CÁC CHỈ TIÊU ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ CÔNG TÁC QUẢN TRỊ NHÂN LỰC TRONG DOANH NGHIỆP

Một phần của tài liệu Hoàn thiện công tác quản trị nhân lực ở tổng công ty cổ phần đầu tư quốc tế viettel (Trang 35 - 40)

CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN TRỊ NHÂN LỰC

1.4. CÁC CHỈ TIÊU ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ CÔNG TÁC QUẢN TRỊ NHÂN LỰC TRONG DOANH NGHIỆP

Có thể sử dụng các chỉ tiêu sau đây để đánh giá hiệu quả của công tác quản trị nhân lực: Năng suất lao động, lợi nhuận bình quân tính cho một lao động, chi phí nhân công và mức độ hài lòng của nhân viên đối với doanh nghiệp. Ba chỉtiêu này có liên quan với nhau đồng thời cũng mâu thuẫn với nhau. Do đó trong quản lý cần làm thế nào để ba mặt đó được giải quyết hài hòa và cân đối với nhau đòi hỏi công tác quản lý doanh nghiệp nói chung và quản lý nguồn nhân lực nói riêng cần tính toán cụ thể, lựa chọn phương án tối ưu phù hợp với từng điều kiện cụ thể về thời gian, không gian để có thể đảm bảo mục tiêu của công ty là năng suất cao, chất lượng tốt, giá thành hợp lý đồng thời nâng cao sự hài lòng của người lao động.

1.4.1. Chỉ tiêu năng suất lao động

Năng suất lao động là chỉ tiêu cơ bản nhất trong đánh giá năng suất chung, nó biều thị lượng của cải, vật chất do mỗi lao động tạo ra. Năng suất lao động đánh giá hiệu quả của mỗi lao động trong việc tạo ra doanh thu hoặc tổng sản phẩm.

Lao động được xem là một trong những nguồn đầu vào quan trọng nhất vì thế nó được sử dụng rộng rãi trong việc đánh giá hiệu quả quản trị nhân lực. Năng suất lao động chịu ảnh hưởng của các yếu tố: chất lượng lao động, khả năng lao động tạo ra của cải vật chất, tức là những điều kiện cần thiết để phát huy được yếu tố lao động đạt được hiệu quả cao.

Năng suất lao động tính theo doanh thu:

Công thức tính = Doanh thu / Tổng số lao động Chỉ số này phản ánh lượng của cải, vật chất tạo ra từ số lượng lao động trong doanh nghiệp. Hiệu quả quản trị được thể hiện thông qua việc tổ chức bộ máy, cơ cấu phù hợp và phương thức quản lý đúng đắn sẽ giúp cho sử dụng lao động hợp lý, phát huy và khuyến khích lao động sáng tạo và giảm được các chi phí không cần thiết trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Để năng suất lao động tăng cao nhà quản lý cần chú ý đến các khâu sau: thiết kế công việc một cách hợp lý, lựa chọn phương pháp làm việc hữu hiệu, xác định khối lượng công việc bình quân hàng ngày, xây dựng chế độ, quy định một cách hoàn chỉnh đồng thời giám sát, chỉ đạo công việc sát sao.

1.4.2. Chỉ tiêu lợi nhuận bình quân tính cho một lao động

Nếu như năng suất lao động phản ánh lượng của cải, vật chất tạo ra từ số lượng lao động trong doanh nghiệp thì lợi nhuận bình quân tính cho một lao động lại phản ánh phần tài sản tăng thêm mà nhà đầu tư nhận được khi sử dụng một lao động, được tính như sau:

Lợi nhuận bình quân tính cho một lao động = Lợi nhuận / Tổng số lao động

Chỉ tiêu này cho biết bình quân một lao động tạo ra được bao nhiêu đồng lợi nhuận cho doanh nghiệp. Chỉ tiêu này phụ thuộc vào doanh thu, chi phí và số lao động. Doanh thu càng cao, chi phí càng thấp thì chỉ tiêu này càng hiệu quả.

