian thành tạo, thành phần vật chất, cơ chế trầm tích, di tích cổ sinh, tuổi tuyệt đối,… có thể chia các trầm tích của Phù sa mới nơi khu vực nghiên cứu thành nhiều đơn vị khác nhau.
Phù sa mới là các trầm tích trẻ phủ ở trên mặt đất hiện nay của khu vực. Các trầm tích này bao gồm :
Trầm tích biển Holocen giữa (mQ22).
Các trầm tích Holocen muộn (Q23), bao gồm: bãi thủy triều (mQ23), giồng cát hay giồng (mvQ23), sông - biển hay đồng thủy triều (amQ23), đầm lầy ven biển mới hay đầm lầy mặn mới (mbQ23), cồn bãi cửa sông không phân chia (aQ2).
2) Đặc điểm địa mạo:
Các đơn vị địa mạo của châu thổ được phân chia thành mấy nhóm địa mạo chính như sau: phần châu thổ cao chịu sự chi phối chính bởi các quá trình hoạt động của sông; phần đồng bằng thấp chịu sự chi phối của các quá trình cửa sông và các hoạt động động lực ven bờ biển (thủy triều, sóng).
Luận văn thạc sỹ khóa Q11CS2 – Học viên Phạm Thị Bích Thục
- Phức hệ đồng lụt:
Đồng lụt: Đồng lụt ngập nước vào mùa lũ, lưu lượng nước sông lớn vượt qua các đê tự nhiên tràn vào các vùng trũng, tạo nên đồng lụt. Đồng lụt tích tụ chủ yếu các trầm tích bột và sét và lộ ra vào mùa khô.
Bưng lầy: Trong đồng lụt, nhiều vũng nước lớn không bốc hết hơi nước vào mùa nắng, trở thành các bưng nhỏ, không có ranh giới rõ ràng, được gọi là bưng lầy.
Bưng sau đê: Khu đất thấp nằm sau lưng đê sông lập nên đơn vị bồi tích là bưng sau đê, có tính trũng thấp. Nó được giới hạn bằng nhiều yếu tố địa hình khác nhau. Các đê tự nhiên vây quanh, đê tự nhiên phối hợp với giồng, đê tự nhiên phối hợp với đất đắp. Đê tự nhiên có triền thoai thoải từ chân đê vào đến giữa tâm, giữa trung tâm của trũng thường có một bưng lầy.
- Phức hệ lòng sông:
Đê tự nhiên: phát triển dọc theo hai bên sông Hậu và sông Tiền kéo dài từ biên giới Campuchia ra tới biển. Đê được thành lập vào mùa lũ, khi nước sông dâng lên cao, phù sa theo dòng chảy tràn qua hai bên bờ. Mùa lũ này đến mùa lũ khác, vật liệu thô kế tiếp nhau lắng xuống, tạo ra bờ đê cao hơn đất liền bên trong. Lũ cao đến đâu, đê cao đến đó. Càng ra gần biển, đê thấp dần rồi chìm bên dưới mực triều cường. Đê làm bằng vật liệu tương đối thô, gồm có bùn pha với cát mịn.
Doi sông: được hình thành từ sự bồi đắp nên từ các kênh ngầm cho đến khi lộ lên khỏi mặt nước.
Cù lao sông : là một trường hợp của doi sông dạng dải (braided river) trong đồng bằng châu thổ. Nó là sự tích tụ của cát thô để tạo thành một dạng địa hình cao ở các kênh sông được gọi là các cồn cát.
Lòng sông cổ trên đồng bằng châu thổ: Trên đồng bằng châu thổ các lòng sông cổ gặp ở nhiều nơi, nó được nhận ra bởi các đê tự nhiên. Hiện nay lòng sông cổ nằm dưới trầm tích đồng lụt sâu từ 10 – 20 m với thành phần trầm tích chủ yếu là sét hữu cơ.
Luận văn thạc sỹ khóa Q11CS2 – Học viên Phạm Thị Bích Thục
- Đồng bằng thấp:
Đồng bằng thấp tương đối phẳng, có độ cao khoảng 0.5–1 m trên mực nước biển. Trong khu vực này xuất hiện các trũng rộng, đầm lầy than bùn và đầm lầy.
Trũng rộng: vùng đất thấp, độc lập, không liên hệ trực tiếp với các hoạt động của sông.
Đầm lầy than bùn: là khu vực thấp nhất của các trũng rộng nói trên nằm ở hai khu vực U Minh Thượng và U Minh Hạ. Đây là khu vực ngập nước nhất.
Đầm lầy: gồm nước đầm lầy mặn – nước lợ, đầm lầy nước lợ và đầm lầy nước ngọt. Đầm lầy được giới hạn bởi các thành hệ thực vật và là khu vực thoát nước kém.
