Chương 2. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI, MỤC TIÊU, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.4. Phương pháp nghiên cứu
2.4.2. Phương pháp thu thập số liệu
2.4.2.1. Phương pháp thừa kế tài liệu
Mục đích của việc kế thừa tài liệu nhằm xác định được thông tin sơ bộ ban đầu về đặc điểm đối tượng nghiên cứu, khu vực nghiên cứu, những phương pháp
nghiên cứu định hướng. Đồng thời giảm bớt công sức và kinh phí cho việc nghiên cứu.
Các tài liệu được sử dụng và khai thác thông tin là những kết quả nghiên cứu của các luận văn, đề tài, dự án, hồ sơ, báo cáo về đặc điểm phân loại, phân bố tự nhiên, hình thái, sinh thái, giá trị, công dụng của loài; đặc điểm khái quát về điều kiện tự nhiên của khu vực nghiên cứu, đặc điểm khái quát về các trạng thái rừng, kiểu rừng nơi có loài Sến mủ phân bố,...
Phương thức kế thừa tài liệu tập trung vào kế thừa sơ cấp và thứ cấp, có sàng lọc, so sánh và chắt lọc thông tin quan trọng và có quan hệ mật thiết với đối tượng nghiên cứu, nội dung và phương pháp nghiên cứu.
2.4.2.2. Phương pháp điều tra ngoại nghiệp
(1) Điều tra đặc điểm lâm học của các trạng thái rừng có Sến mủ phân bố.
Trước tiên, từ bản đồ hiện trạng rừng kết hợp với thực địa để xác định 3 trạng thái rừng nơi có quần thể Sến mủ phân bố tự nhiên điển hình.
Tại các lâm phần rừng có Sến mủ phân bố điển hình, lập các tuyến điều tra có bề rộng 50 m. Chiều dài tuyến tùy thuộc vào diện tích của trạng thái rừng. Trên tuyến điều tra, tiến hành lập các ô tiêu chuẩn (OTC) hình vuông, điển hình, tạm thời, OTC có diện tích 2500 m2 (50m x 50m). Số lượng OTC cần lập cho mỗi trạng thái rừng tối thiểu là 3 OTC, tổng cộng có 9 OTC đã được lập.
Trên các OTC tiến hành xác định toàn bộ các loài cây gỗ, cây tái sinh, đo đếm các chỉ tiêu D1.3(cm), Dt (m), Hvn (m), Hdc (m); của tất cả các loài trong quần xã. Kỹ thuật đo đếm các chỉ tiêu trên của các loài được thực hiện theo hướng dẫn điều tra rừng thông thường. Ngoài ra cần mô tả thêm các đặc điểm sơ bộ về đặc điểm sinh cảnh của các OTC như: vị trí tương đối, thuộc kiểu rừng nào? độ tàn che của rừng, đặc điểm địa hình, loại đất,....
(2) Điều tra thu thập số liệu về cấu trúc của quần thể Sến mủ.
Trong OTC điển hình, tạm thời được lập ở trên, tiến hành đo đếm các chỉ tiêu về tầng cây trưởng thành của Sến mủ (tức cây có D1.3 > 6,0 cm). Các chỉ tiêu đo
đếm bao gồm: D1.3(cm), Dt (m), Hvn (m), Hdc (m); phẩm chất sinh trưởng của Sến mủ. Trong đó phẩm chất được phân thành 3 cấp: Sinh trưởng tốt, sinh trưởng trung bình và sức sinh trưởng kém. Việc phân cấp phẩm chất này dựa vào dấu hiệu hình thái bên ngoài bằng định tính. Trong đó, cây có sức sinh trưởng tốt là cây có đặc điểm hình thái bề ngoài như màu lá, hình thái tán, thân cây,...bình thường; cây không bị đổ gãy, không bị sâu, bệnh gây hại; Cây có sức sinh trưởng kém là cây có biểu hiện hình thái bên ngoài không bình thường như tán không đều, cây cong queo, đổ gẫy, bị sâu bệnh gây hại, màu sắc lá không bình thường. Cây có phẩm chất trung bình là những cây có đặc điểm nằm trung gian của cây sinh trưởng tốt và kém.
