CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
1.3. Các công trình nghiên cứu quản lý nhà nước về phòng ngừa lao động trẻ em
1.3.1. Nghiên cứu trên thế giới
Với bản báo cáo The end of child labour (Hồi kết lao động trẻ em: mục tiêu trong tầm tay) [100] vào năm 2006 ILO đã đưa ra một bức tranh tổng thể về tình hình LĐTE ở nhiều khu vực trên thế giới cũng như chỉ ra những nỗ lực của nhiều quốc gia trong việc ngăn chặn và loại bỏ các hình thức LĐTE tồi tệ.
Báo cáo cũng kiến nghị các quốc gia thực hiện các chính sách kinh tế, giáo dục, xóa đói giảm nghèo cần thiết nhằm loại bỏ LĐTE. Tuy nhiên, báo cáo chủ yếu mang tính kinh tế, xã hội và mới chỉ dừng lại ở việc khuyến nghị xây dựng các chương trình hành động chung ở cấp quốc gia, chưa đi sâu vào khía cạnh quản lý nhằm loại bỏ các hình thức LĐTE tồi tệ.
Ấn phẩm Ending child labour by 2025: A review of policies and programmes (Chấm dứt lao động trẻ em vào năm 2025 – Đánh giá các chính sách và chương trình) [123] của ILO năm 2018 đã khẳng định việc chấm dứt LĐTE vào năm 2025 phụ thuộc chủ yếu vào chính sách tích cực của Chính phủ mỗi quốc gia, được hỗ trợ bởi người lao động và người sử dụng lao động, các tổ chức quốc tế và rộng lớn hơn là cả cộng đồng cùng giải quyết các nguyên nhân của LĐTE.
31 1.3.2. Nghiên cứu ở Việt Nam
Tác giả Phạm Thúy Hương với cuốn sách, Lao động trẻ em khu vực nông thôn [57] năm 2009 đã đưa ra bức tranh tổng thể về LĐTE nông thôn giai đoạn 1993-2006. Tác giả tổng kết: trẻ em nông thôn luôn chiếm khoảng 80% tổng số trẻ em của cả nước. Trẻ em tham gia hoạt động kinh tế là hiện tượng khá phổ biến, khoảng 28%. Ba vùng có tỷ lệ trẻ em tham gia hoạt động kinh tế cao nhất là Tây Bắc (43,9%), Đông Bắc (35,2%) và Tây Nguyên (30,7%). Cuốn sách phân tích rõ một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng LĐTE nông thôn như:
bỏ học sớm, hoàn cảnh gia đình khó khăn, thiếu nơi vui chơi giải trí/hoạt động tập thể cần thiết cho trẻ, bạn bè lôi kéo, cần có tiền tiêu riêng. Trên cơ sở đó, tác giả cuốn sách đưa ra 3 quan điểm và đề xuất 8 biện pháp nhằm ngăn ngừa và hạn chế LĐTE khu vực nông thôn:
Quan điểm 1: cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan ban ngành, chính quyền các cấp và cộng đồng dân cư ở địa phương, người sử dụng lao động, đặc biệt là gia đình và bản thân trẻ em. Quan điểm 2: LĐTE phải được giải quyết dần từng bước, tập trung ưu tiên cho những vùng có tỷ lệ LĐTE còn cao và nhóm tuổi 10-14 tuổi. Quan điểm 3: LĐTE cần có sự hỗ trợ mang tính chất lâu dài và kết hợp các biện pháp động viên, giáo dục.
Các giải pháp chính cần thực hiện là: 1) Hoàn thiện hệ thống pháp luật về LĐTE và tăng cường hiệu quả của hệ thống này ở khu vực kinh tế tư nhân, kinh tế hộ gia đình; 2) Tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo và nâng cao mức sống cho các hộ gia đình nông thôn, đặc biệt là ở các vùng Tây Bắc, Đông Bắc và Tây Nguyên; 3) Phân bổ nguồn lực ưu tiên theo vùng, nhóm tuổi; 4) Phát triển hệ thống giáo dục đào tạo và dạy nghề tại chỗ; 5) Tiếp tục thực hiện chính sách giảm sinh một cách bền vừng ở khu vực nông thôn; 6) Nâng cao nhận thức và gắn trách nhiệm về vấn đề LĐTE cho cán bộ các ngành chức năng có liên quan, cán bộ chính quyền địa phương, người sử dụng lao động, gia đình và chính các em; 7) Tiến hành điều tra, nghiên cứu về LĐTE một cách toàn diện; 8) Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ nguồn lực, kỹ thuật và kinh nghiệm giải quyết vấn đề LĐTE ở những vùng có nguy cơ cao.