- Phức hệ ven biển:
Bãi thủy triều (tidal flat) : Bãi triều phía biển Đông được chia thành bãi cát đối với bãi chứa cát, cát bùn và bãi bùn đối với bãi chứa bùn. Bãi triều trải rộng từ đới trên triều qua đới gian triều và xuống tới phần nông của đới dưới triều.
Từ Gò Công tới Bạc Liêu có chế độ bán nhật triều, ngày nước lên xuống 2 lần, biên độ 3–3,8 m, bãi triều thường xuất hiện với diện tích rộng từ 2–5 km. Bãi cát chiếm ưu thế ở phần dưới thấp, bãi hỗn hợp phần trên.
Doi biển : Khi bãi thủy triều không còn bị ảnh hưởng bởi triều nữa, cát mặt khô đi và bị ảnh hưởng bởi gió sẽ tạo thành các doi cát.
Giồng cát : Giồng cát ven biển rất phổ biến ở ven biển từ Gò Công tới Bạc Liêu. Cát được đưa vào bờ biển dưới ảnh hưởng của sóng, hình thành nên các bãi biển. Phần đỉnh của bãi biển hình thành gờ nhô, sau đó dưới ảnh hưởng của gió, trầm tích cát trên các gờ nhô được đưa sâu vào trong đất liền, hình thành nên các cồn cát cao tới vài mét, chạy dọc theo bờ biển, được gọi là giồng cát. Khi châu thổ tiến xa hơn về phía biển, các giồng cát chạy dọc bờ, nằm sâu lại trong đất liền.
Phẳng giữa giồng: Giữa một giồng cổ và một giồng mới hơn, có một chỗ trũng, gọi là phẳng giữa giồng. Nếu phẳng này nằm dưới triều cao, đó là một đồng thủy triều. Nếu còn ngập mặn khi triều đã rút sát, đó là một đầm mặn,
Luận văn thạc sỹ khóa Q11CS2 – Học viên Phạm Thị Bích Thục
bên trên có rừng đước và mắm. Vật liệu ở đây mịn và rất mịn, chủ yếu là bùn pha sét hoặc sét ròng. Gần chân giồng, tỉ lệ cát lên đến 25%. Ngay ở giữa trũng, tỉ lệ sét chiếm 70%. Tỉ lệ thường chen vào giữa hai tỉ lệ đó. Ngoài ra còn có một phần hữu cơ. Những giồng nằm sát nhau, thường không có phèn. Tuy nhiên, những phẳng giữa giồng rộng thường xuất hiện tầng sinh phèn, nằm bên dưới 0,5 hoặc 1 m. Hiện nay, phẳng giữa giồng đang được sử dụng để trồng lúa là chính.
Đầm lầy rừng ngập mặn: Đầm lầy rừng ngập mặn cũng được phân bố dọc theo bờ biển hiện tại và thường ở sau bãi triều. Môi trường gian triều và thực vật rừng ngập mặn chiếm ưu thế khá phổ biến ở khu vực rộng lớn phía Nam mũi Cà Mau và dọc theo biển ven các cửa sông.
Đầm lầy mặn: Đầm lầy mặn thường xuất hiện ven bờ biển hiện tại và phía sau những khu rừng ngập mặn ở Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng. Mặt bãi triều khá bằng phẳng được tích tụ và nâng cao dần nhưng cao hơn mực nước biển không đáng kể, cỏ dại có điều kiện phát triển ở đây. Có hai loại đầm mặn: một là đầm bùn mặn khi lượng bùn vượt quá 50% thể tích đất. Hai là đầm lầy mặn, nếu lượng đất sét vượt quá 50% thể tích đất. Việc phân loại này không tính đến lượng vôi và hữu cơ của chất trầm tích.
3) Đặc điểm địa hình:
Vùng nghiên cứu có địa hình thấp, khá bằng phẳng. Độ chênh cao tuyệt đối giữa điểm thấp nhất và điểm cao nhất chỉ là 3,5 m. Phần đất cao nhất gặp ở Chợ Lách đến Châu Thành, nằm về phía bắc và tây bắc của thành phố Bến Tre. Đây là khu vực của cồn sông cổ được lũ hằng năm đem phù sa phủ lấp lên. Độ cao tuyệt đối có nơi đạt trên 5 m, nhưng đa số từ 3 đến 3,5 m. Một phần đất cao nữa nằm theo các bờ biển cổ, với những gờ bờ biển cổ, gọi là giồng, có độ cao tuyệt đối từ 2 đến 5 m. Đa số địa danh cao đều mang thêm từ giồng ở phía trước, như Giồng Trôm, Giồng Tre, Giồng Mù U, v.v...