(3) Điều tra thu thập số liệu về cây tái sinh và các yếu tố môi trường
* Đặc điểm cây tái sinh Sến mủ
Trên các OTC, tiến hành lập 2 dải có bề rộng 5m, chạy song song với cạnh chiều dài của OTC. Trên mỗi dải tiến hành lập 5 ô dạng bản (ODB) hình vuông, có diện tích 25m2 , ngẫu nhiên, hệ thống tạm thời. Tổng cộng có 10 ODB được lập trong 1 OTC, do vậy có 90 ODB đã được lập.
- Trong ODB tiến hành đo đếm toàn bộ các cá thể Sến mủ có D1.3 < 6,0 cm.
Để đánh giá về tỷ lệ cây triển vọng, và quy luật phân bố số lượng cây tái sinh, đề tài phân cây tái sinh Sến mủ thành 5 cấp tuổi dựa vào đường kính D1.3 < 6cm và chiều cao vút ngọn. Trong đó, cây tái sinh cấp tuổi 1 là các cây có Hvn < 50 cm; cấp 2 là cây có Hvn từ 50 – 100 cm; cấp 3 là cây có Hvn từ 101 – 150 cm; cấp 4 là cây có Hvn
từ 151 - 200 cm; và cấp 5 là cây có Hvn > 200 cm. Toàn bộ cây tái sinh được tổng hợp sắp xếp vào các biểu mẫu điều tra theo loài, theo cấp tuổi, theo phẩm chất và nguồn gốc[10, 28, 29].
* Điều tra ảnh hưởng của độ tàn che tán rừng đến tái sinh sến mủ
Xác định yếu tố độ tàn che của rừng, bằng phương pháp ước lượng mục trắc, theo mạng lưới 10 điểm cách đều trên OTC[10, 12].
* Điều tra ảnh hưởng của thảm tươi, cây bụi, thảm khô, thảm mục đến tái sinh sến mủ
Đo đếm đặc điểm cây bụi và thảm cỏ được nghi nhận các thông tin về chiều cao bình quân, độ che phủ bình quân và độ dầy. Các chỉ tiêu của yếu tố này được xác định trên ODB bằng phương pháp dùng thước dây đo theo hai đường chéo của ODB, đo từng đường chéo một và tính trên thước dây những đoạn bị tán cây bụi, thảm tươi che kín, chia đoạn này cho tổng chiều dài của đường chéo sẽ cho ra được độ che phủ tương đối trên đường chéo, trung bình độ che phủ tương đối của hai đường chéo sẽ cho ra độ che phủ bình quân của một ODB[9, 28].
Ngoài ra, để xác định độ nhiều của thảm tươi, đề tài sử dụng các xác định độ nhiều của Druds. Theo Druds độ nhiều của thảm tươi được chia làm 8 cấp:
1) Soc khi với thực vật mọc rộng khắp, che phủ 75-100% diện tích;
2) Cop3 khi thực vật mọc rất nhiều, che phủ 50-75% diện tích;
3) Cop2 khi thực vật mọc rất nhiều, che phủ 25-50% diện tích;
4) Cop1 khi thực vật mọc rất nhiều, che phủ 5-25% diện tích;
5) SP khi thực vật mọc rất nhiều, che phủ 5% trở xuống;
6) Sol thực vật mọc rải rác phân tán;
7) Un khi có một vài cây cá biệt;
8) Gr thực vật phân bố không đều, mọc thành khóm.
Đối với yếu tố thảm khô, thảm mục để tài tiến hành xác định độ dày, khối lượng của lớp thảm khô, thảm mục. Tại các ODB tiến hành chia ODB thành 5 dải đều nhau, mỗi dải có diện tích 5 m2 (1m x 5 m). Trên dải tiến hành đo độ dày của lớp thảm khô bằng cách xác định 10 điểm cách đều, trên mỗi điểm đo độ dày bằng thước đo độ dày thông thường. Độ dày bình quân của 10 điểm là độ dày trung bình của dải, từ độ dày của dải sẽ xác định được độ dày của ODB. Đồng thời tiến hành gom toàn bộ thảm khô, thảm mục để cân trọng lượng. Cân trọng lượng được sử dụng cân đồng hồ, chính xác đến 10g[9, 28].