32
Trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác Việt Nam – Tây Ban Nha trong lĩnh vực lao động và xã hội giai đoạn 2008 - 2009, dự án: Dịch vụ xã hội đối với nhóm yếu thế và người lao động góp phần hoàn thiện khung chính sách về lao động – xã hội [33] đánh giá: ở Việt Nam nhóm yếu thế bao gồm: người cao tuổi, người tàn tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Mục tiêu của dự án nhằm đánh giá thực trạng xã hội đối với người lao động và nhóm yếu thể trong khung chính sách về an sinh xã hội; hỗ trợ hoàn thiện chính sách về đào tạo nghề và bảo hiểm xã hội, thúc đẩy các dịch vụ về dạy nghề và bảo hiểm xã hội cho những đối tượng này; từ đó xây dựng mô hình phù hợp với tình hình thực tiễn trong nước và tiếp cận được xu thế phát triển của quốc tế.
Đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phòng ngừa LĐTE, các bài viết Giải quyết vấn đề lao động trẻ em và trẻ em lang thang trong chiến lược bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em [71] của tác giả Quách Thị Quế năm 2013; Hiện trạng lao động trẻ em ở Việt Nam [87] năm 2001 của tác giả Nguyễn Thị Thiềng; Khó khăn trong quản lý, phòng ngừa lao động trẻ em – các giải pháp đề ra [34] (2009) của tác giả Đăng Doanh đã khẳng định đây là một công việc đòi hỏi kết hợp sự nỗ lực của gia đình, nhà trường và xã hội. Nhà nước cần đẩy mạnh chính sách trợ giúp xã hội đối với trẻ em, chính sách an sinh xã hội, tăng cường hoạt động truyền thông, tổ chức và quản lý tốt công tác dạy nghề, gắn trách nhiệm gia đình và xã hội trong việc giải quyết vấn đề LĐTE. Cùng với đó là đề xuất 6 nhóm giải pháp tăng cường công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em: hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách, quy định về trẻ em và LĐTE; Kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy làm công tác này từ trung ương đến cơ sở; Xây dựng mạng lưới bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng; Tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về LĐTE; Tăng ngân sách cho các hoạt động ngăn chặn, giải quyết LĐTE; Có chính sách hỗ trợ việc làm cho lao động bị mất đất ở các vùng ven đô nhằm hạn chế lao động di cư ra các thành phố lớn.
Đề tài nghiên cứu Một số giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện các cam kết quốc tế về lao động [18] của Bộ LĐ – TB - XH (2015) đã đi sâu nghiên cứu
33
các vấn đề liên quan tới LĐTE trong Công ước Quyền trẻ em cũng như các Công ước của ILO, đặc biệt là Công ước số 29 về Lao động cưỡng bức; Công ước số 138 về Tuổi tối thiểu được đi làm việc; Công ước số 182 về Các hình thức LĐTE tồi tệ nhất. Mặt khác, đề tài cũng tìm hiểu các nội dung trọng tâm liên quan tới tiêu chuẩn lao động và LĐTE trong các hiệp định Thương mại tự do (FTA), nhất là trong Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đề tài cũng tìm tòi, nghiên cứu về bối cảnh, qui trình xây dựng, các nguy cơ tiềm ẩn trong các Danh sách LĐTE và lao động cưỡng bức (TVPRA và EO 13126) của Bộ Lao động Hoa Kỳ từ khi bắt đầu có danh sách này vào năm 2009 cho tới năm 2012 khi Việt Nam có 02 hàng hóa bị tđưa vào danh sách này, cũng như cập nhật tình hình chko tới 2015. Bên cạnh đó, đề tài đã đi sâu rà soát, phân tích thực trạng của việc thực hiện các cam kết quốc tế và yêu cầu của công cuộc đổi mới và phát triển đất nước. Đề tài đưa ra một số giải pháp nhằm đẩy mạnh việc thực hiện các cam kết liên quan tới phòng ngừa và giảm thiểu LĐTE nói chung, trong đó có việc xây dựng một số nội dung chính trong quy trình để có thể đưa các mặt hàng của Việt Nam ra khỏi danh sách LĐTE của Bộ Lao động Hoa Kỳ và hạn chế các mặt hàng khác không bị đưa vào các danh sách này.