1.4.3. Chỉ tiêu chi phí nhân công

Chi phí nhân công gồm các yếu tố như tiền lương, thưởng, các khoản phụ cấp…mà người lao động được hưởng sau một khoảng thời gian lao động. Để việc chi trả chi phí nhân công hiệu quả, nhà quản tri cần làm tốt các công việc như: phân công lao động giữa các bộ phận một cách rõ ràng, thiết lập quan hệ hợp tác hữu hiệu giữa các bộ phận; nghiên cứu xác định trách nhiệm mỗi công việc, mỗi chức vụ; bố trí người lao động phù hợp với chuyên môn; phối hợp cá nhân và tổ chức với công việc một cách hiệu quả.

Có thể phân tích chỉ tiêu này ở ba khía cạnh:

- Chi phí lao động cho một lao động:

Chỉ tiêu này phản ánh mức tiền công trung bình cho một lao động trong một khoảng thời gian nhất định. Nó thể hiện chế độ ưu đãi của doanh nghiệp với người lao động và chất lượng lao động có tay nghề cao. Chỉ tiêu này cao có nghĩa người lao động có thu nhập cao hơn hoặc doanh nghiệp đang đầu tư phát triển lao động và ngược lại.

- Chi phí lao động trong tổng doanh thu:

Tỷ số này thể hiện phần chi phí lao động trong tổng doanh thu, tỷ số này cao thì chi phí lao động cao và ngược lại.

- Chi phí lao động trong tổng chi phí:

Tỷ số này thể hiện phần trăm chi phí lao động trong tổng chi phí. Tỷ số này cao thể hiện mức chi phí lao động chiếm phần lớn chi phí đầu vào.

1.4.4. Chỉ tiêu mức độ hài lòng của nhân viên với doanh nghiệp

Mức độ hài lòng của nhân viên là một trong những tiêu chí đánh giá sự thành công của doanh nghiệp. Một khi nhân viên cảm thấy hài lòng với công việc, họ sẽ làm việc hiệu quả và gắn bó hơn với công ty. Khi mức độ hài lòng của nhân viên cao sẽ duy trì sự ổn định của nguồn nhân lực, giảm chi phí hoạt động và tăng năng suất kinh doanh. Để đánh giá được mức độ hài lòng của nhân viên nhà quản trị thường sử dụng Bảng câu hỏi khảo sát để tiến hành khảo sát mức độ tại công ty mình. Nội dung bảng câu hỏi đề cập chủ yếu đến các vấn đề sau đây:

- Mức độ hài lòng với công việc.

- Lương bổng và phúc lợi.

- Quan hệ nơi công sở.

- Phương thức đánh giá hiệu quả công việc.

- Thông tin.

- Đào tạo và phát triển.

- Sức khỏe và an toàn lao động

KẾT LUẬN CHƯƠNG 1

Từ việc nghiên cứu lý luận và thực tiễn về quản trị nhân lực ta có cơ sở để hiểu rõ hơn tầm quan trọng của nguồn nhân lực và quản lý nguồn nhân lực trong sự phát triển của đất nước cũng như sự phát triển của doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời qua Chương 1 chúng ta hiểu được những nét tổng quát về khái niệm nhân lực, quản trị nhân lực, các nội dung của quản trị nhân lực cũng như thực tiễn công tác quản trị nhân lực trong các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp quốc phòng làm kinh tế nói riêng

Toàn bộ nội dung trình bày ở Chương 1 được xem như là những tiền đề, cơ sở lý luận để áp dụng vào phân tích thực trạng công tác quản trị nhân lực của Tổng công ty cổ phần đầu tư Quốc tế Viettel. Đây cũng là những nội dung mà Chương 2 của luận văn tập trung nghiên cứu, từ đó tìm ra các tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong công tác quản trị nhân lực của Công ty nhằm chỉ ra các giải pháp thực sự khoa học và phù hợp với thực tiễn mang lại hiệu quả cao nhất.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện công tác quản trị nhân lực ở tổng công ty cổ phần đầu tư quốc tế viettel (Trang 35 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(133 trang)