CHƯƠNG 3: THỰC TRẠNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ PHÒNG NGỪA LAO ĐỘNG TRẺ EM Ở VIỆT NAM
3.2. Phân tích thực trạng quản lý nhà nước về phòng ngừa lao động trẻ em ở Việt Nam
3.2.2. Xây dựng và thực hiện chính sách phòng ngừa lao động trẻ em
Thực hiện chỉ thị số 20/CT – TW ngày 5/11/2012 của Bộ Chính trị về “Tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới” cho thấy việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là vấn đề có tính chiến lược, lâu dài, góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai của đất nước. Làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường và toàn xã hội” [4], Chính phủ ban hành và thi hành các chính sách quốc gia, các chương trình hành động quốc gia theo đó các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền liên quan cam kết với nỗ lực hết sức để giải quyết vấn đề lao động trẻ em và các vấn đề khác liên quan tới trẻ em.
Chính sách bảo vệ, chăm sóc trẻ em trước kia chỉ tập trung giải quyết hậu quả, chăm sóc, giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, tuy nhiên trong những năm gần đây đã chú trọng đến việc chủ động phòng ngừa, can thiệp sớm, loại bỏ những nguy cơ cho mọi trẻ em trước khi bị tổn hại, đưa ra khung chương trình, chính sách đầu tư cho trẻ em trung hạn và dài hạn nhằm hướng tới một khung chính sách toàn diện cho trẻ em. Ví dụ: từ các chính sách phân tán, nhỏ lẻ như Quyết định 19/2004/QĐ-TTg của Chính phủ tập trung giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ em lao động trong điều kiện nặng nhọc nguy hiểm, Quyết định
112
84/2009/QĐ-TTg của Chính phủ về kế hoạch hành động vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDs, Quyết định 589/QĐ-LĐTBXH của Bộ LĐ-TBXH về phòng ngừa tai nạn thương tích trẻ em, Việt Nam đã lồng ghép vấn đề phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em vào nhiều chương trình, kế hoạch hành động cấp quốc gia, như Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em (các giai đoạn 1991-2000, 2000-2010, 2012-2020); Chương trình hành động quốc gia về bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt giai đoạn 1999-2002, Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015; Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016-2020; Chương trình ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm phạm tình dục và trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm giai đoạn 2004- 2010; Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em từ năm 2004 đến năm 2010; Chương trình phòng, chống mua bán người (các giai đoạn 2011 – 2015, 2016 – 2020); Chiến lược Phát triển Giáo dục 2011-2020.
Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012 – 2020 ban hành theo Quyết định số 1555/QĐ – TTg ngày 17/10/2012, Việt Nam đã đưa ra những mục tiêu: xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện và lành mạnh để thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em, từng bước giảm khoảng cách chênh lệch về điều kiện sống giữa các nhóm trẻ em và trẻ em giữa các vùng, miền, nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho mọi trẻ em. Các hoạt động chủ yếu được thực hiện qua truyền thông, chiến dịch, vận động xã hội để bảo vệ trẻ em và bảo đảm các quyền cơ bản của trẻ em [89].
Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016 – 2020 ban hành theo Quyết định số 2361/QĐ – TTg ngày 22/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ của chương trình giai đoạn trước với mục đích thiết lập một hệ thống bảo vệ trẻ em toàn diện và mở rộng độ bao phủ của các hệ thống địa phương. Sáng kiến này nhằm mục đích giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt xuống 5% vào năm 2020. 90% trẻ em có hoàn
113
cảnh đặc biệt sẽ được hỗ trợ để hội nhập vào cộng đồng và tiếp cận với các cơ hội phát triển [90]. Chương trình mới này cũng có mục tiêu mọi trẻ em đều được bảo vệ để giảm nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, chú trọng bảo vệ trẻ em để không bị xâm hại; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển [90]. Các nội dung tập trung vào các hoạt động sau: một là, truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho chính quyền các cấp, các tổ chức, gia đình, nhà trường, cộng đồng xã hội và bản thân trẻ em; hai là, củng cố hệ thống tổ chức, nhân lực và nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức, cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; ba là, phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em chuyên nghiệp, có đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu cần sự bảo vệ của mọi trẻ em; bốn là, xây dựng, hoàn thiện hệ thống theo dõi, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình, năm là, nâng cao năng lực, hoàn thiện thể chế về bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng và xử lý vi phạm hành chính.
Chương trình phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 được ban hành theo Quyết định số 1023/QĐ-TTg ngày 07/6/2016 với mục tiêu nâng cao nhận thức, và nâng cao năng lực và trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức có liên quan, cũng như người sử dụng lao động, cộng đồng, cha mẹ và trẻ em về vấn đề lao động trẻ em và các vấn đề liên quan tới lao động trẻ em [91]. Chương trình nhằm mục tiêu đưa ra hỗ trợ kịp thời và toàn diện đối với các trường hợp phát hiện vi phạm lao động trẻ em, đặt ra các mục điêu để phòng ngừa trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái với quy định của pháp luật. Chương trình tập trung vào các đối tượng như trẻ em đang tham gia lao động; trẻ em lao động trái với quy định của pháp luật hoặc trẻ em có nguy cơ; cha mẹ;
người sử dụng lao động tại các làng nghề truyền thống, cơ sở sản xuất và khu vực kinh tế phi chính thức.
Chương trình đề ra các nội dung cơ bản để giải quyết vấn đề lao động trẻ em và các vấn đề liên quan tới lao động trẻ em. Truyền thông, giáo dục,
114
vận động và chiến dịch xã hội là những phương tiện chính để nâng cao nhận thức của xã hội về vấn đề lao động trẻ em. Chương trình nhấn mạnh tầm quan trọng về cải thiện năng lực của đội ngũ công chức, viên chức tại các cấp địa phương trong việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và vai trò của thanh tra trong việc phòng chống, phát hiện, can thiệp và giảm thiểu lao động trẻ em.
Chiến lược Hội nhập quốc tế về lao động xã hội đến 2020, tầm nhìn đến 2030 với mục tiêu cụ thể “Phát triển hệ thống an sinh xã hội quốc gia hiệu quả, tăng cường bảo vệ các nhóm yếu thế phù hợp với các tiêu chuẩn khu vực và quốc tế…”[92] đã xác định nhiệm vụ cơ bản là “tăng cường bảo vệ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; phòng ngừa và hỗ trợ trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực, bị buôn bán, phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em; phát triển, hỗ trợ trẻ em tiếp cận hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em thuận lợi, công bằng và hiệu quả”.
Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững được ban hành theo Quyết định 622/QĐ – TTg ngày 10/5/2017 đã đưa ra các nhiệm vụ cụ thể để hoàn thành Mục tiêu 8.7 “Thực hiện kịp thời và hiệu quả các biện pháp để xóa bỏ lao động ép buộc, chấm dứt nạn buôn người và nô lệ hiện đại; ngăn chặn và xóa bỏ lao động trẻ em dưới mọi hình thức”, đó là:
- Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lao động, việc làm, trẻ em nhằm ngăn chặn và xử lý hiệu quả các hành vi sử dụng lao động ép buộc, buôn người và nô lệ hiện đại và lao động trẻ em dưới mọi hình thức.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về luật pháp, chính sách liên quan tới lao động trẻ em, nạn buôn người và nô lệ hiện đại, lao động ép buộc.
- Huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong công tác tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức xã hội về các hình thức lao động nói trên.
115