Luận án tiến sĩ Luật học Hoàn thiện pháp luật về lao động chưa thành niên trong điều kiện hội nhập quốc tế [67] của tác giả Trần Thắng Lợi năm 2012 là công trình chuyên khảo cấp tiến sĩ nghiên cứu pháp luật về người lao động chưa thành niên. Đóng góp của Luận án bao gồm: (1) Góp phần luận giải hệ thống lý luận về lao động chưa thành niên và pháp luật điều chỉnh đối tượng này trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Cụ thể: chỉ rõ cơ sở để xác định khái niệm người lao động chưa thành niên, xác định các đặc điểm riêng của đối tượng này để phân biệt với các loại lao động khác, đồng thời làm căn cứ cho việc hoàn thiện các quy định riêng đối với họ; Chỉ rõ mục đích, ý nghĩa của việc điều chỉnh pháp luật đối với người lao động chưa thành niên; Nêu ra những nguyên tắc điều chỉnh pháp luật riêng đối với người lao động chưa thành niên; Xác định các tác động chủ yếu của quá trình hội nhập quốc tế đối với pháp luật về người
34
lao động chưa thành niên. (2) Phân tích, chỉ ra những kinh nghiệm của một số nước khi điều chỉnh pháp luật đối với người lao động chưa thành niên. Đây là một trong những cơ sở tham khảo quan trọng nhằm so sánh và hoàn thiện pháp luật về người lao động chưa thành niên ở nước ta. (3) Đánh giá toàn diện về thực trạng pháp luật đối với người lao động chưa thành niên ở Việt Nam và chỉ ra những vấn đề cần phải sửa đổi, bổ sung trong hệ thống pháp luật. (4) Xác định những yêu cầu cần thiết của việc hoàn thiện các quy định hiện hành về người lao động chưa thành niên, đề xuất thêm một số giải pháp kèm theo luận giải cụ thể nhằm hoàn thiện pháp luật về người lao động chưa thành niên.
Luận án tiến sĩ Luật học Pháp luật về chống lao động cưỡng bức nhìn từ góc độ phát triển toàn diện [81] của tác giả Phan Thị Nhật Tài (2016) giúp cho người lao động, chủ thể có liên quan nâng cao nhận thức về lao động cưỡng bức để chống nguy cơ bị cưỡng bức lao động. Luận án bổ sung và đưa ra những kiến nghị, cũng như một vài giải pháp cụ thể nhằm hoàn thiện pháp luật chống lao động cưỡng bức đối với một số quy định pháp luật lao động trên cơ sở phù hợp luật pháp quốc tế, chiến lược phát triển kinh tế đất nước giai đoạn 2011-2020.
Luận án tiến sĩ Luật học Quyền trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở Việt Nam hiện nay [88] của tác giả Tăng Thị Thu Trang (2016) đã phân tích một cách có hệ thống các vấn đề lý luận cơ bản về quyền của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, làm rõ nội dung của các quyền và trách nhiệm của các chủ thể khác nhau trong việc bảo đảm quyền của các em. Luận án phân tích và làm sáng tỏ các khái niệm công cụ và phân loại các nhóm quyền trẻ em theo pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam, từ đó thấy rằng quyền trẻ em ở Việt Nam đã hầu hết được phủ kín trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, ngoài ra, tác giả còn chỉ ra các yếu tố tác động đến việc bảo đảm quyền của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và thực tiễn, đề xuất các quan điểm, giải pháp về bảo đảm quyền cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở Việt Nam hiện nay. Đề xuất đổi mới về nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các chủ thể khác nhau trong xã hội và sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các chủ thể trong việc bảo đảm các quyền của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
35
Ngoài ra, đã có nhiều bài báo, bài viết chuyên đề trên các báo, tạp chí và các cổng thông tin điện tử của các địa phương, các cơ quan, tổ chức nhà nước cũng như tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam từ các góc độ, phương diện khác nhau, tạo nên một cái nhìn đa chiều, toàn diện về vấn đề phòng ngừa LĐTE.
Có thể thấy, các công trình nghiên cứu quản lý nhà nước về phòng ngừa LĐTE đã khẳng định được vai trò của nhà nước trong phòng ngừa LĐTE nhưng mới chỉ đề cập đến từng công cụ quản lý riêng lẻ (như chính sách, pháp luật, tổ chức bộ máy) hoặc nhóm những công cụ quản lý nhưng lại ở một khu vực hay phạm vi hẹp. Tuy nhiên đó cũng là những tiền đề để nghiên cứu của luận án dựa vào và làm sáng tỏ hơn.