Phần đất thấp gồm có 2 loại, đó là các lòng máng của những dòng sông cổ và mới, đã bị lấp hoàn toàn hoặc từng phần bởi trầm tích hiện nay. Ví dụ như
Luận văn thạc sỹ khóa Q11CS2 – Học viên Phạm Thị Bích Thục
Phước An, Phước Tú ở huyện Châu Thành, hoặc Phong Phú, Phú Hòa ở huyện Giồng Trôm. Loại thứ hai là những vũng mặn cổ, nay cũng đã được lấp đầy từng phần như xóm Chợ Cũ của huyện Ba Tri, Mỹ Hòa ở huyện Giồng Trôm. Loại địa hình này chỉ có độ cao từ 1 – 1,5 m, đa số bị ảnh hưởng triều rất mạnh. Ví dụ:
ở xóm Rạch Vọp, ảnh hưởng triều xảy ra mỗi ngày, tạo nên một loại trầm tích keo hóa gọi là trầm tích đồng thủy triều.
Cuối cùng là những vùng đất trũng thật thấp, luôn luôn ngập nước ở mức triều trung bình, gồm có đất đầm mặn và bãi thủy triều. Loại này không vượt quá cao độ 0,5 m. Diện tích chung có tính giới hạn, nằm cạnh ven biển. Đất đầm mặn phát triển nhiều ở huyện Bình Đại nhưng trở nên ít đi ở huyện Ba Tri và kém phát triển ở huyện Thạnh Phú.
Địa hình ở Trà Vinh mang tính chất đồng bằng ven biển với các giồng cát, chạy liên tục theo hình vòng cung và song song với bờ biển. Càng về phía biển, các giồng này càng cao và càng lớn. Do sự chia cắt bởi các giồng và hệ thống trục lộ, kênh rạch chằng chịt nên địa hình khá phức tạp. Các vùng trũng xen kẹp với các giồng cao, xu thế dốc chỉ thể hiện trên từng cánh đồng. Nhìn chung, cao trình phổ biến là từ 0,4 – 1,0 m, chiếm 66% diện tích đất tự nhiên.
Địa hình cao nhất (>4m) gồm các giồng cát phân bố ở Nhị Trường, Long Sơn (Cầu Ngang); Ngọc Biên (Trà Cú); Long Hữu (Duyên Hải). Địa hình thấp nhất (<0,4m) tập trung tại các cánh đồng trũng xã Tập Sơn, Ngãi Xuyên, Ngọc Biên (Trà Cú); Thanh Mỹ (Châu Thành); Mỹ Hòa, Mỹ Long, Hiệp Mỹ (Cầu Ngang); Long Vĩnh (Duyên Hải).
Do vậy, khác với các địa phương khác trong vùng, tại Trà Vinh đã hình thành nền sản xuất nông nghiệp khá đa dạng và phong phú với cơ cấu màu, lương thực, thực phẩm dưới đất thấp cộng với cây ăn trái phát triển trên các giồng cát. Cây lúa chiếm ưu thế ở các vùng trung bình-thấp, một số vùng trũng ven sông có thể nuôi tôm tự nhiên.
4) Thổ nhưỡng:
Diện tích 8 nhóm đất chính ở ĐBSCL như sau:
Luận văn thạc sỹ khóa Q11CS2 – Học viên Phạm Thị Bích Thục
(1) Nhóm đất cát : 43.318 ha (chiếm 1,1% tổng diện tích);
(2) Nhóm đất mặn : 744.547 ha (chiếm 19,1% tổng diện tích);
(3) Nhóm đất phèn : 1,600.263 ha (chiếm 41,1% tổng diện tích);
(4) Nhóm đất phù sa : 1,189.396 ha (chiếm 30,4% tổng diện tích);
(5) Nhóm đất lầy và than bùn : 24.027 ha (chiếm 0,6% tổng diện tích);
(6) Nhóm đất xám : 134.656 ha (chiếm 3,5% tổng diện tích);
(7) Nhóm đất đỏ vàng : 2.420 ha (chiếm 0,06% tổng diện tích);
(8) Nhóm đất xói mòn : 8.787 ha (chiếm 0,2% tổng diện tích);
Ngoại trừ 3 nhóm: nhóm (5) đất lầy và than bùn, nhóm (7) đất đỏ vàng và nhóm (8) đất xói mòn chủ yếu sử dụng để trồng rừng, 5 nhóm đất còn lại đều có thể trồng lúa và các loại cây trồng khác với từng mức độ thích nghi khác nhau.
Điều đáng lưu ý là 90% diện tích đất đai ĐBSCL là đất thủy thành (hình thành trong điều kiện có nước) và gần như phần lớn các dạng địa mạo cũng được hình thành do tác động của dòng chảy từ đó dễ dàng thấy được mối quan hệ ràng buộc chặt chẽ giữa địa mạo – đất đai – nước và khi một trong các yếu tố đó thay đổi sẽ kéo theo những thay đổi khác.
Trên hình 1.4 trình bày bản đồ đất ở ĐBSCL do Phân viện Quy hoạch và khai thác nông nghiệp xây dựng.
Luận văn thạc sỹ khóa Q11CS2 – Học viên Phạm Thị Bích Thục