* Điều tra độ ẩm của tầng đất mặt
Trên tuyến điều tra tiến hành xác định nhanh độ ẩm của tầng đất mặt bằng máy đo nhanh (máy Soil pH & Moisture Tester, Model DM - 15), vị trí đo độ ẩm là trung tâm OTC1, loại OTC1 có diện tích 100m2, hình tròn, , thời điểm đo là từ 10 –
12 giờ trong ngày. Số lần đo lặp lại là 2 lần, một lần vào 15 tháng 6 và 15 tháng 9.
Độ ẩm trung bình của điểm đo sẽ là trị trung bình của 2 lần đo. Khoảng cách giữa 2 điểm đo là 100 m chiều dài theo tuyến, trên mỗi tuyến tiến hành đo 50 điểm, vậy có tổng cộng 150 điểm được quan sát[10, 12].
* Xác định xác suất bắt gặp Sến mủ tái sinh
Tại các OTC1, tiến hành xác định sự xuất hiện Sến mủ tái sinh. Trong phạm vi 100 m2 nếu bắt gặp Sến mủ thì được mã hóa thành giá trị "1", nếu không xuất hiện thì nhận giá trị "0".
* Điều tra ảnh hưởng của lỗ trống đến cây Sến mủ tái sinh
Trên tuyến điều tra lựa chọn các lỗ trống có diện tích ước lượng từ 50 m2 trở lên để đưa vào nghiên cứu. Diện tích lỗ trống được tính theo công thức diện tích của hình Elip: A =πL(W/4), trong đó L (Long axis, m) là chiều dài trục lớn, W (Wide axis, m) là chiều dài trục ngắn (m). Dựa vào diện tích to nhỏ khác nhau của lỗ trống, phân lỗ trống thành 5 cấp khác nhau[34]: cấp 1 (G1) gồm các lỗ trống có diện tích từ 50 – 100 m2, Cấp 2 (G2) có diện tích từ 101 – 200 m2, cấp 3 (G3) có diện tích từ 201 – 300 m2; cấp 4 (G4) với diện tích là 301 – 400 m2 và cấp 5 có diện tích từ >
400 m2, nếu diện tích lỗ trống lớn hơn 500 m2 thì bài viết không gọi là lỗ trống.
Tổng số lượng lỗ trống là 22 lỗ.
Để xem xét ảnh hưởng của vị trí không gian trong lỗ trống đến đặc điểm tầng cây tái sinh và cây bụi, tác giả đã tiến hành theo phương pháp sau, trên các lỗ trống tùy theo kích thước to nhỏ của lỗ trống mà lập từ 1 – 2 vòng khép kín đồng tâm để phân biệt vị trí không gian trong lỗ trống. Vị trí không gian phân thành 3 khu vực:
trung tâm lỗ trống, khu vực cận trung tâm lỗ trống và khu vực mép lỗ trống. Kế đến lập các ô dạng bản thứ cấp (ODB1) hình vuông, diện tích 4 m2 (2m x 2m), nằm trên 3 khu vực khác nhau của lỗ trống từ trung tâm tịnh tiến ra mép lỗ trống. Tại điểm trung tâm lỗ trống lập 1 ODB1, ký hiệu là CC (Central Gap), trên vòng khép kín cách tâm lỗ trống 4 – 5 m (khu vực cận tâm lỗ trống) lập 4 ODB1 theo hướng Bắc, Nam, Đông, Tây và đặt tên các ODB theo ký hiệu CN (phía Bắc cận trung tâm), CS
(phía Nam cận trung tâm), CE (phía Đông cận trung tâm) và CW (phía Tây cận trung tâm). Ở vị trí khu vực mép lỗ trống lập 4 ODB1 theo hướng Bắc, Nam, Đông, và Tây, đồng thời sử dụng các ký hiệu để biểu thị tên 4 ODB1 ở bốn hướng lần lượt là:
EN (phía Bắc mép lỗ trống), ES (phía Nam mép lỗ trống), EE (phía Đông mép lỗ trống) và EW (phía Tây mép lỗ trống). Vậy trên các lỗ trống sẽ được lập từ 1 – 9 ODB1[34].
Trên các ODB1 thu thập các thông tin về cây Sến mủ tái sinh theo phẩm chất, nguồn gốc và theo cấp tuổi.